Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Bối Cảnh Đây là kinh Mãnh Quán Phạm Chí. Trong một pháp hội có tới năm trăm vị la hán và rất nhiều nhân vật quan trọng, trong đó có bốn vị thiên vương từ bốn phương về nghe pháp. Vị Phạm Chí tên là Mãnh Quán vẫn nghi ngờ rằng không chắc vị đạo sư này (Bụt) là người đã nắm được chân lý tuyệt đối. Do đó Bụt nói kinh này. Khung cảnh dựng lên từ kinh Tạp A Hàm số 11 92 và kinh Trường A Hàm thứ 19.

1. Ai cũng có quan điểm của mình về chân lý, và đối phương cũng thế. Ai cũng nghĩ là mình có cái thấy cao nhất và muốn diễn bày cái thấy ấy ra. Ai có được cái thấy ấy thì người ấy mới thấy được Pháp. Còn những kẻ khác (vì chưa thấy được sự thật này thì) dù đi khắp nơi cũng không thấy được một góc nhỏ nào của sự thật.

2. Vì thiên hạ chấp thủ như vậy nên mới sinh ra tranh cãi loạn xị. Ai cũng nói rằng kẻ kia si mê; ta mới thật sự là người có trí tuệ. Vậy thì trong tất cả các sự thật ấy, cái nào mới thực sự là sự thật? Bởi vì ai cũng nói chỉ có mình là đang nắm được chân lý?

3. Kẻ nào không biết rằng người khác cũng có quan điểm của họ về sự thật thì kẻ ấy vẫn còn mờ ám, vẫn còn thiếu trí tuệ và vẫn còn kẹt vào trong quan điểm của chính mình.

4. Có cái quan điểm rồi thì mới có cái nói và cái làm. Người ta nghĩ rằng nhờ cái thấy đó của họ mà thân họ đã được tịnh hóa và tâm họ được thánh hóa. Nếu ai cũng đúng thì còn có ai sai lầm nữa? Bởi vì ai cũng đang có và cũng đang kẹt vào cái ý của họ?

5. “Đây là sự thật cao nhất, là đỉnh cao trí tuệ.” Người ngu si có thể suy nghĩ và hành xử như thế, và tìm cách dìm kẻ khác xuống. Mình tự cho mình là người duy nhất đã thấy được sự thật. Tự mình còn là kẻ ngu si mà mình cứ nói là người ta ngu si.

6. Hỏi: Ai cũng nói pháp của họ là không ai bằng, rằng kẻ khác vốn chẳng có tuệ giác gì, chỉ biết vay mượn cái thấy của người khác rồi đi vào tranh chấp với người khác. Tại sao bậc đạo sư lại không đưa ra một chân lý duy nhất để tất cả mọi người có thể đi theo?

7. Trả lời: Chân lý chỉ là một, chứ không thể là hai. Nhưng chân lý chỉ có thể tự mình thực chứng. Một khi chứng thực được chân lý ấy rồi thì ta sẽ không còn bị một ai lung lạc được nữa. Nhưng vì đã có bao nhiêu ý tưởng cho nên đã có bấy nhiêu chân lý. Vì vậy bậc sa môn không cần phải nêu ra thêm một học thuyết về chân lý của riêng mình.

8. Có chân lý nào mà người khác chưa nói lên? Nên tin vào ai và vào chủ thuyết nào mà thiên hạ đang rao giảng? Những chủ thuyết được đưa ra là do đâu, hay cũng là chỉ do sự suy nghĩ riêng của từng người mà có?

9. Sự thực là một, nhưng cách diễn bày của tâm ý thì nhiều. Từ những góc độ tri giác khác nhau cho nên có những sự phân biệt lựa chọn khác nhau. Những gì mà con mắt nhận biết, nếu ta bị vướng mắc vào, sẽ làm nẩy sinh ra ý tưởng: cái này đúng và cái này sai.

10. Những gì ta nghe, ta thấy, và cả những giới điều cấm kỵ mà ta đang hành trì cũng đều bắt nguồn từ tâm ý ta. Nếu bị kẹt vào chúng thì ta sẽ dấn thân đi vào vòng tranh luận về những cái thấy khác nhau. Phải chấm dứt lại sự đối chiếu, so sánh, và quán sát xem có chỗ nào sai lầm (nơi tri giác ta) không, nếu không thì sự thực là chính mình sai lầm mà mình lại nói người khác sai lầm.

11. Mình sai lầm mà mình lại nói người khác sai lầm, kẻ kia cũng tự cho họ là đẹp là lành và muốn mình đi theo họ. Ai cũng tự khen mình là hay là giỏi, vì vậy cho nên mới sinh ra tranh cãi và oán thù.

12. Giữ chặt tà kiến, chỉ muốn làm thầy thiên hạ, người ta mãn ý tự cho là cái thấy của người ta là chí thiện, tin rằng cái thấy và cái hành của mình là ở ngôi cao nhất, tôi e rằng một người ba hoa như thế tự mình chưa đạt tới đâu cả.

13. Nếu mình cho cái hiểu biết của kẻ kia là sai lạc, là đáng hổ thẹn, thì kẻ kia cũng sẽ cho cái hiểu biết của mình là sai lạc, là đáng hổ thẹn. Nếu tất cả mọi người đều phân biệt và kỳ thị như thế thì trong đời còn ai không phải là kẻ si mê?

14. “Chỉ khi nào bạn chứng nghiệm được chân lý này thì bạn mới có thể nói rằng bạn được tịnh hóa.” Nói như thế thì dễ gây ra biến loạn; đó là nguyên nhân làm phát sinh ra độc đoán, cố chấp và oán hận.

15. Đi theo hành trì một cách khác người, có những kiến giải và những phương pháp thanh lọc khác người, đó không có nghĩa là mình đã đạt tới chân lý tối hậu. Đó là thái độ dẫm chân tại chỗ, làm cho người ta càng ngày càng bị kẹt cứng vào tư kiến của mình.

16. Nếu ai cũng khư khư nắm chặt tư kiến, cho mình là minh triết, thì còn có ai là si mê nữa? Còn có ai để mình chê trách nữa? Nói rằng pháp của kẻ kia không có khả năng tịnh hóa, mình đang sử dụng cái kế đạt của mình để tự cho mình là cao diệu bậc nhất.

17. Kẹt vào cái thấy của mình, tự cho mình là tự tại, kẻ kia dấn thân vào các cuộc tranh chấp loạn xị trong đời. Buông bỏ mọi ý niệm về sở tác, bậc hiền giả đạt tới sự mầu nhiệm của cái vô tác và cái vô sở tác.

Đại Ý

Kinh này nói về thái độ độc quyền về chân lý và những tai hại do thái độ ấy gây ra. Khi ta tin rằng cái thấy của ta là chân lý thì ta cũng tin rằng con đường ta đi là con đường duy nhất đưa tới chân lý. Đây là gốc rễ của độc tài, của bạo động.

Có người đi tìm chân lý bằng cách học hỏi, suy tư, hay đi vay mượn cái thấy của người khác. Cái chân lý ấy không phải là chân lý vì đó chỉ là sản phẩm của trí năng mà không phải là một kinh nghiệm tâm linh  mình đã trực tiếp thân chứng. Có bao nhiêu ý tưởng về chân lý là có bấy nhiêu chân lý. Thực ra chân lý chỉ có thể là một, và không thể có hai chân lý chống đối nhau. Kẹt vào cái thấy của mình, điều đó chứng tỏ mình chưa thực chứng được chân lý. Những chủ thuyết được đưa ra là do sự suy nghĩ riêng của từng người. Bài thi kệ thứ chín nói rõ: sự thật là một, những cái thấy về sự thật thì nhiều. Cái thấy là kiến, là tư kiến của từng người. Còn tư kiến là còn tà kiến. Chân lý vượt thoát mọi kiến, mọi tư kiến, mọi tà kiến. Chân lý vượt thoát mọi ý niệm. Ngôn ngữ và ý niệm không có khả năng chuyên chở chân lý. Cho nên người đạt đạo không đưa ra một chủ thuyết về chân lý. Cái quan trọng nhất không phải là một chủ trương về chân lý. Cho nên kẻ thành đạo không có nhu yếu thuyết giảng về chân lý, mà chỉ muốn cung cấp những phương pháp giúp người ta đi tới trên con đường chuyển hóa và tịnh hóa. Nghĩa là diệt trừ vô minh và phiền não. Chân lý không phải là một đối tượng có thể nắm bắt, cho nên người đạt đạo buông bỏ mọi sự nắm bắt và có tự do lớn. Không nắm bắt, bởi vì làm gì có đối tượng nắm bắt, đây là sự hình thành giáo lý vô nguyện, vô đắc, vô sở đắc sau này. Ta có thể thấy được sự khai thị này ở bài thi kệ thứ mười bảy.

 

Bài kệ 1
Nhân các niệm bỉ diệc tri      人  各  念  彼  亦  知    
Các dục thắng tuệ khả thuyết     各  欲  勝  慧  可  說
Hữu năng tri tận thị pháp     有  能  知  盡  是  法
Biến hành cầu mạc ngung giải      遍  行  求  莫  隅  解

Bài kệ 2
Thủ như thị tiện sanh biến   取  如  是  便  生  變
Si kế bỉ ngã thiện tuệ   癡  計  彼  我  善  慧
Chí thành ngôn vân vi đẳng    至  誠  言  云  為  等
Nhất thiết thị  thiện ngôn thuyết     一  切  是  善  言  說

Bài kệ 3
Bất tri bỉ hữu pháp vô   不  知  彼  有  法  無
Minh vô tuệ tùy bỉ hiệt     冥  無  慧  隨  彼  黠
Minh nhất thiết thống viễn hiệt       冥  一  切  痛  遠  黠
Sở niệm hành tất bỉ hữu       所  念  行  悉  彼  有

Bài kệ 4
Tiên kế niệm khước hành thuyết   先  計  念  却  行  說
Tuệ dĩ tịnh ý thiện niệm     慧  已  淨  意  善  念
Thị tất bất vọng hiệt giảm    是  悉  不  望  黠  減
Tất sở niệm trước ý chỉ        悉  所  念  著  意  止

Bài kệ 5
Ngã  bất cư thị tất thượng    我  不  据  是  悉  上
Ngu  khả hành chuyển tướng khiên   愚  可  行  轉  相  牽
Tự kiến cẩn vị khả đế   自  見  謹  謂  可  諦
Tự kỷ si phục thọ bỉ     自  己  癡  復  受  彼

Bài kệ 6
Tự thuyết pháp độ vô cập    自  說  法  度  無  及
Dĩ  tự không tham lai đạo      以  自  空  貪  來  盜
Dĩ bát minh chuyển tướng minh     已  八  冥  轉  相  冥
Học hà cố nhất bất đạo     學  何  故  一 不  道

Bài kệ 7
Nhất đế tận nhị hữu vô       一  諦  盡  二  有  無
Tri thị đế bất điên đảo     知  是  諦  不  顛  倒
Vị  bất tận đế tùy ý     謂  不  盡  諦  隨  意
Dĩ cố học nhất bất thuyết      以  故  學  一  不  說

Bài kệ 8
Hà đế thị dư bất thuyết     何  諦  是  餘  不  說
Đương tín thùy tận dư thuyết    當  信  誰  盡  餘  說
Nhiêu dư đế đương hà tùng       饒  餘  諦  當  何  從
Tùng hà hữu sanh ý thức        從  何  有  生  意  識

Bài kệ 9
Thức vô dư hà thuyết dư    識  無  餘  何  說  餘
Tùng dị tưởng phân biệt trạch      從  異  想  分  別  擇
Nhãn sở kiến vi trước  khả    眼  所  見  為  著  可
Thức nhược khi tận nhị Pháp     識  若  欺  盡  二  法

Bài kệ 10
Văn kiến giới tại ý hành     聞  見  戒  在  意  行
Trước dục hiệt biến tụng kiến     著  欲 黠  變  訟  見
Chỉ giáo kế quán hà tu     止  校 計  觀  何  羞
Thị dĩ si phục thọ bỉ      是  以  癡  復  授  彼

Bài kệ 11
Si hà tùng thụ dữ bỉ      癡  何  從  授  與  彼
Bỉ ỷ khả thiện hiệt ngã      彼  綺  可  善  黠  我
Tiện tự thự thiện thuyết dĩ       便  自  署  善  說  已
Hữu tụng bỉ tiện sanh oán   有  訟  彼  便  生  怨

Bài kệ 12
Kiên tà kiến vọng sư sự    堅  邪 見  望  師  事
Tà hiệt khốc mãn ỷ cụ      邪  黠  酷  滿  綺 具
Thường tự khủng ngữ bất đáo    常  自  恐  語  不  到
Ngã thường giới kiến thị tịch      我  常  戒  見  是  辟

Bài kệ 13
Kiến bỉ đế tà tàm tạng   見  彼  諦  邪  慚  藏
Bổn tự hữu tàm tạng hiệt       本  自  有  慚  藏  黠
Dĩ tất tri hiệt phân biệt      以  悉  知  黠  分  別
Si tất vô hợp hiệt hành       癡  悉  無  合  黠  行

Bài kệ 14
Thị vi đế trụ nãi thuyết    是  為  諦  住  乃  說
Tất khả  tịnh tự sở Pháp     悉  可  淨  自  所  法
Như thị thủ  tiện loạn biến      如  是  取  便  亂  變
Tự  nhân duyên thống trước ô     自  因  緣  痛  著  污

Bài kệ 15
Tùng dị hành đắc giải tịnh      從  異  行  得  解  淨
Bỉ tuy tịnh bất chí tận    彼  雖  淨  不  至  盡
Thị dị học văn tọa an        是  異  學  聞  坐  安
Tự tham câu ngã kiên thịnh     自  貪  俱  我  堅  盛

Bài kệ 16
Tự kỷ thịnh kiên phòng tham      自  己  盛  堅  防  貪
Hữu hà si vi bỉ thuyết      有  何  癡  為  彼  說
Tuy giáo bỉ Pháp vị tịnh      雖  教  彼  法  未  淨
Sanh kế độ tự cao diệu         生  計  度  自  高  妙

Bài kệ 17
Đế trú thích tự tại tác     諦  住  釋  自  在  作
Tuy thượng thế diệc hữu loạn      雖  上  世  亦  有  亂
Khí nhất thiết sở tác niệm       棄  一  切  所  作  念
Diệu bất tác hữu sở tác          妙  不  作  有  所  作

Kinh Chấm Dứt Tranh Cãi

(Mãnh Quán Phạm Chí Kinh)
Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ 11, Đại Tạng Tân Tu 198
tương đương với Cùlaviyùha Sutta, Sutta-Nipàta 878-894 - Làng Mai