Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Ngày 26/02/2023 (nhằm ngày 07/02/Quý Mão), tại khóa Sống chung tu học lần thứ 16, tổ chức tại tịnh xá Ngọc Trung (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), có thời thuyết giảng của Thượng tọa Giác Nhường - Phó Thư ký kiêm Trưởng ban Truyền thông Thông tin, Trụ trì tịnh xá Ngọc Đạt (tỉnh Đăk Nông).
Khóa tu này là khóa tu để tưởng niệm Đức Thầy nên ít nhiều những bài thuyết giảng trong khóa tu có liên quan đến Đức Thầy. Thượng toạ gởi đến khóa tu với đề tài “Đức Thầy Giác An: Đạo nghiệp sáng ngời.”
Đầu tiên, Thượng tọa giới thiệu một quyển sách nhỏ của Hòa thượng Giác Lượng viết vào những năm sống bên Đức Thầy. Quyển sách nhỏ này ghi lại hành trạng và 12 lời nguyện của Đức Thầy. Trong thời pháp ngắn chia sẻ cho khóa tu, Thượng tọa chỉ giới thiệu hành trạng của Đức Thầy qua ba nội dung chính:
Hành trạng của Đức Thầy qua lời kể của đệ tử.
Hành trạng của Đức Thầy qua lời kể của chính ngài.
Hành trạng của Đức Thầy qua lời của chư tôn đức trưởng lão.
Đầu tiên: Hành trạng của Đức Thầy qua lời kể của đệ tử.
Bối cảnh thời gian Đức Thầy về tịnh xá Ngọc Đà (Đà Lạt, Lâm Đồng) để nhập thất tịnh dưỡng, đó là vào năm 1964. Trong lời phi lộ, Hòa thượng Giác Lượng viết:
“Quý hóa thay được đầy đủ nhân duyên hội ngộ thầy trò; Đức Thầy đã về tại nơi đây (tịnh xá Ngọc Đà), cũng là nơi Thầy dùng làm nơi cứ điểm tịnh dưỡng tinh thần tu tập, với khí hậu điều hòa, phong quang đẹp đẻ, cảnh trí thiên nhiên rất hạp cho người tu giải thoát...
Vào một buổi chiều, thầy trò đi dạo mát bên sườn đồi, qua những rừng ngo nghe giọng thì thầm, ríu rít, hòa nhịp với sự tưởng tượng trong tâm hồn người tu thật là khoái lạc. Đồi nọ qua đồi kia, mặc sức xem quang ngắm cảnh, lội suối qua đèo, đây cũng là một trò tiêu khiển của người tu. Hiện tượng cảnh tự tại, thung dung, giải thoát nhẹ nhàng, không bị buộc ràng, trói cột trong cảnh trần gian đau khổ, trong biển ái nguồn tình, … ôi, thật sung sướng.”
Quả thật, đời sống của Đức Thầy vừa thanh tịnh vừa đơn giản, không tất tả lo lắng hay thể hiện của một bậc Trưởng thượng. Mặc dù trên vai gánh trọng trách của một người lãnh đạo Giáo đoàn, tạo lập tòng lâm, dạy dỗ đệ tử, nhưng vẻ ngoài của ngài an yên tự tại, giờ nào việc nấy, lúc cần đi dạo chỉ để tâm đi dạo, thân đâu tâm đó. Ngài cùng các đệ tử vào rừng đi dạo ngắm cảnh, điềm nhiên nhìn mây bay, nước chảy, nghe chim hót, lội suối trèo non, vui thú... và được xem đây là cách tiêu khiển của người tu. Đức Thầy có đời sống giản dị, bình an, thong dong, điều này cho thấy đời sống của ngài khế hợp với các vị ẩn sĩ thời xưa, không dính mắc, buộc ràng cũng không chấp trước thế sự, tâm ngài an tịnh nên đi vào rừng ngắm cảnh mà không phải để ngắm cảnh, mà giống như đang đi hành thiền trong rừng. Khi năm căn tiếp xúc với năm trần không có sự phân biệt, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe... một đoạn văn chỉ tả cảnh Đức Thầy cùng chúng đệ tử đi dạo mà chúng ta có thể thấy được sự an tịnh nơi nội tâm của Ngài.
“Khi bước chân về, vào vòng tịnh xá, những hơi thở khì khào của tất cả quý Sư, in hình mê mệt, vì chân mỏi lúc lội suối lên đèo. Kế tôi trông nhìn đến Đức Thầy, Thầy nét mặt vui tươi hớn hở, không thấy chút gì mệt cả, với vẻ quá oai nghiêm, lúc nầy hình như Thầy đang trầm tư, mặc tưởng. Thầy vào cốc nghỉ ngơi.
Các sư trẻ nhưng lại lộ vẻ mệt mỏi, còn Đức Thầy thì vui tươi hớn hở, chứng tỏ sức khỏe thân thể và sức khỏe tinh thần của một bậc chân tu. Các sư trẻ dùng lực để đi nên tỏ vẻ mệt, còn Đức Thầy thì đi trong chánh niệm nên Ngài thấy vui mặc dù trèo non lội suối cả buổi.”
“Tối đến, Thầy cho chúng đệ tử biết rằng “Sáng mai này, bắt đầu Thầy tu tịnh…”
Đức thầy thông báo mình sẽ vào thất tu tịnh để các đệ tử an tâm. Khoảng cách giữa thầy và đệ tử là không hề có khoảng cách, đi dạo, ngắm cảnh, nói chuyện, chia sẻ quan điểm, tất cả đều thể hiện như một người cha già đối với các con của mình.
Một buổi chiều kế đó tiếng chuông rung, Thầy sai Huệ Phước cầm mảnh giấy cỏn con đem đến, trong ấy Thầy có dạy rằng: “Sư viết ra bài này đặng quý Sư đặng rõ: Từ rày sắp tới các Sư phải lo chung với nhau, các tịnh xá tu bổ cho hoàn thành đi, đừng có mở thêm nữa. Tịnh xá cũng nhiều rồi, Sư sợ sau này không có Tăng ở đủ, còn Sư thì phải lo tu, ngày hết tháng qua. Vì bấy năm trường không giờ rảnh mà tu, nay các sư có đông nhiều, nên thừa dịp rảnh rang Sư tu niệm.
Mặc dù tu tịnh trong cốc thật lặng lẽ im lìm, thỉnh thoảng Thầy viết giấy đưa ra, nhắc nhở, Thầy chép bài, dạy cho đệ tử không ngoài việc khuyên tu khuyên học. Thầy nói chớ bỏ luống thời giờ, Thầy đã nhắc lại một câu châm ngôn đích đáng: " Một đời luống qua chỉ kết liễu trong ân hận".  (Đây là lời của Hòa Thượng Giác Lượng)
Mặc dù nhập thất tu trong tịnh cốc nhưng Đức Thầy vẫn quan tâm chăm sóc đời sống tu hành của tăng chúng. Thầy tự nhắc nhở bản thân phải ráng tu chớ có để thời gian luống qua vô ích. Lúc này, Đức Thầy đã nhận rõ sự vô thường của đời người, thấy việc tu tập mới là điều kiện cần thiết, việc xây chùa, độ chúng cũng chỉ là việc bổn phận nên làm, không phải là cứu cách, mục đích của người tu Phật. Ngài biết đủ và dạy đệ tử cũng nên biết đủ, đừng chạy theo vật chất thế sự bên ngoài phải biết dừng lại đúng lúc đúng thời. Đức Thầy sợ không có người duy trì chánh pháp nên dạy đệ tử nên sắp xếp công việc thích hợp để thời giờ công phu tu niệm. Ngài tự nhắc nhở bản thân mình cũng như đốc thúc Tăng chúng phải ráng tu chớ để thời giờ trôi qua rồi già chết sẽ đến mà chưa kịp tu tập, để khi rời khỏi thế giới ngắn ngủi này trong sự hối hận.
Lời Thầy tuy đơn giản nhưng chứa đựng như một huyền cơ, như báo trước một điều gì sắp sửa xảy ra, giống như Thầy đang chuẩn bị cho một chuyến đi xa, chuẩn bị cho Tăng chúng mọi thứ, để rồi bảy năm sau khi Thầy ra đi Tăng đoàn vẫn duy trì và phát triển và vững mạnh đến ngày nay.
- Công hạnh của Đức Thầy qua lời kể của chính Ngài
Đức thầy kể về quãng đường tu hành, làm đạo, xây chùa, tiếp chúng độ sanh của mình, nay thấy sức đã tàn, thân đã kiệt, đã đến lúc ngài lo cho viêc sanh tử của mình nên ngài viết:
“Trên mười mấy năm trường, tôi đã xả thân hành đạo, từ ngày cất bước ra Trung xứ Việt, mối Đạo ban hành cùng khắp, sự lập đạo cũng đem lại kết quả nhiều nơi, mỗi tỉnh nào cũng có ánh đạo vàng ban rải, tịnh xá được nổi lên không nhiều lắm chớ cũng có phần giúp ích cho nhân sanh, trên đường tu học cũng khá đông nhiều, tiếp độ được người xuất gia giải thoát đã lập thành Giáo hội hẳn hoi, hôm nay đã trưởng thành một chiếc thuyền nho nhỏ mà sức tôi thì đã già yếu rồi, bơi chèo có phần chậm chạp, tuổi tác càng ngày càng tăng, Sư đảm đang không còn bao lâu nữa.”
Đức Thầy được đức Tổ Sư xuống tóc xuất gia năm 1949, thọ Tỳ-kheo giới vào năm 1955, tám năm sống chung với Giáo hội, ngài hành đạo khắp các tỉnh miền Nam. Khi đức Tổ sư vắng bóng năm 1954, Ngài một mình một bóng du hành ra miền Trung xứ Việt, thâu nhận đệ tử Tăng Ni xuất gia, thành lập Giáo đoàn III Tăng-già Khất sĩ và lần lượt đi khắp các tỉnh miền Trung, tạo lập nhiều tịnh xá để làm nền tảng cho việc tu học. Ngài là vị đệ tử của Tổ sư đầu tiên nhận Ni vào Tăng đoàn và rất từ bi bảo ban và dạy dỗ cho chư Ni.
Lúc này  đức Thầy tự thấy Giáo đoàn mà ngài thành lập đã đưa vào nề nếp và khuôn khổ, do đó Ngài thấy phận sự của mình cũng gần như tròn xong nên Ngài thấy nên lo cho sự tu hành của mình. Vì mười mấy năm trời qua đã bỏ nhiều tâm tư vào việc kiến lập tịnh xá, thâu nhận đệ tử, mở mang mối đạo và cực khổ cũng nhiều rồi, bây giờ ngài chỉ muốn tịnh tu. Trước khi đi theo gót chân của Tổ về xứ Phật, đức Thầy biết mình tuổi đã cao, đã đến lúc nghĩ đến việc sinh tử của chính mình, suy xét lại những gì mình đã làm coi như đã đủ. Ngài nói: “Hồi kể lại ngày dĩ vãng, từ đời cho chí đạo, từ thuở bình sanh đến bây giờ, biết bao gian lao khổ cực nhọc nhằn.”
Đức thầy thấy được sự thống khổ của kiếp nhân sinh “sinh thân rồi lớn rồi già, rồi đau rồi chết lìa qua một đời”, sự đảo điên của thế sự bởi sinh ra trong thời chiến tranh loạn lạc, đất nước tang thương, lòng người tan tác, nhìn cảnh nước mất nhà tan, lại cha mẹ qua đời lúc ngài vẫn còn quá trẻ. Ngài hiểu thấu lẽ vô thường đau khổ, phát tâm xuất gia không bao lâu thì Đức Tổ Sư vắng bóng, Ngài phát 12 lời nguyện để lấy đó làm mục tiêu tiến tu. Nhìn lại những thành tựu trước mắt, Đức Thầy thấy đã đủ và giờ đây khi tuổi đã xế chiều, chính là lúc kiểm điểm lại bản thân đã làm được những gì và tự thấy vừa đủ. Đức Thầy nói tiếp:
Hôm nay, không còn dính dấp việc thế trần nữa; bổn phận với đời, tôi cũng đã gần xong. Nghiệp quả, tôi cũng đã trả nhiều, nợ trần đã thanh toán, nên đường giải thoát quyết cho toàn vẹn, thừa dịp rảnh rang, đóng cửa phòng tu tịnh, dầu cho có gian lao nữa nghiệp quả có đến đời, Tôi cũng nguyện trả xong, dầu cho có mất thân bỏ mạng. Mục-đích của tôi là đi đến nẻo giải thoát hoàn toàn, quyết không để cho cái chi nó buộc ràng, rốt đến thân tàn cũng không chấp ngã.
Khi dấn thân vào các công tác Phật sự thì chúng ta biết nhìn lại và dừng lại, nếu không nhìn lại chính mình chúng ta sẽ rất dễ bị hoàn cảnh bên ngoài chi phối. Chúng ta đã mất bao nhiêu thời gian cho những công việc không tên trong một ngày và chi bao nhiêu cho viêc tu dưỡng tinh thần, mà những công việc ấy chỉ là phận sự thế gian, cho dù có làm bao nhiêu phước cũng chỉ là phước hữu lậu, không đem đến giải thoát. Mục đích của đức Thầy là giải thoát rốt ráo nên ngài coi việc tu dưỡng tâm là mục tiêu tối hậu và quyết không để những việc thế gian ràng buộc. Do đó, Ngài tìm nơi thanh vắng nơi xứ Đà Lạt, khí hậu mát mẻ, núi rừng yên tĩnh để hạ thủ công phu. Ngài nói: “Vậy nên tôi đã đến đây, nơi đất Đà Lạt phong cảnh vui tươi, khí hậu điều hoà, hiện nay với Ngọc Đà tịnh xá, vị trí này hạp cảnh cho người tu thật là quý báu. Đây là lối tu truyền thống của chư Phật ba đời, từ xưa cho đến nay, các ngài muốn thanh tịnh tu hành đều tìm nơi thanh vắng như khu rừng, gốc cây, bãi tha ma, nơi đất trống. Ở đây, Đức Thầy đã tìm được nơi tu hành lý tưởng là tịnh xá Ngọc Đà (Đà Lạt), nơi núi rừng cao nguyên, khí hầu mát mẻ dễ dàng cho việc tịnh tu.
Đạo nghiệp của Đức Thầy qua cảm nghĩ chư Tôn đức Trưởng Lão
Pháp sư Giác Nhiên
Lúc Đức Thầy viên tịch, Pháp sư Giác Nhiên ra lo lễ tang và Ngài viết lại những lời tán thán Đức Thầy trong sổ tang kỷ yếu:
Đức Trưởng lão Pháp sư Giác Nhiên - Nguyên Tổng Trị sự trưởng kiêm Viện trưởng Viện Hành đạo Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, khai lập Giáo đoàn IV, đã từng tâm tình với Giác linh Đức Thầy Giác An rằng: “Ngài đã mất, nhưng những lời vàng tiếng ngọc, những di ngôn của Ngài hãy còn trong hiện tại và về sau mãi mãi.”…
Xem lại những trang sử, trong buổi Tuyên dương Công trạng đạo nghiệp của Đức Thầy Giác An, Trưởng lão Pháp sư Giác Nhiên khuyến giáo đại chúng rằng: “Trưởng lão Giác An, ngài là một vị hy sinh hiến trọn đời mình cho đạo pháp. Công hạnh của Ngài thật xứng đáng là bậc Chúng trung tôn. Xin toàn thể chư liệt vị đồng niệm danh hiệu ngài bất diệt”.
Đó là lời của Pháp sư Giác Nhiên khuyên đại chúng niệm danh hiệu của Đức Thầy một cách bất diệt, vì “những lời vàng tiếng ngọc, những di ngôn của Ngài hãy còn trong hiện tại và về sau mãi mãi.”
Pháp sư Giác Nhiên đã khuyến tấn: “Xin toàn thể chư liệt vị đồng niệm danh hiệu Ngài bất diệt”, bởi hạnh nguyện của Đức Thầy là là bất diệt, là trường tồn.
Là huynh đệ cùng thời, ít nhiều Pháp sư hiểu rõ về Đức Thầy, một bậc chân tu một đời hy sinh trong sự nghiệp hoằng hóa độ sinh, báo ân Thầy Tổ, công hạnh của Ngài đáng được tán dương và lưu truyền mãi mãi.
Trưởng lão Giác Lý
Với với đạo nghiệp của Đức Thầy, Đức Trưởng lão Giác Lý – khai lập Giáo đoàn V, Hệ phái Khất sĩ, mô tả rằng: “Trưởng lão Giác An, một người đã hy sinh suốt cuộc đời để hoằng dương Chánh pháp, đem đạo lành rải khắp bốn phương” … “Trong thời gian Đức Tôn sư Minh Đăng Quang vắng bóng, với trách nhiệm tinh thần Ngài đi mở đạo khắp miền Trung và cao nguyên Trung phần. Với sứ mạng thiêng liêng cao cả, thật xứng đáng một vị Tổ Thầy.”  
Thật vậy, Đức Thầy Giác An là một bậc Thầy như thế. Từ khi xuất gia nương tựa trong Giáo hội luôn sống đúng phận sự của mình, tinh tấn tu học dưới sự hướng dẫn của Tổ, sống chan hòa với huynh đệ trong nếp sống lục hòa, đến khi Tổ vắng bóng, đã cùng chư huynh đệ của mình, hết thảy tám vị đi tìm Tổ và bị bắt giam cầm và tra tấn, thậm chí bị dụ dỗ, nhưng Đức Thầy và huynh đệ của Ngài vẫn không hề bị khuất phục mà sống hiên ngang, tự tin hơn trước sự tàn khốc của thế cuộc.
Sau khi Tổ vắng bóng, chư huynh đệ vâng theo di nguyện của Tổ chia nhau đi khắp nơi hoằng dương giáo pháp Khất sĩ, một giáo pháp vừa mới thành lập, còn khá mới mẻ và non nớt mà vị hướng dẫn vừa mới ra đi không biết tung tích. Giữa lúc bơ vơ như gà lạc mẹ, Đức Thầy nghĩ mình nên báo đáp công ơn Thầy mình không gì hơn là truyền bá giáo pháp của Thầy mình rộng rãi. Nghĩ là làm, đức Thầy ở tận miền nam một mình một bóng du hành ra tận miền Trung xứ Việt, nơi mà Ngài chưa một lần đặt chân đến và cũng không biết thủy thổ thế nào. Thế mà Đức Thầy vẫn không hề sợ hãi vẫn quyết tâm đem Đạo Phật Khất Sĩ mới sơ khai đi truyền bá. Thế nhưng không hề thất bại mà kết quả ngược lại, ngài đã làm được điều mà chư Tổ đức đã dạy, vị Tỳ kheo chỉ có hai việc: “Hoằng dương giáo pháp và tiếp chúng độ sanh”. Từ đây bóng huỳnh y được phất phới trên đồi cát Phan Thiết và xa hơn nữa các tỉnh miền Trung và cao nguyên thành lập một Giáo đoàn hẳn hoi, có cả Tăng lẫn Ni cùng nhau tu học trong giáo pháp Khất sĩ.
Sắp đến ngày chư Ni giáo đoàn III kỷ niệm tưởng nhớ công ơn Đức Thầy, vị khai sáng Giáo đoàn và là người cha hiền của Ni giới GĐ III, Thượng tọa đã kể lại cho chư ni trẻ nghe một phần về công hạnh của đức Thầy qua lời kể của chư đệ tử sống với Đức Thầy; kể qua lời của chính Đức Thầy và kể qua lời của chư pháp huynh pháp đệ của Đức Thầy. Qua đó, chúng con có dịp ôn lại hình ảnh của một bậc thầy đáng kính và hãnh diện về công hạnh của Thầy. Chúng con thật may mắn đứng trong hàng ngũ của Ni giới Giáo đoàn III và chúng con sẽ cố gắng tu tập noi theo gương sáng mà chư Tổ Thầy đã dạy.
 
SC. Tri Liên - Đạo Phật Khất Sĩ