Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Câu chuyện được kể lại từ thời Phật giáo thiền tông hưng thịnh, tức là thời đại Kiếm Thương (Kamu Kara), trong khoảng thế kỷ XII và XIII ở Nhật Bản.

Khi chàng từ giã tông phái Nhật Liên của Nhật Liên thượng nhân (Nichiren Shônin) thì mái tóc đã điểm hoa râm. Chàng quay lưng ngọn núi Phú Sĩ bạc đầu, xuyên qua mấy rừng hoa anh đào để đi về miền xuôi.

          Vai với bọc hành lý đơn giản, đầu chiếc nón rộng vành che kín khuôn mặt, từng bước một chậm rãi như chúa lạc đà, chàng đi mấy ngày đêm ròng rã chỉ dành đôi chút nghỉ ngơi.- “Kia rồi!”. Chàng ngước mặt lên khẽ thốt. Chiếc cổng trúc vàng và hai bụi thục quỳ nổi hoa tím đã hiện ra. Đằng sau lối sỏi trắng điểm hoa cỏ li ti có bóng người gầy cao chống trượng đứng.

          Chàng quỳ gộp hai đầu gối xuống trong tư thế một môn sinh thuần gia:

          - Bạch Thầy - giọng chàng xoắn xít nôn nao biểu lộ một cảm xúc tuôn trào - Thầy vẫn còn mạnh.

          Người gầy cao chống trượng đứng không quay lại. Một đám mây xám bạc ửng màu lưu hoàng trôi qua đầu cây tuyết tùng. Buổi sáng có những tia nắng ấm và có mưa nhẹ bay bay.

          - Anh lại bỏ áo? Anh đến chào tôi rồi hẳn làm một cuộc ra đi mới hả, Ô Chu?

          Giọng người gầy cao chống trượng đứng nói trầm ấm và không biểu lộ một tình cảm nào.

          - Đã bỏ áo? Dạ bạch Thầy, không, con không bỏ áo. Không bao giờ!

          Người gầy cao chống trượng đứng đột ngột quay lại, cúi xuống hom hem nhìn chàng. Ký ức của Lão thiền sư lại trở về...

          Người gầy cao chính là thiền sư Đạo Nguyên, năm đó đã 83 tuổi. Và kia là vị trưởng đệ tử của Lão thiền sư, pháp danh Ô Chu (Oju Shônin) cách 30 năm về trước. Ngài còn nhớ rõ như in, người thanh niên với chiếc cằm vuông vức, trán phẳng và cao, đôi mắt xanh to nhưng sâu thẳm ẩn dưới hàng chân mày sắc mạnh như vệt đao. Người học trò này thông minh, tuyệt vời thông minh nhưng nóng nảy. Trong các buổi giảng tập kinh điển luận bàn giáo lý, đôi mắt y sáng rực rực, giọng hăm hở, dồn dập, náo nức; ngôn ngữ chữ nghĩa trôi chảy cuồn cuộn như sông dài; lý lẽ minh chứng xác thực, sắc bén như lưỡi kiếm xuyên đá, ba trăm môn sinh không ai tranh luận nổi với chàng dẫu là một điểm nhỏ về giáo lý. Nơi thiền phòng bao giờ chàng cũng là kẻ đến trước mà ra sau. Học không biết mỏi mệt, hành thiền không biết mỏi mệt. Tuy thế, Lão thiền sư Đôgen (Đạo Nguyên) bao giờ cũng lắc đầu: “Ba mươi năm nữa, ba mươi năm nữa!” Vì sao vậy? Lão thiền sư Đôgen lại nghĩ tiếp: “Y thật khó mà thấy được cái bình thường tâm. Y không bao giờ an tâm mà làm được các công việc nhỏ nhặt như bửa củi, gánh nước, tưới rau, quét sân, nhổ cỏ... Y là con người của đại sự kia, kẻ gánh vác những việc lớn lao trong trời đất, sứ mạng của y phải là cái gì tương tự như tát cạn bể đông, là quảy càn khôn trong cái đãy ta bà”. Mỗi lần Thượng tọa Quản chúng hay Thượng tọa Tri sự giao cho y những công việc chân tay thì khuôn mặt y mới thiểu não làm sao. Y thường nói: “Gánh một núi sách leo lên Hy Mã Lạp Sơn còn dễ chịu hơn làm cái việc lượm đá, quét sân...”. Sự khát khao về chân lý đạo bừng bừng bốc lửa trong ý chí của y, vì thế y không chịu được đời sống một môn sinh tầm thường nên khoác áo du tăng hành khước đi từ núi cao đến rừng thấp. Từ giã một buổi sáng mờ sương, Lão thiền sư đã ân cần trao cho chàng một chiếc áo cũ: “Thầy không có gì để kỷ niệm trước khi con ra đi. Đây là chiếc áo cũ năm xưa thầy cho, con đã bỏ đi, nay thầy khâu vá lại, mắt thầy mờ nên sang hết canh tư mới xong, con đừng quên nó nhé, thấy áo là thấy thầy, còn áo là còn thầy. Đừng quên nó nhé!”. Đã lâu lắm rồi Lão thiền sư nghe y đã bỏ áo rồi xin nhập một tu viện. Lại bỏ áo. Lại lên đường đến một thung lũng của các đạo sĩ Yogi nghe đâu ở tận miền Bắc để hỏi đạo. Một ngày mùa đông, tuyết ngập khe suối đến các hoang đảo, những vũng nước đóng băng, chàng dẫm qua mười hai ngọn núi, mười bảy làng sơn cước; đêm khuya trở về gõ cửa, Lão thiền sư tiếp chàng ngay nơi tẩm phòng, đốt lên một lò sưởi, hâm lại ấm trà, lấy ra một gói kẹo thảo mộc. Câu chuyện âm thầm giữa thầy cũ và trò xưa chẳng ai biết chẳng ai hay. Mờ sáng hôm sau, người lữ hành không biết mỏi mệt lại ra đi, lại lên đường, con đường nhiêu khê vô định; vai vẫn với bọc hành lý đơn giản dạo nào: “Bạch Thầy ạ, con chưa thể dừng chân được. Sinh tử là định mệnh thúc hối không rời. Tri thức con phóng vọt tới đằng trước như một con ngựa bất kham, nó không cần biết vực thẳm hay thảo nguyên, quê xưa hay đất Trích. Bạch Thầy ạ, tuy thế còn có chiếc áo cũ của thầy, giáo huấn nhắc nhở con mỗi khi lầm lỡ. Nó vẫn còn đây. Nó vẫn còn đây!”. Chàng mỉm cười xa xôi diệu vợi, vỗ vào bọc hành lý bạc màu rồi bước qua khung cửa thấp, đội tuyết lâm hành.

 

*

 

          Mùa hoa anh đào rụng cánh cách đây đâu đã gần hai mươi năm, Lão thiền sư nghe tin chàng đang thọ giáo với một Pháp sư người Trung Hoa tại miền cực Nam đảo Trường Kỳ. Không lâu sau lại tham học với một Thiền sư người Đại Hàn tại Kochi. Và cứ thế, nào là Giảng sư Tích Lan, Hòa thượng tiến sĩ người Miến Điện... Sở học sau đó, không biết chàng đã tiến bước tới chân trời nào - hay là không còn chân trời thì cũng vậy - mà chàng lại phất áo ra đi, từ bỏ con đường vi vút chông chênh của suy lý để đắm mình trong không khí của Chân Ngôn Mật Giáo tại Đông Tự (Toji) phía Nam Kyoto. Lửa ngàn đời lại âm ỉ thiêu đốt, đẩy chàng từ kinh đô lên núi non vùng Tây Bắc Akita ăn rễ trái cây sống đời khổ hạnh. Từ giã núi khổ hạnh chàng về Đông Kinh đăng đàn thuyết pháp, chàng rống tiếng sư tử trước mười ngàn thính chúng, cử tọa gồm môn sinh và tăng lữ các tu viện, thiền viện, Phật học viện... Người ta bàng hoàng, bủn rủn tê dại trước ngôn ngữ sấm chẻ và đôi mắt thu hút ma quái của chàng. Buổi giảng thuyết đầu tiên đã vang đến cung đình, thủ lãnh các tông phái, các pháp sư, luận sư tìm đến. Một hôm, dưới sự chủ tọa của Thái tử Kosen, chàng lần lượt đánh bại Tịnh Độ Tông mà đại biểu là Thân Loan thượng nhân (Shiram Shônin). Nhất Biến thượng nhân (Ipsen Shônin), một nhà sư lang thang tiếng tăm lừng lẫy không hẳn Chân tông không hẳn Tịnh độ. Rồi lần lượt những cao sĩ của Phật giáo quý tộc, Thiên Thai, Pháp tướng, Luật, Tam luận, Hoa Nghiêm, Thành Thật... đều bị rớt đài. Chàng giương cao ngọn cờ hưng khởi của thiền tông mà chàng gọi là Thiền Tông Tịch Mặc. Trong lúc Thái tử Kosen (Khải Nguyên) muốn dành mọi vinh quang cho vị Pháp sư siêu việt thì chàng đã mất tích. Nghe nói Nhật Liên thượng nhân đã mất (1282) và mong chàng là người kế vị giáo chủ. Và bây giờ...

          - Anh hãy nói đi! Vị lão sư quay lưng ngồi trên chiếc ghế đôn bằng đá trắng, nói dịu dàng

          - Không phải là nói cái kinh qua mà nói cái còn lại, cái đọng lại!

          Ô Chu ngước đầu lên, tròng mắt phản chiếu mặt hồ nước màu xanh trong, lặng lẽ. Y cởi bọc hành lý đặt dưới chân đức Thầy già nua rồi lấy ra chiếc áo cũ - chiếc áo màu nâu đã bạc màu còn nguyên nếp gấp, những tấm vá vụng về đã long những sợi chỉ vàng. Y nhìn thật lâu vào đấy đầy xúc động.

          - Bạch Thầy ạ, đây là chiếc áo cũ năm xưa bây giờ con muốn mặc lại, xin Thầy cho phép.

          Giọng chàng như lạc hẳn đi. Đôi mắt Lão thiền sư rướm lệ, có lẽ là những hạt nước mắt đầu tiên và cuối cùng.

          - Con có nói gì nữa không, Ô Chu? Tóc con đã bắt đầu điểm muối sương rồi.

          - Dạ!

          Im lặng.

          - Con không nói gì ư?

          - Dạ!

          Lại im lặng.

          Một con chim vành khuyên mỏ đỏ hét một tiếng lảnh lót xao động không gian. Một cơn gió nhẹ nhặt mấy cánh hoa anh đào ném tung vài con bướm lượn. Một cánh rơi nằm trên manh áo cũ. Lão thiền sư mỉm cười cúi xuống bắt bỏ lên lòng bàn tay:

          - Ba mươi mùa hoa anh đào đã qua đi rồi, thuở con từ giã nơi này nhưng mấy cánh hoa rụng vẫn giống nhau.

          Lão thiền sư ngước nhìn trời. Đám mây bay qua đầu cây tuyết tùng giờ lại long lanh màu hổ phách. Ngài chống gậy chậm rãi bước đi. Nhìn theo dáng hạc gầy guộc của Thầy, Ô Chu liên tưởng đến một đỉnh núi đá cô liêu và chàng là con sông dài cuồn cuộn chảy ra khơi. Ai ngờ con sông trở lại...

 

*

 

          Trai đường rộng mênh mông, mấy trăm môn sinh ngồi tĩnh tọa giây lát trước khi vào bữa ăn sáng bằng cháo ngũ cốc. Namu Sakyamuni Budha, họ đã tụng Phật hiệu xong tiếp theo là lời quán tưởng. Giọng tụng thoát khung cửa lớn, ùm ùm tỏa ra chao động cả khoảng không gian còn đọng hơi sương. Lão thiền sư lọc cọc đầu gậy trúc đột ngột đi vào với một trung niên tóc đã điểm hoa râm:

          - Các con thân mến! Rồi Lão thiền sư vỗ vỗ lên vai Ô Chu - Hôm nay thầy giới thiệu với các con một môn sinh mới xin nhập viện, thầy đã cho y thọ Tam quy và Bát quan trai giới, pháp danh là Ô Chu; các con hãy sống thuận thảo, tương ái tương kính lẫn nhau, lấy lục hòa tứ nhiếp làm trọng.

          Mấy trăm đôi mắt tò mò, thú vị hoặc lãnh đạm nhìn người đàn ông lớn tuổi, lớn tuổi hơn cả những vị Thượng tọa cao hạ ở đây:- “Nhưng người y sao rừng rú thế! Ở nơi cái thân thể lực điền, mày thô mắt cứng không tìm thấy một nét văn nhược thì học hành cái gì? Cuốc đất thôi. Y lại khoác lên người chiếc áo vải thô cũ, quá cũ, vá đùm vá chặp trông chẳng được mắt chút nào...”.

          - Thượng tọa Quản chúng, Thượng tọa Tri luật, Thượng tọa Tri sự, Thượng tọa Giáo thọ đâu?

          Tiếng Lão thiền sư yếu, thanh nhưng sắc mạnh. Cuối trai phòng, bốn vị Thượng tọa đồng đứng dậy chắp tay ngang ngực.

          - Các thầy đã biết bổn phận nhất định của mình là phải làm gì đối với một tân môn sinh!

          - Dạ!

          Lão thiền sư bước ra cửa. Chiếc bóng cao lênh khênh, màu áo khói hương như tan lẫn trong sương chỉ còn vọng lại đều đặn tiếng gậy trên lối sỏi.

          - Lại đây, lại đây, người bạn đạo!

          - Lối này, lối này!

          - Chiếu này, chỗ này!

          - Chỗ anh là chỗ cuối cùng kia, người em út.

          - Mới vào chùa mà ra vẻ sư cụ nhỉ?

          - Một trăm gánh nước, ha ha, bài học nhập môn hạng bét cơ đấy!

          - Quét một ngàn giỏ lá hoa anh đào, nghen ông bạn già! Mòn vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp cái chổi, phải biết!

          - “Cù” thế!

          Tiếng tiếp tiếng, câu tiếp câu chen chúc xen lộn ồn ào. Một tiếng bảng mộc vang lên:

          “Chư đệ, chư đệ, hãy im lặng!”
          “Chư đệ, chư đệ, chớ quên mình, chớ phóng dật!”

          Trai đường im lặng trở lại.

 

*

 

          Người ta rất ngạc nhiên về vị môn sinh mới. Suốt ngày y rất ít nói, lặng lẽ như chiếc bóng của mình. Y không tỏ vẻ cố gắng lắm nhưng hoàn tất dễ dàng các công việc được giao phó. Y làm không chậm, không nhanh, đôi khi rất chậm, đôi khi rất nhanh, bao giờ cũng toát ra cái thanh thoát, nhẹ nhàng êm ả, dẫu cho cái thân thể to lớn nặng nề. Người ta không thấy y trầm tư thiền định, không mơ mộng buồn phiền. Đôi khi thấy y ngâm khe khẽ một vài câu thơ cổ, một vài câu kệ với âm thanh phát ra ư ử trong cổ họng, không ai nghe được. Đặc biệt, cái trầm tĩnh của y đến độ làm cho người ta lạnh mình. Chuyện kể rằng, Lão thiền sư cho phép y làm một cái cốc rạ phía sau hốc núi, cách chỗ ở của Thiền sư một con suối nhân tạo và một hòn giả sơn. Hôm kia, cốc phát hỏa do một môn sinh nướng khoai sơ ý gây nên, về đến nơi thì chỉ còn một đống tro, vị môn sinh kia áy náy, bối rối đến tội nghiệp.- “Thôi để làm cái khác!” (làm cái khác nghĩa là suốt một tuần ròng rã mới xong),- “Vậy chớ sau đó thầy có ăn khoai được không, hay là nó đen thui?” Người ta chơi nghịch đốt giải áo của chàng trong lúc chàng đang nghỉ trưa, khi ngồi dậy thì đám lưng đã cháy một mảng. Chàng nói: “Đốt thịt thì thịt phải cháy thôi!”. Chàng đã không biết giận ai mà lại hay cười. Chàng mỉm cười với mọi sự, mỉm cười với cả những “lính cũ” bắt nạt “lính mới”, mỉm cười với tất cả những công việc khó khăn, nặng nề, hôi hám mà người ta đùn cho chàng - Ở đâu mà không thế. Chàng rất ít khi nghỉ ngơi, ai hỏi lý do, chàng nói: “Ngay chính nơi công việc, ta luôn luôn tìm được sự nghỉ ngơi”. Những công việc tay chân và thiên nhiên là sự nghỉ ngơi của chàng, sự nghỉ ngơi thiêng liêng nhất mà không phải tuổi nào cũng thấy được, người nào cũng hiểu được. Do vậy, trong công việc chàng làm với tất cả đam mê và sáng tạo. Trong thiên nhiên, sự hiện hữu của muôn loài muôn vật chàng nhìn ngắm với sự mới lạ trong từng giây khắc, với trọn tâm hồn của mình.

          Sáu tháng sau, Thượng tọa Giáo thọ kêu y lên:

          - Chú chấp tác mọi công việc rất tốt, Thượng tọa Tri sự yêu cầu tôi bắt đầu dạy giáo lý cơ bản cho chú, nhưng trước khi vào chương trình, tôi phải biết sơ về trình độ hầu dọn cho chú một chương trình giáo lý riêng biệt thích hợp; muốn vậy chú phải trả lời câu hỏi đầu tiên: Chú đi tu đã lớn tuổi, chú đến với Phật giáo quá muộn màng, chú biết đấy, vậy thì chú biết gì về Phật không? Nghĩa là tôi muốn hỏi rằng chú đã biết Phật là gì chưa?

          “Lão tân môn sinh” lúng túng ra mặt, khẽ nhìn vị “Thượng tọa bác học” rồi lại cúi xuống.

          Đọc được tia mắt ấy, Thượng tọa Giáo thọ cố gắng diễn giải:

          - Chú chỉ cần nói ra cái ý niệm, không, chả cần, chữ ý niệm rắc rối khó hiểu. Thượng tọa nhăn mày - Hay là thế này vậy, chữ Phật gợi cho chú hình ảnh nào, phải, hình ảnh, cái hình ảnh thiêng liêng hoặc gần gũi mà chú đã bắt được trong đời sống của mình. Phải rồi, chú nói đi Phật là gì nào?

          Quả thật, chàng lạ lùng, ngạc nhiên trước câu hỏi này. Phật là gì? Ồ! Phật là gì nhỉ? Ở nơi cái ngôn ngữ tối tăm u ám của con người có chỗ nào diễn tả chân xác nhất? Đầu óc Oju Shônin làm việc thật nhanh, như chiếc đèn cực sáng quét qua một lượt mấy cánh rừng ngôn ngữ. Qua gần mười cổ ngữ và mười lăm ngoại ngữ khác nhau, chàng không tìm ra từ thích hợp. Những chữ, những chữ hiện tuần tự thứ lớp như cuốn phim tốc quay và chàng chụp bắt với đôi mắt của loài cá. Thế nhưng, Phật là gì? Ồ, Phật là gì nhỉ?

          Và, thế là Ô Chu thiểu não, lắc đầu.

          - Chú không biết, Thượng tọa Giáo thọ thở dài, Phật mà chú không biết là gì, thì xin lỗi... đi tu như vậy là cuồng tín mất thôi. Ôi, tín mà không có trí là hỏng rồi!

          Ô Chu cũng thở dài. Biết sao được, thầy Giáo thọ quở phiền chàng là phải lắm. Ôi, rõ ràng là không thể nói Phật là gì. Nói ra là hỏng mất thôi.

          - Pháp là gì? Thượng tọa Giáo thọ đưa mắt thương hại hỏi tiếp: Dầu chú không biết Phật là gì nhưng tôi vẫn hy vọng là chú biết Pháp, biết được cái chân lý mà từ đó chú đoạn bỏ đời cư sĩ áo trắng tục lụy và tối tăm để về với ánh sáng đạo. Pháp là gì? Tôi đã cố gắng tìm kiếm nơi chú một hiểu biết tối thiểu, như gạn cát tìm vàng. Pháp là gì? Bạn thân mến, Pháp là gì nào?

          Pháp là gì? Ô Chu chợt mỉm cười. Chàng biết rõ cái đó trong tâm, chàng đã cùng hít thở, đi đứng với nó; nhưng biết nói làm sao nhỉ! Ôi, sao ngôn ngữ loài người nó nghèo nàn đến thế?

          Trong lúc cố gắng kiếm tìm, cân nhắc... bất chợt chàng thấy một cánh thảo lan thè nụ hoa vàng từ sau gộp đá nâu.

          - Kìa, Thượng tọa. Chàng rối rít đưa tay chỉ - Một nụ thảo lan, có phải không, là nụ thảo lan. Ôi, đẹp làm sao!

          - Cái gì? Vị giáo thọ quắc mắt - Chú nói cái gì? Tôi hỏi Pháp là gì? Chú nói, kìa, một nụ hoa vàng, một nụ thảo lan là quái gì? Thiền sư “rởm”, chú ạ! Ai cũng có thể nói được một nụ hoa vàng, đẹp lắm, xưa quá rồi, “chưa bắt chuột đã đòi ỉa bếp”, thôi đi “hỡm” ạ!

          Thượng tọa Giáo thọ đứng bật dậy, thu vội vở sách trên bàn.

          - Chú hãy trở về trình diện lại Thượng tọa Tri sự. Kiếp này chú không tu huệ được đâu, chỉ tu phước thôi. Hãy cố gắng tích lũy công đức trong lao tác, trong đời sống phục vụ Tam bảo, công đức ấy sẽ hộ trì dắt díu chú. Con đường này tay chân nhưng chắc chắn và vững bền, hợp với khả năng của chú đấy. Tôi cầu nguyện Phật lực gia hộ cho chú...

          Ra đến cửa rồi, Thượng tọa Giáo thọ quay lại nhìn chàng một hồi lâu.

          - Chiếc áo vải thô của chú đã cũ quá rồi, chú không có cha mẹ, bà con họ hàng thân thích gì cả sao?

          - Dạ không ạ!

          - Vậy thì để tôi đề nghị lên Thượng tọa Quản chúng, Đại đứùc Thủ quỹ may cho chú một vài bộ áo quần cho tiện việc chấp tác, chiếc áo kia cũ quá rồi đấy!

          Ô Chu mỉm cười:

          - Thôi, Thượng tọa ạ! Chiếc áo này cũ nhưng còn chắc chắn hơn cả bao gai. Nếu biết vá víu cho khéo thì cũng có thể dùng được lâu, chỉ có cái là bàn tay của đệ tử thô tháo, vụng về.

          Thượng tọa Giáo thọ nhìn hai bàn tay chai sạm, u nần kệch cợm của Ô Chu, cười thành tiếng:

          - Phải rồi, chú sinh ra không phải là để học, là để ngồi trên những chiếc ghế vàng son lộng lẫy của Pháp sư, của Giảng sư!

 

*

 

          Ba hồi chuông trống Bát-nhã rộn ràng vang lên đánh thức sự tĩnh mịch của đêm sương. Đèn đuốc bất chợt bật sáng đó đây.

          - “Thầy đã tịch rồi!”

          Tin truyền rất nhanh. Tất cả môn sinh đã tụ về lố nhố đứng cung kính, ủ rũ trước cốc Lão thiền sư Đôgen (Đạo Nguyên), không một tiếng động. Lát sau, tiếng niệm Phật hiệu thầm thì rồi lan ra, lan ra mãi. Các vị Thượng tọa cao hạ và chức sắc quỳ thành vòng tròn chung quanh thiền sàng, tay chắp lên ngực, có đôi vị vai rung rung như cố kềm giữ tiếng nấc.

          Lão thiền sư Đôgen không bệnh, không báo trước mà lặng lẽ ra đi, trong thế kiết già phu tọa, khuôn mặt tỏa sáng niềm an lạc nhưng thần thức giờ đã tiêu diêu ở cõi đầy hào quang và ánh sáng nào...

          Phần Ngài thế là xong- “Hữu lai nhi khứ, hữu khứ lai hề! Tri chi bất lai, tri chi bất khứ. Nhiên khứ lai hề thiên thu giả mộng!”(Thơ Viên Minh). Nhưng còn người nối hậu? Y pháp chưởng giáo Ngài đã truyền lại cho ai chưa? Đấy là câu hỏi lởn vởn trong đầu của mọi người.

          Không ai tìm ra di chúc, một lời giáo huấn tối hậu nào. Thật khó phân xử đây? Thượng tọa Quản chúng một đời hỷ xả, niên trưởng và đạo hạnh. Thượng tọa Tri sự một đời phục vụ, hạ lạp cao và vô vàn công đức. Thượng tọa Tri luật niên cao, hạ lạp lớn, gương mẫu cho chúng, nghiêm minh và thanh tịnh. Thượng tọa Giáo thọ dẫu hạ lạp ít hơn chút đỉnh, trẻ tuổi nhưng một đời ít ngủ, ít ăn, chăm lo hằng trăm lớp giảng huấn, hằng chục trình độ khác nhau lại là kẻ suốt thông Tam tạng, là linh hồn tri thức, là kiến thức cho viện. Sau lễ nhập tháp ba ngày, một buổi họp giới hạn được tổ chức, nơi đây chỉ gồm các vị Tỳ kheo chức sắc hoặc từ năm hạ trở lên. Bốn nhóm thân hữu hoặc cảm tình riêng lẻ với bốn vị Thượng tọa tranh luận cho huynh trưởng của mình. Ai cũng cố đưa ra những dẫn chứng nghiêm trang và cụ thể nhất.

          Ban đầu thì ngôn ngữ khiêm cung, nhã nhặn đến lúc ai chẳng chịu thua ai, tranh luận biến thành tranh cãi rồi trở nên sôi nổi, gay cấn, ồn ào. Một vài cánh tay đã giận dữ đưa lên cao. Một vài đôi mắt đã gườm gườm bốc khói. Những tiếng bảng mộc không ngớt vang lên:

          “Chư đệ, chư đệ, im lặng nào!”
          “Chư đệ, chư đệ, chớ phóng dật, chớ quên mình!”

          Nhưng vô ích. Ở đây đã có rất nhiều loại ngựa non háu đá, gà tơ mới mọc cựa.

 

*

 

          Trong lúc ở thiền đường xảy ra cuộc tranh luận thì ở sau hốc núi có một bóng đen lặng lẽ luồn qua các vòm cây đến ngôi tháp mới. Bóng đen quỳ trước cửa tháp từ canh gà đầu tiên đến lúc sao mai vừa mọc, y đứng dậy giũ sương trên áo rồi lảo đảo thắp ba nén nhang, sương mù dầy đục cả trời, gió hiu hiu buốt lạnh. Luồn qua lối cũ, đến cổng trúc vàng bụi thục quỳ, y dừng lại, ánh trăng hạ tuần nhợt nhạt trong màu bụi trắng. Tiếng một con cú rúc lẻ loi, y đưa mắt một vòng. Bóng một người quảy đãy ta bà lần theo lối sỏi khuất dưới chân đồi.
 

(ảnh minh họa )

          Đấy là Oju Shônin, chàng lặng lẽ từ giã thiền viện, nhẹ nhàng âm thầm và cô liêu hơn cả kẻ từ giã cuộc đời. Chàng đến một động đá, trịnh trọng khoác chiếc áo cũ nơi người rồi an nhiên kiết già tịch diệt, trên môi còn thoảng nụ cười Linh Thứu. Qua ánh sáng mờ từ cửa động hắt vào, người ta đọc được từ lưng chiếc áo cũ mấy dòng chữ chân phương, đôn hậu, bút tích không thể lầm lẫn của Lão thiền sư quá cố:

          “Y pháp bất y nhân
          Y nhân bất y pháp
          Nhân pháp liễu mật thâm
          Mạc câu, phi thủ trước”.

          (Thiền tông đời thứ hai, Kiếm Thương hưng khởi, Đạo Nguyên tỷ kheo; phụng truyền đệ tử trưởng đắc pháp đời thứ ba là OJU SHÔNIN,1284)

          Thế là Pháp, Y, Nhân đã cùng tịch diệt với nhau trong động đá. Cho nên hiện nay, phái này đã không còn truyền thừa. Chuyện kể rằng, một trăm tám mươi năm sau di tích này vẫn còn. Một thiền sư nghệ sĩ vô danh trong khi sơn thủy hành khước ghé qua đây, biết chuyện của người xưa, xúc động làm một bài thơ nét chữ long phượng, dường như còn mãi đời đời nơi vách đá:

          “Thầy là đỉnh núi đá cô liêu ngàn đời tịch mặc,
          Trò là con sông dài cuồn cuộn bỏ núi ra khơi,
          Còn đây áo cũ ngậm ngùi,
          Còn đây biển núi nụ cười an nhiên”.



- - - - - - - - - - - -
Trích trong “Truyện cổ Phật giáo
Huyền Không sưu tập”