Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Nam là cậu học trò rất giỏi, đạt thành tích học sinh xuất sắc liên tục từ lớp một đến lớp chín. Khi lên cấp ba, cậu phải chuyển sang học tại một ngôi trường ở xa quê. Vì không có phương tiện đi lại, gia đình quá khó khăn nên cậu đã bỏ học nửa chừng.
Một bạn khác thi đỗ cả 3 trường đại học, toàn điểm cao, nhưng không có tiền đóng học phí, đành phải dừng lại đứng nhìn cổng trường đại học khép kín đối với mình.
Cuộc đời các em từ đó chuyển sang một hướng khác, một trang vở khác….
Một em bé bại liệt nửa thân người vẫn cố gắng chiến thắng bản thân mình, ngày ngày lê bước đến trường và cuối mỗi năm đều đặn nhận tấm bằng học sinh giỏi; giám đốc tin học của một tỉnh lớn là chàng kỹ sư tật nguyền từ khi còn nhỏ dại.
Em bé đó, anh kỹ sư đó, đều đã vượt qua số phận của mình, sống có ích cho xã hội.
Ông giám đốc T đã tự sát khi công ty bị lâm vào cảnh thâm hụt khó khăn, bà giám đốc O phải vào tù vì hối lộ... Trong khi đó, một anh giám đốc trẻ sẵn sàng rời bỏ đất Sài Gòn, nơi có nhiều tiềm năng phát triển, trở về vùng quê hương còn thiếu thốn trăm bề của mình để thực hiện hoài bão vực dậy một công ty thua lỗ ở quê nhà. Và cuối cùng, anh đã thành công. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, anh đã tiếp tục học hỏi thêm để trở thành một tiến sĩ kinh tế học nổi tiếng, với kỳ vọng vận dụng khối kiến thức đó giúp cho quê hương đất nước.
Bạn thấy đó, “Con người khi rơi vào cảnh khốn cùng thường hay nói những lời tuyệt vọng như ‘không còn con đường nào khác’ hoặc ‘không còn cách nào khác’. Nhưng thật ra không phải vậy. Vì không tìm kiếm nên mới không thấy có đường khác mà thôi.” (Trích lời Chủ tịch tập đoàn Hyundai - Chung Yu Yung)
Cũng là lương y như từ mẫu. Nhưng có “từ mẫu” trở nên giàu có bằng những đồng tiền có được từ công việc chữa bệnh cho người nghèo khổ; ngược lại, có những “từ mẫu” chỉ sống với đồng lương ở mức xóa đói giảm nghèo, tình nguyện về phục vụ những miền quê xa xôi với mức sống kém cỏi, buổi tối phải đi dạy kèm thêm để duy trì cuộc sống và thực hiện ước mơ của mình.
Cũng là công an, nhưng có anh công an giao thông đứng nhận những đồng tiền “đen” ngoài đường và ngược lại có người công an chân chất, chấp nhận gạt bỏ bao đồng tiền trong phong bì để chiều về với mái ấm gia đình, bôn ba với nghề tay trái - chở từng chai nước lọc bỏ từng nhà – để duy trì cuộc sống gia đình.
Còn nhiều đối nghịch trong cuộc sống nữa, chẳng hạn anh chàng taxi sang trọng lấy trộm đồ của khách, trong khi bác xích lô nghèo nàn trả lại vài chục triệu đồng cho khách khi tình cờ nhặt được…
Ta tạm xếp những hình ảnh trái ngược như trên thành hai vế của một bất phương trình. Vế thứ nhất là “con”, vế thứ hai là “người”. Nếu phần “con” lớn hơn phần “người” (con > người) thì bạn là “con”; nếu phần “người” lớn hơn phần “con” (người > con) thì bạn là “người”.
Mục đích sống tốt đẹp của chúng ta là luôn đúng theo bất phương trình người > con. Nhưng có mấy ai thực hiện được trọn vẹn như thế?
 
Hạnh phúc hiện tiền- Huệ Phong