Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Vào buổi sáng ngày 13.08.2021 (nhằm ngày mùng 6 tháng 7 năm Tân Sửu), dưới sự chứng minh của HT. Giác Hà - Phó Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trị sự Trường GĐ. V cùng sự hiện diện của chư Tăng An cư tại Pháp viện Minh Đăng Quang, TX. Ngọc Đạt và chư Tôn đức Ni An cư tại Tổ định TX. Ngọc Phương, Lớp học Trung cấp Phật học tại TX. Ngọc Uyển (Đồng Nai), TX. Ngọc Trung, TX. Ngọc Túc (Gia Lai)… cùng chư Tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử gần xa trên không gian mạng đã đón tiếp buổi chính thức thăm viếng và thuyết giảng từ TT. Minh Thành. Đây là buổi pháp thoại thứ 2 của Ngài trên ứng dụng này nên buổi pháp thoại diễn ra tương đối thuận lợi và an lạc.

Bằng nghệ thuật dẫn dắt hiện đại, kèm theo ngôn ngữ bình dị không kém phần tươi vui qua việc tung hứng chữ nghĩa bằng những mỹ từ văn chương, Thượng tọa đã thổi hồn vào lời thuyết giảng như một cơn gió đầu thu mát diệu vào lòng thính chúng. Trong buổi pháp thoại này, Thượng tọa Giảng sư thuyết giảng bài kinh Trung Bộ số 2 mang tên “Kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc” qua bản tóm tắt của bậc danh Tăng đương đại là Hoà thượng Thích Minh Châu - bậc thầy về phiên dịch Kinh tạng của Phật giáo Việt Nam.

Sau phần ôn tập ngắn nội dung buổi pháp thoại trước và dẫn dắt bằng câu Đạo Đức Kinh của Lão Tử “Vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mộng”, TT. Minh Thành đã đọc lại nguyên văn tóm tắt Kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc với đại ý như sau:

Đức Phật thuyết giảng pháp môn cho người có thấy có biết, chứ không phải kẻ không thấy không biết. Kẻ phàm nhân do không như lý tác ý mà làm cho lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi và lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Còn đối với vị đa văn Thánh đệ tử do như lý tác ý mà lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, lậu hoặc đã sanh bị đoạn diệt.

Từ khởi điểm đó, Đức Phật dạy có bảy phương pháp diệt trừ lậu hoặc gồm:

1. Các lậu do tri kiến đoạn trừ.

2. Các lậu do phòng hộ đoạn trừ.

3. Các lậu do thọ dụng đoạn trừ.

4. Các lậu do kham nhẫn đoạn trừ.

5. Các lậu do tránh né đoạn trừ.

6. Các lậu do trừ diệt đoạn trừ.

7. Các lậu do tu tập đoạn trừ.

Như vậy, vị Thánh đệ tử được gọi là đã sống phòng hộ với sự phòng hộ tất cả lậu hoặc, đã đoạn diệt khát ái, đã thoát ly kiết sử, đã chánh quán kiêu mạn, đã diệt tận khổ đau.

Qua nội dung bài kinh tóm tắt, TT. Minh Thành khái niệm lậu hoặc bằng tri kiến được nhìn theo hướng hướng “lọt vào” và “chen ra”. Ở đây, chúng mang ý nghĩa là sự “bất ổn” (khổ) của thân tâm một người phàm phu, vốn có tưởng tri, chẳng mong cầu con đường đưa đến vô thượng an ổn, giải thoát, Niết-bàn.

Với ý nghĩa này, Thượng tọa trích lại một đoạn kệ từ Trưởng Lão Tăng Kệ để toát lên tâm thức thoát khỏi lậu hoặc của hàng xuất gia chân chánh:

“Am thất ta khéo lợp

Mưa không thể lọt vào

Thần mưa cứ mưa đi

Mưa như ý ngươi muốn…”  

(Trưởng Lão Tăng Kệ)

Theo bài pháp thoại, Thượng tọa cho rằng bài kinh này là xuất phát điểm pháp môn tu tập cho tất cả các Hệ phái Phật giáo từ xưa cho đến nay, từ Tịnh Độ tông, Thiền tông, Luật tông, Pháp Hoa tông, Thiên Thai tông… Tuy không có bằng chứng rõ ràng, nhưng hạt mầm pháp môn tu tập được nhận diện đầy đủ từ bài kinh này liên hệ đến các sơn môn pháp phái ấy.

Khi phân tích về pháp đoạn trừ lậu hoặc đầu tiên, Ngài cho rằng tri kiến chiếm hơn một nửa dung lượng bài kinh và sáu pháp đoạn trừ lậu hoặc còn lại đều nhuốm màu của tri kiến. Đây là pháp đoạn trừ lậu hoặc căn bản nhất và cũng quan trọng nhất.

Trong phần đầu tiên của pháp đoạn trừ lậu hoặc bằng tri kiến, kẻ phàm phu có suy nghĩ về mình liên hệ đến ba thời quá khứ, vị lai và hiện tại: Ta có mặt hay không có mặt? Ta có mặt và hình vóc ta như thế nào? Ta đã làm gì? Ta đến từ đâu và đi về đâu?

Đây là những điều được xem là không như lý tác ý và dẫn đến 6 tà kiến:

1. Ta có tự ngã

2. Ta không có tự ngã

3. Do tự mình, tưởng tri có tự ngã

4. Do tự mình, tưởng tri không có tự ngã

5. Do không tự mình, tưởng tri có tự ngã

6. Do tự ngã, nên nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo, thấy tự ngã thường hằng, tồn tại vĩnh viễn.

Sáu tà kiến này là tư duy nền tảng của Bà-la-môn giáo, xem bản thân có một sự tồn tại thường hằng gọi là “tiểu ngã”. Giáo chúng Bà la môn phải tịnh hoá bản thân bằng các pháp thực hành nghi lễ cùng các pháp tu để khi chết “tiểu ngã” được hoà nhập vào “Đại ngã”. Giáo lý này đề cao cái gọi là “tự ngã”.

Đối với bậc Thánh đệ tử, các vị không tác ý theo các pháp này, các Ngài có như lý tác ý nên các lậu hoặc (dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu) chưa sanh không sanh khởi, các lậu hoặc đã sanh được diệt trừ. Vị ấy như lý tác ý:

1. Đây là Khổ

2. Đây là Khổ Tập

3. Đây là Khổ Diệt

4. Đây là con đường đưa đến Khổ Diệt

Do tác ý như vậy, ba kiết sử: thân kiến, giới cấm thủ và nghi được đoạn diệt. Vị ấy sống phòng hộ với sự phòng hộ tất cả lậu hoặc, đã đoạn diệt khát ái, đã thoát ly kiết sử, đã chánh quán kiêu mạn, đã diệt tận khổ đau.

Đây là phần tri kiến quan trọng nhất được xem là căn bản pháp môn của Phật giáo. Với 6 pháp môn còn lại, Thượng tọa Giảng sư trình bày vắn tắt nhưng cũng nêu bật lên nội dung chính yếu và rõ nét của từng phần đoạn trừ lậu hoặc cho mỗi người.

Như vậy, với nền tảng trí tuệ thâm sâu và sự diễn bày bằng những ngôn từ triết học thâm thuý xen lẫn văn phong trào phúng nhưng đầy tính nhân văn mang đậm chất sư phạm, TT. Minh Thành đã mang đến niềm hỷ lạc và tri kiến thanh tịnh cho toàn thể hội chúng Tăng Ni và Phật tử có duyên tham dự buổi pháp thoại online trên nền tảng Google Meet trong thời đại mới. Đây là những bài học cao quý và bổ ích có thể được suy tư và ứng dụng trong đời sống tu hành của mỗi người con Phật.

Nguồn: Đạo Phật Khất Sĩ