Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Mục Kiền Liên Bồ Tát (568 – 484 TCN) sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc giai cấp Bà La Môn nước Magadha Ấn Độ thời Cổ Đại, nay thuộc miền Bắc Ấn.

NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN BỒ TÁT.

Đại Mục Kiền Liên và ngài Xá Lợi Phất vì lòng mong cầu giải thoát, dẫn một trăm vị đệ tử cùng quy y theo Phật, xuất gia học đạo, sống cuộc đời không có giai cấp của một vị sa môn . Sau khi quy y Phật, ngài đã sống tháng ngày tùy tùng theo Phật, quản lý Tăng đoàn, hoằng truyền chánh pháp, cho đến lúc nhập Vô Dư Niết Bàn.

 

Ngài là một trong những vị đệ tử Thanh Văn đầu tiên của Phật có trí huệ vô lượng, thần thông đặc biệt; đã chứng đắc quả vị A La Hán với sự giải thoát và giác ngộ viên mãn. Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã thọ ký cho ngài danh hiệu “Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Phật” (Phẩm thứ 6 trong Kinh Pháp Hoa).
Trong tâm thức của người Việt, tháng bảy mưa ngâu mùa chư Tăng tự tứ cũng là mùa hiếu hạnh của những người con. Hình ảnh Mục Kiền Liên cứu mẹ hiện lên trong tâm mỗi người. Ngài có hình dáng cao lớn, mặc áo ca sa vàng,đắp y giải thoát đứng giữa hư không, tay phải chống tích trượng, tay trái cầm bình bát lại hiện lên trong tâm mỗi người.
 
Công hạnh của ngài Mục Kiền Liên là tấm gương cho sự sám hối và báo ân.
 
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Bồ Tát tự nghĩ: Ta từ kiếp quá khứ vô thỉ đến nay, do tham, sân, si mà thân, khẩu, ý phát sinh vô lượng vô biên các nghiệp ác, nếu như các nghiệp ác ấy mà có thể tướng, thì tận cả hư không giới cũng không thể nào dung chứa cho hết được; vì thế mà từ nay, đem hết cả ba nghiệp thanh tịnh, đối trước chư Phật, Bồ Tát chúng, thành tâm sám hối, nguyện sau sẽ không dám làm nữa…”
 
Công năng của sự sám hối, nguyện lực của các bậc Đại đức Tăng, thật là lớn lao vậy.
 
Sám hối là một phương pháp tự lợi, lợi tha; một công hạnh báo hiếu rất nhiệm mầu, mà người muốn tu hành hiếu đạo; người muốn sám trừ nghiệp chướng; cần phải ghi lòng tạc dạ thực hành.
 
Mục Kiền Liên, Ngài là tấm gương sáng tượng trưng cho lòng chí hiếu của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên; ngài đã thực hành pháp sám hối, mà cứu được mẹ thoát khỏi cảnh đọa đày ở địa ngục khiến người đời sau học theo hạnh hiếu của ngài.

SÁM MỤC LIÊN

Con quỳ lạy Phật Thích-Ca
Chứng-minh đệ-tử tên là Mục-Liên
Lòng con mộ đạo tu hiền
Xuất gia theo Phật cầu nguyền hôm nay
Nghe kinh Phật thuyết bảy ngày
Minh-tâm kiến-tánh Như-Lai trọn lành
Lục-thông đầy đủ nên danh
Muốn tìm cha mẹ lòng thành gắng công
Đền ơn cho bú ẳm bồng
Liền dùng đạo nhãn xem vòng thế-gian
Thấy vong mẹ khổ muôn ngàn
Ốm gầy đói khát trong đàng quỉ ma
Mục-Liên kêu mẹ khóc la
Đau lòng thương mẹ đọa sa Diêm-Đình
Thanh-Đề nhìn thấy con mình
Mục-Liên cứu mẹ hết tình gắng công
Con ơi! Mẹ đói trong lòng
Mục-Liên nghe nói khóc ròng thở than
Vội vàng trở lại thế-gian
Bới cơm một bát đem sang mẹ mừng
Và cơm vô miệng nửa chừng
Chén cơm hóa lửa phừng phừng thành than
Mục-Liên xem thấy kinh-hoàng
Trong lòng đau đớn khóc than buồn tình
Mẹ ơi! Niệm Phật độ mình
Trở về lạy Phật cầu xin mẹ già
Thích-Ca đức Phật phân qua
Mẹ ngươi tội nặng sâu xa nghiệp hành
Ta truyền cứu-tế pháp lành
Cần cầu tăng chúng tịnh thanh chú nguyền
Cầu cho phụ-mẫu hiện tiền
Lục-thân quyến-thuộc bình-yên điều-hòa
Bảy đời phụ-mẫu đã qua
Về trời hưởng phước sáng lòa hào quang
Vui chơi thong thả thanh nhàn
Ngày rằm tháng bảy lập đàn trai-tăng
Sắm cơm trăm món đồ ăn
Trái cây ngũ quả hương đăng rõ ràng
Chiếu giường bồn nước mùng màn
Dầu, đường, trà lá, bát vàng đựng cơm
Những đồ vật quí bông thơm
Thành tâm dọn tiệc Lan-Bồn phân-minh
Cúng-dường Tam-Bảo cầu kinh
Chư-tăng tịnh giới giữ gìn nghiêm-trang
Cầu cho thí-chủ trai-đàn
Tâm hành thiền-định vái van chúc nguyền
Thanh-Đề khổ-ách hết liền
Ngày rằm tháng bảy thành tiên về trời
Noi gương hiếu thảo đời đời
Xót thương phụ-mẫu hiện thời nuôi con
Nhai cơm cho bú hao mòn
Ơn sâu nghĩa nặng thương con hết lòng
Trời cao đất rộng mênh-mông
Biển hồ lai láng sánh đồng Thái-sơn
Tu-hành báo tứ-trọng ân
Độ đời ba cõi sạch trơn trọn lành
Mục-Liên đại hiếu tu hành
Báo ân phụ-mẫu nên danh độ đời.


----------------------------------
Ban NCDSVH Phật Giáo
https://www.facebook.com/BNCDSVHPG/