Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Tôi có ông bạn, mới 23 tuổi đời đã đi trụ trì. Chân ướt chân ráo về nhận chùa ở một vùng quê nghèo. Chùa quê, nhỏ gọn, heo hút trong làng. Cũng mấy mươi năm ở đây chưa có ông thầy vào về. Bà con ở đây chỉ biết đến chùa kiểu để giữ chùa, coi như là giữ cái truyền thống, cái chỗ văn hóa của cả làng. Nói về ý thức tu tập thì không, bởi dân quê, lo cái ăn cái mặc, vả lại cũng có ai dạy dỗ học tu đâu mà hiểu đạo.
 

Ảnh minh họa

Ông bạn tui về, khúm na khúm núm như đi làm dâu nhà người. Nói ra thì hơi khó, nhưng thật ra là như này. Thà ông thầy nào đó, tự mua đất tự xây chùa, tâm thế nó khác hẳn với một ông thầy ở đẩu ở đâu về nhận một cái chùa từ thời nảo thời nao. Những lão làng trong cái chùa đó, kiểu ở chùa đây lâu, trông coi chùa, tự cho mình là ma mới và có cái quyền trông coi luôn cả ông trụ trì mới về.

Được cái ông bạn tui hiền, chứ kiểu sân si sừng sộ, chắc chùa cũng cháy.

Một hôm không báo trước, anh em tụi tui kéo nhau qua thăm, đi bốn người. Xe dừng ở đầu ngõ vô chùa. Chùa nằm sâu trong ngõ, tối qua mới mưa đường lún xe không vào được. Tản bộ vừa đi vừa nói chuyện, đến gần cái cổng tre vô chùa, tụi tui nghe lớn tiếng, dạng như mấy chị em tiểu thương ngoài chợ cãi nhau chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước.

Tiếng mụ đàn bà u50 nghe chát chúa, pha lẫn mấy câu tục tĩu đến khó chịu cứ vang lên. Bước qua cánh cổng, thấy hai vợ chồng, không biết phải Phật tử không, tay kia áo tràng kẹp nách, tay còn lại chỉ thẳng vô mặt người đang ngồi im trên ghế đến tội nghiệp.

Người ngồi đó là ông trụ trì, bạn tui.

- Ông đừng ra cái vẻ từ bi độ lượng, cái loại ông cũng chỉ mới tu thôi, ngoài mặt thì thanh cao, ai biết trong lòng ông nghĩ gì. Xin thưa ông thầy, ông chỉ hơn tui cái đầu, đầu ông trọc, với hơn tụi tui cái bộ đồ. Thử bước ra khỏi cổng chùa cởi bộ đồ này ra, ông chỉ đáng cỡ cháu nội tui đánh ngày tám cử. Xin lỗi chùa này không cần trụ trì, xưa nay không có ai tụi tui vẫn sống như thường. Đếch cần ông ra vẻ hóa độ dấn thân…

Tụi tui sững sờ.

Khựng lại trước cửa, ông trụ trì thấy tụi tui bước vào ngạc nhiên, chỉ kịp nhướng người lên khỏi ghế, ngồi ra dấu ra nhà sau.

Tiếng người đàn bà chát chúa đó đi cùng tiếng xe nổ phành phạch sau 15 phút. Thả lại cho ông thầy tội nghiệp một câu:

- Để coi chùa này trụ được bao lâu.

Vẻ mặt thất thần của ông thầy vẫn còn, mời huynh đệ ngồi xuống, chỉ kịp lấy cái tay áo lau hai khóe mắt còn đỏ, rồi cười.

- Qua chơi sao không báo trước mấy ông?

- Vậy mới thấy ông thầy của tụi tui khổ ra sao. Kể.

Lúc sáng cũng có hai người phụ nữ từ ngoài tỉnh vô, ăn vận sang trọng, đi xe hơi vô chùa, nhưng cử chỉ lịch thiệp đường hoàng. Lúc đang ngồi tiếp chuyện thì hai vợ chồng ông bà này vốn là Phật tử bước vào. Chùa nghèo, không đủ ghế. Ông thầy nói hai vợ chồng vào lạy Phật rồi ra nói chuyện sau. Mụ vợ nổi sùng chỉ thẳng mặt ông thầy chửi, nói ổng tham phú phụ bần, nom tiền nom gái là sáng rực con mắt.

Ông thầy chỉ biết ngồi im, bởi có nói, thì biết nói cái chi…

- Nghĩ lại, thấy mình từ nhỏ bỏ cha bỏ mẹ bỏ nhà cửa đi tu, chung quy cũng là vì lý tưởng, có phải vì lợi dưỡng, vì cung kính hay sướng ích gì mà đi tu. Thương Phật tử bà con đây không ai hướng dẫn tu tập, thôi nghĩ về kinh kệ sớm hôm cho vui làng vui xóm. Cớ gì phải sỉ vả mình vậy mấy ông? Tui mà biết đi tu để khổ vậy, hồi đó tui không đi. Ba má tui, nếu mà thấy tui bị người ta chửi vậy, chắc đau lòng lắm hả mấy ông?

Nghĩ lại, thấy phận người tu sao mà bạc bẽo.

Cũng vì chí nguyện mà dấn thân, đâu phải vì cơm áo gạo tiền để vô chùa. Cảm thấy tôn trọng thì chắp tay chào, không thì thôi, đâu có cần chi mấy thứ cung kính một dạ hai vâng, để tới khi đụng chuyện rồi đem cái đầu trọc, đem bộ đồ ra nói chuyện. Nếu thấy tầm thường thì thử vô chùa cạo đầu, ba bốn giờ sáng dậy công phu, chấp lao phục dịch, kinh kệ hôm sớm, hàng ngày hứng chịu hàng vạn tâm lý con người, giữ giới giữ nghi, thử đi rồi biết cái đầu này nó có giá trị không.

Cạo đầu năm phút, áo mặc vô cái là xong. Nhưng để ngồi im để người ta chửi thì không dễ.

Ông thầy bạn tui làm được, tui chúc mừng ổng, thương ổng đi làm dâu không một ai bên cạnh.

Ba mẹ nào không thương con, thử nghĩ một ngày nào đó, con mình ngồi đó cho người ta sỉ vả, nói lên trên đầu, có xót không? Bằng tuổi con mình, nó ở nhà ăn mặc đầy đủ, thích chi chiều đó, còn người ta bỏ cha mẹ bỏ gia đình vô chùa, đến cọng tóc còn không giữ được. Phật ở trên nhìn xuống, thấy con mình nó cắn xé nhau, chắc Ngài cũng đau lòng.

- Đời tu mà, ai thương mình thì quý, ai không thương coi như duyên chưa đến, vậy thôi!

_ Hư Không Am _
( 14/09/19_16/08/KH )
Bài viết được lấy từ Face: Giác Phú