Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Theo quan điểm của Phật giáo về vai trò của người học trò, trong suốt quá trình học tập, thực hành để đạt được mục đích cuối cùng là “giác ngộ” thì người học trò phải luôn tự lực, đi bằng đôi chân của chính mình dưới sự hướng dẫn chỉ dạy của thầy.
Giáo dục trong Phật giáo chính là chỉ dẫn, đào tạo, giúp con người thành tựu đầy đủ về đạo đức, thiền định, trí tuệ (giới, định, tuệ). Ở đó, người thầy hướng dẫn chỉ dạy học trò những phương pháp, kỹ năng tháo gỡ các thắc mắc liên hệ đến sự học pháp và thực hành pháp, giúp người học đi đúng mục đích và con đường đã chọn.
1. Người thầy chỉ là người hướng dẫn
Trong bài kinh “Ganaka Moggallāna” – kinh Trung Bộ III, đức Phật đã khẳng định với vị Bà-la-môn tên là Ganaka Moggallāna rằng, sự tu học của một người muốn thành tựu thì bản thân người đó phải tự cố gắng nỗ lực học tập và thực hành giáo pháp để đạt đến hạnh phúc tối thượng là “Niết-bàn”.
Trong suốt hành trình này, đức Phật chỉ là người hướng dẫn, chỉ đường cho họ mà thôi. Bà-la-môn Ganaka Moggallāna hỏi đức Phật: “Các đệ tử của Sa- môn Gotama, khi được Sa-môn Gotama khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, có phải tất cả đều chứng được cứu cánh đích Niết-bàn hay chỉ có một số chứng được?” [4, tr. 99-100]. Đức Phật trả lời: “Này Bà-la-môn, trong khi có mặt Niết-bàn, trong khi có mặt con đường đi đến Niết-bàn, và trong khi có mặt Ta là bậc chỉ đường. Nhưng các đệ tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết- bàn, một số không chứng được. Ở đây, này Bà-la-môn, Ta làm gì được ? Như Lai chỉ là người chỉ đường” [4, tr. 102].
Đức Phật là một người thầy, là người chỉ đường cho những ai muốn giác ngộ giải thoát. Ngài không phải là Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sinh chủ hay một đấng nào khác có quyền năng ban phước, giáng họa, thưởng phạt cho ai cả. Sự tu học của một người được thành tựu đều phải đi bằng đôi chân của chính mình. Ở đó, đức Phật là người chỉ dẫn cho họ.
Cũng trong bài kinh này, đức Phật đã giảng giải kết quả của sự tu tập sẽ không thể đến ngay lập tức, mà cần thực hành theo từng bước. Ngài đã nêu một trình tự tu học cần có các bước sau:
(1) Giữ giới hạnh
(2) Hộ trì các căn (6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý)
(3) Tiết độ trong ăn uống
(4) Chú tâm cảnh giác
(5) Thành tựu chính niệm tỉnh giác
(6) Lựa một chỗ thanh vắng tu tập đoạn 5 triền cái (5 triền cái: tham dục, sân, thuỵ miên, trạo cử, nghi)
(7) Tu tập tứ thiền (Tứ thiền: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền)
(8) Thành tựu trí tuệ và giải thoát (Niết-bàn)
Quan điểm của đức Phật giữa học và hành cần tuân thủ theo từng bước, việc này cũng giống như chúng ta muốn xây ngôi nhà kiên cố thì trước hết phải tạo một nền móng vững chắc, sau đó sẽ xây các tầng cao khác. Trong sự giáo dục con người, vai trò của người thầy là rất quan trọng.
Ở bài kinh ‘Giáo thọ Thi-Ca- La-Việt’ – kinh Trường Bộ II. Theo đức Phật, người thầy cần có lòng thương tưởng, chỉ dạy học trò theo 5 cách:
– “Huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyện;
– Dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì;
– Dạy cho thuần thục các nghề nghiệp;
– Khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc;
– Bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt” [2, tr. 457].
Một người thầy đúng nghĩa là tấm gương về đạo đức, lối sống, truyền trao kiến thức, kinh nghiệm, tri thức, nghề nghiệp cho người học trò, giúp người học hoàn thiện bản thân để bước vào đời. Đồng thời, người thầy khéo léo chỉ dạy, có lòng thương tưởng và luôn động viên nhắc nhở cho người học trò tiến bộ, gửi lời khen đến những học trò ngoan, học giỏi. Người thầy cần bảo đảm cho đệ tử về mọi mặt. Vì rằng, công việc giáo dục không phải chỉ là dạy kiến thức, mà người thầy cần phải đồng hành với người học trò trên nhiều phương diện để người học hoàn thiện cả về đạo đức và nghề nghiệp, định hướng, hướng dẫn, đào tạo người học trò đi đúng con đường đã chọn.
Đức Phật là một vị thầy luôn dành sự quan tâm, tình thương đến những người học trò. Ngài thường thuyết pháp và sống chung bên cạnh những người đệ tử, đó là một cộng đồng của những người xuất gia (Tăng đoàn). Đồng thời, Ngài sẵn sàng tạo điều kiện để cho các phật tử tại gia có dịp gặp gỡ và nêu những câu hỏi thắc mắc các vấn đề về thân tâm, cuộc sống gia đình, xã hội… từ đó đưa ra lời khuyên, hướng dẫn họ có được cuộc sống hạnh phúc. Ví như người lương y luôn túc trực cùng bệnh nhân, nên hiểu từng căn bệnh của mỗi người mà cho thuốc. Đức Phật là người thầy có lòng bi mẫn thương tưởng đến tất cả mọi người. Suốt 45 năm thuyết giảng Phật pháp, đức Phật chưa bao giờ tự cho mình là người lãnh đạo của những người xuất gia. Ngài đã chỉ dẫn tận tình cho các học trò mà không giấu giếm bất cứ điều gì, “Này Ananda, chúng Tỷ- kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ananda, Ta đã giảng Chính pháp, không có phân biệt trong ngoài, vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm tay” [1, tr. 495]. Đức Phật đã chỉ dạy tất cả những gì cần thiết đó là một con đường đưa đến sự an vui giải thoát, còn việc người đệ tử có đi được trọn vẹn con đường này, đây là trách nhiệm của người học, phải tự làm công việc của mình.
 
2. Tự mình là ngọn đèn cho chính mình
– Nỗ lực tự thân
Theo quan điểm của Phật giáo về vai trò của người học trò, trong suốt quá trình học tập, thực hành để đạt được mục đích cuối cùng là “giác ngộ” thì người học trò phải luôn tự lực, đi bằng đôi chân của chính mình dưới sự hướng dẫn chỉ dạy của thầy.
Trong bài kinh “Đại Bát Niết Bàn” ở kinh Trường Bộ I, trước khi đức Phật “nhập Niết-bàn”. Ngài đã nhắn nhủ và khích lệ tới các đệ tử rằng: “Vậy nên này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình (atta-dipā viharatha), hãy tự mình y tựa chính mình (attāsaranā) chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chính pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác” [1, tr. 495-496].
Lời dạy này của đức Phật đã nhấn mạnh cho các đệ tử rằng: hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác và dùng chính pháp (thực hành Tứ niệm xứ) làm ngọn đèn, dùng chính pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác. Đây là quan điểm cũng như kinh nghiệm của đức Phật về vấn đề học tập, tu tập trên con đường tìm đến chân lý giác ngộ của Ngài.
Thật vậy, những ngày đầu tầm sư học đạo, Ngài đã tự mình nỗ lực học hỏi với hai vị thầy danh tiếng lúc bấy giờ là Alara Kalama và Uddaka Rāmaputta. Với sự tinh cần, tinh tấn Ngài đã đạt được thành quả là hai tầng thiền định cao nhất từ hai vị Thầy là “vô sở hữu xứ” và “phi tưởng phi phi tưởng xứ”.
Ngài đã tự lực trải qua 6 năm tu hành khổ hạnh trong rừng già bằng nhiều phương pháp khổ hạnh khốc liệt khác nhau, nhưng cuối cùng Ngài cũng nhận ra sự “giác ngộ” không đến từ những phương pháp này và con đường trung đạo do Ngài khám phá, đó là con đường Bát Chính Đạo sẽ đưa đến chấm dứt hoàn toàn khỏi khổ, chặt đứt sợi dây trói buộc của vô minh và tham ái. Như nhận định của cố HT.Thích Minh Châu về sự giác ngộ của đức Phật “Ngài không nhờ một thần lực nào, không phải hiện thân của một đấng thiêng liêng nào, không phải là hóa thân của một đấng tối cao nào. Ngài chỉ là một con người, với sức mạnh thể lực và trí lực của con người, đã tự mình tìm đạo và tìm đạo thành công, đã tự mình hành đạo và hành đạo có kết quả, đã tự mình chứng đạo và chứng đạo hoàn toàn viên mãn” [6, tr. 9]. Suốt những năm tháng hoằng hoá giáo lý, Ngài đã khích lệ, động viên, hướng dẫn rất nhiều người học trò thành tựu con đường giác ngộ. Trong kinh “Kitagini” – kinh Trung Bộ II, đức Phật dạy người học trò chân chính phải: “Có lòng tin; đến gần; tỏ lòng tôn kính; lắng tai; nghe pháp; thọ trì pháp; suy tư ý nghĩa các pháp; chấp nhận các pháp; ước muốn sinh khởi; nỗ lực; cân nhắc và tinh cần” [3, tr. 262]. Trên hành trình này, người được giáo dục sau khi chọn cho mình được một vị thầy khả kính thì người học trò phải có lòng tin tưởng với vị thầy của mình, vì chỉ khi có lòng tin thì người học trò đó mới tiếp xúc với thầy, tôn kính thầy, lắng nghe những lời chỉ dạy từ thầy, từ đó áp dụng những lời chỉ dạy đó vào việc nỗ lực thực hành để đạt được mục đích.
– Cầu xin, ước muốn không có kết quả nếu không thực hành đúng phương pháp.
Phật giáo quan niệm rằng mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này đều tuân theo quy luật “nhân quả”. Không ai có quyền ban ơn hay giáng hoạ, làm toại nguyện những ước muốn hay cầu xin nếu không thực hành theo đúng quy luật, đúng phương pháp. Đức Phật cũng xác nhận rằng sự cầu xin, ước muốn sẽ không có kết quả gì nếu không thực hành đúng phương pháp. “Thế Tôn nói với gia chủ Anātha-pindika đang ngồi một bên: Có năm pháp này, này gia chủ, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó tìm được ở đời. Thế nào là năm? Tuổi thọ; dung sắc; an lạc; tiếng đồn tốt; cõi trời khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời. Này gia chủ, năm pháp này, khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời. Này gia chủ, năm pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, ta tuyên bố không phải do nhân cầu xin, không phải do nhân ước vọng mà có được” [5, tr. 304]. Do vậy, người phật tử cần hiểu sự cầu xin suông sẽ không có kết quả, muốn có được kết quả thì cần thực hành đúng theo quy luật nhân quả, gieo nhân ác sẽ gặt quả báo khổ, gieo nhân thiện sẽ gặt quả vui; gieo nhân thiện không sinh ra quả khổ, gieo nhân khổ không sinh ra quả vui. Tiếp đến, đức Phật nói rất rõ: Muốn có tuổi thọ không thể cầu xin tuổi thọ hay tán thán tuổi thọ làm nhân đem lại tuổi thọ. Một người muốn có tuổi thọ cần phải thực hành con đường đưa đến tuổi thọ, muốn có dung sắc, an lạc, tiếng đồn tốt, cõi trời khả lạc thì cần cần phải thực hành con đường đưa đến dung sắc, an lạc, tiếng đồn tốt, cõi trời.
 
Trong cuộc sống cũng vậy, mọi ước muốn đều phải trải qua quá trình học tập và rèn luyện bản thân theo đúng mục tiêu đã chọn, đi đúng con đường và đầy đủ nỗ lực sẽ gặp được hoa trái hạnh phúc. Ví dụ như có người có ước muốn trở thành bác sĩ, thầy giáo, kỹ sư… thì việc đầu tiên để thực hiện ước muốn đó là học tập thật tốt ở những cấp học, sau đó thi vào trường Đại học có đào tạo những ngành nghề đó và tiếp tục học tập để tốt nghiệp. Như vậy, suốt chặng đường để thành tựu mục đích của bản thân là cả một quá trình học tập, thực hành theo đúng phương pháp sẽ cho kết quả tốt sau khi tốt nghiệp là một người bác sĩ, thầy giáo, kỹ sư.
Kết quả tốt đẹp chỉ có được khi nhân thiện lành được gieo và chăm sóc chu đáo. Những hạt giống tốt được gieo trồng và chăm bón, đến khi hội đủ nhân duyên thì tự động sẽ ra hoa trái ngon ngọt, không cần cầu xin cũng có.
Kết luận
Giáo dục ở thời kỳ nào thì vai trò của người thầy và học trò đều rất quan trọng. Người thầy là người hướng dẫn, học trò phải “tự thắp đuốc lên mà đi”. Vị thầy có đủ bi mẫn, lòng thương tưởng đến học trò sẽ trao truyền đầy đủ cho người học về kiến thức, kinh nghiệm, những phương pháp đúng đắn tùy theo con đường, mục đích mà người học trò hướng đến. Đối với đạo Phật, người thầy là vị thầy hướng đạo, nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng cho hàng đệ tử. Chính vì vậy, sự hướng dẫn của vị thầy có vai trò rất to lớn trong việc hướng tới sự giác ngộ của người đệ tử. “Này Ānanda, toàn phần đời sống phạm hạnh này thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du” [6, tr. 189].
Lê Thế Vững (Thích Pháp Minh)
Học viên Cao học Tôn giáo học k27, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2023
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Thích Minh Châu dịch (1997), Kinh Trường bộ, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
2. Thích Minh Châu dịch (1997), Kinh Trường bộ, tập 2, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
3. Thích Minh Châu dịch (1997), Kinh Trung bộ, tập 2, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
4. Thích Minh Châu dịch (1997), Kinh Trung bộ, tập 3, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
5. Thích Minh Châu dịch (1997), Kinh Tăng Chi bộ, tập 2, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
6. Thích Minh Châu dịch (1997), Kinh Tương Ưng bộ, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
7. Thích Minh Châu (1999), Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh.
8. Thích Nhật Từ chủ biên (2019), Giáo dục Phật giáo: bản chất, phương pháp và giá trị, Nxb Hồng Đức
Lê Thế Vững (Thích Pháp Minh)
Học viên Cao học Tôn giáo học k27, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2023