Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Vào lúc 7 giờ ngày 6 tháng 8 năm Kỷ Hợi (nhằm ngày 4/9/2019), Hòa thượng Giác Toàn - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái đã đến Tịnh xá Ngọc Phú (quận Tân Bình, TPHCM) thăm, sách tấn và giảng cho chư hành giả Ni trong Khóa tu "Sống chung tu học" lần thứ 21 của chư Ni GĐ. IV, bài Chơn lý số 17 “Nhập định” của đức Tổ sư Minh Đăng Quang.

Trước khi đi vào bài giảng, Hòa thượng chia sẻ với đại chúng về những kinh nghiệm trong quá trình tu học của chính mình. Hòa thượng chỉ dạy: “Đọc một bài Chơn lý chỉ có ba mươi phút, nhưng để tu được như nội dung trong bài Chơn lý ấy thì cả một đời. Cũng như người học lái xe, nếu giỏi thì một hoặc hai tuần có thể lái được, chậm hơn nữa thì 2 đến 3 tháng, rồi học may hay bất cứ một ngành nghề nào cũng vậy cho đến việc xuất gia cũng không ngoài ý đó. Nếu một người xuất gia 5, 6 năm thậm chí lên đến hai ba chục năm mà chưa nghĩ ra cách tu là phải nên xem xét lại. Nếu với người thật tâm xuất gia thì được vào chùa là đã vui rồi, được thầy Bổn sư cho xuống tóc lại càng vui hơn, niềm vui càng tăng trưởng ngày càng nhiều theo thời gian.”

Hòa thượng khuyên nhắc đại chúng mỗi ngày phải tự rà soát lại tâm tánh của mình, tâm phải hoan hỷ trong mọi lúc cho đến khi mình bệnh thì cũng vui, không để cho tâm phiền não. Bệnh là một trong những cái khổ của con người, nhưng với Hòa thượng, bệnh không còn là chướng ngại mà là niềm vui vì được nghỉ ngơi, thư giản… thậm chí, người có tu tập thì đối diện cái chết cũng vui. Hòa thượng kể lại câu chuyện của Tôn giả Phú Lâu Na, vị Thuyết pháp đệ nhất nhờ đức kham nhẫn, hy sinh bản thân mình để đến xứ bạo tàn nhất là Du Na để giảng đạo.

Trong cuộc sống, khi chúng ta muốn quyết định làm một việc gì thì chúng ta phải tự hoạch định kế hoạch cho mục tiêu mình muốn đạt, nhưng cần phải luôn đặt kế hoạch khó hoàn thành nhất, khó khăn nhất thì khi bắt tay vào công việc mới thuận lợi, mới cảm thấy dễ dàng. Nếu chúng ta cứ chọn cái dễ, cái đơn giản thì khi bắt tay vào làm, gặp việc khó dễ nản lòng. Đời sống tu hành cũng vậy, tu là phải chọn cái khó nhất. Thế nên, duyên gặp một vị thầy khó, huynh đệ khó… cũng là cái lợi vì được rèn luyện thì chúng ta có thể dễ dàng vượt qua mọi chướng ngại phiền não và thấy đời sống tu học lúc nào cũng được hoan hỷ.

Người xuất gia hoan hỷ trong cái thanh bần của sự ăn, mặc… đừng sống quá quy tắc, cố chấp để rồi tự mình làm khổ chính mình và khổ cho người. Sống đơn giản, người tu sẽ an lạc, không lo âu, không vướng bận, ăn gì cũng được, mặc gì cũng xong miễn là đúng phận nhà sư là đủ.

Buồn vui, phiền não là những con vi trùng, virus làm hại tâm, làm chúng ta bị bệnh, nên cần phải diệt trừ, nếu biết cách diệt trừ cũng là biết cách tu tập. Một người xuất gia tu học mà không thông đường lối thì còn khổ hơn người thế gian.

Mở đầu Chơn lý Nhập định, đức Tổ sư nhấn mạnh về sức mạnh của sự yên lặng. “Chơn lý của võ trụ là yên lặng. Yên lặng là lẽ thật là huyền bí, là không vọng động, nên cũng gọi là chơn như hay sự kín đáo.” Ở thế gian, những người lớn tuổi thường thích sự yên lặng, trẻ con thì thích sự náo nhiệt, ồn ào. Người xuất gia mà thích sự yên lặng để tư duy và thiền định là người tâm tư già dặn, hột cứng chắc, ai tu hành mà thích sự náo nhiệt đông vui thì cũng được, nhưng là người tu còn non nhỏ, cấp tiểu học, chưa già dặn, nên những ai thâm nhập và hiểu lời Tổ sư dạy cũng chính là hiểu chính mình.

“Định là quả yên vui, mà con đường đi đến định kêu là đạo, và đắc chánh định gọi là đắc quả. Định là chỗ đến, kết quả, mục đích của các con đường.” Khi đọc câu này chúng ta cần phải hiểu thông rằng tất cả mọi vật tồn tại trên đời này đều có nhân duyên, một khi có cái nhân ban đầu và chất xúc tác là duyên thì đủ điều kiện để tạo ra kết quả. Cũng giống như khi chúng ta bước chân ra đường, hàng triệu chiếc xe trên các nẻo đường và mỗi chiếc xe là mỗi mục đích đến khác nhau và chỗ đến ấy chính là kết quả muốn đến của chủ nhân lái xe.

Cái định không phải ở một nơi nào nhất định mà nó hằng có nơi mỗi chỗ, nơi mọi lúc. Lúc định ở nơi mắt chúng ta thấy sắc không vọng động, ở nơi tai, nơi mũi... Vậy nên lục căn phải định luôn luôn. Con người chúng ta có ba phần linh, giác và thần, nếu người nào có định thì có đủ 3 phần ấy, sự tu có tiến triển. Vậy nên cần phải tập định trong mỗi lúc.

Trước khi thức là định, sau khi thức là định.

Trước khi làm là định, sau khi làm là định.

Trước khi nói là định, sau khi nói là định.

Trước khi nghĩ ngợi là định, sau khi nghĩ ngợi là định.

Thức, làm, nói, nghĩ ngợi… những hành động này luôn xảy ra trong cuộc sống thường nhật của một con người, chúng ta phải luôn tư duy đừng để phạm phải những cái định sai lầm thì đời tu mới tiến triển. Người xuất gia, lời nói phải ôn hòa nhã nhặn, trước khi nói phải suy nghĩ mình nói lời này ra có làm tổn hại hay lợi ích cho ai không, có như vậy mới thật chánh định.

“Chánh là thiện, thiện là không ác, ác là che mất bản tâm, che mất bản tâm là quên định, cho nên kẻ không định là ác tà loạn vọng rối khổ tơi bời, không đường lui tới”. Với sự giải thích rất đơn giản và có tính dây chuyền của Tổ sư từ: Chánh => thiện => không ác => che mất bản tâm =>quên định => ác, tà,loạn… xét cho cùng thì mọi việc chánh thiện đều xuất phát từ việc có định tâm, và sự việc định tâm là phải tự tập cho đến khi thuần thục không xao lãng vì xao lãng ắt mọi sự rối khổ sẽ không mời mà đến. Vậy nên, người xuất gia cần phải thiết lập cho mình hàng rào giới luật thật vững chắc, có như vậy tâm định mới kiên cố. Bên cạnh việc tu hành người xuất gia phải nổ lực cố gắng vượt qua những khó khăn trong quá trình tu học, đừng chán nản mà đứng núi này trông núi nọ. Phát tâm dõng mãnh, tự nhận thấy mình chưa chánh, chưa thiện thì quyết tu để trở nên một người xuất gia đúng nghĩa sẽ thật sự an lạc trong giáo pháp.

Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều câu hỏi chúng ta chưa thể giải đáp được, chúng ta thường hay hỏi “tại sao A, B, C, D lại diễn biến như vậy?” Thật ra, đối với một người thế gian, giải đáp những câu hỏi tại sao và bằng mọi cách để tìm câu trả lời cũng chỉ thỏa mãn cái nhu cầu hiểu biết của mình và họ xem đó là thành quả, nhưng người học đạo thì không phải như vậy, để hiểu được ý của Pháp bảo của Chơn lý không phải ngày một ngày hai là có thể thông suốt, việc học và hiểu Chơn lý cần nhất là ở thời gian, chất liệu của sự thực hành và mức độ kiên trì đeo đuổi. Có những điều học, hạnh tu, việc làm,… chưa kết quả tốt trong hiện tại, nhưng đừng chán nản thối chí trải qua thời gian kiên trì cộng thêm kinh nghiệm tu tập thì 10, 20 năm sau nhân duyên chín muồi, tự nhiên trí mình sáng và mình có thể thành tựu trong đời sống tu tập.

Hơn hai tiếng đồng hồ Hòa thượng chia sẻ Chơn lý cùng đại chúng, tuy chỉ được một phần trong nội dung nhưng Hòa thượng triển khai rất chi tiết và sâu sắc, mỗi một ý pháp là một bài học kinh nghiệm là một câu chuyện đã từng đi qua trong cuộc đời của Ngài, nhiêu đấy thôi cũng đủ làm tư lương trên con đường tu tập cho mỗi hành giả.

Kết thúc buổi thuyết giảng, Ni sư Tuyết Liên trình lên những lời tâm đắc cũng như những ý pháp mới mà bấy lâu Ni trưởng chưa rõ. Đồng thời, Ni sư đại diện cho toàn thể chư Ni trong khóa tu kính lời tri ân đến Hòa thượng đã nhận lời kiền thỉnh quang lâm và tùy hỷ trong khóa tu lần này.

Theo Daophatkhatsi