Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Đạo Phật du nhập vào Việt Nam trên hai ngàn năm qua và đã thấm sâu vào lòng dân tộc Việt Nam. Đến gần giữa thế kỷ hai mươi (năm 1944) tại miền nam Việt Nam, Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang ra đời, phát Bồ Đề tâm, dựng lập chí nguyện “Nối truyền Thích Ca chánh pháp” khai mở Phật giáo biệt truyền, thành lập “Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”.
Tổ sư Minh Đăng Quang quyết chí đi theo con đường truyền thống mà Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni đã vạch ra, đó là con đường trung đạo, chánh đẳng chánh giác, dưới hình thức sống cộng đồng, cộng trú tu học trong những ngôi già lam tịnh xá, là trường học về đạo lý tiến hóa để giải thoát.
 
Tổ sư Minh Đăng Quang đã định nghĩa “Khất Sĩ” là: “Khất là xin, Sĩ là học, sống là xin, ai ai cũng là đang sống xin, để cho được cái học cái biết. Xin sống là để cho nên cái biết, biết ấy là học, cho biết lẽ thật, để lấy ra mục đích đặng thật hành theo, cho được sự giải thoát khổ não của vô thường, và tạo nên cái ta của ta an vui bền thật, hầu tránh xa sự nô lệ không công, tham sân si vô nghĩa lý” (1).
 
Đứng về ý nghĩa triết lý và giá trị tích cực của giáo dục là hoằng pháp, truyền bá chánh pháp thì Tổ Sư nhận định sự giáo dục của mỗi người, mỗi chúng sanh bắt đầu từ khi sinh ra và tiếp tục trong suốt cuộc đời của họ. Do vậy, việc ứng dụng phương pháp giáo dục chính là nghiên cứu mối quan hệ giữa thầy và trò, dạy và học, học và thực hành (học và tu -  tu và học) để đưa đến những rèn luyện về tinh thần và mỗi người sẽ tự làm chủ được các mặt trong đời sống cũng như cách ứng xử tốt đẹp trong xã hội.
 
 
Tổ sư Minh Đăng Quang đã khéo léo kết hợp nhân duyên đúng thời, đúng lúc một cách nhạy bén, xét cho cùng đó là sự chắt lọc tinh hoa của những truyền thống Phật giáo khác nhau để làm thành chất liệu vững chắc cho việc xây dựng Đạo Phật Khất Sĩ hay còn gọi đó là “Con đường Phật giáo Khất Sĩ”(2); triết lý và tính chất giáo dục ở phương diện lý tánh Khất Sĩ (3). Tổ Sư Minh Đăng Quang đề cao đó là quá trình của sự mưu cầu hạnh phúc lớn lao nhất, đó là hạnh phúc tuyệt đối, chính là sự giải thoát tối hậu. Sự giác ngộ, giải thoát ở đây có nghĩa là vô ngã, vô tham, vô sân và vô si trong tiến trình giải thoát khỏi luân hồi sinh tử để đi đến lẽ tuyệt đối an tịnh của đạo chính là Niết Bàn.
Về mặt phương pháp luận của triết lý giáo dục Khất Sĩ là lý tánh thuần túy về sự thực hành.  Đặc tính thứ hai, thể hiện rỏ tính chất bao quát hơn, tổng thể hơn về phương diện mỹ học và nhận thức luận, có nghĩa là từ ngôn ngữ đến ý nghĩa nhận thức thực hành trong lối tư duy và kinh nghiệm tư duy chân chánh được hiểu là chân lý của vũ trụ “Khất Sĩ  là cái sống của chơn lý vũ trụ, mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy. Bởi chúng sanh là cái biết, từ chưa biết đến đang biết”(4) Tổ sư Minh Đăng Quang đi đến kết luận, tính chất thẩm mỹ và mục đích luận trong giáo dục Phật giáo Khất Sĩ đó là: “Chính chơn lý hay triết lý mới là môn học thực tế, lợi ích đi ngay đến Niết Bàn, kêu là đạo : Là sự học không hai, là cái học của ta, nó ở với ta, nuôi sống cái ta, nó làm ta vậy.”(5)
 
Tổ Sư Minh Đăng Quang đã thiết lập một phương pháp nghiên cứu theo lý tánh thực hành để tạo dựng mối quan hệ giữa dạy và học; để đưa đến những rèn luyện về tinh thần, và làm chủ được các mặt như: ngôn ngữ, tâm lý, tình cảm, tinh thần, cách ứng xử trong xã hội, v.v…Những cơ sở của nền giáo dục được Tổ Sư nhấn mạnh đó là Tam tạng Kinh điển là nền tảng giáo dục, ba môn học chính yếu là Tam học Giới Định Tuệ, trường học là vũ trụ và theo quan điểm này, thì Tổ sư chỉ rỏ: “Học chơn lý để biết rõ chúng sanh, vạn vật và các pháp ”(6) dù là trực tiếp hay gián tiếp thì tính chất giáo dục Khất sĩ xét như là một chức năng của xã hội rất tích cực.
Qua những phần đã trình bày ở phần tổng quan thì Tổ sư cũng đã tiếp nối truyền thống chư Phật, chư Tổ,  các đệ tử của Ngài đã và đang vạch ra một chiến lược toàn diện lâu dài nhằm đem giáo pháp an lạc hạnh phúc đến khắp nhân sanh. Đúng như lời Đức Phật thường dạy: "Hãy ra đi, các Tỳ kheo, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả (…) Hãy phất lên ngọn cờ bậc thiện trí. Hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được vậy, là các con đã hoàn tất nhiệm vụ". Đó chính là con đường, là giải pháp rốt ráo cho vấn đề an sinh xã hội. Phát huy tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha để chia sẻ nỗi đau của những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, Hệ phái Phật giáo Khất sĩ đã kêu gọi sự đóng góp của phật tử từ tâm, của các nhà hảo tâm, các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân để tham gia ủng hộ cho công tác từ thiện xã hội. Những nỗ lực đó góp phần giải quyết những khó khăn cho đồng bào nghèo tại các vùng sâu vùng xa, các gia đình đang trong cảnh khốn cùng, những người già neo đơn, những trẻ em mồ côi, nghèo, cơ nhỡ và thực hiện nhiều công việc khác như ủng hộ xây nhà tình nghĩa cho các gia đình thuộc diện chính sách, cất nhà đại đoàn kết cho những hộ nghèo, xây cầu bê tông và còn nhiều hoạt động từ thiện khác rất đa dạng.

Thực hiện theo lời dạy đó, trong những năm qua, hệ phái Khất sĩ cũng góp phần vào việc thực hiện an sinh xã hội, cụ thể như đã xây 60 căn nhà đại đoàn kết và nhà tình thương, xây dựng 30 cây cầu giao thông nông thôn nhằm giúp cho người dân có phương tiện đi lại dễ dàng, tặng học sinh vùng khó khăn hơn 15.000 cuốn tập và 5.000 cây viết, hỗ trợ đồng bào khó khăn địa phương hàng năm trên 45 tấn gạo. Ngoài ra, còn tổ chức gây quỹ giúp đồng bào miền trung bị thiên tai, lũ lụt…..

Vì sự an lạc cho số đông, cho xã hội, Đức Phật và Đức Tổ dạy rằng: “Này các thầy tỳ kheo nên quan tâm đến mọi sinh hoạt của người dân bằng tấm lòng từ bi và sẵn sàng giúp đỡ họ ở mọi phương diện như sức khoẻ, bệnh tật. Đặc biệt thầy tỳ kheo là tuyệt đối không bao giờ gây phương hại hay làm thương tổn, khổ đau cho người dân” được thể hiện bằng bốn câu thơ sau:

"Sa môn khất thực trong làng
Ví như ong lượn nhịp nhàng bên hoa
Kiếm tìm mật nhụy hút hoa
Xong rồi tung cách bay qua cuối vườn
Không làm hoa tổn sắc hương" (Pháp Cú , kệ 49).

----000----
Chú thích:
(1) Sđd, Chơn Lý 58 – Đạo Phật Khất Sĩ.
(2) Là danh từ riêng của một Tông Phái – Hệ phái Phật giáo nên cần phải viết hoa theo quy cách và văn phạm tiếng Việt.
(3) Danh từ viết hoa như đã được nêu lý do ở trên.
(4) Sđd, Chơn Lý 11- Khất Sĩ.
(5) Sđd, Chơn Lý 11.
(6) Sđd,  Sđd, Chơn Lý 11- Khất Sĩ.
 
Đại đức Thích Minh Khải - Chánh văn phòng trường TCPH Kiên Giang