Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Linh Nham Tự là ngôi chùa cổ kính rêu phong tọa lạc trên một trái đồi bao bọc bởi những hàng cây cổ thụ lâu đời. Ngôi chùa do Hòa thượng Vĩnh Đoạn khai sơn và xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 10 (1829), đã trải qua nhiều vị kế nhau trụ trì và hoằng hoá.

Hoà thượng hiện nay đang trụ trì hiệu là Thanh Phong, thuộc đời thứ 24 dòng Lâm Tế, tuổi quá thất thập tuế. Trước khi xuống núi hoá duyên, Ngài cho gọi học trò đến dặn:

 - Hôm nay có việc thầy phải xuống núi, không thể đón tiếp vị đại thí chủ đến chùa lễ Phật. Vậy các con thay thầy tiếp đón ân cần chu đáo.

- Dạ, thưa thầy.

 Tay nãi trên vai gầy, nhà sư ung dung xuống núi trong tiếng chim hót vui. Bên đường là hai hàng tùng cao ngất, đứng uy nghiêm như những người lính thời xưa. Thân cây to đến nổi một người ôm không xuể, có lẽ đã hơn hai trăm năm tuổi. Nhìn gốc cây lồi lõm u nần, hình thù cổ quái, có thể hình dung được những gió mưa bão táp mà cây tùng đã gánh trải. Sư bước nhanh xuống sườn dốc. Tiếng suối chảy róc rách như đón chào, xa xa bên dưới là con đường đất đỏ, chạy giữa bờ cỏ xanh và dưới ánh nắng ban mai rực rỡ… 

*

Sau khi thầy đi, hai chú tiểu chuẩn bị việc đón tiếp vị đại thí chủ sẽ đến, rồi ra cổng chùa chờ đợi. Mãi rất lâu vẫn không thấy khách đến dâng hương, hai chú ngạc nhiên:

- Lạ thật, thầy có bao giờ nói sai đâu?

Một lát sau, từ xa bước đến một người ăn mày, áo quần rách rưới,tóc tai bù xù, gương mặt tiều tuỵ, bên hông đeo một chiếc đãy đen hôi hám. Như người say rượu, người ăn mày hát nghêu ngao, chân bước xiêu vẹo tiến đến. Chú Thiện Tánh đưa tay cản lại:

- Không được, chùa mới lau sạch để tiếp khách. Bà đi nơi khác mà xin ăn. Bẩn thỉu thế kia mà vào điện Phật à?

Bà già đặt chiếc bị xuống khúm núm thưa:

-Thưa các chú, áo quần là vật để che đậy da hôi, nhưng tâm tôi không bẩn đâu. Tôi biết hôm nay sư phụ của các chú đi vắng và cũng đã đến giờ ngọ dâng cơm cúng Phật, nên tôi xin các chú cho tôi vào chánh điện dâng lên ít cơm tôi vừa mới xin được.

Rồi bà lấy trong đãy ra bát cơm gói trong tờ giấy trắng. Hai chú nhất định không cho. Bà quỳ xuống năn nỉ:

-Thưa các chú, cả đời già khổ cực, xin ăn vất vưởng, bữa đói bữa no, là do kiếp trước vụng tu hạnh bố thí, nên ngày nay khổ cực như vầy. Các chú làm ơn cho tôi gieo chút phước lành dâng bát cơm lên ngài. Của tuy đạm bạc đơn sơ nhưng chắc sẽ được Ngài chứng tri.

-  Không được. Bát cơm nguội lạnh thế kia mà cũng dâng cúng à? Bà biết Phật là ai không? Phật là Đấng pháp vương mà ăn thứ cơm nguội lạnh ấy ư?

-  Lạy chú đừng đổ, tội cho tôi. Tôi đã nguyện khi nào xin được bát cơm gặp lúc chưa ai cúng ngọ thì tôi dâng lên Ngài.

 

Rồi bà dâng bát cơm lên ngang trán, miệng lâm râm khấn nguyện, chân bước lần vào chánh điện. Chú Thiện Tâm nổi nóng giằng lấy bát cơm, ném vung ra. Khi chú quay lại thì bà già đã biến mất. Chưa hết bàng hoàng, nhìn ra cánh đồng lúa chín đang rung rinh trước gió, hai chú bỗng toát mồ hôi hột, đâm đầu bỏ chạy.

*

Khi nhà sư về đến chân núi, mặt trời đã gác núi. Nhạc rừng hòa tấu trong gió chiều se lạnh. Từng bầy chim bay về núi tổ. Trên con đường mòn nhà sư bước lặng lẽ như chiếc bóng. Rồi con trăng mười sáu nhô lên khỏi rặng núi xa, tỏa ánh sáng mờ đục xuống trần gian mộng ảo.

Nhà sư lấy làm lạ, đến giờ này mà vẫn chưa nghe tiếng chuông ngân trong bầu không khí yên tĩnh. Bấm đốt tay, Ngài biết các chú có chuyện chẳng lành. Ngoài trời đã tối mịt, chỉ có ánh trăng lổ đổ dưới tàng cây cổ thụ. Bước chân lên bậc thềm, ngài chợt hiểu. Phật điện không còn ánh đèn, khói hương cũng nguội lạnh, chỉ còn lại sự yên lặng lắng đọng quanh ngôi cổ tự…

Ánh trăng đã quá đỉnh đầu, bên cửa sổ nhà sư vẫn ngồi trầm tư bên chung trà nguội. Nhà sư lên tiếng khi nghe tiếng động:

-  Các con đã về đó à?

-  Lạy thầy, tha tội cho chúng con.

Sau khi nghe kể đầu đuôi câu chuyện, nhà sư trầm ngâm:

-  Các con đã làm hỏng việc rồi. Vị  thí chủ đó chính là người ăn mày mà các con đã xua đuổi. Ngày mai các con phải sám hối ngài đi.

Nói xong, thầy trò ra sân xem lúa. Nhà sư đứng yên, hai tay bắt ấn quyết, miệng lâm râm niệm chú. Rồi ngài xòe hai bàn tay, thu tất cả lúa nằm trên sân phơi rồi nhẹ nhàng mang chúng vào kho. Xong đâu đấy, ngài trở về phương trượng thắp hương vái tổ rồi lên tiếng gọi đệ tử vào dạy:

-  Các con này, công hạnh tu hành của các con còn non kém. Hôm nay Bồ tát đến điểm hóa cho các con, vì tội thô lỗ này mà Bồ tát dạy các con phải cần mẫn tu học. Mười ba năm nữa, hai con phải xuống núi để cứu vớt chúng sanh qua cơn tai ách. Sau đó, Bồ tát mới truyền thọ Tam muội Chân hỏa.

Sau bài học không quên này, Thiện Tâm và Thiện Tánh chuyên cần hôm sớm, sách tấn lẫn nhau trên con đường tu học. Đến năm Bính Dần, trời nắng hạn, bảy năm không có lấy giọt mưa. Nạn đói hoành hành, khắp nơi, người người kéo nhau nheo nhóc xin ăn. Nhà sư xuất định, biết đã đến thời điểm, gọi hai đệ tử chuẩn bị xuống núi. Nhà sư trịnh trọng đặt những hạt lúa vàng lên tay hai chú rồi dặn: Lần nầy, các con đem những hạt lúa tình thương này xuống núi cứu dân. Khi nào không còn người đói khổ và không còn hạt thóc vàng nào thì các con mới được về chùa.

Hai vị sư trẻ hăm hở xuống núi ra đi. Trời chuyển mưa tràn trề, khiến cho những cánh đồng đang khô cằn trở thành xanh tốt. Hai người đến đâu thì thóc gạo theo đến đó. Dân chúng được cứu sống, xem hai vị là Bồ tát cứu độ… Sáu tháng sau, nạn đói chấm dứt, Thiện Tâm và Thiện tánh trở về chùa. Nhưng sư phụ đã vân du phương nào chẳng biết

*

Từ đó, trong tiếng chuông ngân nga sớm chiều, trong mùi hương trầm thoảng gió, ngôi cổ tự trở thành dấu ghi sâu đậm về một huyền tích của hạnh từ bi cứu khổ trong niềm ngưỡng vọng của bao khách thập phương đến hành hương chiêm bái.