Trong số những người theo học Phật pháp, có hai hiện tượng phổ biến: một là những người hàng ngày bận rộn với những trò giải trí thế tục mà không còn thời giờ tìm hiểu Phật pháp; hai là những người từ bỏ cuộc sống thế tục và trách nhiệm của mình, đơn giản là chỉ tụng đọc kinh văn. Trên thực tế, cả hai phương pháp này đều sai cả. Là tu sĩ theo lộ trình Đại thừa của đức Phật, nhưng vô cảm với cuộc đời, tách rời cuộc đời, đi xa tinh thần nhập thế của Phật giáo, cũng trở thành người vô dụng. Chúng ta không nên chỉ lo giác ngộ cho mình mà không tìm cách giác ngộ cho người. Càng lo tự lợi chừng nào lại càng đi ngược với sự tu hành chừng ấy. Trái lại, nếu người xuất gia mà lại không chuyên chú vào việc tu hành, nghiên cứu Phật pháp, chuyển mê thành ngộ, phóng túng, ngày ngày trôi qua vô ích thì chắc chắn không phải con đường chánh đạo.
Là một cư sĩ tại gia thì lại không nên học Phật pháp ngược lại với đời sống thế gian, cũng như không nên từ bỏ các trách nhiệm thế gian để học Phật pháp. Chỉ nên học và áp dụng Phật pháp theo đúng vị trí của mình, vừa đem lợi lạc cho bản thân mà không ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Đạo Phật không đào tạo con người vô dụng, mà đào tạo con người có hữu ích, có thể cứu khổ, giúp đời, làm lợi lạc cho chúng sinh, chung tay tạo ra một thế giới yên bình, tiến tới giải thoát giác ngộ.
Trong đời sống thế gian, đức Phật dạy rất rõ trong kinh Thiện Sinh: Vợ phải làm tròn bổn phận của vợ; chồng phải làm tròn trách nhiệm làm chồng; cha mẹ phải làm tròn trách nhiệm dạy dỗ con cái; con cái phải làm tròn trách nhiệm hiếu dưỡng với cha mẹ và người già. Điều này cũng phù hợp với quan điểm “Phụ từ Tử hiếu” của Nho giáo, tức làm cha phải nhân từ, làm con phải hiếu thuận. Ở đây muốn nói, Từ bi phải thể hiện trước nhất từ chính trong mối quan hệ ruột thịt, họ hàng, gần gũi của mình. Phật dạy công đức báo hiếu chỉ đứng sau công đức cúng dường Tam bảo, nếu không có Phật tại thế thì công đức báo hiếu là lớn hơn hết. Một người nếu không có tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ thì làm sao có thể từ bi với tất cả chúng sinh? Cũng vậy, cha mẹ không nhân từ với con cái thì làm sao có tình thương với người khác đây?
Về việc đối nhân xử thế giữa các cá nhân với nhau, mỗi cá nhân phải có tâm từ bi, thiện lành đối xử với nhau. Trong đạo Phật, đây là quy tắc sống. Khi chúng ta có lòng nhân từ với người khác, không chỉ mang lại sự ấm áp cho người mà còn có thể khắc phục tâm sân hận của chính mình và của người khác. Về việc xử lý các mối quan hệ giữa các cá nhân, đức Phật đưa ra pháp môn Tứ Nhiếp Pháp. Vậy Tứ Nhiếp Pháp là gì? Đây là bốn phương pháp để thu phục chúng sinh quay về với Phật pháp.
Trong Tứ Nhiếp Pháp, thứ nhất là Bố thí, thứ hai là Ái ngữ, thứ ba là Lợi hành, và thứ tư là Đồng sự.
– Bố thí nhiếp: tức là phải làm hạnh bố thí (gồm Tài thí, Pháp thí và Vô uý thí). Đem cho đi những cái mà người khác đang cần, từ vật chất lẫn tinh thần với tâm bình đẳng.
– Ái ngữ nhiếp: tức là dùng lời nói dịu dàng, ôn hoà, khéo léo, dễ nghe, đem lại niềm vui, sự an ủi, động viên tới người khác.
– Lợi hành nhiếp: tức là hành động có lợi ích cho người về vật chất cũng như tinh thần.
– Đồng sự nhiếp: có nghĩa là cùng làm chung việc với người, để giúp đỡ người và cảm hóa người theo lẽ phải, theo chánh đạo.
Tứ Nhiếp Pháp đây chính là sự thể hiện lòng từ bi đầy trí tuệ. Nếu chúng ta có thể vận dụng bốn phương pháp này để xử thế trong cuộc sống thì bất luận đi đến đâu, chúng ta cũng được sự thương yêu, cảm phục và kính tiếp từ mọi người. Nếu Từ bi mà không có Trí tuệ thì sao? Từ Bi vô nguyên tắc và mù quáng thì chỉ đem lại những tác dụng tiêu cực. Cho nên nói, chỉ có Từ bi thôi thì chưa đủ mà cần phải có Trí tuệ để dẫn dắt. Mặt khác, người biết từ bi thì trước hết phải biết từ bi với chính mình. Từ bi với bản thân thực sự không khác gì với việc từ bi với người khác. Bạn muốn giúp mình giải thoát, nhưng lại không đủ trí tuệ để quán sát, dẫn đến sai đường lạc lối. Quanh quẩn trong những vướng mắc không lối thoát. Hãy nhìn thẳng vào vấn đề, chúng ta đang cần gì, đang làm gì, con đường chúng ta đang đi có thật sự đem lại hạnh phúc, giải thoát cho chính mình và chúng sinh hay không? Thiếu hụt Trí tuệ khiến chúng ta chạy theo sự hoang tưởng, thiên chấp, thái quá, chạy theo cái tham, cái sân, cái si mà không hề hay biết.
Từ bi thật sự không thể tách rời Trí tuệ. Đạo Phật nội hàm vốn có cả Từ bi và Trí tuệ, nên được gọi là “Bi Trí song vận”. Nhưng Trí tuệ từ đâu mà có? Nó không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không thể có được thông qua việc lắng nghe, tư duy về nghĩa lý kinh giáo, mà chỉ có thể là “như lý tư duy” mới đạt được. “Như lý tư duy”, nghĩa là khởi nghĩ về mọi sự vật và hiện tượng đúng như bản chất của chúng, là duyên sinh, vô thường, khổ, không, vô ngã, có khả năng dứt trừ các lậu hoặc đưa đến đoạn tận mọi khổ đau. Có thể nói Từ bi có vững chắc được là nhờ nền tảng Trí tuệ, và Trí tuệ phát triển được cũng là nhờ ở Từ bi. Thiếu Trí tuệ thì Từ bi sẽ có thể chỉ là cảm xúc nhất thời. Đức Phật của chúng ta là một người có trí tuệ hoàn hảo. Tam Tạng, Thập Nhị Bộ Kinh là kho bảo của trí tuệ mà Ngài đã để lại cho chúng ta. Trong “Tam tự quy y” mà chúng ta thường tụng hàng ngày, có “Tự quy y Pháp, đương nguyện chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như hải”. Nếu thực sự chúng ta có thể học tốt Phật pháp thì Trí tuệ sẽ được rộng lớn như đại dương, vô cùng vô tận như hư không.
Nhưng học Phật pháp như thế nào là đúng? Học Phật pháp không chỉ là tụng kinh, niệm Phật suông mà còn phải biết lắng nghe, suy nghĩ, ứng dụng và thực tập những lời Phật dạy mới có được kết quả như ý. Đây gọi là Tam học Văn-Tư-Tu. Cái nhìn về đạo chân chính bắt đầu từ Văn, Tư và Tu này. Trong sinh hoạt thường nhật, đối mặt với bất luận sự tình gì chúng ta đều cần nên vận dụng Văn-Tư-Tu mới có thể tiến nhập giải quyết vấn đề theo hướng tích cực, và có trải qua Tam học mới có thể đạt được mục tiêu chính xác, tốt đẹp. Văn là từ chỗ nghe, chỗ thấy mà sinh trưởng Trí huệ. Tư là từ chỗ tư duy, khảo nghiệm suy xét mà tăng trưởng Trí huệ. Tu là từ chỗ dụng công tu tập thực hành những điều thấy nghe, thông qua tư duy khảo nghiệm, quán sát mà thành tựu Trí tuệ. Các nhà nho học thường nói: “Học mà không tư duy là học vẹt. Chỉ tư duy mà không thông qua sự sàng lọc của sự học, hiểu, thực nghiệm thì sự tư duy đó rất dễ rơi vào tà nguỵ vô cùng nguy hiểm.” Trong kinh Kalama, Phật có nói: “Ngươi đừng vội tin theo ai cả. Tất cả những gì ngươi đã thực nghiệm sâu xa, hợp với lý trí xét đoán của ngươi, có thể đem lại hạnh phúc cho chính ngươi và những kẻ khác, những cái ấy, ngươi hãy nhận đó là chân lý và hãy cố sống đúng theo chân lý ấy”.
Qua đây cho ta hiểu hai điều: một là đạo Phật không bao giờ bắt buộc người ta tin theo một cách mù quáng; hai là đức Phật không phải là một vị thần linh có quyền phép, có thể đưa ai đó lên thiên đường hay xuống địa ngục tùy theo ý thích của mình. Phật không buộc người khác phải tin theo một cách mù quáng. Phật dạy không hiểu Phật mà theo Phật thì đã không có lợi mà còn có hại. Có câu nói “Hữu tín vô trí, trường ngu si” (tức là niềm tin không có trí tuệ, lâu ngày thành ngốc), mù quáng và thiếu trí tuệ sẽ khiến con người hoang tưởng, thiên chấp một bên, càng ngày càng ngoan cố, càng ngày càng cuồng tín. bài trước bài sau Do đó, Đức tin và Từ bi đều cần có Trí tuệ hướng dẫn và chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể nâng cao chuẩn mực và mức độ tín ngưỡng. Đạo Phật thường bị hiểu nhầm là đạo mê tín chính là do những cái hiểu sai lệch này mà ra. Một đức tin đưa con người đến chỗ thành công quyết không phải là một thứ mê tín, cuồng nhiệt, không suy xét. Chúng ta vì tín ngưỡng mà đến với Phật Pháp. Từ học Phật Pháp mà biết phát triển lòng Từ Bi. Nhưng nên nhớ đạo Phật là đạo của Từ Bi và Trí tuệ, nên nhất định chúng ta phải tìm phương pháp để phát triển Trí Tuệ, để áp dụng Từ bi đúng chỗ, tín ngưỡng hợp lý, lợi lành cho mình, cho người và cho xã hội và cho khắp pháp giới chúng sinh.
Thích Nữ Diệu Minh Tịnh thất Minh Hiền Đức, Đức Trọng, Lâm Đồng - Tạp chí nghiên cứu Phật Học