Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Ông già họ Ngô người quận Sùng Minh, tỉnh Giang Tô đời nhà Thanh, sanh được bốn người con trai. Vì nhà nghèo, ông phải đem bán mấy đứa con để bù đắp sinh kế gia đình.
Cả bốn đứa con trai đều giúp việc cho một gia đình giàu có. Cho đến khi trưởng thành, họ tự do lập thân và cả bốn người đều đã có vợ con, tất cả họ đều ở cùng một vùng. Trước hết họ phụng dưỡng cha mẹ và chia phiên nhau ra mỗi người lo một tháng. Nhưng mấy cô vợ của các anh ấy không chịu nói : "Mỗi tháng một người lo thì phải đợi ba tháng sau mới có dịp săn sóc cha mẹ; như vậy việc lo cho cha mẹ quá thưa thớt, chi bằng chia ra mỗi ngày một người lo mới hợp lẽ".

Sau khi phân ra mỗi ngày tới phiên một người lo vẫn phải chờ tới ba hôm sau mới có thể săn sóc cho cha mẹ được, như thế vẫn còn quá thưa thớt. Tốt hơn hết, mỗi bữa ăn tới phiên một người mới thích hợp.

Từ đó về sau, họ đồng ý sửa đổi lại mỗi bữa ăn đến phiên một người lo. Ví dụ bữa ăn sáng người anh cả lo cung cấp cho cha mẹ, đến bữa ăn trưa người thứ hai cung cấp, buổi tối đến phiên người thứ ba và đến bữa ăn sáng hôm sau thì người con thứ tư lo. Họ cứ luân phiên nhau như vậy săn sóc cho cha mẹ chu đáo. Mỗi lần gặp ngày mồng 5, mồng 10 cả bốn anh em cùng sắm món ngon vật lạ đem dâng. Cha mẹ ngồi hướng nam, bốn con và các cháu trai ngồi hướng đông, bốn con dâu và cháu gái ngồi hướng tây. Họ theo thứ tự sớt thức ăn cho cha mẹ. Sau nhà ăn, các con trồng một cây, mỗi gia đình anh em đem tới treo một quan tiền lên đó. Mỗi lần cha mẹ dùng bữa xong thì quay ra cây lấy một quan tiền ra phố mua bánh trái để dùng. Tiền trên cây mỗi ngày một thêm nhiều, vì bốn anh em thường ngày tiếp tục dắp tiền vô không ngừng. Hai cụ lúc nhàn rỗi thường hay tới chơi nhà mấy người bạn tri kỷ, cũng có khi đánh cờ tướng, lúc chơi bài... Các con ông Ngô biết tại nhà nào các cụ hay lui tới chơi, bèn âm thầm gởi cho mấy ông bạn cố tri ấy vài trăm quan tiền nhờ họ đưa cho cụ thân. Cụ nhận được tiền rất phấn khởi, lúc trở về cụ vui vẻ kể lại cho cháu con nghe hoặc mua đồ chơi về cho các cháu chơi, hoàn toàn không biết tiền đó ở đâu ra mà thật ra của chính con mình. Lấy đó làm niềm vui quên mối phiền lo, nên cả nhà hòa nhã sống yên vui vẻ. Lúc ông cụ tuổi 99 thì bà cụ thọ 97, trưởng nam 77 tuổi, con trai thứ 76 và người thứ ba thứ tư tóc cũng đã bạc. Năm đời cùng sống chung nhà, con cháu, chắt, chít gồm hơn 20 người. Tại Sùng Minh ông Lưu Công Triệu đề tặng cụ Ngô một tấm biển : "Bách linh phu phụ tề mi, ngũ thế nhi tôn nhiễu tất" (trăm tuổi chồng vợ đề huề, năm đời con cháu sum sê). Đây quả là niềm vui số một đời người, nhân hiếu thuận mà được quả báo trước mắt. Phàm làm con cháu nên bắt chước con nhà họ Ngô hết lòng báo hiếu và kịp thời phụng dưỡng cha mẹ. Chúng ta không thấy cảnh mất cha trên đời sao ? Nên phải hiếu dưỡng cha già mà vẫn xem như không hiếu. Chúng ta không thấy ở đời cảnh mất mẹ sao ? Nên phải hiếu dưỡng mẹ hiền mà xem như không. Ta nên bắt chước mấy nàng dâu nhà họ Ngô về việc hiếu thuận. Đó mới thật là cách báo hiếu hiệu quả có giá trị ở đời.

(Ngư Dương Dạ Đàm)

 

Xem qua gương hiếu các con ông Ngô, ta vô cùng cảm kích, quí trọng, nhất là đối với bốn cô dâu biết nhường nhị tương kính nhau. Họ biết hòa nhã thuận thảo sống chung vui vẻ, không những lo phụng dưỡng cha mẹ già yếu đầy đủ an vui hai mặt : vật chất, tinh thần mà còn tương trợ đùm bọc lẫn nhau quây quần dưới mái ấm gia đình bên cạnh cha mẹ, con cháu, con dâu, cháu chắt tạo nên cảnh đoàn viên sum hợp an lành hạnh phúc.

Khung cảnh gia đình hòa hợp, ấm cúng nên thơ, vui vẻ này có được là nhờ mỗi cá nhân anh em biết khắc phục những khó khăn, nhẫn nại, tận tình để tâm ý áp dụng bài học làm con giữ tròn đạo hiếu. Qua kinh nghiệm, mỗi ngày việc báo hiếu của họ một tinh thần có kỷ luật cao.

Thích Bảo Lạc

Tác giả: Thích Bảo Lạc