1. Viêm đường hô hấp
Viêm đường hô hấp chính là nguyên nhân hàng đầu khiến khoa Nhi của các bệnh viện bị “quá tải” trong những ngày hè oi nóng. Thay đổi thời tiết đột ngột, sử dụng điều hòa không đúng cách, uống nước lạnh,… là những “thủ phạm” chính khiến viêm đường hô hấp cấp tái phát liên miên ở trẻ nhỏ.
Viêm đường hô hấp xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ vào mùa hè
Những triệu chứng “ốm xoàng” như sốt cao, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, rát họng… có thể là sự khởi đầu của các bệnh viêm hô hấp nặng hơn như viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản… Do đó, ngay khi trẻ “chớm” có triệu chứng, bố mẹ cần theo dõi thường xuyên các biểu hiện sức khỏe của trẻ, đặc biệt là nhiệt độ cơ thể và tiếng ho của trẻ để “bắt bệnh” chính xác và điều trị kịp thời, tránh “lơ là” gây nguy hiểm cho trẻ.
2. Bệnh thủy đậu
Nhắc đến top bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ nhỏ, phải kể tên đến bệnh thủy đậu. Thủy đậu do virus gây ra nên “tốc độ” lây lan nhanh. Bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp hoặc lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc với quần áo hoặc các vật dụng đã nhiễm dịch tiết từ vết mụn phồng rộp của bệnh nhân.
Bệnh có những triệu chứng phổ biến như sốt, đau đầu, mệt mỏi, biếng ăn, đặc biệt là xuất hiện các ban màu hồng nhạt trên da sau đó tiến triển thành các bóng nước chứa dịch. Mụn bóng nước ban đầu chứa chất dịch trong, sau đó chuyển sang màu đục như mủ rồi sau 2-3 ngày tiếp theo thì vỡ ra rồi đóng vảy, khiến trẻ có cảm giác ngứa ngáy, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và thẩm mỹ.
3. Bệnh tay – chân – miệng
Mùa hè chính là “mùa cao điểm” của bệnh tay – chân – miệng. Bệnh lây nhiễm chủ yếu qua đường tiêu hóa, do đó các yếu tố sinh hoạt tập thể như ở trường học sẽ khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao.
Ban đầu trẻ thường có biểu hiện sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, biếng ăn, xuất hiện các ban đỏ ở chân tay miệng, sau đó tiến triển thành các bóng nước hoặc vết loét đỏ, đặc biệt xuất hiện nhiều ở vòm miệng, lợi, lưỡi, lòng bàn tay, lòng bàn chân,…
Bệnh tay - chân - miệng nếu không điều trị sớm có thể dẫn để những biến chứng nguy hiểm
Với bệnh tay – chân – miệng, bố mẹ lưu ý cần điều trị sớm cho trẻ để tránh các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não mủ, viêm cơ tim,… có thể dẫn đến tử vong. Khi trẻ sốt trên 39°C và có các triệu chứng quấy khóc, ngủ li bì, thỉnh thoảng giật mình, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
4. Bệnh tiêu chảy
Bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ xảy ra nhiều nhất vào mùa hè. Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể do vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả…) hoặc do virus, nấm, ký sinh trùng đường ruột.
Nếu nhận thấy trẻ có các triệu chứng bất thường như số lần đại tiện tăng (3-5 lần/ ngày, thậm chí có thể vài chục lần/ ngày); đau bụng (đau từng cơn hoặc liên tục, trẻ mót rặn hoặc đau quanh hậu môn); buồn nôn, nôn mửa,… bố mẹ cần theo dõi để có giải pháp điều trị kịp thời cho trẻ.
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, việc quan trọng nhất bố mẹ cần làm ngay là đánh giá mức độ mất nước và bù nước điện giải bằng cách cho trẻ uống dung dịch oresol, còn việc truyền dịch chỉ thực hiện khi trẻ bị mất nước nặng, không thể uống được, nôn nhiều, đi ngoài rất nhiều nhưng không thể bù kịp bằng đường uống.
Bố mẹ chú ý việc cho trẻ dùng kháng sinh, các loại men tiêu hóa, men vi sinh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc trị tiêu chảy.
5. Viêm màng não mủ
Khi mắc bệnh viêm màng não, trẻ thường có các triệu chứng như sốt cao, sổ mũi, ho, tiêu chảy, nôn trớ, quấy khóc… Một số trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tri giác, thị giác như hay quấy khóc, ánh mắt nhìn vô cảm,… Các triệu chứng của bệnh viêm màng não rất dễ khiến bố mẹ nhầm lẫn với viêm họng, viêm phổi,… và tự “bốc thuốc” điều trị cho trẻ mà không hề hay biết đó có thể là những dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm màng não mủ.
Căn bệnh này hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm. Do đó khi phát hiện trẻ có bất kỳ một dấu hiệu bệnh lý nào (dù chỉ là sốt, ho, sổ mũi), bố mẹ cũng cần theo dõi sát sao và đưa trẻ đi khám kịp thời.
6. Bệnh sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên, dễ lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Các triệu chứng thường gặp của căn bệnh này bao gồm: sốt, phát ban, ho, sổ mũi, nổi hạch, sưng đau khớp,…
Nếu sức đề kháng của trẻ bị suy giảm, bệnh dễ biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như mù lòa, viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy cấp,… thậm chí có thể dẫn đến tàn phế, tử vong.
Sởi là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè
7. Say nắng
Thời tiết nóng bức, nhiệt độ tăng cao khiến cơ thể trẻ bị mất nước nhiều, rối loạn điều hòa thân nhiệt, nhất là khi ánh nắng gay gắt chiếu thẳng vào phần mặt và gáy của trẻ. Biểu hiện thường thấy là trẻ ngất lịm đi, nóng toàn thân, thân nhiệt có thể tăng cao đến hơn 40°C, trẻ lên cơn co giật,…
Khi phát hiện trẻ bị say nắng, cần đưa ngay trẻ vào chỗ râm mát, cởi bớt quần áo cho thoáng, cho trẻ uống nhiều nước, nên dùng khăn chườm trán và lau toàn thân để hạ nhiệt độ cơ thể cho trẻ.
Biện pháp phòng ngừa
Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt như: Rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.
Ăn uống hợp vệ sinh: Việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Tăng cường lượng dịch uống: Để bồi hoàn lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi để nguội… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và tăng cường sức khỏe để chống lại với bệnh tật.
Tiêm ngừa đầy đủ: Hầu hết bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em đều có vắc xin phòng bệnh và phòng bệnh bằng vắc xin là biện pháp hiệu quả và rẻ nhất.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật