Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Cuộc đời và đạo nghiệp của cố Hòa thượng Giác Thuận là tấm gương về tinh thần “Sống chung tu học” mà Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã soi sáng. Suốt cả cuộc đời xuất gia tu hành, hoằng pháp độ sinh, Ngài luôn gắn liền với Phật sự của Giáo đoàn, Hệ phái Khất sĩ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

I. THÂN THẾ

Cố Hòa thượng Thích Giác Thuận, thế danh Nguyễn Đức Thắng, sinh ngày 20/10/1946, tại thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Song thân của Ngài là cụ ông Nguyễn Đức Bá và cụ bà Nguyễn Thị Bốn. Ngài là con trai trưởng trong gia đình sáu anh em, ba trai, ba gái. Ngay còn tuổi ấu thơ, Ngài đã là người anh mẫu mực, có trách nhiệm trông nom các em, gần gũi và phụ giúp cha mẹ. Cha mẹ đều tin theo đạo Phật, đặc biệt, mẹ của Ngài là một Phật tử kính tín Tam bảo, thường đến chùa lễ Phật, tụng kinh. Nhiều lần, Ngài cũng được mẹ đưa về chùa nghe kinh, làm công quả. Hạt giống Bồ-đề đã bắt đầu ươm mầm trong những năm tháng còn thiếu niên nơi Ngài.

II. NHÂN DUYÊN XUẤT GIA HỌC ĐẠO

Năm 1960, trong chuyến hành đạo của Đức Thầy Giác An, vị khai sáng Giáo đoàn III - Hệ phái Khất sĩ, Tịnh xá Ngọc Sơn (núi Phụng Kỳ, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) được thành lập. Gia đình của Hòa thượng thường về thân cận nghe pháp, công quả ở tịnh xá. Có một ngày không may, ngôi nhà của gia đình Ngài bị cháy, lại trong thời buổi chiến tranh nên việc sinh hoạt của gia đình gặp khó khăn. Thấy gia đình Phật tử hiền lành, chất phác, quý việc tu hành, Đức Thầy từ bi gọi gia đình về cất tạm ngôi nhà nhỏ gần đất tịnh xá để trú ngụ, vừa làm ăn, vừa gần tịnh xá để ngày ngày công quả, tụng kinh, học pháp. Kể từ đó, Hòa thượng càng được gần cửa Phật hơn.  

Rằm tháng 2 năm Giáp Thìn (1964), nhân duyên thoát trần chín muồi, được cha mẹ tùy thuận cho phép xuất gia, Đức Thầy đã chứng minh xuống tóc cho Ngài tại Tịnh xá Ngọc Sơn và ban cho pháp danh là Huệ Thảo, lúc bấy giờ, Ngài được 18 tuổi.

Gần năm năm học pháp, theo Thầy vân du hành đạo đó đây, rằm tháng 7 năm Kỷ Dậu (1969), tại Tịnh xá Ngọc Hải (Cam Ranh, Khánh Hòa), Ngài được Đức Thầy truyền giới Sa-di và ban pháp danh là Giác Thuận. Trong phận sự của người học trò Sa-di, Ngài rất siêng năng công quả, tinh tấn tu tập, giữ gìn oai nghi đạo hạnh và trọn lễ hầu Thầy, nên được Đức Thầy và quý Tôn túc trong Giáo đoàn quý mến, tin tưởng, giao cho nhiều công việc trong những lần đoàn du Tăng đi hành đạo dài ngày. 

Từ năm 1968 - 1974, Ngài đã luân chuyển trụ xứ, chung lo Phật sự của Giáo đoàn tại các miền tịnh xá: Tịnh xá Ngọc Duyên (Đập Đá, Bình Định), năm 1968; Tịnh xá Ngọc Pháp (Nha Trang, Khánh Hòa), năm 1969; Tịnh xá Ngọc Phúc (Pleiku, Gia Lai), năm 1970; Tịnh xá Ngọc Pháp (Nha Trang, Khánh Hòa), năm 1971; Tịnh xá Ngọc Rạng (Sông Cầu, Phú Yên), năm 1972; Tịnh xá Ngọc Duyên (Đập Đá, Bình Định), năm 1973; Tịnh xá Ngọc Quang (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), năm 1974.

Sau 6 năm chuyên tâm học đạo, vào ngày rằm tháng 7 năm Giáp Dần (1974), Ngài được truyền thọ Cụ túc giới tại Tịnh xá Ngọc Hòa (Nhơn Lý, Quy Nhơn, Bình Định). Từ đây, Ngài bắt đầu chính thức trở thành một Sa-môn Thích tử, hành Tứ y pháp trung đạo, thực hiện hạnh nguyện tự lợi lợi tha. 

III. HẠNH NGUYỆN HOẰNG PHÁP LỢI SANH 

Sau năm 1975, Ngài được Giáo đoàn bổ xứ về trụ trì Tịnh xá Ngọc Phú (phường Thống Nhất, TP. Tuy Hòa, Phú Yên). Được giao phó trách nhiệm chăm sóc ngôi Tam bảo Ngọc Phú và đạo tâm của bà con Phật tử quanh vùng, Ngài càng tinh chuyên tu hành, ngày ngày giữ hạnh trì bình khất thực, dạy đạo cư gia, được mọi người kính trọng về quy y mỗi ngày một đông hơn.

Vào rằm tháng 7 năm Kỷ Mão (1999), Ngài được suy tôn lên hàng Giáo phẩm Thượng tọa; và năm 2014, Ngài được tấn phong lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng. Trong suốt giai đoạn Hòa thượng Giác Dũng – Đệ tứ Trưởng Giáo đoàn III hành đạo, Ngài là vị Giáo phẩm luôn kề cận với Hòa thượng, thường xuyên có mặt cùng chư Tôn đức Hội đồng Giáo phẩm Hệ phái trong các cuộc họp định kỳ và tham gia điều hành các Phật sự quan trọng của Hệ phái, như tổ chức khóa An cư kiết hạ chung, khóa Bồi dưỡng Trụ trì, khóa tu Truyền thống Khất sĩ, Đại lễ Tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Giới đàn phương trượng, v.v… Trong Giáo đoàn, Ngài cùng chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo giải quyết các Phật sự trong ngoài, vân du chứng minh cho nhiều ngôi đạo tràng tịnh xá khi có duyên sự. Năm Quý Tỵ (2013), Hòa thượng Giác Dũng viên tịch, Ngài được chư Tôn đức Tăng Ni trong Giáo đoàn suy tôn làm Tri sự trưởng Giáo đoàn III, đảm nhiệm trọng trách thiêng liêng lãnh đạo Giáo đoàn.

Song song với Phật sự trong Giáo đoàn và Hệ phái Khất sĩ, Ngài còn được chư Tôn túc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Yên đề cử tham gia vào Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Yên, Ban Trị sự GHPGVN thành phố Tuy Hòa để chung tay góp sức vận hành Phật sự địa phương.

Mặc dù bận nhiều Phật sự tại Ban Trị sự tỉnh và Hệ phái, Giáo đoàn, nhưng Ngài cũng để tâm trông nom trùng tu ngôi Tam bảo đang trụ trì. Nhận thấy ngôi đạo tràng Ngọc Phú do Đức Thầy khai lập 1959 đã trải qua hơn 40 năm mưa nắng, hứng chịu bao thiên tai vào mỗi năm và thời cuộc chiến tranh, nên rất cần được kiến thiết trùng tu. Ngày 26 tháng 2 năm Quý Tỵ (nhằm ngày 6/4/2013), Lễ Đặt đá được diễn ra, công trình đại trùng tu tịnh xá bắt đầu thực hiện.

Gần ba năm, Ngài vừa lo Phật sự Giáo hội, Hệ phái, Giáo đoàn, vừa vận hành điều động công trình xây dựng ngôi Tam bảo Ngọc Phú, góp phần tạo thêm không gian rộng thoáng để chư Tăng và Phật tử có thể tổ chức các khóa tu học, lợi lạc tha nhân, đóng góp cho quê hương, cho dân tộc một công trình văn hóa tâm linh. 

Năm 2016, vì duyên nghiệp, bệnh tình, Ngài thôi giữ vai trò Tri sự trưởng Giáo đoàn, chuyên tâm tịnh tu, nghỉ dưỡng. Trên 55 năm tu tập trong giáo pháp, Hòa thượng thân hành du hóa tứ phương, hoằng dương Chánh pháp, kế vãng khai lai, tiếp độ chúng Tăng, giáo hóa bá tánh thập phương theo truyền thống Khất sĩ, tiếp nối hạnh nguyện Tổ Thầy. Bên cạnh đó, Ngài cũng đồng hành, gắn bó với chư Tôn đức Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà. Sau đây là một vài cột mốc quan trọng gắn liền với các chức danh và đóng góp của Hòa thượng: 

Năm 1982 - 1997 (4 nhiệm kỳ): Phó ban Đại diện thị xã Tuy Hòa. 

Năm 1985: Suy cử vào hàng Giáo phẩm Hệ phái và gắn bó với các hoạt động của Hệ phái. 

Năm 1991: Đại diện Hệ phái Khất sĩ tỉnh Phú Yên, kiêm Kiểm soát Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Yên.

Năm 1992 - 1997: Phó Ban Trị sự GHPGVN TP. Tuy Hòa. 

Năm 1992 - 2015: Giám luật Giáo đoàn III.

Năm 2010: Khóa tu Hệ phái được bắt đầu tổ chức, Hòa thượng đã tích cực tham gia trong nhiều năm liền.  

Năm 2013: Khởi công trùng tu Tịnh xá Ngọc Phú (TP. Tuy Hòa, Phú Yên) và hoàn tất năm 2015.

Nhiệm kỳ 2012 - 2017: Tham gia Giáo hội với các nhiệmvụ sau:

- Ủy viên Ban Kiểm soát Trung ương GHPGVN

- Ủy viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Yên

- Trưởng ban Kiểm soát GHPGVN tỉnh Phú Yên

- Phó Ban Trị sự GHPGVN TP. Tuy Hòa

Năm 2018: Phó ban Trị sự GHPGVN lâm thời tỉnh Phú Yên.

Nhiệm kỳ 2017 - 2022: Thành viên Ban Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Phú Yên. 

IV. NHỮNG NGÀY THÁNG CUỐI ĐỜI

Hai năm cuối đời, Hòa thượng dừng nghỉ Phật sự, giảm thiểu ngoại duyên để chuyên tâm tu tập, an dưỡng điều trị bệnh. Ngày mùng 8 tháng 8 năm Canh Tý (24/9/2020), Hòa thượng có tâm nguyện tổ chức Lễ Khánh tạ ngôi Tam bảo Ngọc Phú. Nhân duyên hội đủ, sau cuộc họp Tăng, triển khai Phật sự Giáo đoàn tại Tịnh xá Ngọc Bửu (TP. Tuy Hòa, Phú Yên) vào mùng 7 tháng 8 năm Canh Tý (23/9/2020), chư Tôn đức Trưởng lão, Hòa thượng Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Yên, và chư Tăng Ni, Phật tử các miền tịnh xá gần xa đã đồng về chứng minh tham dự buổi lễ Khánh tạ. 

Tâm nguyện hoàn thành, những việc cần làm cho Phật pháp, cho nhân sinh, tự lợi và lợi tha trong đời này viên mãn, bảy ngày sau, Hòa thượng đã an nhiên viên tịch vào lúc 19 giờ 30 phút, đúng vào ngày rằm tháng 8 năm Canh Tý (nhằm ngày 01/10/2020). Trụ thế: 74 năm. Hạ lạp: 46 năm.

Cuộc đời và đạo nghiệp của Hòa thượng là tấm gương sáng cho môn đồ đệ tử. Dung nghi, nguyện lực, hạnh nhẫn nại, tâm phụng sự gắn bó với Giáo đoàn, Hệ phái và Giáo hội, chung lo các Phật sự của Ngài vẫn còn lưu mãi trong lòng của Tăng Ni, tín đồ Phật tử.

GIÁC NGỘ VÔ THƯỜNG, TÁNH NHẪN NHỤC, HÀNH MẬT NGUYỆN LỚN

THUẬN PHÁP HỮU VI, HẠNH TỪ BI, ĐẠT TÍN TÂM MINH.

Môn đồ pháp quyến phụng soạn
Nguồn Đạo Phật Khất Sĩ