Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Bạn có thể nhận ra dấu hiệu thiếu sắt qua móng tay, làn da và mái tóc. Bên cạnh đó, các biểu hiện thiếu sắt khác bao gồm tình trạng đánh trống ngực, hội chứng chân không yên, tay chân lạnh…
Tình trạng thiếu sắt có thể làm giảm lượng hồng cầu một cách bất thường vì sắt giúp tạo ra huyết sắc tố (hemoglobin), một loại protein trong các tế bào hồng cầu giúp mang oxy đi khắp cơ thể. Nếu cơ thể không có đủ lượng huyết sắc tố, các mô và cơ bắp của bạn sẽ không được cung cấp đủ oxy để hoạt động hiệu quả. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng thiếu sắt bao gồm:
Mang thai
Mất máu nặng
Bệnh viêm ruột
Chảy máu trong
Chế độ ăn uống hoặc ăn kiêng hạn chế
Các dấu hiệu thiếu sắt sẽ biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu máu, mức độ phát triển, tuổi và tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn.
Tình trạng thiếu sắt có thể dẫn đến các triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bao gồm sức khỏe, sự tập trung và năng suất làm việc kém. Dưới đây, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu 10 dấu hiệu thiếu sắt bạn cần biết nhé!

1. Dấu hiệu thiếu sắt ở móng tay

Một trong những dấu hiệu thiếu sắt ít người biết nhất chính là móng tay giòn hoặc có hình thìa. Tình trạng này còn gọi là koilonychia. Dấu hiệu thiếu sắt ở móng tay này thường bắt đầu với tình trạng móng giòn dễ gãy và nứt. Trong giai đoạn sau của thiếu sắt, móng tay hình thìa có thể xảy ra khi phần giữa của móng và các cạnh được nâng lên để tạo vẻ ngoài tròn như cái thìa.
Tình trạng móng tay giòn hoặc hình thìa là triệu chứng thiếu sắt hiếm gặp và thường chỉ thấy trong các trường hợp thiếu máu nặng do thiếu sắt.

2. Da nhợt nhạt do thiếu sắt

Tình trạng da nhợt nhạt là một trong các dấu hiệu thiếu sắt phổ biến. Các huyết sắc tố trong tế bào hồng cầu giúp cho máu có màu đỏ, do đó mức độ chất sắt thấp trong cơ thể làm cho da mất đi vẻ hồng hào vốn có.
Tình trạng da nhợt nhạt có thể xuất hiện trên khắp cơ thể, hoặc có ở một số khu vực như mặt, nướu, bên trong môi hoặc mí mắt dưới và thậm chí cả móng tay.
Đôi lúc, bác sĩ sẽ kiểm tra các biểu hiện thiếu sắt trên da để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, cách tốt nhất là bạn nên xác nhận bằng xét nghiệm máu.

3. Thiếu sắt gây khô da và tóc

Da hay tóc khô và hư tổn có thể là dấu hiệu thiếu sắt. Điều này là do khi cơ thể bạn thiếu sắt sẽ hạn chế oxy đến các cơ quan và các mô ở da và tóc. Da và tóc bị thiếu oxy thường trở nên khô yếu. Các trường hợp thiếu sắt nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tình trạng rụng tóc.

4. Thiếu sắt gây khó thở

Huyết sắc tố giúp các tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể. Khi nồng độ huyết sắc tố sụt giảm do thiếu sắt, nồng độ oxy cũng sẽ giảm. Lúc này, cơ thể của bạn buộc phải tăng nhịp thở để nhận được nhiều oxy hơn. Đây là lý do tại sao tình trạng thiếu sắt gây khó thở.
Khó thở cũng có thể là dấu hiệu thiếu sắt
Nếu bạn thấy khó thở khi vận động bình thường hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang hoặc làm việc, đó có thể là biểu hiện của thiếu sắt.

5. Thiếu sắt gây đau đầu

Triệu chứng đau đầu ít phổ biến hơn so với các triệu chứng khác và thường đi kèm với chóng mặt. Khi bị thiếu sắt, nồng độ hemoglobin thấp trong các tế bào hồng cầu khiến chúng không cung cấp đủ oxy đến não. Điều này có thể khiến các mạch máu trong não sưng lên, gây ra áp lực và dẫn đến đau đầu.
Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây đau đầu, nhưng tình trạng đau đầu tái phát thường xuyên và chóng mặt có thể là dấu hiệu thiếu sắt.

6. Đánh trống ngực có thể là dấu hiệu thiếu sắt

Tình trạng tim đập nhanh là một dấu hiệu thiếu sắt ít phổ biến. Khi bị thiếu máu do thiếu sắt, nồng độ hemoglobin thấp khiến tim phải làm việc vất vả hơn để cung cấp đủ oxy cho các cơ quan trong cơ thể. Điều này dẫn đến nhịp tim không đều, hoặc cảm giác tim bạn đập nhanh bất thường. Trong trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến tim to, tiếng thổi ở tim hoặc suy tim.

7. Dấu hiệu thiếu sắt ở miệng

Đôi khi chỉ cần nhìn vào bên trong hoặc xung quanh miệng là bạn có thể biết liệu mình có đang bị thiếu máu do thiếu sắt hay không. Các dấu hiệu thiếu sắt ở miệng bao gồm lưỡi sưng, viêm, nhợt nhạt hoặc nhẵn. Nồng độ huyết sắc tố thấp do thiếu sắt có thể làm giảm myoglobin, một protein trong các tế bào hồng cầu hỗ trợ hoạt động của các cơ bắp như cơ lưỡi, điều này gây đau và sưng ở lưỡi hoặc quanh miệng
Một số biểu hiện thiếu sắt điển hình ở miệng
Thiếu sắt cũng có thể gây khô miệng, gây nứt khóe miệng hoặc loét miệng.

8. Thiếu sắt khiến chân không yên

Hội chứng chân không yên cũng chính là một dấu hiệu thiếu sắt. Tình trạng này thường nặng hơn vào ban đêm, gây khó chịu và ngứa ở chân, từ đó khiến những người mắc bệnh khó ngủ. Có tới 25% người mắc hội chứng chân không yên có liên quan đến thiếu máu do thiếu sắt. Nồng độ sắt càng thấp, các triệu chứng càng nặng hơn.

9. Thiếu sắt gây mệt mỏi

Cảm thấy mệt mỏi là một trong những triệu chứng thiếu sắt phổ biến nhất, xảy ra ở hơn một nửa những người bị thiếu sắt. Bên cạnh việc cơ thể không có đủ lượng huyết sắc tố đưa oxy đến các mô và cơ bắp, trái tim bạn phải làm việc nhiều hơn để bơm oxy khắp cơ thể, điều này có thể khiến bạn chóng mặt và mệt mỏi. Vì mệt mỏi thường được coi là điều bình thường của cuộc sống hiện đại nên rất khó để chẩn đoán thiếu sắt chỉ với triệu chứng này.

Nhiều người gặp phải dấu hiệu thiếu sắt thường cảm thấy dễ cáu kỉnh, khó tập trung hoặc làm việc kém hiệu quả.

10. Các dấu hiệu thiếu sắt khác

Một số dấu hiệu thiếu máu thiếu sắt khác có thể bao gồm:
Tay chân lạnh: Thiếu sắt khiến máu không cung cấp đủ oxy cho các bộ phận cơ thể khiến tay và chân lạnh.
Dễ bị nhiễm trùng: Vì sắt cần thiết cho một hệ miễn dịch khỏe mạnh, tình trạng thiếu sắt có thể khiến bạn dễ mắc nhiều bệnh hơn bình thường.
Cảm giác lo lắng: Việc thiếu oxy đến nuôi các mô cơ thể do thiếu sắt có thể gây ra cảm giác lo lắng, tình trạng này sẽ được cải thiện khi tình trạng thiếu sắt được cải thiện.
Cảm giác thèm đồ lạ: Tình trạng có thể thiếu sắt có thể gây ra cảm giác thèm ăn những đồ lạ như đá, đất sét, bụi bẩn, phấn hoặc giấy. Điều này cũng có thể xảy ra khi mang thai.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Nếu gặp phải các dấu hiệu thiếu sắt, bạn không nên tự chẩn đoán mà hãy đến bác sĩ để được thăm khám. Hầu hết các dạng thiếu sắt đều được điều trị dễ dàng, bạn có thể bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu chất sắt trong chế độ ăn hoặc sử dụng thêm sản phẩm bổ sung sắt do bác sĩ kê đơn. Trường hợp nồng độ sắt trong máu được kiểm tra ở mức bình thường, bác sĩ cũng sẽ giúp bạn chẩn đoán các nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tình trạng này, kịp thời xử trí
Theo Helo Bác Sĩ