Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Ngày tu thứ tư của khoá tu Giới Định Tuệ tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Vạn, Khánh Hoà, Ban tổ chức và đại chúng cung thỉnh Thượng toạ Giác Nhường, Phó thư ký kiêm Trưởng Ban Truyền Thông Thông Tin Giáo Đoàn III, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Đạt, tỉnh Đắc Nông chia xẻ những lời dạy, những kinh ngiệm từ đức Tổ sư đến các bậc Thầy Hiền và gần nhất là các bậc Thầy đang trực tiếp giáo dưỡng và duy trì Đạo pháp Khất sĩ Giáo đoàn III, để đại chúng Tăng Ni lấy đó làm bài học cho chính mình và đem những gì đã tu học phụng sự đạo pháp và phục vụ nhân sinh.
Đầu tiên, Thượng toạ nêu hình ảnh của đức Tổ sư trong thời kỳ đầu lập đạo và hành đạo. Thời ấy Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung đang trong giai đoạn suy thoái. Từ Ấn Độ, Trung Quốc cho đến các nước thuộc khu vực Đông Nam Á đều chịu ảnh hưởng bỡi chiến tranh. Bên cạch chiến tranh tang tóc, lòng người hoang mang, lo sợ thì chiến tranh còn mang theo các tôn giáo ngoại lai làm nhiễu nhương tôn giáo bản địa và gia phong truyền thống lâu đời. Cho nên vào đầu thế kỷ 20, Phật giáo khắp nơi bắt đầu phong trào chấn hưng, Phật giáo Việt Nam cũng hưởng ứng phong trào đó. Tổ Khánh Anh cũng như các tu sĩ học giả như ngài Mật Thể cũng đi du học để đem kiến thức và giáo pháp về chấn hưng Phật giáo nước nhà.



Tổ sư Minh Đăng Quang sinh ra và lớn lên tại Miền nam Việt Nam, chịu ảnh hưởng sâu sắc hai truyền thống Nam-Bắc Phật giáo. Với xứ mạng và bổn nguyện sâu dày, tổ sang Campuchia học đạo và nguyên cứu giáo lý Phật giáo Nam tông; trở về Việt Nam Tổ tự mình nguyên cứu giáo lý Phật giáo Bắc tông. Sau đó, Tổ kết hợp nhuần nhuyễn hai nguồn giáo lý và hình thành Đạo phật Khất sĩ biệt truyền Việt Nam.

Buổi đầu mở đạo theo truyền thống Phật Tăng xưa, Tổ hành hạnh y bát khất thực, đem đạo pháp đi vào xóm làng nông thôn. Khi tăng chúng và tín đồ đông lên, Tổ bắt đầu đưa đoàn Du tăng Khất sĩ lên Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Dù ở rừng núi hay phố thị Tổ đều giữ vững lập trường và đường lối ban đầu vạch ra đó là Đạo phật Khất sĩ Nối truyền Thích-ca Chánh pháp. Dùng giáo lý chánh pháp thời Phật làm tông chỉ thực tập và hành đạo. Giáo lý thời chánh pháp đó là giáo lý Bát Chánh Đạo mà gọi tắt là Giới Định Tuệ.

Tổ rất nghiêm khắt đối với các đệ tử, Ngài xem chánh pháp Giới Định Tuệ là tông chỉ và nền tảng thực hành, ai dùng phượng tiện chuyển tải đạo lý Tổ đều không ưng thuận như trường hợp của Trưởng lão Từ Huệ. Trưởng lão Từ Huệ là đệ tử đầu của Tổ, Ngài dùng cách bốc thuốc, trị bệnh cứu người làm phương tiện hành pháp, Tổ quở và cho Trưởng lão sống ngoài đoàn hay Trưởng lão Giác Bảo dùng sấm giảng để giảng đạo, Tổ cũng mời ra khỏi đoàn, dù Trưởng lão độ được rất nhiều đồ chúng và bá tánh. Do đó trong buổi đầu mở đạo, Tổ chỉ muốn duy trì bản chất và đường lối chủ trương Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, giáo pháp thời Phật không bị pha tạp, không bị phương tiện hoá.

Đối với Ni chúng, Tổ cũng rất nghiêm, có lần tại Tịnh xá Ngọc Lâm, Phú Lâm, Tổ đã phạt Ni trưởng Huỳnh Liên phải đi xung quanh chánh điện bằng hai đầu gối, cư sĩ thấy vậy xót và xin Tổ tha cho, nhưng Tổ nói: Tôi luyện cho Cổ để sau này Tôi giao việc lớn cho Cổ. Quả không sai, sau này Tổ giao việc lãnh đạo Ni đoàn cho Ni trưởng. Và đúng như mong muốn của Tổ, Ni trưởng đã lãnh đạo và giáo dưỡng Ni chúng Hệ phái Khất sĩ ngày càng phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Ngoài việc lãnh đạo và phát triển Ni đoàn, Ni trưởng còn rất mực cung kính và tôn trọng chư Tăng. Trong cuốn Di Bảo của Ni giới Hệ phái Khất sĩ có ghi lại bút tích của Ni trưởng, điều đầu tiên Ni trưởng ghi là phải tuân thủ Bát Kỉnh Pháp. Điều này rất đúng, sau khi Tổ vắng bóng một thời gian, khi Ni chúng đông lên, Ni trưởng cho các Ni trẻ đi học thế học và Phật học. Lúc ấy chư Tăng biết và rầy, Ni trưởng cùng chúng Ni đến chư Tăng đảnh lễ cầu sám hối suốt mấy ngày. Điều này cũng được mô tả trong kinh Tăng Chi, bài kinh có tựa “Mahāpajāpati Gotami”, nói về bước đầu cầu đạo gian nan của Tổ Ni, dù bà là Dì mẫu của đức Phật nhưng muốn xuất gia tu học theo tăng đoàn bà cũng phải chấp nhận gìn giữ Bát kỉnh pháp. Do đó Bát Kỉnh Pháp được xem là chánh pháp của Ni. Pháp Bát Kỉnh giúp chư Ni sống an lạc và giải thoát trong Tăng đoàn.

Thời kỳ đầu Tổ rất nghiêm đối với các đệ tử, khi Tổ thuyết pháp, Tổ muốn các đệ tử phải tập trung lắng nghe chứ không được sao lãng hay ỷ lại nên Tổ không cho ghi chép. Lúc đó, nhị Tổ Giác Chánh lấy vở ra ghi chép, Tổ nói: “ông Chánh nên tập trung nghe, không được chép”. Nhị Tổ không chép nhưng khi hết thời pháp xuống đóng chặt cửa cốc để định tâm nhớ lại và chép xuống giấy, vậy mà Tổ cũng biết và rầy: “Tôi đã bảo ông Chánh không được ghi mà cũng cố ghi”. Chỗ ý này Tổ đã thực hành y theo thời Phật, lúc đức Phật thuyết pháp, hội chúng chỉ lắng tâm ghi nhớ và hành trì. Do đó chúng ta thấy rằng quý đức Thầy sống gần Tổ không được lâu nhưng các ngài luôn giữ được truyền thống của Tổ và duy trì Đạo phật Khất sĩ nguyên bản và phát triển tăng đoàn vững mạnh cho tới hôm nay.

Nói về đức Thầy Giác An trong buổi đầu theo Tổ tu học cho đến lúc Tổ vắng bóng chỉ mới khoảng 5 năm, nhưng đức Thầy luôn lấy chánh pháp thời Tổ làm mục tiêu tu học và hành đạo. Dù chỉ sau 2 năm thọ Cụ túc giới, đức Thầy bắt đầu con đường hoằng pháp lợi sanh, thành lập giáo đoàn và tiếp độ cả Tăng lẫn Ni. Đức Thầy giữ vững lập trường hành đạo và tu học theo đường lối của Tổ không cho Tăng Ni đi học thế học. Vào năm 1971 đức Thầy viên tịch, đức Trưởng lão Giác Phải thay Thầy lãnh đạo Giáo đoàn dù lúc ấy đức Trưởng lão cũng chỉ mới 2 hạ. Đức Trưởng lão tiếp nối truyền thống của Tổ Thầy duy trì và phát triển Giáo đoàn III. Trải qua nhiều thế hệ, quý Trưởng lão thay nhau lèo lái con thuyền Khất sĩ đi đúng tông chỉ của Tổ. Cho đến hôm nay, Đạo phật Khất sĩ nói chung, Giáo đoàn III nói riêng luôn giữ được truyền thống Khất sĩ thời kỳ đầu nhưng cũng có ít nhiều biến đổi theo thời cuộc. Có những Tăng Ni trẻ được đi học trong và ngoài nước có bằng cấp, có học vị, có khả năng đóng góp và phát triển Giáo hội. Thế nhưng bên cạnh đó cũng có những trường hợp nhỏ lẻ đã dần đánh mất hay bị pha tạp bỡi thế giới bên ngoài. Trong một tập thể nào cũng thế đôi lúc vì hướng ngoại hay vì yếu hèn không cưỡng được tâm đã dần đánh mất truyền thống tốt đẹp mà Phật Tổ Thầy đã dày công gìn giữ.


Qua đây Thượng toạ kể về câu chuyện một bà mẹ quê cả đời lam lũ, một nắng 2 sương chắc chiu để nuôi đứa con trai duy nhất đi thành phố học. Khi có được học vị, sự nghiệp người con về chê mẹ mình là quê mùa, thô kệch, thay vì phải yêu quý và trân trọng. Chính sự lam lũ, quê mùa ấy mới tạo nên một thanh niên trí thức, thành công như hôm nay. Cho nên khi có học vị, có tri thức chúng ta cần phải cân nhắc và cẩn thận hơn trong cách hành xử, làm sao cho có sự dung hợp giữa lý thuyết và thực tế. Chính vì thế, Giáo đoàn đã bỏ nhiều công sức mở các khoá tu để các Tăng Ni trẻ cùng nhau quây quần bên các bậc Thầy lớn để cảm nhận và nghe lời giáo huấn từ quý ngài, để biết cách bảo trì và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của ông cha ta, truyền thống Khất sĩ.

Bên cạnh những lời dạy quý báu và kinh nghiệm của các bậc Thầy xưa, Thượng toạ còn trích những lời dạy của chư vị Hoà thượng, những bậc Thầy hiện tiền để hội chúng Tăng Ni lấy đó làm bài học nương theo tu hành và phụng sự như Hoà thượng Tri sự Trưởng, Hoà thượng Giác Hùng dạy trong Lễ Tưởng Niệm Đức Thầy Giác An vào dịp lễ Tự tứ tại Tịnh xá Ngọc Hưng (Đồng Nai), Hoà thượng dạy: “có cung kính mới có vâng lời, có vâng lời thì mới hành trì, có hành trì mới có kết quả”. Ngay trong khoá tu này khi giáo giới cho Tăng Ni hành giả, Hoà thượng cũng dạy anh em cùng trong một ngôi nhà chung phải  hoan hỷ, cố gắng hoà hợp để tu tập nhằm duy trì và gìn giữ giáo pháp của Tổ Thầy, muốn duy trì được viền mối của đạo pháp thì phải bắt đầu từ tâm cung kính. Cùng với ý cung kính, Hoà thượng Giác Trí bày tỏ: “cung kính phải được lưu xuất từ tâm mới là sự cung kính đích thực”. Còn Hoà thượng Giác Minh thì lại dùng một câu đơn giản nhưng rất tích cực cho những ai thực hành như: “cơm ai sống, giống ai nên”; ở đây giống là hạt giống Khất sĩ, cơm là môi trường, là sự giáo dưỡng, bảo bọc của chư Tôn đức để chúng ta lớn lên từng ngày. Có hạt giống thì rất đơn giản nhưng để hạt giống phát triển và xanh tươi cho ra quả ngọt thì phải kể đến các điều kiện chăm sóc khác như: “nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, do đó hạt giống chỉ là yếu tố thứ yếu. Hoà thượng Giác Thành lại nói: “chúng ta thường hay coi thường ngôi nhà của chính mình, không biết trân trọng những gì mình đang sống. Do đó chúng ta ở đâu thì âu ở đó”. Chính những lời dạy tâm đắc và sâu sắc từ quý Hoà thượng, chúng ta được sống bình an trong ngôi nhà Khất sĩ, chúng ta phải biết niệm ơn chư vị Trưởng lão lớn và gần nhất là thầy Bổn sư của chính mình đã nâng đỡ, sách tấn và giáo dưỡng chúng ta nên người.



Kết thúc thời pháp, Thượng toạ trích một đoạn kinh trong Kinh Trung Bộ số 96 nói về cách thức phụng sự, đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, nếu trong khi phụng sự mà trở thành xấu hơn, thì ta nói, người đó không cần phụng sự. Và này các Tỳ-kheo, nếu trong khi phụng sự mà trở thành tốt hơn, thì ta nói, người ấy cần phụng sự.” Cho nên việc phụng sự là cần thiết, nhưng vì phụng sự mà tổn hại đến tâm đạo như không cung kính đến các bậc Thầy và tổn hại đến những bạn đồng phạm hạnh thì chúng ta nên từ bỏ sự việc ấy. Cùng ý này cố Hoà thượng Giác Dũng cũng khuyên đại chúng: “đừng nên cố gắng cho được việc, mà làm hư tâm đạo của chính mình, dù đó là việc tốt, việc Phật pháp nhưng xảy ra tâm bất mãn, bất kính với các bậc trưởng thượng cũng không nên làm”. Vì mất tâm cung kính thì không vâng lời và vì không vâng lời nên thực hành không đem lại kết quả tốt đẹp.



Qua những lời dạy của đức Tổ sư cũng như các bậc Thầy và nhất là những bậc Thầy còn hiện tiền, Thượng toạ muốn gởi tới đại chúng Tăng Ni phải biết trân quý giáo pháp mà chúng ta đang thực hành, những bậc Thầy đã đích thần truyền dạy kinh nghiệm sống và ngôi nhà Khất sĩ mà chúng ta đang sống và thực hành pháp giải thoát. Niệm ơn và đền ơn chính là bổn phận và trách nhiệm của mỗi Tăng Ni. Để làm được điều này chúng ta phải thực hành đúng theo đường lối của Tổ Thầy đã dạy và phải biết phụng sự, phục vụ Giáo hội, đem Đạo phật Khất sĩ truyền bá và nhân rộng để có được lợi ích cho chính mình và cho tha nhân.

BTV Vườn Tâm