Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Mở đầu buổi Tọa đàm Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, một chương trình trong chuỗi các sự kiện diễn ra trong Đại lễ Tưởng niệm đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng lần thứ 65, tại Tổ đình Minh Đăng Quang, ấp 6, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, HT. Giác Toàn - Trưởng ban Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, thay lời chư Tôn đức Chứng minh buổi Tọa đàm nhắn gởi đôi điều đến chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử. Hòa thượng chỉ trình bày ngắn gọn trong 25 phút, song khiến người hữu duyên nghe được đoạn video này, thấy rõ ý nghĩa thiết thực của việc trau dồi ý pháp từ bộ Chơn Lý, đồng thời cảm xúc lan tỏa từ tâm nguyện, sự công phu tu hành của Tổ sư, của Nhị Tổ Giác Chánh và của các bậc Thầy trong Hệ phái.

Chúng con xin được phép viết xuống những lời của Hòa thượng, hầu có thể lưu truyền lời pháp rộng hơn, mang lợi lạc nhiều hơn cho bạn đọc gần xa.

 

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật,

 

Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời chứng minh,

Kính lạy đức Tổ sư Minh Đăng Quang chứng minh,

Kính lạy Nhị Tổ Giác Chánh và Giác linh chư đức Thầy Trưởng các Giáo đoàn Tăng, Giáo đoàn Ni chứng minh,

Kính bạch HT. Giác Giới, Đạo sư Chứng minh Hệ phái Khất sĩ và chư Tôn đức Tăng Ni hiện tiền chứng minh,

Kính thưa toàn thể đại chúng Tăng Ni và nam nữ Phật tử,

Ngày nay và ngày mai là niềm hạnh phúc vô biên đối với người đệ tử Phật, đặc biệt đối với Tăng Ni và thiện nam tín nữ Phật tử đệ tử trong giáo pháp Hệ phái Khất sĩ, do Tổ sư Minh Đăng Quang khai lập và lưu lại cho hậu thế. Chiều nay, chúng ta còn được nghe những lời của chư Tôn đức Tăng Ni từ các Giáo đoàn thể hiện sự tiếp nhận dòng pháp mà đức Tổ sư đã phát Đại bi tâm, nguyện Nối truyền Thích-ca Chánh pháp.

Chúng ta đều biết, ở thế gian, trong một gia đình, dòng họ, ông cố, ông nội, cha mẹ rồi đến mình, gần sát một bên như vậy, nhưng có khi tinh hoa nghề nghiệp truyền lưu cho nhau không phải dễ. Ví dụ bên người nam theo dân tộc mình có rất nhiều nghề nghiệp như nghề mộc, nghề chạm khắc, nghề xây dựng,…; bên nữ, một người nữ ngoài trau dồi công, dung, ngôn, hạnh, còn phải biết việc bếp núc, nấu nướng, tuy nhiên việc này từ bà ngoại hoặc mẹ truyền cho con gái cũng không dễ. Ấy vậy mà, giáo pháp đức Phật đã có hơn 25 thế kỷ, đức Tổ sư của chúng ta ra đời năm 1923 và vào năm 1944, Ngài chỉ mới 22 tuổi, trong 2 năm vừa tìm đạo vừa nghiền ngẫm suy tư, lại có thể thiết lập định hướng, xác lập tôn chỉ giáo pháp.

Trong khoảng thời gian đó, có một giai đoạn, Ngài vâng lời báo hiếu thân phụ, thuận theo thế pháp, như nhà thơ Trụ Vũ đã viết:

Gẫm trong trời đất vô cùng,

Nợ duyên âu cũng nghiệp chung muôn loài.

Hay là thánh ý Như Lai,

Muốn cho ôn lại trọn bài đau thương.

Đau thương là tính vô thường,

Vô thường là tính đoạn trường xưa nay.

Ngài đi xuất gia theo lý tưởng đã chọn, chỉ trong hai năm tu học, suy tư, định hướng, hành trì và thành công ý nguyện của mình. Chư Tăng Ni chúng ta giờ đi tu rồi mới thấy rằng, mình muốn giữ lập trường tu cho trọn vẹn đã khó, làm sao có thể vạch ra một định hướng để thành lập một tổ chức, nhất là tổ chức đó đã có mấy ngàn năm rồi, vả lại tổ chức đó tại Việt Nam đã ăn sâu bén rễ hơn 2000 năm. Chỉ có Tổ sư Minh Đăng Quang, Ngài mới xuất hiện, vừa mới tu tập, đã vạch ra được con đường và xác lập ngay một tôn chỉ đúng với Chánh pháp - Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.

Chư Tôn đức Tăng Ni có dịp nghiền ngẫm lại, sẽ thấy, đây quả thật là nhân duyên Phật pháp định sẵn cho, chứ không phải riêng Tổ sư Minh Đăng Quang định cho mình. Ngài vừa hiện hữu trong đời liền xác lập định hướng nối lại dòng pháp đã có mặt 25 thế kỷ và Ngài đã gắn kết lại được như ngày hôm qua với hôm nay. Đó là điều chư Tôn đức Tăng Ni cần lưu tâm.

Lưu tâm có ý nghĩa gì? Lưu tâm để thấy chúng ta có niềm hạnh phúc rất lớn. Chúng ta được làm đệ tử, làm con, làm cháu đích tôn của đức Tổ sư, bởi lẽ tất cả Tăng Ni chúng ta đây đều là đệ tử của chư đức Thầy, của chư Ni trưởng đại đệ tử của Tổ sư. Trong pháp đường hôm nay vẫn còn một vài Ni trưởng nhân chứng thiêng liêng, từng được Tổ sư chứng minh quy y, truyền giới, từng được hầu Tổ sư. Đó chính là niềm hạnh phúc vô biên của tất cả chúng ta vậy.

Dòng suối pháp, đức Tổ sư nguyện nối kết và đã nối kết được, gặp được, gần được giáo pháp của đức Phật hiện thời, chính là dòng suối Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Thực ra, đây là tôn chỉ, mục đích, định hướng chung, còn sợi chỉ xuyên suốt nối được và nối thành công chính là bộ Chơn Lý, Ngài đã thực hiện.

Tâm nguyện Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam này, Ngài đã có sẵn tâm thức này trong nhiều đời nhiều kiếp chứ không phải mới có trong đời này. Tâm thức này được tích lũy bao đời và tích lũy một cách chăm chú, liên tục. Cũng như người thầy, người ông, người cha truyền nghề cho con cháu thì người con, người cháu phải hầu cận bên ông, bên cha mài miệt, thọ học cái tinh hoa nghề nghiệp. Cũng như người nữ đoan chánh với công dung ngôn hạnh của mình rồi, muốn thọ học tinh hoa nghề nghiệp từ bà, từ mẹ, phải kề cận chăm chỉ học tập. Bất cứ ngành nghề nào, một người càng chăm chú miệt mài thọ học, càng đạt được sự tinh xảo của môn học, nghề nghiệp. Tâm thức thọ nhận Chơn lý của Tổ cũng giống như vậy, nên khi trở lại cuộc đời, không luận tuổi tác non trẻ, Ngài đã làm được đại sự cho Phật pháp và nhân sinh. Trong tu học, nhiều đời nhiều kiếp, chúng ta hãy tập tích lũy tâm thức thiện lành như thế.  

Hôm nay, chúng ta ngồi nơi đây, trong Tổ đình Minh Đăng Quang trang nghiêm, công lao của HT. Giác Giới –  Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái rất lớn. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, Ngài thao thức suy tư, cống hiến công sức để kiến tạo một khuôn đất rộng lớn. Việc mở rộng Tổ đình quả thật rất công phu. Ban đầu từ ngoài vào chánh điện bát giác, đến nhà thờ Tổ, qua giảng đường, thiền đường, gần đây mở rộng không gian hai bên lễ đường để có nơi Phật tử tham dự lễ ổn định, ắt hẳn, mỗi ngày Hòa thượng đã lao tâm khổ tứ rất nhiều.

Chúng ta là thế hệ hậu học, phải hết sức công phu mới mong tìm được dấu nối của các bậc tiền nhân. Tư tưởng Chánh pháp, tư tưởng Chơn Lý của Tổ sư nối lại 2500 năm trước, còn chúng ta chỉ nối trên dưới cách đây 50 năm. Ngày nay, chúng ta thấy khuôn viên pháp bảo Tổ đình kinh dinh đồ sộ, đó cũng chính là Chánh báo y báo của Tổ sư. HT. Giác Giới là thế hệ đệ tử, có nhân duyên với đất Tổ vì tâm thức của Ngài nhiều chục năm nay cũng mài miệt với Chơn Lý của Tổ. Con trò thưa điểm này để các vị thấy rõ dòng chảy tiếp nối từ nhiều đời nhiều kiếp, tích lũy trao truyền từ chư Phật đến chư Tổ, trong đó có đức Tổ sư của chúng ta và tiếp tục đến các đức Thầy Trưởng đoàn Tăng, Ni.

Với chúng ta, hoặc đã tu 20 năm, 30 năm, nếu được giao trách nhiệm giải quyết một việc gì, mình phải đắn đo hết sức. Vậy mà Tổ sư vừa xuất gia, vừa nghiên cứu trong vòng hai năm rồi đi hành đạo, để lại một mô hình kiến trúc tịnh xá bát giác và trong hai, ba năm đi hành đạo lưu lại bộ Chơn Lý với các bài học căn bản Cư sĩ, Bài học Cư sĩ, Khất sĩ,… xiển dương lộ trình Giới, Định, Tuệ. Ngài giảng bộ Chơn Lý – 69 bài trong 10 năm, bài Chơn Lý nào cũng thành bài pháp lớn, như thế, chúng ta thấy đây quả là công đức, là một tâm thức được tích lũy nhiều đời nhiều kiếp chứ không phải trong một kiếp này.

Chư đức Thầy, chư Ni trưởng cũng tích lũy công hạnh tu học nhiều đời như thế. Có những vị có duyên được Tổ chứng minh tu học vào những năm 1947 – 48 như đức Thầy Giác Tánh, đức Thầy Giác Lý, đức Thầy Giác An…, có những vị từ năm 1950 – 52 như Pháp sư Giác Nhiên,… Nhưng quý Ngài theo tu học với Tổ sư không lâu, năm, bảy năm sau, đức Tổ sư vắng bóng. Các Ngài kế thừa, vừa tu học vừa gánh vác trọng trách hoằng pháp, mở đạo khắp nơi. Năm 1956, Nhị Tổ Giác Chánh dẫn đoàn Du Tăng hành đạo ra miền Trung. Năm 1956 – 57, các đức Thầy thành lập Giáo đoàn II, Giáo đoàn III,… Chư Tôn đức Tăng Ni hãy ngẫm lại có vị nào trong chúng ta trong vòng 10 năm làm được việc đó.

Chỉ có các đức Thầy Trưởng các Giáo đoàn Tăng Ni mới có đại tâm nguyện, như trong kinh Phật, chúng ta thấy chư Phật, chư Tổ đều có đại nguyện. Đức Phật A-di-đà có 48 đại nguyện độ sanh, đức Phật Dược sư có 12 đại nguyện độ sanh.

Chúng ta không biết các đức Thầy, tâm lực và đạo lực thọ học từ đời nào, giờ gặp Tổ sư, chỉ có năm, bảy năm nương học với Thầy, các đức Thầy vẫn đi hành đạo, đi theo đúng dấu ấn của Tổ sư. Như Nhị Tổ Giác Chánh, tuy Ngài không để lại cho chúng ta một áng văn nào nhưng công hạnh của Ngài là một bài Chơn Lý sống.

Thuở Nhị Tổ còn sinh tiền, con trò đảnh lễ thỉnh ý Ngài mấy việc. Sau khi nghe Ngài trả lời, con trò liền biết, Nhị Tổ có công hạnh đặc biệt của Nhị Tổ. Năm 1972, các đức Thầy về họp với Hòa thượng Pháp sư tại Tịnh xá Trung Tâm để chuẩn bị thành lập Viện Hành đạo, Viện Hóa đạo cho Giáo hội Tăng-già Khất sĩ. Con trò lúc đó còn nhỏ, vượt qua chặng đường khó khăn từ Sài Gòn đến nơi Ngài ở, tại Găng Gừa, Ngã Năm Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, để thỉnh Ngài ra chứng minh, lãnh đạo chư Tôn đức Tăng Ni hành đạo. Chỗ của Ngài ở lúc bấy giờ là cái chòi thô sơ được người dân địa phương cho mượn (người dân thường gọi loại chòi này là Chòi Trâu), tuy nhiên mái lá nền đất rất sạch sẽ. Trong chòi chỉ có một cái sập nhỏ 9 tấc vuông, giăng chiếc mùng, làm chỗ Ngài ngồi thiền cũng như chỗ ngủ ngồi.

Con trò vào đảnh lễ và bạch:

– Bạch đức Thượng tọa Nhị Tổ, chúng con xin thỉnh Ngài về chứng minh cho chư Tôn đức các Giáo đoàn Khất sĩ hành đạo danh chánh ngôn thuận (tức tổ chức có vị đứng đầu, mà Ngài được đức Tổ sư chứng minh làm Nhị Tổ nên là vị đứng đầu Hệ phái Khất sĩ danh chánh ngôn thuận).

Ngài nói:

– Đức Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni là Thầy của Trời Người đi làm đạo còn có Chuyển Luân Thánh Vương ủng hộ, tôi còn phàm Tăng, nên tự biết. Hãy để cho tôi an thân tu dưỡng như thế này tốt hơn. Hiện tại bên Giáo hội Phật giáo Thống nhất đã có Ngài Thượng tọa Trí Quang, bên Giáo hội Tăng-già Khất sĩ đã có Pháp sư Giác Nhiên hành đạo, vậy là hoan hỷ rồi. Hãy để tôi được tu yên vậy.

Chư Tôn đức Tăng Ni thấy, chúng ta, đôi khi vì danh vị, chức phận, chỗ ngồi cao thấp đã bị lấn cấn, còn Ngài được thỉnh cầu mà chỉ nói: “Để cho tôi yên, tôi tu…”

Sau năm 1975, đất nước hòa bình, trật tự xã hội ổn định, nhà cũng như chùa đều phải có Sổ Hộ khẩu. Ngài dẫn 20 vị Tăng đi hành đạo nhưng không có Sổ Hộ khẩu nên khi đến địa phương nào, người dân thường thỉnh đoàn Du Tăng về lưu trú ở đình làng. Trong giai đoạn này, con trò đến thăm viếng đảnh lễ Ngài hai lần, trong đó một lần cùng đi với Ni trưởng Huỳnh Liên. Lúc bấy giờ, con trò trao đổi với Ban Tôn giáo tỉnh Hậu Giang đưa 20 vị Tăng theo hầu Nhị Tổ, hai vị về một trú xứ để có hộ khẩu. Sau đó Nhị Tổ cùng hai thị giả là Sư cụ Hữu và Sư cụ Tự về trụ ở Pháp viện Minh Đăng Quang (505, Xa lộ Hà Nội, Q. 2, TP.HCM). Những năm sau đó, phương tiện máy bay ra Bắc vô Nam dễ dàng hơn, con trò thỉnh Nhị Tổ về thăm quê một lần. Quê của Ngài ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội ngày nay, Ngài sinh ra và lớn lên ở đây.

Ngài dạy nhẹ nhàng và rất dễ thương đồng thời cũng xác lập công hạnh của một vị Tổ:

– Thôi, nếu Sư thấy xin được Chánh phủ cho tôi dẫn một đoàn Du Tăng 20 vị về hành đạo được thì tôi đi về, còn về để thăm bà con, thôi thì cho tôi khỏi đi.

Chư Tôn đức, huynh đệ thấy tâm lực đạo lực của Nhị Tổ từ khi xuất gia theo Tổ sư Minh Đăng Quang đi hành đạo, đến lúc Tổ vắng bóng, Ngài tự dẫn đoàn du Tăng hành đạo suốt Nam Trung, tới thời kỳ đất nước hòa bình, chiến tranh kết thúc, việc một vị xa xứ nhiều chục năm về thăm quê là chuyện bình thường nhưng đối với Ngài chỉ duy nhất nghĩ đến việc hành đạo lợi ích mọi người không vì tình cảm thăm viếng cá nhân.

Chỉ một hạnh này của Ngài, nếu mỗi Tăng Ni chúng ta học được, thật là quý lắm vậy. Trong Luật tạng, đức Phật cũng cho phép, người xuất gia có thể về thăm nhà hoặc sau sáu tháng, hoặc sau ba năm. Hoặc thông thường, tuy xuất gia rồi nhưng khoảng một năm, năm năm, mười năm, 20 năm, 30 năm, mình cũng được phép về thăm gia đình. Nhưng với Ngài, tuyệt đối không, một năm không về thăm nhà, ba năm không, mười năm không và 50 năm vẫn không về. Năm 1940, Ngài vào Nam làm công nhân đồn điền cao su. Nhân duyên được gặp Tổ sư, Ngài phát tâm xuất gia, từ đó không còn trở lại thăm quê hương lần nào nữa.

Chỉ với hai công hạnh ấy của Nhị Tổ, con trò được đảnh lễ, được thưa, được nghe chính tai mình, mới thấy rằng Tổ sư Minh Đăng Quang chọn Nhị Tổ Giác Chánh kế thừa đạo nghiệp của Tổ là hoàn toàn xứng đáng. Đó là nhờ sợi dây Chơn lý Chánh pháp xuyên suốt tâm nối tâm của Tổ sư Minh Đăng Quang và Nhị Tổ Giác Chánh. Tâm lực, đạo lực, của Tổ sư, của Nhị Tổ lúc nào cũng gắn với Chánh pháp và vì đạo, đem cái đẹp của đạo phụng sự cho đời, không một chút lợn cợn trong tâm sự vui buồn thế thường.

Hôm nay, chư Tôn đức tổ chức buổi Tọa đàm, cùng nhau đàm luận Chơn Lý của Tổ sư, con trò chỉ thưa mấy ý trên; chư Tôn đức chứng minh, liễu tri để rồi chúng ta cùng trao đổi, cùng thọ học, cùng nghiệm ra sợi chỉ Chơn Lý Chánh pháp xuyên suốt từ đức Phật đến Tổ sư, trải qua 25 thế kỷ, Ngài đã tiếp nối thành công. Nhị Tổ Giác Chánh cũng vậy, Ngài xuất gia, ở bên cạnh Tổ sư và nguyện hành trì gương hạnh ít nói tu thiền như tất cả chúng ta đều biết. Ngày đêm tinh tấn tu học, thân tâm tập trung cho đạo pháp, cho Chánh pháp và cho chúng sanh, không chút mảy may xao động việc khác. Dù có lúc ôm bát trì bình hay ở tại trú xứ, tâm thái Ngài luôn thong dong, nhẹ nhàng. Từ các trú xứ trước đó rồi về Pháp viện, sau về Ngọc Viên, Vĩnh Long,… ngày cũng như đêm, Ngài tham thiền tĩnh tọa, đó là điểm đặc sắc của Nhị Tổ kế thừa Tổ sư vậy.

Trước khi vào buổi Tọa đàm, con trò xin đọc một vài đoạn trong bài thơ Tổ đình Minh Đăng Quang, bài có đăng trên Báo Giác Ngộ, đồng thời được làm thành tập sách nhỏ tặng cho chư Tôn đức và Phật tử trong dịp Lễ này, để ca ngợi và tri ân đức Tổ sư, các bậc Thầy hiền và chư Tôn đức dày công xây dựng duy trì Tổ đình.  

Hai lăm thế kỷ Xuân Thu,

Ta-bà dư nghiệp võng thù sương mai.

Nhân duyên tục diệm hoằng khai,

Bóng xưa đọng lại hình hài cổ xưa.

Minh Đăng Quang, hạnh móc mưa,

Khởi tâm cầu học, đức thừa Như Lai.

Việt Nam chùa tháp liên đài,

Chí nguyện vạn dặm học bài kinh thơm.

Vô tuổi, vô tướng Linh Sơn,

Đóa hoa vô tự tâm hồn lung linh.

 

Thời gian trải nghiệm chơn như,

Sau mươi lăm năm, đức từ độ sanh.

Quê xưa đất Tổ tươi cành,

Tam Bình, Hậu Lộc lưu danh đức hiền.

Tổ đình sáng lạn thắng duyên,

Mười phương tụ hội hiện tiền thiên Tăng.

Vĩnh Long phúc quả như rằng,

Đạo đời nhuận rạng, thuyền trăng thanh bình.

Hậu sau tiền trước thường chơn,

Lộc phát, truyền nối dấu mòn nhân gian.

Tam thân, tứ trí hành tàng,

Bình tâm an trú thiền quang tiên rồng.

Vĩnh phúc nhuận rạng Lạc Hồng,

Long thiên bát bộ non sông thanh bình.

Việt siêu tam giới hữu tình,

Nam thiên thạnh trị văn minh đạo đời.

Lưu trụ nhân đức mười mươi,

Truyền tụng hiền thiện nụ cười vô ưu.

Chơn chánh nhiếp hóa phàm phu,

Lý pháp tỏ rạng điều nhu an bình.

Minh Đăng Quang - Ánh tâm linh,

Minh Đăng Quang đẹp Tam Bình Vĩnh Long.

Minh Đăng Quang đẹp thiền tông,

Minh Đăng Quang rạng hư không đất trời.

Tổ đình dấu ấn tình người,

Thanh thoát bình dị, đạo đời thanh lương.

Nối truyền Chánh pháp chơn thường,

Đạo đời Khất sĩ an tường tịnh không.

Hậu Lộc đất Tổ ấm lòng,

Vĩnh Long quê mẹ, dòng sông cội nguồn.

Sáu mươi lăm năm, mạch kim cương,

Sáu mươi lăm năm, đạo miên trường thiên thu.

Mong rằng chư Tôn đức Tăng Ni và các Phật tử tâm huyết từng bước tìm svề lại dấu mạch kim cương, chính là dòng suối pháp Chơn Lý của Tổ sư, của chư Phật.

Xin chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe đến chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử.

Chúc buổi tọa đàm của chúng ta thành tựu viên mãn.
Theo daophatkhatsi.vn