Vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, ở Ấn Độ cổ đại có một vương quốc có tên gọi là Magadha. Thành phố Rajagriha hoa lệ là kinh đô của vương quốc này, cũng là nơi sinh sống của nhà vua.
Kinh đô Rajagriha là nơi mà dường như có tới 2 thế giới, dù tồn tại song song, nhưng thế giới này hầu như chẳng biết đến thế giới kia, một nơi dành cho những người giàu có, một nơi dành cho những người nghèo khổ.
Trong số những người dân nghèo của Rajagriha, có một bà lão, tuy tuổi đã cao nhưng trí tuệ vẫn vô cùng minh mẫn, sáng suốt. Bà lão còn là người có tấm lòng thơm thảo, một lòng thờ kính Đức Phật, lúc nào cũng mong được cúng dường Đức Phật. Song vì tuổi cao, sức yếu, lại nghèo khó, bà vẫn chưa có cơ hội làm được điều đó.
Một hôm, đang đi trên phố, bà lão bỗng thấy một đoàn xe ngựa đông đúc tấp nập chở theo những thùng gỗ lớn. Hỏi ra, bà mới biết được rằng đó là số dầu được nhà vua Ajatashatru gửi đến một tịnh xá mà Đức Phật vừa ghé qua để cúng dường Đức Phật, bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn của nhà vua đối với những công đức của Ngài.
Nghe xong, bà lão cũng cảm thấy vô cùng hân hoan, vậy là cuối cùng Đức Phật cũng đã ghé qua thành phố Rajagriha, mong muốn của bà cũng có cơ hội trở thành hiện thực rồi. Bà lão lần sờ các túi, xem ra còn được vài đồng bạc lẻ. Bà lau lau những đồng tiền cho sạch sẽ, rồi mang đến một cửa hàng bán dầu đèn gần đó.
Người bán hàng vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy bà lão ăn xin nghèo khổ cầm những đồng bạc cuối cùng hỏi mua dầu thắp đèn. Sau một chút đắn đo, ông ta mới cất lời hỏi bà: "Bà ơi, theo tôi thấy thì bà chắc cũng không giàu có gì, sao bà không dùng tiền mà mua thức ăn, sống qua ngày, còn đi mua dầu thắp đèn làm gì? Bà cũng đâu có nhà hay có đèn để thắp đâu?".
Bà lão cười móm mém, trả lời người bán hàng: "Tôi có nghe nói Đức Phật vừa mới đến thành phố này, và nhà vua vừa chở rất nhiều dầu đèn đến để cúng dường Đức Phật. Vừa hay đó cũng là mong muốn của tôi từ biết bao năm nay, giờ mới có cơ hội thực hiện, để tỏ chút lòng thành với Ngài, cũng là để mong tích chút phước đức cho mình và cho những người thân của mình, tôi nguyện dùng những đồng tiền cuối cùng của mình để làm điều đó".
Người bán hàng nghe nói vậy, thấy rất cảm động, một bà lão ăn xin nghèo khổ mà còn nghĩ được như vậy, huống hồ là ông.
Vì thế, ông ta mới bảo với bà lão: "Mấy đồng tiền của bà chỉ mua được chút ít dầu thôi, nhưng tôi sẽ tặng thêm cho bà một ít nữa, và cho bà mượn thêm chiếc đèn này để bà cúng dường Đức Phật, tôi cũng muốn bày tỏ tấm lòng hành thiện của tôi, và cũng muốn tích chút công đức cho gia đình mình".
Bà lão cảm ơn người bán hàng, cầm ngọn đèn đã được đổ đầy dầu, đi đến tịnh xá của Đức Phật. Khi tới nơi, bà thấy cả tịnh xá sáng rực rỡ như ban ngày với vô số những chiếc đèn lớn đã được thắp đầy dầu của nhà vua.
Bà lão nhìn sang cây đèn nhỏ bé, khiêm tốn trong tay mình, thoáng có chút chạnh lòng. Bà nghĩ chắc cùng lắm thì nó cũng chỉ sáng được tới nửa đêm mà thôi.
Nhưng rồi bà lão ngồi xuống, lau sạch cây đèn, rồi đi xin lửa, vặn bấc và thắp nó lên. Bà thành kính dâng cây đèn lên Đức Phật, chắp tay cầu nguyện, mong Đức Phật thấu hiểu và nhận tấm lòng của bà, nguyện cho cây đèn của bà có thể tỏa ánh sáng muôn nơi và giữ được ánh sáng ấy qua cả đêm.
Sáng hôm sau, Đức Phật sai 1 môn đồ đi tắt đèn những ngọn đèn còn lại. Với những cơn gió thổi mạnh từ núi Sumeru (còn gọi là núi Tu-Di) gần đó, đa phần các ngọn đèn đều đã tắt từ đêm qua, có vài ngọn đèn ở vị trí khuất hơn thì chưa tắt, nhưng ánh sáng cũng chỉ le lói, quạt một cái thì đã tắt luôn.
Tuy nhiên, giữa những ngọn đèn ấy, có một ngọn đèn vẫn tỏa ra thứ ánh sáng diệu kỳ, lấn át tất cả những ngọn đèn khác. Và dù người môn đồ dùng quạt phẩy mạnh thế nào thì nó vẫn không hề tắt.
Môn đồ thấy rất hiếu kỳ, bèn đến báo lại sự việc cho Đức Phật. Ngài mỉm cười, nói: "Ngươi không tắt được ngọn đèn ấy đâu".
"Tại sao con lại không thể tắt được ngọn đèn ấy thưa Đức Phật? Nó có gì đặc biệt so với những ngọn đèn của nhà vua ạ?", môn đồ thắc mắc.
"Ngươi không biết đó thôi. Từ nhiều kiếp trước, bà lão ấy đã chăm chỉ cúng dường, làm nhiều điều thiện. Đến kiếp này, dù sống cuộc đời nghèo khổ, nhưng bà lão ấy vẫn luôn giữ được cái tâm thanh tịnh, một lòng kính Phật, vì thế, trong đời vị lai bà ấy sẽ được giác ngộ thành Phật. Ngươi không thể tắt được ngọn đèn của một vị Phật trong tương lai .", Đức Phật từ tốn giải thích cho môn đồ.
Lời bàn
Ngọn đèn kỳ diệu không bị thổi tắt của bà lão nghèo khổ là một trong những câu chuyện Phật giáo nổi tiếng được nhiều người biết tới. Bà lão sau đó trở thành Phật, được gọi là Phật Tu-Di Đăng (Ngọn đèn ở núi Tu-Di).
Sở dĩ nhà vua cúng dường rất nhiều, nhưng lại không thể trở thành Phật, vì nhà vua, tuy làm việc thiện, nhưng vẫn chưa thật sự làm từ cái tâm của mình, mà đâu đó vẫn còn len lỏi chút cảm giác hư vinh, kiêu ngạo, chứ chưa thật sự giác ngộ.
Còn bà lão nghèo khổ làm việc thiện một cách thành tâm, thầm lặng, chẳng cần ai biết đến, cũng không ầm ĩ, không cầu kỳ, tất cả xuất phát từ tấm lòng thành, dù ít cũng vô cùng đáng quý, cuối cùng đã nhận được phước báo.
Theo Soha