Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Trong chuỗi sự kiện dịp Đại lễ Tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu, vào tối ngày 15/7/2023 (nhằm 30/8 Quý Mão) có thời thuyết pháp do Thượng toạ Giác Nhường, Phó thư ký, Trưởng ban Truyền Thông Thông Tin Giáo Đoàn III chủ trì với chủ đề: “Làm Thế Nào Để Trợ Giúp Những Người Đã Mất.”

Trong chuỗi sự kiện dịp Đại lễ Tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu, vào tối ngày 15/7/2023 (nhằm 30/8 Quý Mão) có thời thuyết pháp do Thượng toạ Giác Nhường, Phó thư ký, Trưởng ban Truyền Thông Thông Tin Giáo Đoàn III chủ trì với chủ đề: “Làm Thế Nào Để Trợ Giúp Những Người Đã Mất.”

Đầu tiên Thượng toạ muốn gởi đến toàn thể hội chúng tham gia Đại lễ và tham dự buổi thuyết giảng vào tối Rằm tháng 7, một buổi tối đặc biệt trong chuỗi sự kiện của Đại lễ, mỗi người trong chúng ta đều thắc mắc không biết người thân đã khuất của mình sẽ đi về đâu, có được bình yên, hạnh phúc hay đang chịu khổ đau? Bỡi vì tháng 7 được xem là tháng cô hồn hay mùa Vu lan được xem là mùa Báo hiếu, dù là Phật tử lâu năm hay mới là Phật tử hay không phải là Phật tử đi nữa cũng đều có chung suy nghĩ. Hiểu được tâm tư của hội chúng, Thượng toạ đã chọn chủ đề đơn giản nhưng đánh động vào tâm thức của mỗi người nhằm củng cố niềm tin của họ vào Tam bảo đồng thời giúp họ làm thế nào để người thân đã khuất được hưởng phước còn người hiện tại thì bình an và hạnh phúc.

Thượng toạ kể câu chuyện trong kinh Nikāya nói về những Ngạ quỷ bên ngoài bức tường. Bài kinh kể rằng khi vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) làm pháp sự cúng dường lên Đức phật và chư Tăng nhưng không tác ý hồi hướng, đêm đó ông nghe tiếng khóc than rất thảm thiết xung quanh kinh thành, ông đem câu chuyện ấy kể lại Đức Phật. Đức Phật bảo những tiếng khóc ấy là của những người thân bằng quyến thuộc của vua đã khuất, vì vua làm pháp sự mà không tác ý hồi hướng công đức đến họ nên họ không nhận được, và họ bị đói khát và lạnh lẽo.

Điều này cho chúng ta biết rằng những Ngạ quỷ không ai khác hơn là những người thân của chúng ta đã khuất, do ác nghiệp nên đã tái sanh làm ngạ quỷ. Loài Ngạ quỷ theo trong kinh tả thì bụng rất to mà cổ lại nhỏ nên lúc nào cũng bị đói khát. Họ sống xung quanh chúng ta như ở những nơi cây cao bóng cả, nơi ngã ba, ngã tư đường… với mắt thường chúng ta không thể thấy được nhưng họ có hiện hữu. Và thức ăn của họ không phải cháo loãng, hay chuối xanh mà chúng ta dâng cúng mà mỗi loài đều có thức ăn cho riêng họ. Thế nhưng thức ăn thiết thực nhất mà tất cả mọi loài – những chúng sanh còn trong Tam giới nhận được là phước đức. Phước đức ấy là từ chính họ đã là trong quá khứ hay hiện tại của họ và một phần từ chính người thân làm dùm; chẳng hạn như cúng dường, bố thí và hồi hướng công đức ấy đến họ thì họ sẽ nhận được ngay. Do đó nếu các Phật tử cúng dường mà không tác ý để hồi hướng thì họ cũng không nhận được mà phước ấy người tạo sẽ nhận.

Cho nên trong chuỗi sự kiện của Đại lễ, Ban tổ chức luôn có chương trình Lễ Cầu Siêu Bạt Độ để hầu giúp cho người thân của người đã mất làm công đức để hồi hướng đến Cửu huyền Thất tổ của họ và giúp cho các vong linh không có người thân làm công đức cũng được hưởng nhờ mà được no đủ và siêu thoát.

Vì sao phải chờ đến rằm tháng 7 mới làm lễ Cầu Siêu Bạt Độ, vì chúng ta cũng biết sau ba tháng an cư, tu hành tinh tấn, chư Tăng mới có đủ đạo hạnh và công đức để nhận lễ phẩm cúng dường và hồi hướng công đức cho người hiện tại và người quá vãng.

Bên cạnh lời Phật dạy, Thượng toạ cũng trích thêm lời của Tổ sư Minh Đăng Quang trong Chơn Lý “Thờ Phượng” như: Ai ai cũng nên phải đem sự thờ phượng Phật Thánh cùng cha mẹ ông bà, kẻ quá khứ vào chỗ đạo chung là phải; có như thế mới dứt được lòng tư kỷ, chia rẽ, chiến tranh nhau. Cũng như nơi chỗ bàn thờ hội đồng ấy, tất cả kẻ quá khứ đều chung hiệp thì những người hiện tại và vị lai mới sẽ chung hiệp. Vì người người sẽ thường tới lui thăm viếng, gặp gỡ nhau tại chỗ đạo đức thiện lành, thường được nghe pháp học giới, xem gương các nhà sư, và cảnh tịnh cảm hóa nhắc nhở chơn tâm. Ngày lễ kỷ niệm người sẽ cúng kiếng, chay lạt trong sạch, không làm tội lỗi. Một người cúng là cúng hết thảy, cúng chung, lạy chung, thắp hương đèn chung. Cho đến kẻ cô độc kia cũng hãy đem đến thờ chung, để tự mình đi xa làm ăn, hay tu học giải thoát được, bởi đã có kẻ giữ sự thờ phượng cho giùm. Người tu xuất gia cũng được đem kỷ niệm thân quyến đã chết vào thờ, cho có người coi sóc, như đã gởi gắm cho đi tu xong rồi là trong tâm mới đặng yên ổn rảnh rang, mà đi tu hành xứ khác… Sự báu quí nhất của thờ phượng chung là bá tánh thường tới lui cu hội, gặp nhau nơi chỗ đạo đức, để gom tinh thần hào hiệp hiền lương. Ấy mới phải là đạo lý giác ngộ của chúng sanh chung, không bao giờ có giặc giã tai hại, cõi đời mới mong hạnh phúc vĩnh viễn sống chung như một.

Cuối cùng, Thượng toạ nhắn nhủ đến hội chúng mỗi ngày chúng ta sống đều nhờ vào sự chăm sóc của cha mẹ, cơm ăn áo mặc từ những người làm ra, sống bình yên trong một quốc gia không có chiến tranh loạn lạc và học nhiều đạo lý sống từ các Thầy Cô giáo cũng như từ chư Tăng Ni, những người xuất gia giải thoát. Do đó, chúng ta phải biết cách biết ơn và đền ơn. Vì biết ơn và đền ơn là đạo đức, là nền tảng tạo ra phước đức để chúng ta sống bình yên ở hiện tại và hưởng được phước báu sau khi tái sanh.

Buổi thuyết pháp được kết thúc trong niềm hoan hỷ của toàn thể hội chúng.


 

Ban TT-TT Giáo đoàn III - Ðạo Phật Khất Sĩ