Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Nhân khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh (BDĐH) lần thứ 9, TT.Giác Nhường - Phó thư ký HPKS, Phó Thư ký kiêm Trưởng Ban Thông tin Truyền thông GĐ.III HPKS, đã chia sẻ đến các vị hành giả tham dự khóa tu về “Pháp hành trì cho người mới xuất gia”, sáng 15/7/2024 (10/6/Giáp Thìn).
 

Mở đầu thời khóa, chia sẻ về thuở mới xuất gia và những tình huống xảy ra trong quá trình thọ giới từ Tập sự, đến Sa-di, lên Tỳ-kheo của bản thân, Thượng tọa đã nêu lên một số thực tế trong đời sống sinh hoạt Tăng đoàn Khất sĩ của các vị mới xuất gia ngày nay. Qua đó Thượng tọa nhận định, nhiều vị khi mới xuất gia, vì mang nhiệt tâm cầu đạo lớn nên nôn nóng, muốn nhanh chóng đạt đến kết quả tối thượng, đó là giác ngộ, Niết-bàn. Do đó, dẫu buổi đầu dành học tập giữ giới, giữ hạnh, lễ giáo… theo sự hướng dẫn của vị Thầy Bổn sư, song về sau lại dễ sinh tư tưởng coi nhẹ các pháp đời sống như hầu Thầy, học pháp, chấp tác… cho rằng việc thực tập những pháp này là nhỏ nhặt, khó đi đến được con đường an lạc, chứng đắc Niết-bàn.

Dẫn chứng từ các khóa tu truyền thống Khất sĩ, với việc chư Tôn đức đồng ôn lại oai nghi, chú tâm thực hiện chánh niệm trong đi - đứng - nằm - ngồi - ăn - mặc - ở… Thượng tọa khẳng định: “Qua các khóa tu truyền thống của chư Tôn đức Hệ phái có thể thấy, 7-10 ngày tu tập không phải nhằm để đắc đạo, mà tham dự khóa tu để sống lại với các pháp truyền thống Khất sĩ, những pháp tưởng chừng như khi lên đến Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng, không cần phải nghiêm trì như lúc còn là tập sự, Sa-di. Tuy nhiên, những oai nghi, tế hạnh trong sinh hoạt tu tập, tuy không hoàn toàn quyết định đời sống của người xuất gia, nhưng đó là nền tảng, là cơ sở để mỗi người xuất gia thực tập hành trì, nhằm rèn dũa thân tâm. Khi thân khinh an sẽ đưa đến tâm khinh an, đời sống có sự tỉnh giác trên oai nghi chánh hạnh, sẽ giúp mỗi hành giả vừa thực tập được oai nghi đạo hạnh, lại vừa nuôi dưỡng sự tỉnh giác, chánh niệm. Chính sự tỉnh giác, chánh niệm là một trong những hành trang quan trọng để đưa đến sự an lạc và giác ngộ Niết-bàn”.

Thượng tọa chỉ rõ, là người xuất gia theo truyền thống Khất sĩ vừa phải học giáo pháp trong kinh điển, nhưng đồng thời vẫn cần thực hành và am hiều về truyền thống tu tập của HPKS, thông qua việc tìm hiểu, nghiên cứu, suy ngẫm, đọc bản Chơn lý “Luật Khất sĩ” với những lời huấn từ trực tiếp của Đức Tổ sư. Đây là những pháp hành trì cơ bản, không chỉ dành cho những vị mới xuất gia mà còn là nền tảng để người Khất sĩ, người xuất gia an trú. Như trong kinh Đức Phật dạy, đối với những người chưa thuần thục, chưa an trú vào những hàng bậc Thánh, giới luật chính là pháp thực hành, nếu những người đã chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác đến Niết-bàn, thì đây là pháp hiện tại lạc trú, tức pháp mà vị Tỳ-kheo, vị xuất gia phải sống với giới luật hằng ngày, trong từng khoảnh khắc.

Trong kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Andhakavinda, Đức Phật dạy Ngài Anan khi hướng dẫn những vị Tăng học mới xuất gia, cần phải khích lệ, tạo nên sự yểm trợ, điều kiện thuận lợi cho những vị mới xuất gia được sống, được an trú trong năm pháp. Năm pháp ấy bao gồm:

  1. "Cần phải giữ giới, sống được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhiệm, chấp nhận và học tập trong các học pháp”. Như vậy, họ cần được khích lệ, cần phải làm cho nhập vào và làm cho an trú trong sự bảo vệ của giới bổn
  2. "Cần phải sống với các căn môn phải được chế ngự, thành tựu với niệm được phòng hộ, với niệm thận trọng sáng suốt, với ý được khéo phòng hộ, với tâm được chánh niệm bảo vệ”. Như vậy, họ cần được khích lệ, cần phải làm cho nhập vào, cần làm cho an trú trong sự bảo vệ các căn.
  3. "Hãy nói ít lại, hãy hạn chế lời nói”. Như vậy, họ cần được khích lệ, cần phải làm cho nhập vào, cần làm cho an trú trong sự hạn chế lời nói.
  4. "Hãy là những người sống trong rừng, hãy sử dụng các trú xứ núi rừng cao nguyên xa vắng”. Như vậy, họ cần phải được khích lệ, cần làm cho nhập vào, cần làm cho an trú trong nếp sống thân viễn ly.
  5. "Hãy có chánh trị kiến, thành tựu chánh kiến”. Như vậy, họ cần phải được khích lệ, cần làm cho nhập vào, cần làm cho an trú trong chánh kiến.

Như vậy, 5 pháp này chính là sự chi tiết, cụ thể của lộ trình tu tập Giới - Định - Tuệ, mà như Tổ sư dạy rõ: “Người Khất sĩ có 3 pháp tu tập vắn tắt, đó là giới - định - huệ”, hay trong Chơn lý “Cư sĩ” cũng ghi nhận: “Giáo hội Tăng già Khất sĩ tu giới - định - huệ. Người cư sĩ khi đi vào đời đầy gian nguy phải mang theo mình giới - định - huệ”. Thượng tọa cho rằng, sau khi bước vào đạo, hành giả sơ cơ cần nắm rõ các pháp để tránh sự nghi hoặc, một trong những vô minh khiến che lấp trí tuệ. Bên cạnh đó, hành giả cũng cần tiếp thu những đức hạnh của các vị Thầy, Bổn sư, hay đức hạnh của các vị huynh đệ đi trước thông qua việc “sống chung tu học”. Từ dây hành giả mới bước tiếp đến con đường hành trì, thực hành chánh pháp của Đức Phật.

Ở pháp thứ nhất, Đức Phật dạy, với vị mới xuất gia cần cho học về giữ giới, oai nghi chánh hạnh, sợ hãi những lỗi nhỏ, chấp nhận học và tập những học pháp. Đức Tổ sư cũng có những quy định trong Luật Khất sĩ với Sa-di 10 giới, Tỳ-kheo 250 giới, Tỳ-kheo-ni 348 giới, trong đó Tứ y pháp cũng thuộc về giới luật, nhằm để người Khất sĩ tuân theo mà sửa mình, gìn giữ oai nghi tế hạnh. Trong đó, như lời Đức Phật dạy, đối với hành giả mới xuất gia cần đặc biệt chú trọng sửa mình, thông qua việc biết sợ hãi ngay cả những lỗi nhỏ nhất, nhận diện nó và có ý thức thay đổi nó theo hướng tích cực hơn.

Pháp thứ hai, Đức Phật dạy, người xuất gia trong tuần tự tu tập cần lưu tâm rằng, “niệm được phòng hộ, niệm thận trọng, với ý khéo phòng hộ, với tâm được chánh niệm cảnh giác”, như vậy sự thận trọng, khéo phòng hộ chính là yếu tố của tỉnh giác, tâm chánh niệm, tức cần có sự ghi nhận, nhận thức rõ chúng ta đang làm gì, từ đó 6 căn môn này mới chọn cho chúng ta con đường chánh đạo.

Pháp thứ ba, đối với người mới xuất gia, Phật dạy, nên hạn chế lời nói, cần phải được khích lệ, tạo điều kiện cho vị này an trú trong sự tĩnh lặng, hạn chế của lời nói. Trong Luật Khất sĩ, Tổ cũng dạy nên nói ít, tìm cách tránh nói, chỉ nên nói pháp và nói 5-6 câu đổ lại, ngoài ra không nên bình luận về thế sự ngoài giáo pháp, nịnh bợ, giễu cợt… không tạo nên bất kỳ điều kiện thuận lợi nào để nói chuyện, nhất là những việc ngoài giáo pháp, như Tổ sư đã dạy chi tiết.

Pháp thứ tư, Đức Phật dạy, những người mới xuất gia cũng cần không gian yên tĩnh, nhẹ nhàng, mục đích để khuyến khích cho sự nhập vào nếp sống thân viễn ly. Điều này không có nghĩa nhất định hành giả xuất gia phải an trú nơi rừng núi, nếu thuận lợi được ở nơi tĩnh lặng thì tốt, nếu ở nơi thành thị, thì cần biết hạn chế các nhu cầu của bản thân, hạn chế việc nói chuyện, mỗi người tự thực hành các pháp oai nghi chánh hạnh của mình, nơi ấy tự phát khởi sự yên tĩnh, tĩnh lặng, có chiều sâu giúp hành giả dễ dàng nhập vào an trú trong nếp sống thân viễn ly.

Pháp thứ năm, Đức Phật dạy những người mới xuất gia chưa lâu rằng, cần trau dồi, bồi đắp thành tựu chánh kiến. Muốn được như vậy thì cần phải thực tập, an trú. Trong Luật Khất sĩ, Tổ dạy: “Thường ngày thì các Sư đọc kinh cầu nguyện chung cho cả chúng sanh, sau buổi cơm ngọ. Khi rảnh các Sư đọc, học kinh để mở trí và tham thiền và luôn chú nguyện cho chúng sanh trong mọi lúc, để mở mang trí huệ và tập tâm từ bi, tinh tấn”.

Kết thúc thời khóa, Thượng tọa cũng nhắc nhở chư hành giả, khi bước vào tu tập dẫu có sự ưa thích trong tu tập, vui thích trong đoạn tận và trang nghiệm được oai nghi chánh hạnh tự thân, thì cũng tuyệt đối không nên sinh tâm khen mình mà khinh chê sự hành trì tu tập của người khác.

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng: