Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Hoa chính là vị Bồ tát làm đẹp đời, mang hương sắc đến cho sự sống. Là chúng sinh, người hãy học hạnh của hoa.

Hoa có thể sớm nở tối tàn nhưng trong suốt cuộc đời ngắn ngủi làm kiếp hoa, hoa cống hiến hoàn toàn cái đẹp, cho đến khi thân tàn hoại, hoa vẫn nương theo đất nuôi dưỡng những hương vị ngọt lành. Trong những dịp lễ hay ngày quan trọng, người thường tặng hoa cho nhau. Ngắm nhìn nụ cười nở trên môi của người nhận hoa, lòng người ấm áp lạ thường. Nụ cười đó là đóa hoa vô tận, mang mùa xuân ấm áp theo những hạt nắng nhảy múa. Hoa là bài pháp thoại về không sinh không diệt. Từ đất, cây mọc lên, đơm nụ rồi ra hoa. Hoa tàn, rụng xuống, trở về với đất, rồi lại đi vào thân cây. Như hạt mưa, rớt xuống, rồi bốc hơi lên thành mây, gặp lạnh tạo cơn mưa. Nên hạt mưa không chỉ rơi xuống mà hạt mưa còn bay lên. Đời người ngắn lắm, ngắn chỉ trong một hơi thở, nhưng trong hơi thở ngắn ngủi sát sao ấy, hãy như một bông hoa tươi đẹp, rạng rỡ như ánh bình minh. Thử nhìn một khu vườn mà không có cái hoa nào, khu vườn thật cô đơn. Trong gia đình hay cộng đồng, mỗi con người là một bông hoa, gia đình và cộng đồng hạnh phúc làm sao. Phía trước ban công nhà tôi có những chậu hoa nhỏ, mỗi lần chúng ra bông, tôi và mẹ đều trầm trồ khen ngợi. Nhìn hoa mà nhìn mình, tâm mình là cả một khu vườn cần gieo hạt từ bi, đến lúc nào đó sẽ có nụ yêu thương và nở những bông hoa giải thoát. Hãy ươm mầm ngay bây giờ cho khu vườn tâm và đến khi tâm trưởng thành, chín muồi, những đóa hoa sẽ thi nhau khoe sắc nơi tự tâm của mình.

            Sen là một loại hoa nhưng lại rất đặc biệt. Từ nơi bùn nhơ, sen vượt lên và toả ra những cánh sen sắc thắm. Vì vậy mà sen phải biết ơn bùn vì nhờ bùn thì mới có sen. Có câu, Khi mê bùn chỉ là bùn – Khi ngộ mới biết trong bùn có sen. Mê là trạng thái không tỉnh thức hay thất niệm của chúng sinh, vẫn còn bị trói buộc trong những thứ tiện nghi của vô minh, nói cách khác mê là vô minh. Bùn còn là hiện thân đau khổ hay vùng đau khổ. Người trong đau khổ nhưng không biết là đang đau khổ hay không biết làm thế nào vượt thoát khỏi đau khổ, ấy chính là mê vậy. Ngộ là trạng thái tỉnh thức hay chánh niệm của người tu, không còn bị trói buộc trong những thứ tiện nghi của vô minh. Sen là hiện thân của trí tuệ, thoát ra khỏi khổ đau và vùng khổ đau. Thân sen vẫn còn sống trong bùn, hay nương vào bùn mà sống, tuy nhiên sen không chết trong bùn ấy mà vươn lên vững chãi trong không gian. Người thoát khỏi đau khổ, tuy vẫn còn nằm trong vùng đau khổ nhưng không bị đau khổ dìm chết và vẫn an nhiên tự tại trong vùng đau khổ đó. Trong bùn có sen là cách nói ví von của người thực tập thiền quán để chỉ ra rằng trong khổ đau mới biết trân quý hạnh phúc và cũng từ trong khổ đau, người mới tu tập giải thoát. Nếu nói người chưa một lần khổ đau hay bị bùn vây hãm, người đang vọng ngữ đấy. Muốn giải thoát, hãy từ thế gian mà tu. Bùn chỉ là bùn, là nhận diện đơn thuần không can thiệp, nhiệm vụ của chánh niệm. Trong bùn có sen, cũng là nhận diện đơn thuần, vì sen mọc từ bùn, những cái nhìn này chứa đựng trái tim của sự hiểu biết, hiểu biết về tính chân thật của bùn hay bản chất đích thực của khổ đau.

            Hoa làm nhiệm vụ yêu thương hết muôn loài vì hoa là do đất trời ban tặng cho chúng sinh mà chúng sinh là ai, là muôn loài. Hoa không đi về hướng của tiêu thụ mà đi về hướng của phụng sự. Tiếng gà gáy sáng, thực dậy miệng mỉm cười, mở khung cửa thơ mộng, ngắm nhìn hoa nở đầu năm, khoảnh khắc bình an trào dâng, người hãy cất bước chân kỳ diệu, từng bước thật nhẹ nhàng. Bình an là đây, yêu thương là đây. Nguyễn Du vẽ lên một nàng Kiều đa tình mà như vậy thì sẽ đa mộng và kết quả là đa sầu. Người ôm nhiều tiện nghi vào mình, người càng có nhiều ảo tưởng về nó và những phiền lụy vì thế mà gia tăng theo cấp số nhân. Hoa cũng ôm nhưng những tiện nghi của hoa là gì, là màu xanh mênh mang của cỏ cây, là không gian thênh thang của núi rừng, là làn gió vi vu buổi ban mai, là ánh nắng ngập tràn của mặt trời ấm áp. Tiện nghi thiên nhiên có đầy và hoa bầu bạn với những tiện nghi có sẵn ấy. Hoa không sầu muộn, không lên tiếng chê bai, không lo lắng về chuyện ghét chuyện thương. Hoa yêu thương hết tất cả thì có ai lựa chọn để mà ghét mà thương. Thời giờ là để yêu thương, thực tập các giáo pháp yêu thương của đạo Phật, đây là thứ yêu thương mang tính giải phóng, không phải yêu thương để kéo vào sự hệ lụy, tức là không còn thấy ranh giới giữa người thương và người được thương nữa. Hoa mang yếu tố của nắng, gió, đất, nước… nên khi hoa dễ thương thì nắng, gió, đất, nước cũng dễ thương. Trong người có những yếu tố dễ thương và những yếu tố không dễ thương. Tình thương đích thực thương được cả những yếu tố không dễ thương kia. Nhìn thấy hoa, người cất lời ngợi khen, ôi bông hoa đẹp quá. Nhìn thấy người, người hãy cất lời ngợi khen, người đâu mà dễ thương quá. Trái tim của người rất to lớn, nên người ôm lấy muôn loài, ôm lấy hạnh phúc lẫn khổ đau. Tình thương đừng nhỏ bé như một bát nước, mà hãy rộng lớn như dòng sông, như ruộng đồng, như biển cả mênh mông.

            Hãy là người ôm lấy muôn loài, bao dung được muôn loài. Một nắm muối bỏ vào bát nước, bát nước sẽ mặn, nhưng quăng vào dòng sông, dòng sông kia không thể tạo nên cái mặn của biển xanh. Không ngẫu nhiên mà muối gặp sông, không ngẫu nhiên mà máu chảy về tim, không ngẫu nhiên mà hoa khoe sắc và không ngẫu nhiên người gặp đạo, gặp Thế Tôn. Người đã từng gặp gỡ nhau, từng là dòng sông con suối, từng là máu là tim, từng là hoa, từng gặp Thế Tôn. Người từng là muôn hình vạn trạng của chúng sinh, vậy có gì gọi là ngẫu nhiên đâu. Đã là chúng sinh thì thương lấy muốn loài, ôm lấy muôn loài, không có chừa cái gì ra hết. Khi yêu thương, người không giả vờ, giả vờ là mình thương và được thương. Khi thương phải thương thiệt. Khi được thương phải được thương thiệt. Đừng để cho những tệ hại của hoàn cảnh làm chủ người hay sai khiến người, bắt người trở thành tên nô lệ của hoàn cảnh. Ngắm nhìn một em bé, bé là một bông hoa, đôi mắt đẹp như bông hoa, đôi bàn tay đẹp như bông hoa, giọng nói như bông hoa, nụ cười như bông hoa, cả tiếng khóc trẻ thơ cũng như bông hoa. Người chính là hoa đấy thôi. Đơn giản vì người có tính của hoa, đẹp và sáng trong như ngọc lưu ly. Nếu mỗi người là một bông hoa, nhân loại này sẽ là một vườn hoa, đẹp đẽ và quý giá biết dường nào. Muốn phát triển và duy trì tính hoa, người phải thực tập hạnh của hoa, mà hạnh của hoa là gì, là đẹp, là thánh thiện, là dễ chịu, là bình an, nói cách khác là thực tập tâm hoa. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết đôi lời về hoa trong một bài hát như sau, Hoa vẫn nở trên đường quê hương – Ôi quê hương ta đó – Dù bé thơ xanh xao gầy còm – Dù tiếng ru ban trưa mỏi mòn – Từng cánh hoa, từng cánh hoa – Hoa vẫn nở trong tôi tình thương – Hoa vẫn nở trên đường quê hương. Hoa đẹp nên quê hương đẹp. Những đứa trẻ thiếu ăn thiếu mặc, gầy còm, ốm o. Tiếng ru dường như mỏi mệt chờ đợi điều kỳ diệu. Đất nước nhiều năm chiến tranh và tài sản của nó là trẻ em không nơi nương tựa, tiếng ru lạc lõng giữa trưa hè. Nhưng thế nào đi nữa, tình thương vẫn còn, hoa vẫn nở giữa những ác liệt và bon chen của sự sống, cho nên nói hoa là vị Bồ tát.      

            Tam Bảo là ba bông hoa, ba viên ngọc quý của chúng sinh. Tam Bảo không là đối tượng của một khóa học dùng để chiêu sinh, tuyển dụng, thi cử và đỗ đạt, mà Tam Bảo là năng lượng của người, con đường lý tưởng cứu lấy người. Con về nương tựa Phật, nương tựa vào con đường tỉnh thức, vào người đưa đường chỉ lối cho con vượt thắng những sợ hãi, những nghi kỵ, những giận hờn vu vơ. Phật ở trong con vì chúng sinh nào cũng có Phật tính, chúng sinh nào cũng có khả năng tỉnh thức. Phật là hoa, nguyện làm đẹp cho sự sống, nguyện cứu độ chúng sinh. Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương không biên giới và hiểu biết về trái tim. Thầy Nhất Hạnh có sách Trái Tim Của Sự Hiểu Biết, còn Thầy Minh Niệm có sách Hiểu Biết Về Trái Tim, đơn giản vì trái tim là hoa của hiểu biết. Hình tướng của đức Phật Thích Ca có thể tàn hoại nhưng chánh pháp luôn trường tồn, không bao giờ tàn hoại vì chánh pháp là hoa bất biến, hoa bất tử. Đức Thế Tôn qua đời nhưng chánh pháp vẫn còn đó, người hãy là hoa chánh pháp, thực tập không ngừng nghỉ các hạnh Bồ tát. Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức, đoàn thể của những bông hoa, cam kết xây dựng nhiều khu vườn nở ra những đóa hoa vô ưu, đóa hoa tự tại. Tăng là sự tiếp nối của Thế Tôn, thay mặt Thế Tôn đem hương thơm của hoa chánh pháp tỏa đi khắp mười phương. Con về nương tựa chính con, nhận diện con, buông thư con và từ đó tỉnh thức con. Hãy mỉm cười đi, con đã là hoa tự bao giờ. 

            Lắng nghe bình yên để bình yên lên tiếng. Lắng nghe hoa, hoa đang thuyết pháp đấy thôi. Kệ Sống Sâu Sắc Trong Hiện Tại có đoạn, Tiếng cười dường như con đã – Giòn giã hiện tại nhiệm mầu – Quay về lời ca thiên thâu – Sâu sắc phút giây hiện tại. Muốn lắng nghe được bình yên, người hãy buông bỏ những thứ không phải là hoa, đó là rác. Thả rác còn gọi là thả bò. Một bác nông dân chạy hớt hải, vừa chạy vừa khóc, Trời ơi mấy con bò của tôi đi đâu mất hết rồi, các bác có thấy bò của tôi không. Được hỏi như vậy, đức Thế Tôn nói, bò nào. Bác nông dân nói, tôi chỉ có mấy con bò thôi, có vài sào mè thôi nhưng sâu ăn sạch sành sanh, chắc tôi chết quá. Đức Thế Tôn nói, xin lỗi bác là chúng tôi không thấy con bò nào cả. Lúc này đức Thế Tôn quay sang đại chúng mà tiếp, các thầy có thấy không, các thầy là các bậc đại hạnh phúc vì các thầy chẳng có con bò nào mà để sợ mất cả, cho nên hạnh phúc lớn nhất là hạnh phúc khi được thả bò. Thả hay buông bỏ những rác rến trong tâm thì tâm sẽ bình yên. Khi tâm bình yên, bình yên mới được lắng nghe. Người thực sự bình yên, người nghe được hiện tại giòn giã và tươi đẹp. Hiện tại chính là lời ca thiên thâu, là nụ hoa đang nở và sự sống đang có mặt. Nhiều người hiểu nhầm sống trong hiện tại là ra sức hưởng thụ, thu gom về phía mình càng nhiều càng tốt, sống vội, sống cuồng, sống cho thật nhanh. Không phải vậy đâu người ơi. Sống sâu sắc trong hiện tại là không tìm về quá khứ, không tưởng tới tương lai, chỉ phút giây hiện tại là giây phút thực sự đang sống,sốngtrong hiện tại nhưng không bị những tà dục của hiện tại lôi kéo.                                                

            Người tu tập quyết tâm trồng mười bông hoa là mười điều nguyện trước Phật đài. Nguyện thứ nhất là nguyện suốt đời theo Tam Bảo. Tam Bảo là ba viên ngọc quý soi sáng chúng sinh đang đau khổ như người sắp chết chìm bỗng nhiên vớ được một bè lau. Nguyện thứ hai là nguyện thoát khỏi những hiểm nguy tai ương. Phá bỏ ngã chấp và tham ái thì những nguy hiểm không thể làm hại người. Người có thể ra vào sinh tử một cách dễ dàng, tự tại với hạnh phúc lẫn khổ đau, trên môi luôn nở nụ cười đàm tiếu. Nguyện thứ ba là nguyện cứu độ chúng sinh. Đây là lời nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, cầu mong tất cả chư Phật ở lại đời mãi mãi để cứu độ chúng sinh. Nguyện thứ tư là nguyện học và hành trì tất cả các pháp môn. Có khoảng trên 84,000 pháp môn, người thuận duyên pháp môn nào sẽ thực hành pháp môn đó và có bao nhiêu pháp môn cũng học hỏi, thực tập. Nguyện thứ năm là nguyện gìn Tam Học, bao gồm Giới, Định và Tuệ. Đối với cư sĩ có năm giới, Sa Di có mười giới và Tỳ Kheo có 307 giới. Giữ giới sẽ giúp nhiều thuận duyên hành thiền, mà trái tim của thiền tập là chánh niệm. Thực tập chánh niệm miên mật sẽ đi vào định dễ dàng. Khi định miên mật, trí tuệ sẽ phát khởi, không có gì mà người không biết, không có gì mà người không nghe, và không có gì mà người không thấy. Nguyện thứ sáu là nguyện từ bỏ phiền não. Phiền não cũng như cơn gió thoảng qua, nếu gió nhẹ thì mát mẻ, nếu gió mạnh thì đó là trận cuồng phong. Thực tập im lặng sấm sét, không phản ứng, không hận thù thì có gì gọi là mát mẻ, có gì gọi là cuồng phong. Nguyện thứ bảy là nguyện giải cho được luân hồi. Chỉ cần quay đầu là bờ. Bấy lâu người ngồi trong ngôi nhà cháy, đi như chạy, hớt ha hớt hải, chỉ dừng lại rồi tấp vào bờ, vậy thôi. Nguyện thứ tám là nguyện không chọn con đường lợi danh. Nấc thang danh vọng hay đại lộ danh vọng xin nhường cho người nếu người muốn vướng lấy. Còn mình, mình chỉ muốn chọn con đường của an lạc và thảnh thơi nên người muốn thắng, mình xin nhường cho người thắng. Nguyện thứ chín là nguyện tinh tấn, tức là không dễ duôi, không lười biếng. Không ai có thành tựu mà không siêng năng và nếu có thì hãy siêng năng đúng chỗ, thực tập diệt khổ không mệt mỏi. Nguyện thứ mười nhưng không phải là cuối cùng, nguyện sớm đạt quả vị Phật ngay trong kiếp hiện tại này, không chờ đợi kiếp nào xa xôi. Ban đầu hãy phát nguyện đạt quả vị A La Hán, rồi đến quả vị Bích Chi Phật, và quả vị Tam Thế Phật hay Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Phát nguyện mạnh thì thành tựu sẽ mau và dĩ nhiên đừng bao giờ quên việc hành trì bởi vì có học thì phải có hành, học mà không hành chỉ là con mọt sách.

 

Xin rải tâm từ đến người

Nguyện cho người có nhiều yêu thương.

Xin rải tâm bi đến người

Nguyện cho người tiêu tan đau khổ.


Xin rải tâm hỷ đến người

Nguyện cho người hạnh phúc mãi mãi.

Xin rải tâm xả đến người

Nguyện cho người luôn tĩnh lặng bình an.

Không lúc nào vui như lúc này

Thực tại hiện tiền ở quanh đây

Tương lai mờ mịt không cần nữa

Hạnh phúc từng bữa thật no đầy.