Với bài viết này, Davod R. Loy đã làm rõ ý nghĩa tích cực, đầy nhân bản của khái niệm “nghiệp”, đó là thái độ tâm lý chủ tâm của con người đặt vào trong mỗi hành động của mình. Đức Phật đã làm mới nội dung của khái niệm “nghiệp” khi thoát ra khỏi quan điểm tiền định và đặt trọng tâm vào phương diện đạo đức. Thế nhưng, người học Phật chưa góp phần làm sáng tỏ sự đóng góp mang tính cải cách tâm linh của Đức Phật.
Bài này cần đọc kỹ và tư duy mới có thể hiểu được thâm ý của tác giả. Nhiều chi tiết khá thú vị trong bài viết này giúp chúng ta nhìn lại, hiểu thêm một số giáo lý căn bản của đạo Phật để thấy trách nhiệm của mình đối với bản thân trong quá trình tu học.
----------------
Chúng ta đang làm gì với nghiệp? Không thể cho rằng nghiệp không phải là một vấn đề đáng lưu tâm trong Phật giáo hiện đại. Nói một cách trung thực, hầu hết chúng ta biết chắc rằng mình không hiểu biết trọn vẹn về giáo lý nghiệp. Nghiệp, anh em sinh đôi với tái sinh, luôn là giáo lý căn bản của đạo Phật, thế nhưng chúng ta không biết làm thế nào để giải thích các giáo lý này một cách hợp lý nhất. Nghiệp thường được hiểu là một ‘luật đạo đức’ của vũ trụ, không có sự can thiệp của con người và là thuyết tiền định, có thể tính toán chính xác được nguyên nhân và kết quả tương ứng, giống như định luật vật lý của Newton.
Tuy nhiên, hiểu như thế có thể đưa đến sự phân vân do ‘mâu thuẫn nhận thức’ trong giới học Phật và tu Phật thời nay, vì nhân quả vật lý mà khoa học hiện đại đã khám phá về thế giới thì dường như không vận hành theo một cơ chế như vậy.
Giáo lý Phật giáo có ý nghĩa nhiều hơn đối với con người thời đại ngày nay so với con người thời Đức Phật. Ví dụ, giáo lý vô ngã trong đạo Phật, rất phù hợp với khái niệm về quá trình hình thành tự ngã (self-ego) mà tâm lý học đã khám phá ra. Tương tự như vậy, những luận sư Phật giáo như ngài Long Thọ đã nói về ngôn ngữ - ngôn ngữ hoạt động thế nào, con người hiểu lầm và lạc dẫn nó ra sao - rất gần với những gì các nhà ngôn ngữ học và triết học đề cập đến gần đây. Cũng như thế, khoa học hiện đại đồng thuận với Phật giáo về các quan điểm ‘tương quan lẫn nhau’ trong sinh thái học (với thuyết duyên sinh trong Phật giáo) và không có thực thể trong vật lý (với thuyết vô ngã của Phật giáo). Theo những cách như vậy, Phật giáo rất phù hợp với các cách hiểu trong thời hiện đại. Thế nhưng, học thuyết nhân quả, vẫn còn ‘bị’ hiểu theo cách truyền thống. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bác bỏ mọi thứ. Điều này gợi cho chúng ta có hướng suy nghĩ sâu hơn về giáo lý nghiệp.
Ít nhất có hai vấn đề trong các cách hiểu về nghiệp theo truyền thống. Một là, nghiệp được hiểu là những điều thiếu may mắn theo cách nhìn của nhiều người trong xã hội ở các nước châu Á, những nơi thường sử dụng thất sách là phân chia rạch ròi giữa người xuất gia và tại gia. Mặc dù kinh điển văn hệ Pāli khẳng định rõ ràng rằng người cư sĩ tại gia cũng có thể thành tựu giải thoát. Ấy thế mà trách nhiệm tu tập chính của người cư sĩ tại gia, theo cách hiểu thông thường hiện nay, không phải là bước trên lộ trình tu tập mà là ủng hộ tu viện. Bằng cách hỗ trợ vật chất này, nam nữ cư sĩ có ‘công đức’ - một khái niệm về phước nghiệp. Bằng cách tích lũy công đức như vậy, họ nguyện kiếp sau sanh vào cảnh giới an lành, có nhiều người nguyện kiếp sau trở thành người xuất gia. Thông thường người ta nghĩ rằng, ai sinh vào gia đình giàu có, nếu không phải giàu lên nhờ vào trúng số đời này, có nghĩa là đã tu tạo nhiều công đức trước đó. Với cách hiểu này, Phật giáo trở thành một hình thức “tu tập theo chủ nghĩa vật chất” bởi vì thực hành giáo lý đạo Phật chỉ nhằm đạt được nhiều của cải vật chất.
Một sự thật không thể tránh khỏi là điều này tạo nên ảnh hưởng xấu đến Tăng đoàn. Tôi xin lỗi khi nói ra một điều rằng, nếu ai đó có dịp tiếp xúc với các cộng đồng Phật giáo như Thái Lan sẽ thấy rõ, vai trò xã hội chủ yếu của Tăng đoàn là làm ‘ruộng phước’ cho người cư sĩ Phật tử đến gieo phước mà không cần giảng dạy giáo lý cũng như không nêu gương bằng chính cuộc sống của mình. Theo niềm tin của số đông, một người tu sĩ có năng lực tu tập tâm linh cao, thì khi cúng dường vị ấy, người cúng dường sẽ có được tài khoản công đức lớn trong ngân hàng công đức của mình. Điều quan trọng nhất ở các tu viện là các sư tuân giữ đầy đủ giới luật tinh nghiêm và khi làm được như vậy, các vị xứng đáng nhận đồ cúng dường của người cư sĩ. Cứ như thế, Tăng đoàn ở các nước châu Á và cư sĩ Phật tử bị khóa chặt trong mối quan hệ hỗ tương nhau và quan niệm này khó có thể thay đổi. Quan niệm thiên kiến về nghiệp như vậy không khác nào thiên kiến về tội lỗi của những người theo đạo Thiên Chúa - thật ra, nhìn vào cái này có thể thấy hình ảnh cái kia. Tội lỗi là một cái gì đó tiêu cực cần phải bỏ đi trong khi đó, công đức/nghiệp tốt là cái cần được tích lũy và như vậy, về phương diện tâm lý, hai cái này có bản chất như nhau. Như vậy, công đức theo cách này được hiểu là một cái gì đó chúng ta tạo chỉ để có kết quả sau khi chết.
Một vấn đề ứng dụng quan trọng khác nữa là làm thế nào để Phật giáo thích nghi hơn với vai trò toàn cầu hóa ở tương lai. Thuyết nghiệp thường được dùng để giải thích sự phân biệt chủng tộc, giai cấp, đàn áp kinh tế, dị tật bẩm sinh và nhiều thứ khác nữa trong xã hội. Theo nghĩa đen, thuyết nghiệp thanh minh cho quyền uy và thế lực của những tầng lớp chính trị quý tộc, những người xứng đáng giàu có và quyền uy, còn những người lệ thuộc vào họ thì không. Điều này đưa ra quan điểm có tính thần luận rằng: nếu chắc chắn có mối liên hệ nhân quả giữa hành động và số phận, không cần đòi hỏi phải có công bằng xã hội bởi vì mọi thứ đã được định đoạt về đạo đức trong vũ trụ, cũng không có ác để chúng ta cần phải tranh đấu. Cuối cùng, mọi thứ sẽ cân bằng đâu vào đấy.
Tôi nhớ lại lời một vị thầy Phật giáo hồi tưởng lại vụ giết người hàng loạt của phát-xít Đức trong đại Thế chiến thứ hai “cái nghiệp của những người Do Thái mới thảm làm sao…”. Cái cách lý giải theo kiểu trào lưu chính thống, đổ thừa cho những nạn nhân và hợp thức hóa bằng cách nói về số phận khủng khiếp của họ, là điều không thể cứ im lặng chịu đựng mãi được. Đã đến lúc những người học Phật và tu Phật hiện đại cũng như Phật giáo hiện đại thoát ra và vươn mình hòa nhập vào xã hội để nhận lãnh trách nhiệm cũng như tìm cách giải quyết những điều thiếu công bằng trong xã hội.
Trong kinh Kalama, một bản kinh được gọi là “bản tuyên ngôn điều kiện giải thoát”, Đức Phật nhấn mạnh đến sự quan trọng của tri thức nhằm tiếp cận sự thật để hóa giải nghi ngờ. Ngài dạy chúng ta không nên tin vào gì cả cho đến khi tự mình thiết lập được chân lý cho chính mình. Điều này có nghĩa rằng, chấp nhận nghiệp và tái sanh, không thắc mắc chúng thật sự có ý nghĩa gì có thể không chính xác lắm so với những lời Phật dạy trong kinh điển truyền thống. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta làm mất uy tín hay bỏ qua lời Phật dạy về các giáo lý này. Thay vào đó, ý kinh này nhấn mạnh đến nhu cầu thẩm định giáo pháp của Phật giáo trong thời hiện đại. Ngày nay, với những gì đã được biết về tâm lý con người, kể cả cấu trúc xã hội của cái ngã, làm thế nào để ngày nay, chúng ta có thể tiếp cận giáo pháp phù hợp với cách chúng ta cảm nhận về sự vận hành của thế giới? Nếu chúng ta không làm được như vậy, năng lực giải thoát của bản thân vẫn chưa được khám phá.
Một trong những nguyên tắc căn bản của Phật giáo là duyên sinh; thế nhưng tôi tự hỏi liệu chúng ta có nhận ra những gì hàm chứa trong giáo lý nguyên thủy của Đức Phật về duyên sinh hay không. Duyên sinh có nghĩa là không có gì có thể ‘tự tồn tại’ được, bởi vì mọi sự vật hiện tượng đều phụ thuộc vào các sự vật hiện tượng khác và rồi các sự vật hiện tượng này lại phụ thuộc vào những cái khác nữa, và cứ như vậy tất cả vạn vật sinh ra và mất đi tùy vào nguyên nhân (nhân) và các điều kiện (duyên). Thế nhưng, chúng ta tin rằng, đạo Phật phát sinh từ kinh nghiệm trực tiếp của Đức Phật Thích Ca, người trở thành ‘Bậc Giác Ngộ’ khi Ngài chứng đạt chân lý dưới cội bồ-đề. Các kinh điển khác nhau mô tả kinh nghiệm này bằng nhiều cách, tuy nhiên, với tất cả các truyền thống Phật giáo, sự kiện giác ngộ của Ngài là nguồn căn bản để hình thành toàn bộ kinh điển Phật giáo. Điều này khác hẳn giáo lý của Ấn giáo, không căn cứ trên điều gì khác như văn thư cổ của Vệ-đà truyền lại.
Vẫn có một điều gì đó chưa ổn ở đây mặc dù chúng ta thường chấp nhận điều trên. Câu chuyện về sự kiện giác ngộ ấy, như vẫn thường nghe kể, mang màu sắc huyền bí của tự-khởi - điều mà Phật giáo phủ nhận! Nếu duyên khởi của vạn vật là đúng cho tất cả, chân lý của Phật giáo không thể phát khởi một cách độc lập với tất cả truyền thống tín ngưỡng khác vào thời đại Ngài sống và quốc độ Ngài ở (cụ thể là thời kỳ đồ đá ở Ấn Độ) hoặc không thể nói chẳng có liên hệ gì đến các truyền thống tín ngưỡng này. Thay vào đó, giáo lý của Đức Phật Thích Ca cần được hiểu là một phản ứng đối với các hệ thống giáo lý khác, nhưng chắc chắn rằng, đó là một phản ứng trong đó đặt ra nhiều vấn đề về niềm tin tâm linh đương đại trong nền văn hóa ấy - ví dụ, khái niệm về ‘nghiệp’ và ‘tái sanh’ của Ấn Độ vốn đã phổ biến rất rộng rãi vào thời bấy giờ.
Hãy xem lời nhận định sâu sắc mà Erich Fromm đã nói về một cuộc cách mạng khác (mặc dù rất khác!) là Sigmund Freud rằng:
Sự nỗ lực tìm hiểu hệ thống học thuyết Freud hay học thuyết của bất kỳ triết gia có đầu óc sáng tạo và có tính hệ thống nào, sẽ không thành công nếu chúng ta không nhận ra rằng, và không thắc mắc tại sao, mỗi hệ thống, khi được phát triển và trình bày bởi tác giả phát minh ra nó, nhất thiết là có sai sót... Người triết gia sáng tạo đó phải suy nghĩ theo khuôn mẫu tư tưởng, luận lý và sử dụng các khái niệm có thể diễn đạt được trong nền văn hóa người ấy đang sống. Điều này có nghĩa rằng người ấy chưa thể sử dụng ngôn ngữ phù hợp để diễn đạt ý niệm sáng tạo, mới mẻ và giải thoát kia. Người ấy buộc phải giải quyết một vấn đề không thể giải quyết: diễn đạt tư tưởng mới bằng khái niệm và ngôn ngữ vốn không tồn tại trong kho ngôn ngữ mà người ấy sử dụng từ trước đến nay... Kết quả là, ý tưởng mới mà người ấy vừa thiết lập thật ra là một sự pha trộn giữa cái thật sự mới và ý tưởng đã được chấp nhận theo quy ước mà triết gia này muốn làm mới. Tuy nhiên, người triết gia không ý thức được mâu thuẫn này.
Quan điểm của Fromm rằng, ngay cả những triết gia sáng tạo và cách mạng nhất cũng không thể tự đứng trên vai của mình. Họ vẫn phải tùy vào môi trường văn hóa của họ, hoặc tri thức hoặc tâm linh, điều này chính là những gì Đức Phật nhấn mạnh về vô thường và tương duyên nhân quả. Tất nhiên là có sự khác nhau căn bản giữa Freud và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhưng rõ ràng vẫn có sự tương đồng. Đức Phật cũng hiển bày tuệ quán mới mẻ, giải thoát theo cách rất riêng của Ngài, sử dụng trong phạm trù tôn giáo mà nền văn hóa Ngài đang sống có thể hiểu được. Một điều không thể tránh khỏi là, giáo pháp của Ngài, (hay cách Ngài diễn đạt pháp) là một sự pha trộn của cái hoàn toàn mới (ví dụ như giáo pháp về vô ngã (anata) và duyên khởi (paticca-samuppada)) và tư tưởng đã được chấp nhận theo quy ước thời ấy (như nghiệp và tái sanh). Mặc dù cái mới cấp tiến hơn những cái đã được quy ước, như Fromm đã phát biểu, cái mới không thể vượt ra khỏi trí tuệ được quy ước một cách hoàn toàn và ngay lập tức được.
Với sự nhấn mạnh vào những giới hạn không thể tránh khỏi của bất cứ một nhà cải cách văn hóa nào, ý kiến của Fromm ngầm cho ta hiểu rằng vô thường - có bản chất năng động, đang phát triển - là học thuyết được chấp nhận trong tất cả các nền giáo lý tâm linh. Trong cuộc cách mạng con đường tâm linh thời bấy giờ, Đức Phật không thể nào tự đứng trên đôi vai của chính mình, thế nhưng nhờ vào trí tuệ thâm sâu của Ngài, những ai đi theo con đường của Đức Phật có thể đứng trên vai của Ngài. Là Phật tử, chúng ta có khuynh hướng cho rằng Đức Phật hiểu biết tất cả, rằng sự giác ngộ của Ngài và cách Ngài thể hiện sự giác ngộ ấy là vô thượng - nhưng liệu như vậy có công bằng với Ngài không? Thật ra, chúng ta không biết nhiều về Đức Phật lịch sử. Hình ảnh phổ biến ta biết được về Đức Phật phản ánh rất ít về con người thật sự của Ngài mà thật ra, những gì ta biết về Ngài nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của chúng ta hay cách ta nhìn Ngài là một con người toàn thiện có ý nghĩa khích lệ chúng ta trên con đường thực hành tâm linh hơn là sự thật lịch sử vậy.
Một giáo lý Phật giáo căn bản nữa là vô thường, nằm trong ngữ cảnh này nhắc chúng ta rằng giáo lý nghiệp và tái sanh trong Ấn giáo và Phật giáo có một chiều dài lịch sử và chúng thay đổi theo từng giai đoạn thời gian. Giáo lý Bà-la-môn sơ kỳ có khuynh hướng hiểu học thuyết nghiệp một cách máy móc và nặng tính nghi lễ. Thực hiện một đàn tế lễ theo đúng cách thức thì chắc chắn đưa đến kết quả như mong đợi. Nếu kết quả không thành tựu như ý, đó là do sai sót gì trong quá trình tổ chức tế lễ hoặc do quả báo đến chậm hơn, có thể đến kiếp sau (do đó, giáo lý này cũng hàm chứa niềm tin có tái sanh). Cuộc cách mạng tâm linh của Đức Phật là chuyển phương pháp có tính nghi lễ với mục đích nhận được những gì mình mong muốn trong cuộc sống vào một nguyên tắc đạo đức bằng cách nhấn mạnh vào yếu tố hành (cetana) nghĩa là ‘động lực’, ‘chủ ý’. Hành là chìa khóa để hiểu được cách Đức Phật nhìn nghiệp ở phương diện đạo đức. Ví dụ, kinh Pháp cú (Dhammapada) bắt đầu bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng vô song của thái độ tâm lý con người:
“Việc gì cũng do tâm dẫn đầu, tâm điều khiển, tâm tạo. Nếu một người nào đó nói hay hành động với tâm ô nhiễm, khổ đau sẽ đi theo như bánh xe đi theo chân con vật kéo xe” (Pháp cú kệ số 1).
“Việc gì cũng do tâm dẫn đầu, tâm điều khiển, tâm tạo. Nếu một người nào đó nói hay hành động với tâm thanh tịnh, hạnh phúc sẽ theo sau như bóng không rời hình” (Pháp cú kệ số 2).
Để hiểu được sự cải cách của Đức Phật, cần phải phân biệt một hành động đạo đức ở ba phương diện: kết quả mà ta tìm kiếm; quy tắc đạo đức mà mình đang tuân theo (ví dụ, giới của người theo Phật, điều răn của người theo Chúa; cũng như các bước thực hành nghi lễ); và thái độ tâm lý hay động lực khi chúng ta đang thực hiện hành động. Mặc dù những phương diện này không thể tách rời nhau, nhưng thật ra, chúng ta lại thường tách chúng ra với nhau. Không phải là trùng hợp ngẫu nhiên mà trong triết học đạo đức hiện đại, cũng có ba loại học thuyết chính: học thuyết Vị lợi (Utilitarianism) tập trung vào kết quả; học thuyết về Đạo nghĩa học (Deontology) tập trung vào các nguyên tắc chung như Mười điều răn; và học thuyết Đức hạnh (Virtue theory) tập trung vào đặc tính và các động cơ hành động.
Vào thời Đức Phật, nghiệp được hiểu theo quan điểm của Bà-la-môn giáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các quy trình (quy định) tổ chức một cuộc tế lễ một cách chi tiết. Thông thường, một cách tự nhiên, người nào chuyên tâm vào tế lễ thì để tâm nhiều hơn vào kết quả. Chúng ta biết đó, thật không may, tình hình ở một số nước Phật giáo ngày nay vẫn không khác trước là bao. Người xuất gia thì bận tâm đến các quy điều phức tạp gò bó cuộc sống họ, còn người cư sĩ tại gia thì lo tích lũy công đức bằng cách cúng dường đến người xuất gia. Cả hai thái độ này đều đánh mất trọng tâm trong cải cách tâm linh của Đức Phật là nhấn mạnh đến vai trò của chủ tâm trong hành động.
Mặc dù vậy, một số bản kinh trong kinh tạng Pāli hầu hết ủng hộ quan điểm tiền định. (Liệu đây có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên rằng hầu hết các đoạn kinh nói về lợi ích vật chất của Tăng-già đã được bảo lưu?) Ví dụ, trong kinh Tiểu nghiệp phân biệt (Culakammavibhanga Sutra - Trung bộ kinh số 135), nghiệp được sử dụng để giải thích sự sai khác giữa những người khác nhau, bao gồm ngoại hình và sự bất bình đẳng về kinh tế. Tuy nhiên, ở một số bài kinh khác, Đức Phật rõ ràng phủ nhận tiền định về đạo đức, ví dụ kinh Sở y xứ (Tittha Sutra - Tăng chi bộ kinh 3.61) trong đó Đức Phật nói rằng quan điểm như vậy từ chối tiềm năng của mình trên con đường tu tập tâm linh như sau.
Có Sa-môn, Bà-la-môn nắm giữ pháp, có quan điểm rằng “những gì một người trải qua - lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ - tất cả đều do nhân trong quá khứ” ... Rồi ta nói với họ rằng, “Trong trường hợp đó, một người là kẻ giết hại chúng sanh vì những nghiệp đã tạo trong quá khứ. Một người là kẻ trộm, ... không chung thủy, ... nói dối, ... nói hai lưỡi, ... nói lời hung ác, ... ngồi lê đôi mách, ... tham lam, ... độc ác, ... tà kiến bởi vì những nghiệp đã tạo trong quá khứ. Khi người ấy rơi xuống thọ nhận quả đã gây tạo trong quá khứ là điều không thể tránh khỏi; này chư Tỳ-kheo, không có ham muốn, không có nỗ lực (từ trong tâm) rằng “điều này nên làm, điều này không nên làm”. Một khi người ấy không thể xác nhận được chân lý hay sự thật việc nào nên làm, việc nào không nên làm, người ấy không an trú và không được hộ trì. Người như thế không thể xem là bậc Sa-môn”.
Trong một bài kinh ngắn khác (Kinh tập 36.21), một ẩn sĩ tên là Shivaka hỏi Đức Phật về quan điểm rằng “những gì một người trải qua, lạc thọ, khổ thọ hoặc bất lạc bất khổ thọ, tất cả đều do nghiệp đời trước”. Bây giờ, thưa Sa-môn Cồ Đàm (Đức Phật), nói như thế nào về điều này? Với vấn đề này, Đức Phật đáp:
“Do sự rối loạn của mật, này Shivaka, các loại cảm thọ khởi lên, ... do sự rối loạn của đàm..., của gió..., của (ba thứ) kết hợp lại..., do sự thay đổi khí hậu, do các hành vi chống đối..., do bị tổn thương..., do kết quả của nghiệp - (thông qua tất cả những thứ trên), này Shikava, các loại cảm thọ khởi lên... Bây giờ, các nhà ẩn sĩ và Bà-la-môn có một giáo lý như vậy và quan niệm rằng “những cảm giác gì một người trải qua, có thể là lạc thọ, khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do hành nghiệp quá khứ rồi họ vượt lên những gì tự biết và những gì được đời chấp nhận là đúng. Do đó, ta tuyên bố rằng điều này là sai về phần của các Sa-môn, Bà-la-môn”.
Khi hiểu lời Phật dạy một cách nghiêm túc, chúng ta không nên phóng đại đến mức hài hước trong đoạn kinh này. Thậm chí tôi có thể tưởng tượng Đức Phật đi ngang qua tạo nên một luồng gió nhẹ, rồi Ngài hỏi Shivaka “Đó có phải là nghiệp không?” Có lẽ điểm quan trọng được nhặt ra từ việc so sánh các đoạn kinh như vậy là giáo lý Phật giáo trong thời kỳ đầu bàn về nghiệp có phần không rõ ràng. Nếu những bài kinh này tự chúng không đủ để để hướng dẫn cho con người thời nay hiểu về nghiệp, tôi nghĩ rằng chúng ta nên trở lại với cuộc cách mạng của Đức Phật nhấn mạnh đến động cơ trong hành động của mỗi người. Chúng ta nên đánh giá trí tuệ có tính khám phá thể hiện qua phương pháp của Ngài như thế nào?
Từ Sanskrit nguyên gốc karma (tiếng Pāli là kamma) theo nghĩa đen là ‘hành động’, trong khi đó, vipaka là nghiệp quả (cũng được biết đến với từ ‘quả’ (phala)). Điều này gợi ra một điểm căn bản là hành động của chúng ta sẽ đưa đến kết quả - nói một cách rõ ràng hơn, các hành động đạo đức sẽ đưa đến các kết quả đạo đức tương ứng không chỉ nằm ở kết quả nhất thời trong hiện tại. Theo cách hiểu thông thường nhất, luật của nghiệp và tái sanh là cách để hiểu được thế giới sẽ đối xử như thế nào với mình trong tương lai. Điều này cũng ngầm ý rằng, một cách trực tiếp hơn, chúng ta phải chấp nhận trách nhiệm về những gì đang diễn ra với chính mình trong hiện tại như là kết quả của những gì chúng ta chắc hẳn đã tạo ra trước đó. “Nếu tôi bị mù bẩm sinh, đó phải là lỗi ở tôi.” Điều này đánh mất ý nghĩa của cuộc cách mạng trong cách giải thích của Đức Phật.
Nếu hiểu sâu hơn, nghiệp nên được xem là chiếc chìa khóa đưa đến sự phát triển tâm linh: Làm thế nào để tình thế có thể cải thiện tốt hơn bằng cách thay đổi động cơ của hành động ngay bây giờ. Khi chúng ta thêm giáo lý vô ngã của Phật giáo vào - nói theo ngôn từ hiện đại, cảm nhận về ngã là một cấu trúc tâm thần - chúng ta có thể thấy rằng nghiệp không phải là cái mà ngã có, đó chính là cảm nhận về ngã, và những gì ngã cảm nhận được thay đổi theo sự chọn lựa có ý thức. ‘Tôi’ xây dựng (lại) chính bản thân mình bằng những gì tôi chủ ý làm, bởi vì cảm nhận ‘của tôi’ về tự ngã là sự lắng đọng của những cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động theo quán tính. Ví như thân thể này được cấu thành từ thức ăn đã được tiêu hóa, tính cách con người được cấu thành từ những sự chọn lựa có ý thức, vì ‘tôi’ được xây dựng bằng các thái độ tâm thần không gián đoạn, lặp đi lặp lại. Người ta ‘bị phạt’ hay ‘được thưởng’ không phải do những gì họ đã gây tạo mà là những gì họ đang là, và những gì ta làm một cách có chủ ý tạo nên chính con người mình trong hiện tại. Ý này được diễn đạt qua mấy câu sau:
Gieo ý tưởng, gặt hành động,
Gieo hành động, gặt thói quen,
Gieo thói quen, gặt tính cách,
Gieo tính cách, gặt số phận.
Những gì ta làm có động cơ từ những gì ta nghĩ. Các hành động có chủ ý, khi được lặp đi lặp lại hoài sẽ tạo ra một thói quen. Các cách suy nghĩ, cảm nhận, hành động và phản xạ theo thói quen sẽ xây dựng và hình thành cảm nhận của mình về tự ngã: tôi thuộc loại người nào. Loại người như tôi không hoàn toàn ấn định những gì đến với tôi nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ đến những gì xảy ra và cách tôi phản ứng lại.
Ăn năn và hối lỗi vô cùng quan trọng bởi vì đây là những cách để nhận biết, đối với người khác cũng như đối với bản thân, rằng chúng ta đang nỗ lực để không cho phép những điều không hay chúng ta đã làm trở thành (hay vẫn còn) một khuynh hướng có tính thói quen hình thành nên cảm nhận của mình về tự ngã.
Cách hiểu như vậy về nghiệp không nhất thiết liên quan đến kiếp sống khác sau khi thân thể vật lý này mất đi. Như triết gia Spinoza phát biểu trong nhận định cuối cùng của ông trong cuốn ‘Đạo đức’ rằng, hạnh phúc không phải là cái đức hạnh đạt được, mà hạnh phúc chính là đức hạnh. Không phải chúng ta bị trừng phạt vì ‘tội lỗi’ của mình mà trừng phạt chính tội lỗi ấy. Khi làm những loại việc trong tầm mức nào đó, chúng ta trở thành loại người tương ưng trong tầm mức đó.
Để trở thành một loại người khác là phải trải nghiệm thế giới theo một cách khác. Khi tâm chúng ta thay đổi, thế giới thay đổi theo. Và khi chúng ta có phản ứng khác với thế giới thì thế giới cũng có phản ứng khác với chúng ta. Cho đến khi nào chúng ta thật sự thấy mình và thế giới không còn là hai, cách chúng ta hành động trong thế giới có khuynh hướng liên hệ đến hệ thống phản hồi kết hợp với người khác. Con người không chỉ lưu tâm đến việc họ làm, mà còn lưu tâm đến lý do tại sao họ làm như thế. Tôi có thể che giấu bản chất mình trong một vài lúc nào đó, nhưng qua một thời gian, bản chất tôi sẽ lộ rõ vì các động cơ đằng sau hành động tôi hiển bày rõ ràng. Nếu tôi càng bị tham lam, sân giận và si mê thúc đẩy, tôi càng phải thao túng thế giới để thâu tóm những gì tôi muốn, và kết quả là tôi càng cảm thấy xa lạ và người khác lại càng cảm thấy xa lạ hơn khi họ bị thao túng. Sự mất tin tưởng lẫn nhau càng khuyến khích hai bên thao túng nhau càng nhiều hơn.
Ngược lại, nếu lòng bao dung, thương yêu và hiểu biết về sự tương duyên càng thúc đẩy, tôi càng có thể thoải mái và mở lòng ra sống với thế giới. Tôi càng cảm thấy mình là một phần của thế giới và thật sự có liên hệ đến người khác, tôi càng ít có khuynh hướng sử dụng họ, và kết quả là họ càng có khuynh hướng được tin tưởng và sống mở lòng với tôi hơn. Với những cách như vậy, biến đổi động cơ của bản thân tôi không chỉ làm biến đổi cuộc sống của tôi mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh tôi nữa, vì cá nhân tôi là người thế nào không hề tách rời họ là người ra sao.
Sự hiểu biết về nghiệp càng tự nhiên như thế này không có nghĩa là chúng ta nhất thiết phải loại trừ phương diện khác, có lẽ nhiều khả năng huyền bí đề cập đến kết quả của động cơ hành động với thế giới mà ta đang sống. Cũng không sao nếu người ta không sẵn lòng hiểu những phương diện khác của nhân-quả-nghiệp báo. Dù vậy, điều rõ ràng trong các trường hợp, là nghiệp-là-cách-làm-thay-đổi-tình-thế-thông-qua-cách-thay-đổi-động-cơ-của-mình-ngay-bây-giờ không phải là một học thuyết có tính định mệnh. Điều này mang nội dung hoàn toàn ngược lại: thật khó để tưởng tượng được sức mạnh chứa đựng trong lời dạy tâm linh này. Giáo lý này dạy chúng ta không chấp nhận một cách thụ động những tình huống khó khăn trong cuộc sống của mình. Hơn thế nữa, giáo lý này khuyến khích chúng ta cải thiện đời sống tâm linh và các tình huống trong cuộc sống đời thường bằng cách giải quyết các tình huống này trong tinh thần bao dung, thương yêu và với sự hiểu biết rằng mình và thế giới không tách rời nhau.
David R. Loy - Liên Trí dịch - GNO