Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Sáng ngày 28/12/2018 (nhằm ngày 22/11 năm Mậu Tuất), tại tịnh xá Ngọc Đăng (158 Bùi Đình Túy, phường 12, quận Bình Thạnh, TP. HCM) đã trang nghiêm cử hành Lễ tưởng niệm lần thứ 40, ngày viên tịch của cố Trưởng lão Giác Tánh – nguyên Tăng chủ Hệ phái Khất sĩ (HPKS) Việt Nam.



Chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái chứng minh

Chứng minh và tham dự buổi lễ có: Hòa thượng Giác Tường – Ủy viên Thường trực HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng Minh HPKS; Hòa thượng Giác Giới – Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng Minh HPKS; Hòa thượng Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Thường trực HPKS; Hòa thượng Giác Dũng – Chứng minh BTS Giáo đoàn II, Giáo phẩm Hệ phái; Hòa thượng Giác Hùng – Chứng minh BTS Giáo đoàn III; Hòa thượng Giác Phùng – Phó BTS Giáo đoàn III, Giáo phẩm Hệ phái; Hòa thượng Minh Thuấn – Phó Trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang, Giáo phẩm Hệ phái; Hòa thượng Giác Sơn – Chứng Minh GHPGVN tỉnh Bình Thuận, Phó BTS Giáo đoàn II; HT. Giác Trong - Phó tri sự Giáo đoàn III, Giáo phẩm Hệ phái; HT. Giác Minh - Giáo phẩm Hệ phái; Chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức các Giáo đoàn.

Về phía chư Ni có: Ni trưởng Phục Liên – Quản chúng tổ đình Ngọc Phương, Giáo phẩm Thường trực Ni giới Khất sĩ; Ni trưởng Viên Liên – Chánh Thư ký Ni giới Khất sĩ; Ni trưởng Vạn Liên – Giáo phẩm Ni giới Khất sĩ; Ni trưởng Thắng Liên – Giáo phẩm Ni giới Khất sĩ; chư Tôn đức Ni các miền tịnh xá lân cận, và nam nữ Phật tử các đạo tràng đồng về tham dự.


Chư Tôn đức Ni giới Hệ phái tham dự

Tại buổi lễ, HT. Giác Dũng đại diện cho Môn đồ pháp quyến cung tuyên tiểu sử của Đức Tăng chủ:


Chư Tôn Hòa thượng cung tuyên lược sử đức Trưởng lão

Đức Trưởng lão Tăng chủ Giác Tánh thế danh là Phạm Văn Cường, sanh ngày 01 tháng 01 năm 1902 tại làng Bình Thành, tổng Cư Thượng, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, trong một gia đình Nho phong, phúc hậu.

Năm 23 tuổi, Ngài vâng lời cha mẹ lập gia thất để nối dõi tông đường, kết duyên cùng cô Nguyễn Thị Có, một thiếu nữ đức hạnh trong vùng. Hai vị tuy cùng nhau chung sống, kinh doanh phát đạt, nhưng không vướng bận vào vòng tử phược, mà còn trợ duyên nhau để thiện tâm ngày càng tăng trưởng.

Năm 1928 hai vị đồng thực hiện ước nguyện của mình, bán hết đồ đạc, dừng việc buôn bán, dấn thân tìm đạo, lúc ấy Ngài 27 tuổi. Từ đó, cuộc đời Ngài chuyển sang một trang sử mới, trở thành vị xuất gia Khất sĩ trong lòng Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam.

Với hoài bão, chí nguyện xuất trần, bà Nguyễn Thị Có, bạn đời của Ngài cũng xuất gia theo Ni giới và được Đức Tổ sư thọ ký pháp danh là Chơn Liên, đệ tử thứ 6 trong hàng Ni chúng Hệ phái Khất sĩ. 

Năm 1954, Đức Tổ sư đã tấn phong cho Ngài là Trưởng lão đầu tiên. Năm 1956, Trưởng lão Giác Tánh đã cùng đi với Giáo hội hành đạo ra miền Trung lần đầu tiên. Sau đó, Giáo hội do Trưởng lão Giác Chánh lãnh đạo trở về Nam, còn Trưởng lão Giác Tánh và Trưởng lão Giác Tịnh vẫn ở lại để duy trì, hoằng dương Phật pháp, thành lập Giáo đoàn II ở các tỉnh miền Trung. Từ Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Trị, Đông Hà …

Nơi nào Ngài quang lâm đều có Đạo tràng tịnh xá được kiến lập và nhiều Tăng Ni, thiện nam tín nữ Phật tử quy ngưỡng, phát tâm xuất gia. cuộc đời Đức Trưởng lão Tăng Chủ là một tấm gương hiền hoà đức hạnh. Ngài trụ thế 77 năm. Hoà điệu với đời 27 năm. Học đạo, hành đạo 50 năm.

Sau đó, Hòa thượng Giác Toàn thay lời chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái đã ôn lại gương hạnh của đức Trưởng lão Giác Tánh đến với Pháp hội. Hòa thượng vô cùng xúc động khi nhận thấy sự tương đồng giữa cuộc đời của Đức Trưởng lão và Ngài Ca Diếp Ẩn Quang thời đức Phật. Điểm tương đồng đó là: mặc dù sống đời sống của người thế tục nhưng tâm ý luôn hướng đến con đường thoát tục. Đặc biệt là lời ngộ đạo của Ngài và người bạn đời, khi còn là thương lái trên ghe: “Đa tài thì lụy thân, mua bán giữ gìn tiền bạc cho nhiều ngày nào cũng gặp bọn cướp. Cướp của hại người mới là khổ, thiệt hại tấm thân nhưng đến chết chỉ nắm hai bàn tay trắng. Tôi hết ham tiền bạc chỉ muốn đi tu thôi. Vậy tiền bạc xin ông cất giữ, chớ tôi đã sợ lắm rồi!

… Ông bạn chậm rãi trả lời rằng: Cô là người nữ mà còn sợ tiền không ham danh lợi, hà huống tôi là nam tử mà không biết ngán hai chữ lợi danh hay sao ?” (Trích Hồi ký của Sư cô Chơn Liên). Qua đó, nhắc nhở chư Tăng Ni mới bước đầu học đạo cần phải thức tỉnh trong dòng đời hưng thịnh lợi danh, đồng thời khuyến tấn hàng Phật tử tinh tấn gieo trồng phước lành để gặp thắng duyên trong Phật pháp.


Hòa thượng Giác Toàn dâng lời tưởng niệm


Môn đồ đệ tử

Để tưởng niệm “một cuộc đời hiền hòa, một tấm gương đức hạnh, một tấm lòng phụng sự, một cuộc đời siêu thoát”, chư Tôn đức Giáo phẩm Chứng minh, chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái cũng như lãnh đạo các Giáo đoàn cùng toàn thể Tăng Ni, Phật tử hiện diện đã đốt nén tâm hương cúng dường lên Giác linh cố Trưởng lão Giác Tánh.

Sau cùng, là Lễ cúng dường trai tăng do chư thiện nam tín nữ tịnh xá Ngọc Đăng và gia đình cố Trưởng lão Tăng Chủ cùng nhau hiệp cúng, khép lại viên mãn buổi lễ Tưởng niệm.


Chư Tôn đức dâng hương tưởng niệm


Phật tử cúng dường ngọ trai

Theo Daophatkhatsi.vn