Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Sáng 26/5/2024 (nhằm 19/4/Giáp Thìn), ngày thứ hai của Khóa BDTT 2024, HT.Giác Toàn - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng VNCPHVN, Trưởng ban Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trưởng BTC khóa học, đã có thời pháp thoại chủ đề “Trụ trì với sứ mạng: Trụ Pháp Vương gia - Trì Như Lai tạng”.
 

Mở đầu thời pháp, Hòa thượng cho biết ý nghĩa của danh từ “Trụ trì”, xuất phát từ Phật giáo Bắc tông, theo nghĩa gốc vốn có nghĩa là “trụ lâu ở thế gian để giữ gìn, bảo hộ Phật pháp, về sau chỉ cho vị Tăng làm chủ và quản lý một ngôi chùa”. Hiểu theo cách khác, đó là vị có khả năng an trụ trong ngôi nhà chánh pháp của Như Lai. Từ sự an trụ này, vị ấy “lấy pháp thân thường trụ của chư Phật Như Lai làm trụ trì Phật bảo, lấy pháp tính thường hằng làm trụ trì Pháp bảo và lấy Tăng hạnh bất diệt của chư Phật Như Lai làm trụ trì Tăng bảo”. Từ đây, Hòa thượng nhấn mạnh trách nhiệm, năng lực của vị Trụ trì là vô cùng thiêng liêng, có vai trò quan trọng trong việc hưng thịnh đạo pháp: “Trụ Pháp Vương gia - Trì Như Lai tạng” trong bối cảnh đất nước hội nhập, xã hội văn minh, khoa học phát triển hiện nay.

Đối với trách nhiệm “trụ Pháp Vương gia” - an trú tự thân vào hạnh nguyện từ bi cứu khổ ban vui cho chúng sinh, HT.Giác Toàn cho biết, vị Trụ trì cần lưu ý đến hai điểm trọng yếu: Một là, phải biết nương tựa vào chánh pháp như kinh - luật - luận; Hai là, phải biết phụng sự nhân sanh, lợi đạo ích đời. Bên cạnh đó, đối với trách nhiệm “trì Như Lai tạng” - sự giữ gìn và phát huy Chánh pháp của Như Lai, vị Trụ trì lưu ý đến hai điểm: Một là, lục hòa cộng trụ - tứ chúng đồng tu; Hai là, tu học Tam vô lậu học để thân chứng giáo pháp.

Theo đó, Hòa thượng khẳng định: “Trụ Pháp Vương gia – trì Như Lai tạng chính là lý tưởng, bản hoài tự giác, giác tha của người tu để tròn xong hạnh nguyện độ sanh và thành tựu phẩm tính giác ngộ trong tự thân. Người tu phải vào được nhà Như Lai và kế đến sống trong pháp và luật của Như Lai, đó mới là giá trị, cốt lõi của vị Sa-môn Thích tử. Muốn được như vậy người tu phải lấy chánh pháp làm chỗ quy hướng, tức thực hành xây dựng cốt lõi tu tập bằng cách dựa trên kinh - luật - luận mà Đức Phật đã dạy, đi đến thực chứng chánh pháp để đạt được trí tuệ giải thoát. Từ đó, người tu mới nhận diện khổ đau, có khả năng trị liệu, hóa giải và giải quyết những vấn nạn mà tự thân và con người hiện nay đang đối mặt, cảm hóa, dẫn dắt họ vào đạo, khiến họ đồng nếm được hương vị giải thoát. Đó cũng là cách chúng ta phụng sự chúng sanh thiết thực nhất”.

Ngoài ra, theo Hòa thượng, muốn quang huy sự nghiệp hoằng pháp, truyền bá giáo lý Phật đà đến mọi giới trong xã hội, vị Trụ trì cần phải an trú tâm, xây dựng Tăng đoàn và hướng dẫn tín đồ tu học theo nguyên tắc “Tam tụ - Lục hoà”, bởi hòa thuận là yếu tố quan trọng trong mọi công việc, góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết của tổ chức đoàn thể. Trụ trì là người điều hành mọi việc tự viện, trong thì đối đãi với Tăng chúng xuất gia, ngoài ứng xử với cư sĩ Phật tử, quan hệ với mọi giới trong xã hội. Do đó, muốn mọi Phật sự hanh thông thì vị ấy cần có năng lực ứng biến, đặc biệt là sự tu tập thân - khẩu - ý giáo cho trang nghiêm, luôn thể hiện sự khiêm nhường, ứng xử hài hòa phù hợp giáo pháp và giới luật nhà Phật.

Trong đó, Hòa thượng đặc biệt nhấn mạnh: “Giới luật là nền tảng của sự giải thoát khổ đau, cắt đứt tham ái ràng buộc. Do vậy, chúng ta cần phải giữ gìn giới hạnh, phải hộ trì các căn, biết tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, thành tựu chánh niệm tỉnh giác trong uy nghi. Đồng thời, để giữ gìn giềng mối đạo pháp, ổn định và phát triển cơ sở tự viện mà mình có duyên đảm nhận trách nhiệm Trụ trì, mỗi Tăng Ni cần thực hành lời Phật dạy, đó là thừa tự pháp, chớ thừa tự tài vật, hạ thủ công phu, thân chứng giáo pháp, thể nhập Vô sanh, rồi sau đó đem giáo pháp do mình chứng ngộ hoằng truyền, phổ hóa mọi người mới tròn xong hạnh nguyện độ sanh của mình”.

Nhân chủ đề lần này, HT.Minh Bửu - UVTT HĐTS, UVTT Ban Tăng sự T.Ư GHPGVN, Phó ban Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái kiêm Trưởng ban Tăng sự Hệ phái, cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, khẳng định tầm quan trọng của vị Trụ trì trong việc gìn giữ và phát huy mạng mạch Phật giáo. Đồng thời, khép lại buổi pháp thoại, Hòa thượng cũng sách tấn chư Tôn đức Tăng Ni cần nghiêm trì giới luật, trang nghiêm tự thân, lấy đó làm tấm gương, ngọn đèn soi tỏ cho hàng đệ tử, góp phần dẫn dắt Phật tử cư gia đi theo con đường chánh pháp.

 

Một số hình ảnh tại buổi pháp thoại:

Đạo Phật Khất Sĩ