Xoa bóp bấm huyệt là gì?
Xoa bóp bấm huyệt là một liệu pháp cổ xưa tác động lực lên một vị trí cụ thể trên cơ thể giúp chữa lành bệnh và giảm đau. Ở Việt Nam, xoa bóp bấm huyệt đã rất phổ biến vì không cần dùng đến thuốc và không tác động xâm lấn.
Xoa bóp bấm huyệt có an toàn cho bé không?
Điều trị bấm huyệt là phương pháp an toàn để hỗ trợ điều trị và chữa lành cho trẻ nhỏ khỏi những bệnh cơ bản như đau răng, sốt, khó tiêu, đầy hơi… Các bác sĩ thấy rằng trẻ sơ sinh đáp ứng tốt với hình thức chữa bệnh này vì bé có nguồn năng lượng cao và mức độ độc tố trong cơ thể ít hơn so với người lớn.
Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp xoa bóp bấm huyệt, bạn bắt buộc phải sử dụng đúng kỹ thuật và nhấn vào chính xác các huyệt để đạt hiệu quả điều trị như ý.
Công dụng của xoa bóp bấm huyệt cho trẻ sơ sinh
Xoa bóp bấm huyệt không chỉ hỗ trợ trị bệnh mà còn giúp tăng thêm liên kết tình mẫu tử bởi khi thực hiện, bạn sẽ hiểu thêm về cơ thể của con yêu. Dưới đây là một số bệnh mà bố mẹ có thể sử dụng hình thức bấm huyệt:
1. Táo bón
Bấm huyệt để cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh rất được khuyến khích nếu bạn không muốn để bé yêu sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
- Để thực hiện, bạn chỉ cần đặt ngón tay quanh rốn và chạm nhẹ vào vùng bụng
- Tiếp theo, ấn nhẹ vào hai bên rốn khoảng 10 lần
- Sau đó, di chuyển ngón tay xung quanh khu vực rốn theo vòng tròn
- Cuối cùng, ấn nhẹ khu vực dạ dày và chuyển động theo chiều kim đồng hồ.
2. Nghẹt mũi
Nghẹt mũi cũng là một trong những vấn đề về hô hấp mà trẻ sơ sinh dễ gặp phải. Để giúp con yêu cảm thấy dễ chịu hơn, bạn hãy thực hiện các bước sau:
- Đặt cả hai ngón trỏ của bạn ở hai bên cạnh lỗ mũi
- Xoa bóp nhẹ nhàng trong 10 – 20 giây
- Thực hiện khoảng 6 lần/ngày và cách nhau từ 2 – 3 giờ.
3. Giảm đau răng
Xoa bóp bấm huyệt cho bé trong thời gian mọc răng trở thành một biện pháp khá lý tưởng nhằm khắc phục và điều trị cơn đau ở nướu, cách thực hiện bao gồm:
- Ấn vào huyệt ngoại quan. Đây là một điểm ở mặt ngoài của cả hai cẳng tay và cách cổ tay bằng 3 ngón tay chụm lại
- Tìm huyệt thái uyên, điểm này nằm ngay bên trong cổ tay dưới ngón tay cái
- Nhấn và mát xa cả hai điểm nhẹ nhàng trong khoảng 10 – 20 giây
- Lặp lại mỗi 2 giờ.
4. Giúp bé ngủ ngon
Trẻ nhỏ gặp phải chứng ngủ không ngon vào ban đêm sẽ tỏ ra mệt mỏi, cáu gắt, khó dỗ dành hơn. Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện tình hình bằng cách bấm huyệt:
- Tìm huyệt nằm giữa lông mày
- Nhẹ nhàng ấn ngón trỏ của bạn vào vị trí này trong 10 – 20 giây
- Con yêu sẽ dần chìm vào giấc ngủ
5. Làm dịu tình trạng colic
Hội chứng colic (khóc dạ đề) là cơn ác mộng của không ít bố mẹ vì không thể có được giấc ngủ ngon và gặp căng thẳng nếu bé yêu khóc trong thời gian dài. Để dỗ dành con yêu, bạn hãy thử xoa bóp bấm huyệt theo các bước sau:
- Tìm huyệt chí thất, điểm này nằm ở lưng, cách cột sống một chút và ở vị trí giữa xương hông xương sườn
- Chỉ cần ấn vào điểm này khoảng 10 – 20 giây, bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
6. Giảm ho
Bấm huyệt cũng có thể chữa ho và tắc nghẽn ngực (chất nhầy tích tụ trong đường hô hấp, gây cảm giác nặng nề ở ngực và khó thở) ở trẻ sơ sinh bằng cách ấn vào vị trí dưới móng tay và trên khớp ngón trỏ. Khi thực hiện, bạn hãy lưu ý:
- Bạn chỉ giữ ngón tay con và xoa nhẹ nhàng
- Để hỗ trợ trị ho, bạn có thể xoa thêm dầu tràm lên ngực con.
7. Hỗ trợ trị các vấn đề về thần kinh
Xoa bóp bấm huyệt có thể mang lại hiệu quả cao đối với trẻ em mắc chứng khó đọc, chứng rối loạn thiếu khả năng chú ý (ADD) và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
- Điểm bấm huyệt cần tìm là huyệt nhân trung, nằm ngay dưới mũi và ở phần môi trên
- Bạn hãy ấn vào huyệt này từ 10 – 20 giây mỗi ngày.
Lưu ý khi xoa bóp bấm huyệt cho trẻ sơ sinh
Khi xoa bóp bấm huyệt cho thiên thần nhỏ, bạn hãy quan sát bé cẩn thận trong suốt quá trình thực hiện. Nếu bé tỏ ra không thoải mái, bạn hãy dừng lại bất cứ lúc nào. Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, lực khi xoa bóp bấm huyệt phải rất nhẹ nhàng. Ngoài ra, mỗi lượt thực hiện không nên kéo dài quá 10 – 20 phút/ngày và thời gian bấm từng huyệt chỉ kéo dài trong 10 – 20 giây.
Bạn có thể bấm huyệt chữa táo bón ở trẻ mới biết đi hoặc để dỗ dành bé đang khóc bằng cách nhấn vào các vị trí đã được liệt kê ở trên. Tuy nhiên, bạn chỉ bấm huyệt cho trẻ tăng động sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ vì đôi khi trẻ bị chứng rối loạn hành vi khác.
Ngoài ra, để bấm huyệt được suôn sẻ nhất, bạn hãy chuẩn bị bằng cách:
- Nếu bé yêu đang khóc, bạn hãy thử làm dịu bằng cách ôm con vào lòng. Không có gì tuyệt vời bằng những lời dỗ dành từ người thân yêu nhất
- Khi ôm con, bạn có thể hát hay đung đưa theo nhạc
- Nhẹ nhàng chà xát 2 tay và 2 chân trẻ
- Sau khi bé hết khóc, bạn có thể đặt con xuống giường
- Tùy theo vấn đề mà con đang gặp phải, bạn hãy ấn vào các huyệt đã được hướng dẫn. Ngoài ra, nên thực hiện một cách nhẹ nhàng vì trẻ sơ sinh rất yếu ớt, ấn quá mạnh có thể khiến con không thoải mái
- Khi xoa bóp, hãy dùng phần thịt ở đầu ngón tay để tránh làm trầy xước da bé.
Xoa bóp bấm huyệt là một cách tuyệt vời và tiết kiệm để chữa bệnh cho bé. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh của bé trở nên nghiêm trọng, bạn phải đưa bé đến gặp bác sĩ thay vì duy trì việc bấm huyệt tại nhà.
Phương Uyên/HELLOBACSI