Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Chiều 25/5/2024 (nhằm 18/4/Giáp Thìn), mở đầu cho Khóa BDTT 2024, HT.Giác Pháp - Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Nghi lễ TƯGH, Phó Thường trực Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Tri sự trưởng GĐ.V, Trụ trì Tịnh xá Trung Tâm (Q.6, TP.HCM), đã có những chia sẻ nhấn mạnh vai trò của vị Trụ trì trong quá trình đào tạo một vị tu sĩ Phật giáo.

Nêu bật tấm gương của Tăng đoàn thời Đức Phật và sự quản lý, đào tạo Tăng đoàn của Tổ sư Minh Đăng Quang, HT.Giác Pháp nhấn mạnh, để đứng ra đảm nhận vai trò Trụ trì tại một cơ sở tự viện, tịnh xá, mỗi chư Tăng Ni cần ý thức được trách nhiệm lớn lao của mình.

Theo Hòa thượng, điều quan trọng của một vị Trụ trì là làm sao để tiếp Tăng độ chúng, giáo hoá cư gia. Ngoài nỗ lực xây dựng ngôi đạo tràng khang trang, ngôi Tam bảo trang nghiêm, trong khả năng của mình, vị Trụ trì cần đặt việc tiếp Tăng độ chúng làm ưu tiên hàng đầu. Qua đó, vị Trụ trì tự mài dũa, tu sửa bản thân cho phù hợp với trọng trách ấy, bởi lẽ, xây dựng hệ thống Tăng đoàn chính là cách để chúng ta duy trì mạng mạch Phật giáo.

Hoà thượng khẳng định: “Việc đào tạo Tăng Ni, đó là trách nhiệm và trọng trách lớn của vị Trụ trì. Nếu chỉ thâu nhận đệ tử mà thiếu đi sự giáo dưỡng oai nghi, chánh hạnh, cũng như việc có con cái nhưng bỏ mặt, không dạy dỗ. Người đệ tử trưởng thành trong môi trường thiếu sự giáo dưỡng như vậy sẽ khó có thể hoàn thiện về giới đức và trí tuệ, đồng nghĩa với việc không thể xứng đáng đứng trong hàng ngũ Tăng đoàn. Do đó, người Trụ trì khi thâu nhiếp đệ tử cần dụng công giáo dưỡng, lấy mình làm gương cho đệ tử, uông đúc, dạy dỗ người đệ tử bằng trí tuệ và từ bi”.

Trong khuôn khổ chủ đề lần này, HT.Giác Pháp cũng khẳng định: “Mỗi Tăng Ni cần ý thức và hiểu rõ rằng, xuất gia không phải là sự chọn lựa như cách chọn một nghề nghiệp, việc xuất gia không phải là kế để mưu sinh qua ngày. Tu sĩ không phải là một nghề nghiệp để hái ra tiền, mà xuất gia là một việc làm thiêng liêng, là sự hy sinh chính bản thân để phụng sự chánh pháp, phụng sự nhân sinh, là xả bỏ đời sống hoang lạc thế tục để giải nắng dầm mưa, tầm cầu con đường giải thoát khỏi luân hồi cho chính mình và người. Như Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy rõ qua Chơn lý, người xuất gia là phải sẵn sàng tư tưởng chịu khổ, chịu thiệt, chứ không phải là bất kỳ sự hưởng thụ vật chất nào đan xen vào”.

Để có được tư tưởng này, theo HT.Giác Pháp, vị Trụ trì phải hướng dẫn cho đệ tử trước khi bước vào xuất gia, biết buông bỏ bản ngã để dốc lòng phụng sự, tầm cầu đạo pháp, tuyệt nhiên không được nghĩ đến lợi dưỡng khi bước chân vào cửa thiền. Người xuất gia phải nhắm đến mục đích tối hậu của mình là: “Thượng cầu, hạ hóa”, có nghĩa là trên cầu thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh.

Với mục tiêu cao cả này, vị tu sĩ Phật giáo phải tự tu dưỡng thế nào để có thể “tự hành hóa thả”, tức tự mình có khả năng hành trì các pháp môn tu tập để đạt được đạo quả và hướng dẫn người khác tu tập. Như Thiền sư Linh Hựu vào cuối thế kỷ thứ nhất, đã xác định trong bài văn Cảnh sách của Ngài rằng: “Từ thân quyết chí phi truy, ý dục đẳng siêu hà sở”, tức từ bỏ thân quyến quyết chí xuất gia là ý muốn vượt lên ngang bằng tới chỗ nào nữa kia. Đẳng siêu hà sở, ý Ngài muốn nói: bằng bậc với chư Phật không sai khác. Cho nên tất cả sự giáo dục đào tạo trong Phật giáo phải nhắm đến mục tiêu này.

Tuy nhiên, Hòa thượng khẳng định, trên lộ trình đi đến quả Phật cần trải qua những giai đoạn làm lợi ích chúng sanh, bởi vì một vị Phật được gọi là “Lưỡng Túc Tôn”, đó là phước đức và trí tuệ đều đầy đủ. Muốn được phước túc phải hành hạnh Bồ-tát làm lợi lạc chúng sanh, muốn có huệ túc phải thông hiểu kinh luật và thực hành các pháp môn thiền quán...

Tại buổi pháp thoại, Hoà thượng cũng đã nêu ra những nguyên tắc, quy định khi thâu nhận tập sự xuất gia cho đến quá trình đào tạo để chính thức trở thành một tu sĩ Phật giáo, căn cứ theo Nội quy Ban Tăng sự T.Ư. Đồng thời, HT.Giác Pháp đã giới thiệu về những nghi thức truyền giới, trong đó lấy nghi thức truyền giới Tỳ-kheo làm thỉ dụ điển hình.

Khép lại chủ đề lần này, HT.Giác Pháp một lần nữa khẳng định: “Do mục đích mà người xuất gia hướng đến là vô cùng quan trọng, nên việc đào tạo một tu sĩ không thể mang tính đại khái, mà cần ý thức được trách nhiệm nặng nề của mình, nhất là vị Thầy Bồn sư. Các Phật học viện chỉ trao truyền kiến thức thông thường, trong khi vị tu sĩ cần đạt được trí Vô sư - loại trí tuệ không do Thầy chỉ dạy. Trí tuệ này không phải ngẫu nhiên mà có, cũng không phải do ai truyền trao, mà do sự thân chứng của mỗi cá nhân trong quá trình tu tập. Vì vậy Giáo hội chỉ đào tạo được những nhân sự phục vụ cho công tác truyền bá giáo lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các vị tu sĩ thực hành các pháp môn tu tập, nhưng sự chứng ngộ phải do nơi nỗ lực cá nhân của vị đó. Một vị tu sĩ tu hành đúng chánh pháp phải nhắm đến mục tiêu tối hậu là thành tựu Thánh quả A-la-hán, hay ít nhất cũng phải được giải thoát khỏi những phiền não trong đời hiện tại. Với mục tiêu này, mỗi cá nhân phải tự nỗ lực tu tập hơn là trông cậy vào quá trình đào tạo của Giáo hội. Đức Phật đã từng khuyến cáo ‘Các con hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi’ và Ngài còn dạy: ‘Hãy tự tạo cho mình một hải đảo, là nơi nương náu cho chính mình, con đừng tự phó thác vào chồn dung thân nào khác’.”.

Buổi pháp thoại với chủ đề “Tóm tắt quá trình đào tạo một vị tu sĩ Phật giáo (từ xuất gia đến khi trở thành tu sĩ chính thức)” do HT.Giác Pháp thuyết giảng trong hai thời sáng và chiều, cũng đã nhận được nhiều câu hỏi nghị luận từ chư Tôn đức Tăng Ni tham dự Khóa BDTT 2024, góp phần mở ra nhiều kiến thức và giải đáp các khúc mắc trên con đường tiếp Tăng độ chúng của những vị đang và sẽ trở thành Trụ trì trong tương lai.

Kết thúc ngày đầu tiên của Khóa BDTT 2024, HT.Giác Tuyên - Tăng trưởng Giáo đoàn Phật giáo Khất sĩ Hải ngoại, đã có lời đạo từ, tán thán công đức của HT.Giác Pháp đã dày công nghiên cứu, đúc kết và chia sẻ đến đại chúng những kinh nghiệm quý báu trên con đường hoằng pháp của mình. Đồng thời, Hòa thượng cũng dành lời sách tấn đến toàn thể chư Tăng Ni tham dự, nên lấy Khóa BDTT lần này làm cơ hội, duyên lành để trao đổi, tiếp thu những điều mới, những kinh nghiệm thiết thực cho việc phát triển đạo tràng tịnh xá cũng như công đức tu tập của chính mình.

 

Một số hình ảnh tại buổi pháp thoại:

Đạo Phật Khất Sĩ