Phật dạy 4 điều đắc nhân tâm là 4 pháp nhiếp phục người, tức
4 điều kiện để gần gũi và thu phục nhân tâm. Muốn có được sự đắc nhân tâm theo
Phật giáo không phải là đắc nhân tâm của chính trị dùng mọi cách để người ủng hộ
mình, nhưng đòi hỏi phải có quá trình tu Bồ-tát đạo mới có thể thực hiện 4 điều
đắc nhân tâm, chứ không phải dùng xảo thuật. Ví dụ đồng sự nhiếp ở đại chúng,
ta phải sinh hoạt tùy thuận với họ, như lên vùng Tây Nguyên, muốn thu phục họ,
chúng ta phải ở nhà sàn, uống rượu cần và nhảy múa, hòa đồng với họ thì mới được
chấp nhận; đó là sự lệ thuộc xã hội khác với Bồ-tát tu hành phát xuất từ niềm
tin đối với Phật pháp và chúng ta áp dụng được Phật pháp trong cuộc sống, đạt
được thành quả khiến cho người thấy mới phát tâm tin theo, làm theo.
Kinh Hoa Nghiêm dạy
chúng ta phải trải qua các giai đoạn tu Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh và Thập hồi
hướng. Tu Thập hồi hướng nghĩa là tất cả việc làm của chúng ta trước nhất phải
hồi hướng Vô thượng Bồ đề, nghĩa là nâng trình độ tri thức của chúng ta đến đỉnh
cao nhất để khỏi phạm sai lầm khi dấn thân vào cuộc đời. Như vậy, hành giả Đại
thừa tiến tu, phải kiểm chứng xem mình ít lỗi lầm cho đến không lỗi lầm mới được,
chứ đắc nhân tâm theo kiểu ngoại đạo, tà giáo mê hoặc lòng người, quần chúng
thích gì chúng ta dụ dỗ họ thì ta và họ cuối cùng rơi vào khổ đau. Việc chính của
hành giả là nâng trình độ kiến thức đến thấy không còn sai lầm nữa, thấy việc
nên làm, việc không nên làm và ta hướng dẫn người cùng làm để đạt kết quả tốt.
Thứ hai là hồi hướng
Pháp giới chúng sinh là tranh thủ sự đồng tình. Chúng ta hiểu biết rồi, nhưng
phải làm cho người hiểu biết chính xác. Bồ-tát Di Lặc hiểu biết hoàn toàn,
nhưng không xuất hiện trên cuộc đời, vì quyến thuộc của Ngài chưa hiểu biết như
Ngài, tức chưa đồng tình; cho nên Di Lặc phải làm cho chúng sinh hiểu biết như
Ngài thì bấy giờ mới đặt vấn đề được, gọi là chúng sinh chưa thuần thục, hay hiểu
biết chưa tới, chưa chín muồi, nên thất bại dù làm đúng. Vì vậy, người trí thức
thường than rằng việc không thành vì đi trước thời đại. Thể hiện ý này, Hòa thượng
Trí Tịnh dạy rằng chúng ta biết, nhưng việc này phải đúng lúc làm hay chưa. Người
là quyến thuộc của ta, bạn của ta, hay học trò của ta, nhưng phải biết đúng lúc
sử dụng người này được chưa. Chưa đúng lúc thì phải chờ, ví như trái chưa chín,
hái ăn không được.
Thiền sư Nhật đắc
Thiền, nhìn xã hội chính xác qua mẩu chuyện ba nhân vật nổi tiếng. Người thứ
hai là một tướng quân thấy được thời cuộc, nên nắm thời cơ, vận dụng thời cơ để
thành công. Ông này nói con chim cu chưa biết gáy, ta bắt nó phải gáy, nghĩa là
anh hùng tạo thời thế, phải đi trước thời đại. Nhưng ông này chỉ thành công,
làm được việc trong một giai đoạn ngắn mà thôi, vì ông bất chấp nhân tâm để đạt
được mục đích, ông phá chùa giết Tăng, để rồi cuối cùng ông bị thiêu chết trong
chùa.
Người thứ nhất
thì quyết định rằng con chim không gáy, ta phải giết nó. Ông này giết người và
cuối cùng ông cũng bị giết.
Người thứ ba là Đức
Xuyên Gia Khang bảo rằng con chim chưa gáy thì chờ cho nó gáy. Ông này thành
công vì biết chờ đúng lúc, chờ thời cơ chín muồi mới làm được; cho nên ông lãnh
đạo xã hội suốt thời gian dài cả mấy trăm năm.
Di Lặc Bồ-tát
đang ở trong tư thế quán sát và chuẩn bị, chờ điều kiện chín muồi để làm. Hồi
hướng Pháp giới chúng sinh là hành Bồ-tát đạo để tranh thủ nhân tâm, có được sự
đồng tình của nhiều người nhất. Đồng tình chưa cao là họ chưa hiểu, chúng ta phải
làm cho họ hiểu, tức phải có quá trình hành Bồ-tát đạo dài lâu.
Hồi hướng Vô thượng
Bồ-đề là học cho thành tài thì khó, nhưng giai đoạn hai, hồi hướng Pháp giới
chúng sinh, tu cho thành đức còn khó hơn nữa. Và sang giai đoạn ba, được người
thương rồi, tâm phải rộng mở, bao dung; vì người đến đông, thì chín người mười
ý, làm sao chúng ta vừa lòng trăm họ; đó là việc rất khó, nhưng phải làm
Người nào cũng có
kẻ chống đối, nhưng chúng ta bị chống thì hồi hướng Chơn như thật tướng, nghĩa
là chúng ta đưa nó ra ngoài, đừng để trong lòng. Theo kinh nghiệm riêng tôi, ta
bị hãm hại, gặp khó khăn, nhưng Phật dạy chúng ta đừng để ấm ức trong lòng, vì
buông bỏ tất cả thì cái nhìn của mình mới sáng suốt và tùy theo đó chúng ta làm
đạo. Đó là giai đoạn tu Thập hồi hướng. Nếu chúng ta chưa qua giai đoạn Thập hồi
hướng, niềm tin chưa vững, trụ pháp cũng chưa vững, hạnh không có, mà muốn thu
phục người là sai lầm lớn, chỉ chuốc họa vào thân. Phật dạy chúng ta phải có
quá trình tu, không phải áp dụng liền Tứ nhiếp pháp được.
Qua Thập địa Bồ-tát
mới tu được 4 pháp nhiếp. Còn ở giai đoạn Thập hồi hướng chưa tu được 4 pháp
nhiếp, chỉ mới chuẩn bị thôi. Vì vậy, chúng ta cần có Bồ-tát lớn dìu dắt, còn tự
làm không được. Chúng ta có niềm tin vững, mong Phật, Bồ-tát thị hiện trợ hóa mới
làm được. Đó là kinh nghiệm của tôi thấy như vậy, không có các Bồ-tát trợ hóa,
khó thành công.
Thành tựu đến Thập
hồi hướng là đã qua được 40 chặng đường tu chứng, mới đăng địa Bồ-tát, chính thức
ra lãnh đạo, thì Phật dạy Bồ-tát Thập địa tu 4 pháp nhiếp và 10 môn Ba-la-mật để
độ đời, nghĩa là đến đây mới chính thức độ đời thì chúng ta nghĩ sao?
Phật nói Bồ-tát
sơ địa thường hiện thân làm tiểu vương, là đến đây mới tập hợp quần chúng hiểu
được ta, không phải quần chúng không hiểu và quần chúng chống đối. Quần chúng
chống đối mà ta chinh phục họ để đắc nhân tâm là không được, vì nói gì họ cũng
chống, khiến chúng ta bực, thì chúng ta nghĩ giết quách nó, như vậy là giống
ông thứ nhất ở phần dẫn dụ trên rồi.
Ta nói đúng, phải,
nhưng lúc nào họ cũng chống, theo kinh nghiệm của tôi, ta nên để họ riêng ra một
chỗ và ta mở rộng lòng bao dung họ, để họ quan sát việc của ta. Họ chống, ta được
mặt nghịch duyên hành đạo, vì không có sự chống đối, chúng ta dễ chủ quan.
Chúng ta luôn lóng nghe để sống tốt, làm tốt. Không giết họ, không phản ứng với
họ, nhưng để cho họ chống đối thì ta thấy được ta, vì ta khó có con mắt nhìn
ta. Nhờ họ bươi móc, ta thấy được cái dở của mình mà khắc phục.
Thứ hai là quần
chúng chưa hiểu, chưa chấp nhận, từ từ ta làm họ phải hiểu, phải chấp nhận.
Trên thực tế, chúng ta thấy người chống, người chưa hiểu thì luôn luôn đông,
người hiểu ta phải nói là ít. Cả nước Việt Nam có 80 triệu dân, chúng ta đắc
nhân tâm được bao nhiêu? Người theo chúng ta được 1 triệu người là giỏi lắm,
nhưng mấy ai được như vậy. Cho nên hạ xuống, được lòng 100 ngàn người thì cũng
còn quá nhỏ so với con số 80 triệu dân. Và hạ thấp nữa, ta còn 10 ngàn người sống
chết với ta, đó là con số khiêm tốn thì Phật nói chỉ làm được tiểu vương lãnh đạo
một nước nhỏ thôi. Vậy mà còn chưa có nữa, thử hỏi trong hội chúng có người nào
được như vậy hay không.
Đắc nhân tâm rất
khó. Có một vạn người sống chết hết lòng với chúng ta là quá khó. Chúng ta phải
có quá trình tu từ Thập tín, cho đến Thập hồi hướng không biết phải trải qua
bao nhiêu kiếp. Một kiếp kiếm được vài người bạn tâm giao, hay quyến thuộc Bồ đề
cũng khó rồi. Bồ-tát phải xả thân nhiều kiếp mới có được một số người theo. Ở
Nhật Bản, tôi gặp một người có sức thu hút người rất lớn. Ông này không có học
vị, mà nay ông được tặng nhiều bằng tiến sĩ danh dự, đó là ông Ikeda. Hiện nay
ông làm viện trưởng viện đại học, lúc chưa làm viện trưởng, ông lãnh đạo Hội
đoàn Sokai Gakkai có đến 16 triệu tín đồ là hội đoàn lớn nhất của Phật giáo Nhật.
Tại sao trong một đời người mà ông làm được việc lớn. Phải nói đó là Bồ-tát tu
nhiều đời tái sanh, nên người ta trông thấy, hoặc nghe nói là họ theo. Tôi có
tham dự buỗi diễn thuyết của ông, thấy quần chúng hết lòng với ông, nên ông làm
gì cũng được. Ông là người đắc nhân tâm nhất trong thập niên 60 ở Nhật Bản.
Phật nói tiểu
vương tu 10 pháp Ba-la-mật và 4 pháp nhiếp, nghĩa là đang thực hành những điều
đắc nhân tâm. Trong mười Ba-la-mật, lấy bố thí làm chính, trong 4 pháp nhiếp
cũng lấy bố thí làm chính, tức người tu thực sự luôn nghĩ đến quyền lợi cho người
khác; đó là đắc nhân tâm quan trọng nhất. Những gì chúng ta có được, chúng ta
dành cho người khác, hồi hướng cho người khác. Người chống vì nghĩ quyền lợi và
danh dự về ta, nên họ chống ta.
Hòa thượng Thiện
Hoa nói:
Có tài thì
phải có tai
Những người
ngu muội ai mà nói chi
Ngày nào
không có thị phi
Tai không
nghe tiếng vậy thì như không.
Không nghe thì
như không, nghe chi cho khổ. Cái khổ của con người là cố gắng tìm nghe rồi bực
tức. Họ chống ta vì quyền, vì lợi thôi. Những người ăn mày, ai chống họ. Đức Phật
ngày xưa ngủ dưới gốc cây, không ai chống, vì không xâm phạm quyền lợi của người
khác, nhưng Ngài dành tất cả quyền lợi cho người. Ta cho, họ được quyền lợi,
người người sẽ ủng hộ ta, là đắc nhân tâm. Được lòng thiên hạ là vì lo cho
thiên hạ, giúp đỡ thiên hạ tiến lên, nên họ tôn chúng ta lên làm lãnh đạo để bảo
vệ quyền lợi của họ.
Còn bảo họ ủng hộ
để đắc cử mới cho quyền lợi là đắc nhân tâm được nhất thời, tức lợi dụng, trong
khi theo đạo Phật, người đắc nhân tâm ở bước ban đầu gặp khó, nhưng vượt khó đi
lên, nên Phật nói họ thường làm tiểu vương, vì đức và tài còn mỏng mà lo cho đời
sống vật chất và tinh thần của nhiều người là việc không đơn giản. Tôi không sợ
người không theo, nhưng sợ theo mà mình không bảo bọc được. Tôi lóng nghe những
người tới với tôi đều đòi hỏi quá nhiều, trong khi khả năng tôi kém mà tham vọng
của họ thì lớn, đức độ mình mỏng thì làm sao gánh nổi. Vì vậy, các vị chỉ làm
tiểu vương, lãnh đạo một nhóm nhỏ, làm cho họ tốt, không phải lãnh đạo đông mà
không lo được.
Các Bồ-tát tu
pháp nhiếp thứ nhất thường làm tiểu vương lo cho một số nhỏ thành tài đức cũng
tốt rồi và lấy thành quả này làm nền tảng vững chắc, tức người mình nuôi dạy
thành người tốt và có nhiều người theo ta đều tốt giỏi, thì người ở xa cũng hướng
tới, là tiếng lành đồn xa, đất lành chim đậu. Thực tế chúng ta thấy người chuẩn
bị khởi nghĩa giỏi tốt, thì anh hùng trong thiên hạ sẽ tập trung về. Trong Phật
giáo có một vị đặc biệt là Đức Phật Di Đà thành Phật thì việc đầu tiên của Ngài
là thành lập An dưỡng quốc là tiểu quốc, nhưng tất cả người đến đó đều được an
lạc, không tranh chấp hơn thua, sống hiền hòa. Tiếng lành này đồn xa, nên chư Bồ-tát
mười phương nghe danh tìm đến đông, biến tiểu quốc An dưỡng quốc thành thế giới
Cực lạc.
Vì vậy, Phật nói
rằng chúng ta tu pháp nhiếp thứ nhất thành công sẽ tiến sang làm Chuyển luân
thánh vương, tức đức độ chúng ta mở rộng, danh tốt vang xa. Bây giờ người tốt
chưa tới với tôi, vì tôi chưa thuyết phục được họ. Chung quanh chưa có người tốt,
giỏi thì làm được gì. Phải tập trung được người tốt, giỏi mới xây dựng được đời
sống ấm no hạnh phúc. Tiếng lành đồn xa mới thành Chuyển luân thánh vương trên
thực tế, hay trong thế giới tâm linh gọi là thế giới Cực lạc chỉ toàn người tốt.
Cái hiểu của họ đồng với Phật, vì từ niềm tin của họ được Phật truyền sang. Vì
vậy, chúng ta lấy hiểu biết của Phật làm hiểu biết của mình, làm cuộc sống của
mình, không dùng xảo thuật. Người ở Cực lạc là vậy. Tâm Phật Di Đà truyền sang
tâm mọi người. Phật Di Đà thanh tịnh, giải thoát, an vui truyền sang họ thì họ
cũng được như vậy. Quý vị thực tập pháp này sẽ thấy rõ. Tôi thấy cuộc đời này
khó khăn, không vui, nhưng hướng tâm về Phật Di Đà thì nhận được Cực lạc của
Ngài làm tôi quên đi oi bức của cuộc sống.
Một Chuyển luân
thánh vương lấy đức trị người thì trong 10 môn Ba-la-mật, họ tu trì giới là
chính và biến giới thành đức; vì có nhiều người theo ta, đòi hỏi sự trong sáng
của ta mới không làm họ thất vọng. Những người làm chính trị lợi dụng xong thì
bị người khám phá cái xấu của họ là thu gom quyền lợi, nên người ghét và chống
đối.
Phật dạy càng có
người đến với ta, ta phải trong sạch hơn, nên Bồ-tát lấy trì giới là chính; vì
có người đến thì phải giữ gìn, gọi là giữ kẽ, tức giữ ý và giữ lời nói, lỡ nói
sai, người ta ghi âm ghi hình thì nguy hiểm và giữ gìn hành động, oai nghi, cử
chỉ của mình.
Trì giới của Bồ-tát
theo kinh Hoa Nghiêm là trì giới Thập thiện là chính, vì thân khẩu ý không
thanh tịnh không thể hành Bồ-tát đạo; cho nên đòi hỏi ba nghiệp phải thanh tịnh.
Có những vị tôn túc không làm việc nhiều, nhưng nhờ ba nghiệp thanh tịnh, cũng
lãnh đạo và được kính trọng. Có vị học giỏi, nói hay, nhưng không giữ ba nghiệp
thanh tịnh, nên cuộc đời lận đận lao đao, nhắm mắt còn ân hận, tôi quan sát những
người đồng thời với tôi và những người đi trước thấy như vậy. Cho nên tôi nhắc
quý vị khi giận thì đừng nói, vì giận mất khôn. Nói trong lúc bình tĩnh có sai
lầm cũng giới hạn; nói lúc bực tức không bao giờ đúng; nói phát xuất từ lòng
tham càng không đúng. Khi chúng ta làm gì, nghĩ làm cho người, người dễ chấp nhận.
Nói mà lòng chúng ta ẩn chứa cái khác, làm họ hoài nghi.
Trì giới thanh tịnh
là giữ cho thân nghiệp mình không phạm 3 điều là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, giữ
cho khẩu nghiệp mình không nói sai sự thật, không nói hai chiều, không nói lời
hung ác, không nói đâm thọc và giữ cho ý nghiệp không tham, sân, si. Dù họ vô lễ
mấy, cũng không được chửi mắng họ. Và người lãnh đạo không được nói sai. Người
xưa nói rằng vua không được nói chơi, người quân tử phải nói chính xác, hay uốn
lưỡi ba lần, nghĩ có nên nói hay không, nghĩ có đúng lúc nói hay chưa và nghĩ
điều này nói với ai. Phật bảo rằng có người phải chờ họ vào địa ngục mới độ được.
Ngài Ưu Ba Cúc Đa là Tổ Thiền tông ngộ đạo lúc còn rất trẻ và Ngài lại có ngoại
hình đẹp. Ngài gặp một cô vũ nữ đẹp muốn thỉnh Ngài về cúng dường. Ngài nói
chưa đúng lúc cúng dường. Đến khi cô này lớn tuổi, thất bại, không được trọng dụng,
lại mang bệnh hủi, nên bị bỏ ngoài gò hoang chờ chết. Ngài mới đến thuyết pháp
cho cô nghe. Lúc cô sang trọng giàu có, Ngài không tới, nay mới đến là đến lúc
cô cần nghe pháp thì nghe pháp xong, tâm cô được an lạc. Ngài chờ cô sa cơ thất
thế mới thả sợi tơ xuống kéo lên.
Người tu luôn giữ
ba nghiệp thanh tịnh, vì mình lãnh đạo có hàng trăm đôi mắt nhìn mình, thậm chí
dò luôn ý đồ của mình. Hoàn toàn trong sạch mới thành Thánh vương là Bồ-tát đệ
nhị địa tu trì giới thanh tịnh và trong 4 pháp nhiếp, tu ái ngữ, không bao giờ
nói lời bực bội, nóng nảy dù đúng hay sai. Thuở nhỏ tôi hầu Hòa thượng Thiện
Hoa thấy Ngài có nụ cười dễ thương, việc khó hay dễ Ngài cũng cười; người nói xấu,
Ngài cũng cười. Trong thập niên 50, Hòa thượng mở khóa học cho người trí thức,
có 30, 40 người học. Hòa thượng giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm. Ngài giảng vô minh
và vẽ vòng tròn. Hòa thượng nói tâm chơn như của chúng ta trong sáng như cái
vòng tròn, nhưng vô minh nổi dậy che khuất tâm chơn như, giống như mây che mặt
trăng. Một nhà nghiên cứu cầm viên phấn vẽ vô vòng tròn và hỏi tại sao tâm
trong sáng như vầy mà tự nhiên lại có vô minh nổi lên. Hòa thượng Thiện Hoa
cũng cười. Tất cả không ai dám nói, nhưng có người hỏi là tạo điều kiện cho Hòa
thượng Thiện Hoa giải thích, kinh Đại thừa gọi đó là chúng duyên khởi tạo điều
kiện nghịch lại để pháp sư giảng.
Giữ tâm trong
sáng sẽ phát ra lời nói êm tai mát lòng là đắc nhân tâm. Còn bên trong họ chứa
cái gì thì có nói êm tai mấy chỉ là mật ngọt chết ruồi, ta nên cẩn thận.
Đắc nhân tâm phát
xuất từ lời nói và lời nói phát xuất từ tình thương bao la và chân thật. Vì vậy,
ái ngữ rất cần, vì mọi người trên cuộc đời cần nghe lời êm dịu mới hạ được cơn
tức của họ, cần tâm trong sáng thanh tịnh mới tháo gỡ được cho người. Còn đang
bực bội, gặp người nói xóc óc, chắc chắn quý vị khó nhịn. Tôi cũng khó nhịn,
nhưng nhớ đến Bồ-tát, gương sáng của các Ngài hiện lên mới nhịn được. Như vậy,
điều hai Phật dạy đắc nhân tâm là ở hoàn cảnh nào, chúng ta cũng nên ôn hòa, từ
ái, khiêm cung.
Thứ ba, đắc nhân
tâm là lợi hành, tức làm việc hoàn toàn vì người khác, thì Trời mới làm được.
Còn người thế gian làm sòng phẳng là tốt rồi, họ giúp đỡ ta, ta giúp lại là sống
có tình người, không lợi dụng nhau là người tốt.
Chỉ có Thượng đế
lo cho tất cả mọi người mà không cần người biết ơn. Lợi hành nhiếp là nhiếp thứ
ba, không nghĩ lợi mình, nhưng chỉ nghĩ đến lợi người. Ở tổ đình Huê Nghiêm có
câu đối là:
Thân nhân ái
chúng khuyến quân thiện sự tu tham
Lợi kỷ tổn
nhân giới nhữ ác đồ mạc lạc.
Thân nhân là gần
gũi, thương yêu người là việc nên làm. Lợi kỷ tổn nhân là việc ác không nên
làm. Lợi hành nhiếp là vì lợi người khác mà ta làm, ta nói thì chắc chắn người
thương và chấp nhận theo ta.
Và lên Bồ-tát đệ
tam địa thường làm vua cõi Trời và trong 10 môn Ba-la-mật, tu pháp nhẫn nhục.
Ta thương người, nhưng họ không hiểu, mắng mình thì chỉ có Thượng đế dằn được.
Vì vậy, muốn làm Thượng đế phải nhận tất cả mọi thứ đổ oan của chúng sinh lên
mình mà lòng vẫn vui. Thiết nghĩ ta làm chưa được thì phải chấp nhận người chê,
người mắng. Thí dụ tôi làm Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, Phật tử
thưa kiện việc này, quyền lợi nọ. Giải quyết được cho người này thì làm mất
lòng người kia. Rất khó làm vừa lòng tất cả mọi người, nên phải chấp nhận họ xỉ
vả, nhưng tôi vui, nhờ họ chửi mà tôi nhẹ lòng, còn họ tin tưởng mình thì càng
làm mình nặng lòng thêm.
Tóm lại, đắc nhân
tâm theo Phật dạy phải trải qua quá trình hành Bồ-tát đạo không đơn giản, mỗi đời
làm được một việc là tốt lắm rồi, mỗi đời tạo thêm được một số quyến thuộc Bồ đề
là quý lắm rồi, cho đến ngày thành tựu quả vị Phật mới đắc nhân tâm hoàn toàn.