Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Hôm đó ngày Chủ Nhật, sau buổi thiền tập đại chúng, thiền sư rảo quanh thiền đường thấy vắng hoe. Hỏi thị giả, vị nầy trả lời tỉnh bơ: -Thưa, sáng nay người ta qua Bến Mê hết rồi ạ, bên đó đang đổ bánh xèo !
Người hỏi đường

Có hai thầy trò sống cùng nhau trên núi. Họ là những ẩn sĩ. Một hôm thầy bảo trò:

– Hôm nay ta sẽ đi gặp mọi người, giải đáp các câu hỏi của họ.
Thế là hai thầy trò xuống núi, đi ra đường cái, ngồi xuống bên vệ đường đợi khách qua lại.
 
Chẳng mấy chốc mọi người tụ lại đông đúc, đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống, về cấu tạo trời đất, về những điều cao siêu khác. Ông thầy chỉ nghe và im lặng. Đến xế chiều khi mọi người đã tản đi thì có một khách du xuất hiện và đến bên hai thầy trò hỏi:
– Xin hai người làm ơn chỉ cho tôi biết đường đến ngôi làng kia.
 
Nghe thế ông thầy bỗng lên tiếng, chỉ vẽ cho người khách cách đi đường và rốt cuộc ông đã tự mình dẫn người khách đi, lại còn mang giúp hành lý cho khách.
Khi giúp xong người khách hỏi đường thì cũng đã đến lúc thầy trò quay về núi. Người học trò im lặng đi theo thầy hồi lâu, nhưng rồi không nén nổi phải lên tiếng hỏi:
– Thưa thầy, vì sao hôm nay mọi người đến gặp thầy đặt ra nhiều câu hỏi hay ho thì thầy im lặng, vậy mà khi người khách du đến hỏi đường thì thầy lại nói, rồi còn dẫn anh ta đi nữa.
Ông thầy đáp:
– Bởi vì suốt cả ngày nay đó là người duy nhất biết mình muốn gì.
 
(Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga. Cát Bà 27.5.2017)
 
Thiền sư và con vẹt
 
Thiền sư Ishu Sato có nuôi một con vẹt tên là Zun. Nhưng nó chỉ có khả năng lặp lại tiếng sau cùng trong câu nói.
Thiền sư Sato nói: “Mô Phật”.
Con vẹt Zun nói: “Phật!”
Thiền sư nói: “Sống chết”.
Con vẹt nói: “Chết!”
Thiền sư nói: “Nghe không?”
Con vẹt nói: “Không!”
Thiền sư nói một tràng về lý thuyết nhà Phật: “Tánh không. Tâm không. Trí không. Chân không. Tịnh không. Hoàn không. Huyền không. Thinh không.”
Con vẹt nói: “Không, không, không, không…”
 
Bỗng dưng hôm sau, con vẹt mất khả năng nghe và nói. Nó đậu trên nhánh Bồ Đề trong tu viện. Mắt lim dim và dường như trong nó hoàn toàn vắng lặng.
Thiền sư nhìn con vẹt thân yêu, dáng vẻ buồn buồn và nói: “Không biết bây giờ ta và nó, ai là người an lạc và gần Phật hơn ai?!”
Người thị giả chắp tay thưa: “Bạch sư ông, con Zun nói theo như vẹt còn ngài thì nói bằng trí tuệ cao vời, làm sao mà so sánh được”.
 
Thiền sư Sato trả lời: “Đạo Phật không phải là nói hay nghĩ bàn mà thực sự đang sống. Sống trong vùng năng lượng lành để thu nhiễm tinh túy của môi trường sinh khởi. Kỳ dư tất cả chỉ là phương tiện. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh”.
Người thị giả mỉm cười: “Có vẻ như Zun đắc đạo mà chúng ta thì đang tu…”.
Thiền sư cũng mỉm cười im lặng.
Sưu Tầm
 
Quay đầu là bờ

Đất thiền viện rộng hai mươi mẫu Tây, và ngẫu nhiên được phân đôi bằng một con suối mùa nào cũng chảy xiết. Thầy cho làm một chiếc cầu gỗ nối liền hai bờ, đặt tên suối là Vọng Tuyền, rồi gọi bên đây suối là Bến Mê, bên kia là Bờ Giác. Bến Mê gồm nhà bếp, phòng ăn, khách xá, nhà kho, phòng y tế. Bờ Giác gồm chánh điện, thiền đường, tăng xá, giảng đường. Những hạng mục bên này nghe thiêng liêng vậy, nhưng thật lạ, bên Bến Mê bao giờ cũng đông đúc vui vẻ hơn !

 
Thiên hạ nhiều người có vẻ rất thích thú với cách thầy gọi tên hai khu đất, nhưng lâu ngày cơ hồ rất ít người còn nhớ tới ý nghĩa thật sự của hai tên gọi đó, chỉ xem chúng như những địa danh dân gian kiểu làng mơ, xóm mận.

Hôm đó ngày Chủ Nhật, sau buổi thiền tập đại chúng, thiền sư rảo quanh thiền đường thấy vắng hoe. Hỏi thị giả, vị nầy trả lời tỉnh bơ:
-Thưa, sáng nay người ta qua Bến Mê hết rồi ạ, bên đó đang đổ bánh xèo !

 
(Chuyện Phiếm Thầy Tu 2)
Nguồn Chay Mộc