Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
23 năm trước, Hòa Thượng Thích Huyền Diệu đã trồng cây bồ đề tại khuôn viên Đền Hạ thuộc Di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ.
23 năm trước, Hòa Thượng Thích Huyền Diệu đã trồng cây bồ đề tại khuôn viên Đền Hạ thuộc Di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam để tưởng nhớ công lao của các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày 10/3 âm lịch tại Đền Hùng (Việt Trì, Phú Thọ). Người xưa có câu: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ tổ mùng 10 tháng 3”.
Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương rơi vào thứ Bảy (ngày 29/4/2023). Ngày Quốc Giỗ năm nay liền kề với dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên người lao động có thể nghỉ đến 5 ngày liên tục nên lượng du khách và người dân kéo về Đền Hùng rất đông.
Đền Hùng là nơi linh thiêng, là nơi cội nguồn của dân tộc. Và có lẽ, không nhiều người biết được rằng, trong khuông viên đền Hạ hiện nay có một cây Bồ đề được rào chắn cẩn thận, cành lá sum xuê, quanh năm tỏa bóng mát. Đó là cây bồ đề mà Hòa thượng Thích Huyền Diệu, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Lumbini – Nepal và hiện là Chủ tịch danh dự của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trồng cách đây 23 năm về trước.
Là người đi trong đoàn trồng cây Bồ đề tại đền Hạ 23 năm trước, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên đoàn Chủ tịch VUSTA, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường tâm sự: Với mỗi Phật tử, ai cũng biết cây Bồ Đề là cây linh thiêng mà Thái tử Tất Đạt Đa tọa thiền, khai minh trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Giờ đây bất kỳ Phật tử nào, dù ở xa cách muôn trùng đều ước mong được đến chiêm bái một lần trong đời nơi cội Bồ Đề tại Bồ Đề đạo tràng. Và những người hành xử tốt đẹp đều được coi là người có Tâm bồ đề…
“Sau khi thầy Huyền Diệu cho biết chương trình chuyến về Việt nam, chúng tôi đã lên lịch và có sự phân công rất cụ thể như: thông báo cho tỉnh Phú Thọ biết (Cục Môi trường soạn thảo công văn gửi UBND tỉnh với đầu mối thông qua Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường- trực tiếp là Giám đốc Trần Phúc Khánh) để xin chủ trương; chọn địa điểm để trồng cây (tại khu vực Đền Hạ), báo cáo, mời đồng chí Bí thư tỉnh ủy Hoàng Xuân Cừ chủ trì đón tiếp Sư thầy và tham gia trồng cây, tọa đàm và mời cơm chay”, PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhớ lại.
Khi đó, một cây Bồ Đề giống đã được ươm sẵn trong chậu tại nhà Phật tử Trương Mạnh Tiến, Nguyễn Thị Thúy Loan mọc cao chừng 1m50 được lựa chọn để trồng tại Đền Hùng.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến cho biết, cây Bồ Đề giống đã được ươm trồng sẵn trong chậu một thời gian đã phát triển khá cao. Nhưng khi mới trồng, cây rất khẳng khiu do cớm nắng. Tuy nhiên,  cây cứ vươn cao lên trong chậu và thật kỳ lạ là cây hầu như không rụng lá. Còn giờ đây (năm 2023), cây đã lớn, sum xuê tỏa bóng mát.
“Hơn hai mươi năm qua, cây Bồ Đề vượt qua bão gió giờ đã vươn cao, tỏa bóng cùng muôn ngàn cây lá ngút ngàn nơi núi Hy Cương hùng vĩ, linh thiêng thờ các Vua Hùng. Mỗi năm, đền Hùng đón đồng bào con dân đất Việt từ mọi phương trời về đây tụ hội, thăm viếng đảnh lễ với lòng tôn kính, biết ơn vô hạn”, PGS.TS Trương Mạnh Tiến chia sẻ.
Dưới đây là những bức ảnh ghi lại buổi trồng cây Bồ đề tại đền Hạ của Hòa thượng Thích Huyền Diệu:










Theo Văn Chương (https://kinhtemoitruong.vn/)