Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
VTO – Một ngày tu học của các hành giả trong Khóa tu truyền thống lần thứ 29 của Hệ phái Khất sĩ có các thời: thiền tọa, học pháp, trì bình… Trong đó, chư hành giả còn có thời thiền hành. Đây là phương pháp mà chư Tôn đức hành giả với những bước chân nhẹ nhàng, tỉnh lặng… tìm về sự giải thoát theo bước chân của Tổ thầy.
Trong các khóa tu tập, các hành giả thường phải chú niệm trong cả bốn tư thế đi, đứng, ngồi, nằm. Họ phải duy trì chánh niệm trong mọi thời khắc, ở mọi tư thế.
Tuy nhiên, ngoài việc ngồi thiền tọa là phương pháp định tâm chính thì trong kinh Đại Tứ Niệm Xứ, Đức Phật đã dạy về pháp đi kinh hành hai lần. Trong đoạn "Các oai nghi", Ngài giảng rằng vị tỳ kheo phải biết "Tôi đang đi" khi người ấy đi, phải biết "Tôi đang đứng" khi người ấy đứng, phải biết "Tôi đang ngồi" khi người ấy ngồi, và phải biết "Tôi đang nằm" khi người ấy nằm.
Trong đoạn "Tỉnh giác", Đức Phật dạy, "Vị tỳ kheo phải biết áp dụng tỉnh giác khi đi tới và khi đi lui". Tỉnh giác ở đây có nghĩa là thông hiểu chính xác những gì ta đang quán sát. Để hiểu đúng những gì đang quán sát, hành giả phải đạt chánh định, và muốn có chánh định, hành giả phải biết quán niệm.
Vì vậy, khi Đức Phật nói, "Này các tỳ kheo, hãy áp dụng tỉnh giác," thì ta phải hiểu rằng không phải chỉ áp dụng tỉnh giác, mà còn phải áp dụng quán niệm và chánh định.
Như thế, Đức Phật đã dạy các đệ tử của mình áp dụng chánh niệm, chánh định, và tỉnh giác khi bước đi, khi "đi tới và đi lui." Do đó, đi kinh hành là một phần quan trọng trong tiến trình thực tập thiền định.
Qua đó cho thấy thiền hành có nghĩa là thực tập Thiền trong khi bách bộ. Thiền hành có thể đem lại cho người tu tập sự an lạc ngay trong giờ phút đi bộ, đi dạo… Người thực tập thiền hành bước những bước khoan thai, chậm rãi, ung dung, môi nở một nụ cười hàm tiếu và lòng cảm thấy an lạc.
Thời khắc đó, người tu tập buông đi hết những lo lắng và phiền muộn để đạt kết quả trong khi bước những bước chân tỉnh lặng. Vì thế muốn có an lạc, muốn có giải thoát, người tu tập phải bước được những bước chân như thế.
Những bước chân nối tiếp những bước chân, những hơi thở nối tiếp những hơi thở. Ánh mắt tĩnh lặng, nhìn mà không thấy, thấy mà vẫn tách biệt với cái mình nhìn thấy.
Nhấc chân, đưa chân, chạm chân….
Chậm chạp, hít vào, thở ra… từ từ, nhấc chân, đưa chân, chạm chân….
Chậm chạp, chậm chạp…
Tỉnh lặng, tỉnh giác, mình và thân hòa làm một…
Một số hình ảnh trong giờ thiền hành do PV Vườn Tâm ghi lại:




































Giác Minh Chương
Ảnh: Thiện Dưỡng