Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC TRANG Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN (1933 – 2008)

I.- THÂN THẾ :
     Hòa thượng Thích GIÁC TRANG, thế danh Hùynh Hữu Thọ, sinh năm  Quý Dậu (1933) tại  xã Nhựt Ninh, Huyện Tân Trụ, Tỉnh Long An. Thân phụ: Cụ ông Huỳnh văn Mới, pd  Thiện Tâm. Thân mẫu: Cụ bà Nguyễn thị Ngôn, pháp danh  Hiền Ngọc. Hòa thượng là người con thứ sáu trong gia đình tám anh em. 
Gia đình Hòa thượng có phúc duyên nhiều đời với Phật pháp, từ những năm đầu thập niên năm mươi, Tổ sư  Minh Đăng Quang hướng dẫn đoàn du tăng về hành đạo, thuyết pháp tại thị xã Tân An và huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, ông bà thân sinh và anh chị em Hòa thượng đều có duyên lành được diện kiến và nghe Tổ sư thuyết pháp, thọ nhận Tam quy  ngũ giới, pháp danh. Kể từ đó, cả gia đình đều tu tập đời sống tại gia, riêng Hòa thượng được Tổ sư thọ ký Pháp danh Thiện Hữu. Cũng từ duyên lành nầy, là nấc thang đưa Hòa thượng tiến đến đời sống xuất gia.

 II.- XUẤT GIA  HỌC ĐẠO:
Năm 1954, Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng. Trong thời gian nầy, thiện nam Thiện Hữu thường hay tới lui đạo tràng Tịnh Xá Ngọc Thành tại thị xã Tân An tham vấn đạo lý. Hơn một năm sau, nhân duyên hội tụ, Trưởng lão Giác Tánh, trưởng tử Đức Tổ sư hướng dẫn Đoàn du tăng hành đạo dừng chân Tịnh xá Ngọc Thành, cảm mến đức độ Trưởng lão, Hòa thượng xin Trưởng lão chứng minh thế phát xuất gia làm Tăng vào ngày mùng 10 tháng 9 năm 1955, với đạo hiệu pháp danh Giác Trang. Sau đó, Hòa thượng được theo hầu Trưởng lão Bổn sư  trên đường hành đạo về các tỉnh miền Tây.  Nhờ căn duyên sẵn có từ  nhiều đời, nay hạt giống được ươm mầm tăng trưởng, tinh tấn cầu học cầu tu… đến ngày Rằm tháng Chạp năm 1955, Ngài được Chư tôn đức chứng minh thọ Y bát giới Sa di tại Tịnh xá Ngọc Quang, thị xã Sa Đéc.  Năm 1956, 1957… Đoàn du Tăng do  nhị Tổ Giác Chánh, Trưởng lão Giác Tánh và Tri Sự Giác Như hướng dẫn đi hành đạo ra miền Trung, Hòa thượng lại cũng có duyên lành theo hầu thầy đi  vân du  hóa duyên hành đạo. Năm 1958, Đoàn du tăng trở lại miền Tây và dừng chân tại Tịnh xá Liên Trung, huyện Thốt Nốt, tỉnh Hậu Giang, nay là Tịnh xá Ngọc Liên, Tp. Cần Thơ. Trong mùa An cư năm này, chính tại nơi đây, Hòa thượng được Chư tôn đức trong Giáo đoàn chứng minh truyền thọ Y bát  Cụ túc giới Tỳ kheo.

III.- CÔNG HẠNH TU TẬP và HÀNH ĐẠO:
Sau 3 năm thọ Cụ túc giới, Hòa thượng dần dần trưởng thành trong giáo pháp. Đến năm 1960, Trưởng Lão Giác Tánh  hướng dẫn Giáo đoàn ra miền Trung hành đạo và lập Giáo đoàn II, xây dựng đạo tràng Tịnh xá, mở mang mối đạo, Hòa thượng  được ủy cử  theo trợ lý Trưởng lão Tri sự Giác Như, quán  xuyến các mặt sinh hoạt Phật sự trong Giáo đoàn I, phân cử bổ nhiệm trụ trì; đồng thời từ năm 1965 Hòa thượng cũng tự thân chính thức nhận nhiệm vụ trụ trì.
Hầu hết các Tịnh xá do Tổ sư sáng lập lưu lại đều thuộc Giáo đoàn I quản lý, Hòa thượng lần lượt được bổ nhiệm trụ trì: Tịnh Xá Ngọc Viên, Vĩnh Long; Tịnh xá Ngọc Quang, Sa Đéc; Tịnh xá Ngọc Thạnh, Tây Ninh; Tịnh xá Ngọc Thành, Long An; Tịnh xá Ngọc Tường, Mỹ Tho; Tịnh xá Ngọc Vân, Trà Vinh; Tịnh Xá Ngọc Trung, Thốt Nốt; Tịnh xá Ngọc Giang, Long Xuyên; Tịnh xá Ngọc Minh, Cần Thơ; Tịnh Xá Ngọc Liên, Bạc  Liêu…v.v. Từ năm 1980 Hòa thượng về Trụ trì Tịnh xá Ngọc Chánh, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh cho đến ngày viên tịch (1980 - 2008).

1.- Sự tinh tấn của bản thân qua sự tu tập Giới Định Huệ:
Điểm đặc sắc về tinh thần tu tập của Hòa thượng đối với giáo pháp chính là sự âm thầm hành trì phạm hạnh. Đến trụ xứ tại mỗi đạo tràng Tịnh xá, Hòa thượng luôn tự mình hành trì và khuyến tấn chư Tăng chúng trụ cùng hành trì chương trình tu học “Trú dạ lục thời” do Tổ Sư ấn định dành cho người xuất gia; dù ở đâu, lúc nào Ngài  cũng giữ vững một lòng kiên định, tinh tấn, không xao lãng, không bỏ phí thời gian, nhất là thọ trì tịnh nghiệp thân khẩu ý, an trú trong giới luật, thiền định và cả những khi du hành giáo hóa.  Với trọng trách của vị trụ trì, hằng ngày, Hòa thượng luôn để tâm chăm sóc trang nghiêm đạo tràng Tịnh xá, làm gương và hướng dẫn sự tu học cho bá tánh cư sĩ tại gia biết tu tiến tự thân và hộ trì Tam bảo.

2.- Đối với Giáo đoàn, Hệ phái và Giáo hội:
Đối với tổ chức Giáo hội, Hệ phái và Tổ quốc quê hương… Hòa thượng luôn thể hiện tinh thần  phụng sự “Đạo pháp và Dân tộc” của một thầy Tỳ kheo, Sa môn trong Chánh pháp với các phận sự - thành viên Ban Kiểm Tăng Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh; Cố vấn chứng minh Ban Đại diện Phật giáo Quận Bình Thạnh; thành viên Ban Từ thiện Xã hội Trung ương Giáo Hội và Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh; Cố vấn chứng minh Giáo đoàn I và Hệ phái Khất Sĩ - thành viên GHPGVN. 
Trong những thập niên từ 1980 đến năm 2000, khi sức khỏe còn tương đối tốt, Hòa thượng thường trực tiếp vận động ủng hộ và tham gia các chuyến  thăm viếng, tặng quà cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lụt miền Tây và miền Trung bằng tất cả tấm lòng. Đối với  các ngành họat động của Giáo hội, Ngài rất quan tâm và âm thầm ủng hộ định kỳ các khóa đào tạo, các Trường Phật học, thuộc ngành Giáo dục Tăng Ni; các khóa đào tạo, bồi dưỡng Giảng sư của ngành Hoằng pháp Trung ương, Thành phố và tờ Báo Giác Ngộ của Thành hội Phật giáo.  
Trong 4 năm liền, từ năm Giáp Thân (2004) đến năm Đinh Hợi (2007), Hòa thượng được cung thỉnh làm Thiền chủ trường hạ tập trung của Hệ phái tại Tịnh xá Trung Tâm.
Về mặt tấn phong Giáo phẩm, Hòa thượng được Giáo hội tấn phong Giáo phẩm Thượng tọa tại Đại Hội kỳ III năm 1992; và Giáo phẩm Hòa thượng tại Đại Hội kỳ V năm 2002. Đặc biệt, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ V (2002) và kỳ VI (2007), Hòa thượng đã được Đại hội suy tôn vào Hội đồng Chứng minh GHPGVN. 

3. Những điều tâm, nguyện những năm tháng cuối đời: 
Từ đầu năm 2003 thân tứ đại của Hòa thượng theo duyên tăng giảm, Hòa thượng thường về tịnh dưỡng tại Tịnh xá Ngọc Tường, Thành phố Mỹ tho, tỉnh Tiền Giang. Đến tháng 6 năm 2005  Hòa thượng vào Bệnh viện Ung Bướu khám bệnh. Bác sĩ  cho biết Hòa thượng có bệnh nan y “Ung thư Gan” giai đoạn cuối, cần nên nhập viện để chửa trị, nếu chậm không còn kịp thời gian. Hòa thượng cho chư Tăng và phật tử cận sự biết việc nầy, nhưng Hòa thượng quyết định không nhập viện. Hòa thượng bày tỏ ý nguyện – nếu gặp phải bệnh nan y khó trị thì  Hòa thượng xin được về lại Tổ đình Tịnh Xá Ngọc Viên, Vĩnh Long tịnh dưỡng, tự an trú thân tâm và quy tịch; công việc Trụ trì chăm sóc Tịnh xá Ngọc Chánh, Hòa thượng xin được ủy nhiệm cho Thượng tọa Thích Giác Tuân thay thế. Sau đó, đôi ba tháng Hòa thượng cho biết trong mình Hòa thượng vẫn khỏe. Nhân dịp, Chùa Như Lai Thiền Tự, ở  Sandiego, Hoa Kỳ và Thiền Viện Minh Quang, ở Sydney - Úc tổ chức Lễ Khánh thành vào tháng 9 và tháng 11 năm 2005; cả 2 nơi đều mong muốn được cung thỉnh Hòa thượng cùng chư  Tôn đức bên nhà sang chứng minh. Hòa thượng nói với chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, dù thế nào thì bịnh cũng đã bịnh rồi, cho nên Hòa thượng muốn đu du hành xa một chuyến rồi về quy tịch cũng được. Thế rồi, vào Quý IV/2005, Hòa thượng cùng chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái đi dự Lễ Khánh thành Như Lai Thiền Tự ở Hoa Kỳ và Thiền viện Minh Quang ở Úc. Dự lễ xong, trở về Việt Nam, sức khỏe Hòa thượng vẫn bình thường.

Rồi mùa An cư Kiết hạ PL. 2551 – Bính Tuất (2006), Hòa thượng tiếp tục được cung thỉnh làm Thiền chủ Trường hạ Hệ phái. Sau mùa An cư, sức khỏe Hòa thượng không được ổn định, Hòa thượng phải trở vào bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị. Được đội ngũ Y Bác sĩ bệnh viện tận tình chăm sóc, bịnh tình đã đến giai đoạn thập tử nhất sinh lại cũng được qua khỏi. Sau khi bình phục, Hòa thượng đã bày tỏ tâm nguyện: Mong muốn được mạnh khỏe để đi dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2007 – 2012 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội; đồng thời Hòa thượng cũng mong muốn góp một phần nhỏ công đức trong việc xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh. Nay thì tâm nguyện thứ nhất của Hòa thượng đã được tròn xong, còn việc góp phần xây dựng Học việc thì vẫn còn dang dỡ.

IV.-  THỜI KỲ VIÊN TỊCH:   
Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật có dạy:
                   Chư hành vô thường
                   Là pháp sinh diệt
                   Sinh diệt diệt rồi
                   Tịch diệt là vui.
 Và thật là nhân duyên cũng hết sức tình cờ như một Pháp duyên. Trong Chơn lý, Tổ sư Minh Đăng Quang có dạy: “tuổi 72 là tuổi an nghỉ Niết Nàn”. Huyễn thân tứ đại của Hòa thượng vừa tròn 72 tuổi thì cũng chính là lúc bắt đầu có bịnh và ba năm cuối cuộc đời của Hòa thượng như là một sự kiểm nghiệm cuối cùng về nỗi khổ đau của sanh già bệnh chết… Một sự thực nghiệm thân chứng – Mạnh rồi bịnh, bịnh rồi mạnh, mạnh rồi bịnh … rồi ra đi.
 Ngày 22 tháng 11 năm Đinh Hợi, bịnh duyên tái phát, Hòa thượng nhập viện trở lại, đến ngày 12 tháng chạp Hòa thượng xuất viện về lại Tịnh xá Ngọc Tường, trú xứ mà những năm tháng cuối đời Hòa thượng thường về tịnh dưỡng, nghe lòng thanh thảng, an tịnh. Và đến 02giờ 25 phút ngày Rằm tháng chạp năm Đinh Hợi (nhằm ngày 22/01/2008), là giờ phút thiêng liêng mầu nhiệm, Hòa thượng hội nhập Phật cảnh Niết bàn, trụ thế 75 năm, Hạ lạp 50 năm.
Thế là duyên hóa độ của Hòa thượng đến đây đã mãn, Ngài trở về thế giới Niết Bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư, ký ức của hàng pháp hữu trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử và môn đồ pháp quyến. Xin mãi mãi khắc ghi hình ảnh khả kính với gương lành đức độ và công đức của của Ngài. 

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát

 
Theo Đạo Phật Khất Sĩ