Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Đức Phật luôn luôn nhắc: “Ta không có quyền ban phúc giáng họa cho ai. Ta chỉ là ông thầy đưa đường cho chúng sanh vượt qua tai ách, là vị lương y chữa bệnh đau khổ cho người, nếu chúng sanh chính chắn làm theo lời ta chỉ dẫn”.

“Tự tác hoàn tự thọ”. Chính con người đã gây đau khổ, gom nhóm đau khổ và cũng chính con người đủ can đảm tự gỡ lấy những đau khổ thâm trọng súc tích trong bao đời trước và hiện tại của mình. Muốn được giải thoát, con người phải biết xét đoán hành vi và tư tưởng của mình, đừng trốn tránh trách nhiệm, đừng tìm kiếm lý này lẽ khác để che đậy những việc làm, lời nói lệch lạc, sái quấy của mình. Đừng ngồi ỳ ra đó, buông lung theo năm dục và dại khờ chờ đợi sự cứu vớt của Phật của thầy.

Xưa kia, có người vừa tắt thở bị quỉ sứ dắt đến Diêm-vương, Diêm-vương hỏi:

- Khi còn sống, ngươi không thấy những người đau yếu quanh ngươi để nghĩ đến ngày nay cải ác tu thiện sao ?

Tâu Diêm-chúa: - Vì tôi ngu mê quá, nên không nghĩ đến.

Lần lượt theo lời cật vấn của Diêm-vương qua năm tin tóc bạc, răng rụng... cho đến chết chóc, chàng ta đều thú nhận, tuy có thấy nhưng vì ngu mê không suy nghĩ đến để cải ác tu thiện... Diêm-chúa kết luận: “Vậy tội trạng của ngươi gây nên là chính tại ngươi, không phải do cha mẹ anh em hay quỉ thần nào tạo”.

Vậy tất cả khổ đau tập hợp bao đời dày đặc, do chúng ta lười biếng để nó đâm chồi mọc rễ, chớ nào phải tại người khác hay cha mẹ, vợ con, anh em, bè bạn mang đến cho ta đâu?

Chúng hãy chịu khó mở mắt ra nhìn, đừng ngu mê như anh chàng kia đến sau rồi hối hận không kịp. Chỉ có sự giác ngộ, sự tu tỉnh mới đem được nguồn an lạc cho ta ngày nay và ngày mai.

Một hôm, Tôn giả Xá-lợi-phất về cố hương đến viếng thăm bạn thân là ông Phạm-chí Đà-nhiên (Dhanan-jani). Bình nhật ông ta vốn tham lam khắc khổ với tôi tớ, người tá điền. Tôn giả vì muốn cảnh tỉnh bạn, nên đến nhằm lúc ông đang đánh đập những người canh điền.

Đôi mắt hiền lành nhưng sáng suốt uy nghiêm của Tôn giả như khiển trách khiến người bạn dừng tay.

- Sao ông nhẫn tâm hành hạ người canh điền như vậy ? Ông không sợ tội ư ?

Ông Phạm chí ngượng ngập đáp:

- Thưa Tôn giả, Tôn giả đã xuất gia có quyền sợ tội. Riêng tôi còn cha mẹ, vợ con, họ hàng. Tôi phải đóng góp thuế má cho quan. Chẳng hành hạ gắt gao với chúng, chúng lười biếng dể ngươi, không làm việc tận lực, làm sao tôi đủ để đóng góp sưu thuế, nuôi dưỡng cha mẹ, vợ con ?

- Như có người đi ăn trộm, bị lính bắt điều tra, kẻ trộm lấy cớ vì cha mẹ già nên phải đi ăn trộm để có tiền nuôi dưỡng cha mẹ... Nếu trong trường hợp ấy thử hỏi nhà cầm quyền có tha kẻ trộm ấy chăng ?

Câu chuyện trên đây dạy chúng ta ý thức rằng” nên ý thức việc làm chúng ta lành hay dữ, đừng viện cớ này cớ nọ để che đậy tội ác. Chính tự chúng ta tạo lấy ngục thất hay cảnh cực-lạc.

Cõi người hưởng phước hơn súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục... Cõi trời vui vẻ gấp nghìn lần cõi người. Chỉ cho chúng ta hiểu biết y báo, chánh báo trong sáu cõi. Xong đức Phật để tùy chúng ta chọn lựa bằng cách tạo nhân xấu, tốt của mình. Ngài chỉ chúng ta nhận định con người luân hồi và giải thoát cách biệt nhau như tối với sáng.

Đừng hiểu rằng sau khi chết, chúng ta mới đến cõi tịnh. Chính ngay lúc hiện tiền này, chúng ta cũng đạt được kết quả an vui giải thoát, nếu tâm ta dứt được những trói cột của ba nhân ác: tham, sân và si.

Có lắm người nóng tánh, tất sợ cảnh tội tù, nhưng họ không sợ lòng sân, khi gặp cảnh trái nghịch là phát sân lên rồi mặc tình gây tạo tội lỗi. Do đó, tuy không muốn đến khám đường mà rồi không sao tránh khỏi.

“Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.

Muốn hết đau khổ, người ta phải lo dứt mầm giống tham lam, giận tức, si mê. Hãy nghĩ đến kết quả của tập nhân mình tạo. Diệt được ba điều ác căn bản rồi, tuy chúng ta còn, còn mặc, còn ở cõi này nhưng tâm tư chúng ta đã tự do cổi mở hết những đau khổ.

HT. Thích Thanh Từ