Ngài có hai đệ tử, thầy tỳ kheo Tâm An và chú sa di Tâm Bình. Thầy Tâm An xuất gia từ thuở ấu thơ, vì mồ côi mẹ sớm. Thầy lớn hơn chú Tâm Bình đến hai mươi tuổi. Thầy đảm trách hai chức vị, Thị giả và Tri khách, nghĩa là vừa chăm sóc Hoà thượng, vừa lo việc trong, việc ngoài ở chùa. Thầy bận rộn suốt ngày, nhưng lúc nào cũng tươi cười vui vẻ. Chưa bao giờ ai thấy Thầy sân si. Thầy luôn luôn giữ phép lục hoà, trên kính, dưới nhường, làm mọi việc trong chánh niệm tỉnh giác, cần mẫn tinh tiến trong việc tu học. Sau công phu tối, Thầy thường toạ thiền dưới gốc cây cổ thụ bên bờ hồ sau chùa. Từ khi còn thơ ấu, Thầy đã được sự dìu dắt dạy bảo ân cần của Thầy Bổn Sư.
Chú Tâm Bình mới tuổi đôi mươi, có cơ duyên xuống tóc xuất gia, thọ giới Sa di với Hoà thượng được một năm. Chú chăm lo làm việc, tiến tu, nhưng còn phải rèn luyện nhiều, dưới sự chỉ dẫn của Sư phụ và Sư huynh.
Hoà thượng năm nay đã ngoài tám mươi, người cao gầy, lưng thẳng, bản tính hiền hoà, ít nói cười, ít giao dịch, chuyên tâm tu niệm, đọc sách, dịch kinh và tuỳ duyên độ chúng. Ngài là một vị thầy đức độ khoan dung, một bậc chân tu thạc đức, học vấn uyên thâm. Ngài sống một cuộc đời khiêm cung giản dị, luôn luôn hoà đồng với tăng chúng, lấy nhẫn nhục từ bi làm hạnh.
Câu chuyện bổ củi và đóng đinh.
Hôm nay bầu trời quang đãng, ánh nắng ấm dịu sáng chiếu vào phòng, Hoà thượng đang ngồi viết sách. Bổng nhiên có tiếng chim kêu chíu chít ngoài vườn, khiến Ngài ngước mặt nhìn qua cửa sổ. Ngài thấy Chú Tâm Bình đang ngồi bổ củi, mặt đỏ gay, miệng lẩm bẩm, trông dáng điệu bất bình. Chú ném ra tứ phía những khúc gổ vừa được chẻ xong, còn chùi lia lịa mồ hôi nhễ nhại vào hai cánh tay áo. Ngài thấy thế, bèn đứng dậy, ung dung chẩm rải ra vườn đến gần Chú, vổ vai Chú, khẻ nói: “Thôi con ngừng đi, để Tâm An làm tiếp giúp con, vào nhà Thầy trao cho việc khác”.
Chú theo Sư phụ vào nhà. Sư phụ trao cho Chú một gói đinh và căn dặn: “Lúc nào con thấy bực tức hay là gây gổ với ai, không nhẫn nhục được, thì đi đóng một cái đinh vào hàng rào gổ quanh chùa. Cứ mỗi cột, đóng vào một cái đinh” Chú dạ, rồi rút lui.
Nhờ Thầy ở bên cạnh, Chú luôn luôn nhớ lời Thầy. Mỗi lần đóng đinh, Chú nhắm kỹ cho cây đinh đứng ngay chính giữa, Chú mím môi và đập cây búa xuống. Chú tự than thở: «Bổ củi còn dễ hơn đóng đinh vì đóng đinh có thể đập búa vào ngón tay nếu không chăm chú vào việc mình làm, không giữ vửng chánh niệm ». Ngày đầu Chú đóng hai chục cây đinh. Nhờ đóng đinh, Chú tập được chánh niệm và tánh nhẫn nhục. Vài tuần sau, Chú đã bớt dần đóng đinh vào hàng rào. Chú lại khám phá thêm rằng nhẫn nhục còn dể làm hơn là đóng đinh.
Cuối cùng, một ngày nọ, Chú không đóng một cây đinh nào cả vào hàng rào. Chú đi tìm Hoà thượng để thưa trình. Hoà thượng nói : « Ngày nào con bằng lòng vì thấy tâm thanh tịnh, biết nhẫn nhục, thì con gở một cây đinh ra ». Ngày qua ngày và cuối cùng Chú đến thưa với Hoà thượng : « Bạch Sư phụ, con đã gở hết đinh rồi ». Thầy nói : « Thầy rất mừng con đã tiến hành tốt. »
Chú Tâm Bình rất hãnh diện đã học được chánh niệm và nhẫn nhục. Nhưng một tháng sau, nhân dịp Hoà thượng đi cùng với Chú ra xem hàng rào, Thầy nói : « Con hãy nhìn những lỗ thủng còn lại. Hàng rào này sẽ không bao giờ được trở lại toàn hảo như xưa. Con phải nhớ, khi nào gây gổ với ai, hay nói một lời gì nặng, làm buồn lòng người kia, con để lại một vết thương cho người đó y hệt như lỗ thủng này. Dẫu rằng con có xin lỗi ngàn lần đi nữa, vết thương vẫn còn mãi không phai. Một vết thương bằng lời có khi làm đau đớn còn hơn vết thương gây ra trên thể xác ».
Khi còn lo tháo đinh, chú Tâm Bình để tâm tu học, nhưng khi tháo hết đinh ra, vì Chú căn bản chưa vững, nên còn phải học nhiều mới hết được sân si.
Câu chuyện gánh nước.
Một ngày nọ, mặt trời đã lặn sau rạng cây cổ thụ, nhiệt độ mát xuống, Hoà thượng đi dạo vườn. Từ xa, Ngài thấy Chú Tâm Bình đang gánh nước ở vườn sau chùa. Chú đá vào hai thùng nước bằng nhôm nghe cái « kẻng », thùng nước ngã lăn tới gần cái giếng. Hoà thượng chứng kiến việc trên. Ngài đi chầm chậm, khoan thai tiến về hướng Chú. Không thốt một lời, Ngài cúi xuống nhắc hai thùng nước lên, đem tới gần miệng giếng, thòng dây xuống giếng kéo nước lên từ chiếc thùng nhỏ, rồi sang nước từ thùng nhỏ qua hai thùng lớn, cột hai thùng nước vào hai đầu đòn gánh, cho cân đối, rồi nhún người xuống để đở đòn gánh lên vai mình. Mọi cử chỉ đều nhịp nhàng, điềm tĩnh. Thấy thế, Chú Tâm Bình sợ cuống cuồng, quỳ xuống cúi lạy. Ngài để gánh nươc cho Chú, rồi lẳng lặng đi vào nhà, không thốt một lời.
Thầy Tâm An ở nhà bếp nhìn ra cửa sổ chứng kiến việc trên, lắc đầu, mỉm cười ngao ngán.
Chuyện an cư kiết hạ
Một ngày khác, sau công phu chiều, trước khi hai đệ tử rút lui ra khỏi chánh điện, Hoà thượng lên tiếng: “Sau khi dọn nhà bếp sạch sẽ, hai con lên phòng Thầy ”. Hai người vâng dạ, rồi xuống nhà bếp.
Chú Tâm Bình quét bếp, nhưng lòng lo lắng, Chú thắc mắc, hỏi Thầy Tâm An : “ Tại sao Sư phụ gọi chúng mình vào phòng, chắc muốn quở rầy gì đó. Em thấy nóng nảy trong bụng không yên”.
Thầy Tâm An thốt lên: “Tâm Bình đang làm gì đó? ”
Chú trả lời: “ Em đang quét nhà ”.
Thầy Tâm An thản nhiên nói: “ Thế à ? ”, rồi lặng thinh không nói gì nửa.
Chú Tâm Bình càu nhàu hỏi lại: “ Em đang quét nhà, Anh không thấy sao còn hỏi ? ”
Thầy Tâm An ôn tồn giải thích: “ Em đang quét nhà, thì cứ chăm chú trong công việc mình đang làm, đừng nghĩ gì khác hết, đừng để vọng tưởng xâm chiếm vào tâm, phải nắm vửng chánh niệm trong hành động. Một lát nữa vào phòng Sư phụ là chuyện sắp tới, chừng đó hẳng hay, lo trước làm gì cho mệt tâm trí”.
Công việc nhà bếp lo chu đáo rồi, hai người lên yết kiến Sư phụ. Sư phụ nói: “ Năm nay, bên chùa Bạch Vân, Hoà thượng trụ trì Bửu Châu có mở mùa “an cư kiết hạ” để độ tăng chúng tinh tiến tu học, thêm được tuổi hạ, tuổi đạo, cho mau đắc quả. Thầy muốn gửi hai con đến đó tu học trong ba tháng. Sáng mai, chúng con nên lên đường sớm, để khỏi bị nắng nóng vào mùa này. Đây lá thư Thầy trao, gửi gấm hai con đến Hoà thượng Bửu Châu”.
Thầy Tâm An vâng lời, nhưng trong lòng không khỏi lo âu. Mình đi vắng, biết ai lo cho Sư phụ? Thầy mạnh dạn thưa: “ Bạch Sư phụ, có Chú Cư sĩ Minh Tánh hằng ngày đem hoa quả lên chùa cúng Phật, nếu Sư phụ cần con, Sư Phụ nhắn Chú gọi con về, con sẽ về ngay”. Ngài hiền từ trả lời : “ Mang thân tứ đại vô thường của một kiếp nhân sinh, thì phải chịu sự chi phối của bốn tướng sinh, già, bệnh, tử. Con có ở gần Thầy đi nửa, nếu lúc giờ đã điểm, Thầy phải rời cái thân tứ đại này, thì cũng không làm sao tránh khỏi ! ”. Thầy Tâm An cung kính nhận lời Sư phụ, dơ tay nhận lấy lá thư.
Sáng hôm sau, khi gà vừa gáy, Thầy Tâm An đã thức dậy, gánh nước đổ đầy hai lu lớn kê cạnh nhà bếp. Thầy ra vườn khuân củi chất đầy dưới lò bếp. Sau đó, Thầy nấu nướng thật nhiều món ăn để dành và châm đầy một bình trà nóng. Trước khi ra đi, Thầy lên thắp nhang trên chánh điện, ghé qua phòng Sư phụ, đẩy nhẹ cánh cửa phòng. Thấy Sư phụ đang ngồi toạ thiền, Thầy yên chí, đưa tay đẩy nhẹ cửa ngỏ chùa, lách nhanh ra ngoài. Thầy và Chú Tâm Bình xách gói ra đi.
Mặt trời mới lên, ánh nắng ấm chiếu sáng. Chùa Bạch Vân cách xa chùa Kim Liên khá xa, đi cũng phải mất gần nửa buổi. Tại sao gọi là chùa Bạch Vân? Vì chùa toạ lạc trên đỉnh núi, xa xa bao giờ cũng thấy có đám mây trắng bao phủ hết phân nửa ngôi chùa. Chùa như treo lủng lẳng giữa trời, thật là ảo huyền.
Đi được một đổi xa, nghe gió đưa lại tiếng chuông chùa ngân nga, hai người nhìn nhau mỉm cười, yên chí biết giờ này Sư phụ đã xong thời khoá tụng kinh Pháp và đảnh lễ hồng danh Chư Phật. Sau cùng Sư phụ mới đánh chuông để Chư Phật chứng giám lòng thành kính. Giờ này vầng thái dương đã lên cao, ánh nắng bắt đầu chiếu đốt mạnh vào da người.
Trước khi trèo lên đỉnh núi để đi đến chùa Bạch Vân, hai người phải đi qua một bãi cát cạnh bờ biển. Hơi nóng của cát bốc lên càng tăng thêm nhiệt độ. Vừa xa Sư phụ Chú Tâm Bình đã quên hẳn “bài học đóng đinh”. Chú cằn nhằn, cau có, than phiền là nóng quá chịu không nổi, trách Thầy Tâm An đã đi ra khỏi chùa quá trể., Thầy Tâm An lặng im. Vì giữ vững chánh niệm nên Thầy không cảm nhận thời tiết bên ngoài và vì giữ luôn được tính nhẫn nhục, Thầy không gây gổ với Chú Tâm Bình. Thầy đi tìm một que củi khô, cúi xuống viết trên cát chữ :“Sân si“, và đề ngày, tháng, năm. Chú Tâm Bình tò mò hỏi: “ Sư huynh viết thế làm gì vậy?” Thầy không trả lời, vứt que củi khô, và tiếp tục đi.
Đến chân núi, hai người bắt đầu leo dốc lên đỉnh núi rất vất vã mệt nhọc. Thỉnh thoảng phải dừng chân lại nghỉ mệt. Càng lên cao, càng khó đi, con đường mòn hẹp lại, một bên là vách núi cao sừng sửng, một bên là vực thẳm. Thầy Tâm An tuy đã học sâu chánh niệm, nhưng lần đầu tiên xa chùa, xa Sư Phụ, lòng không yên. Chưa bao giờ Thầy đi xa Sư phụ quá ba ngày, kỳ này đi tới ba tháng trong mùa an cư kiết hạ. Sư phụ già yếu, biết ai chăm sóc nếu đau ốm đêm khuya trơ trọi một mình? Thầy lại mơ màng vào việc học mới trên chùa Bạch Vân. Thình lình, Thầy trợt chân, té ngã, lăn xuống dốc. May Chú Tâm Bình nhanh chân chạy theo, chụp lại kịp thời, không thì rơi xuống hố sâu. Chỉ trong một vài phút không giữ chánh niệm vào những bước chân, vọng tưởng đã kéo vào xâm chiếm. Thầy Tâm An ngất đi, một lúc sau mới tỉnh lại. Khi tỉnh hồn, Thầy tìm một hòn đá sỏi, khắc chữ vào một tảng đá gần đó, cũng đề ngày, tháng, năm. Chú Tâm Bình lại hỏi: “Sư huynh làm gì vậy?” Thầy Tâm An trả lời: “ Hồi nãy, tôi viết chữ “Sân si“ trên cát, vì sự bực tức của chú là chuyện phù du. Khi một cơn gió thổi đến, hoặc một làn sóng đập vào, chữ sẽ tan biến đi, không còn gì nữa. Vừa rồi, Chú cứu mạng tôi, nên tôi phải ghi khắc vào đá để nhớ ơn mãi. Trong cuộc sống hằng ngày, Chú lúc nào cũng phải suy nghĩ, chuyện gì như chữ trên cát phải quên đi, và chuyện gì như chữ trên đá, phải luôn luôn ghi nhớ.”
Hai người tiếp tục rảo bước leo lên đoạn đường cuối, để tới nơi dự lễ trước giờ ngọ.
Trên đường xuất gia hay tại gia, phải «giữ chánh niệm và nhẫn nhục». Đó là hai học tập đầu tiên, là chìa khoá mở cửa vào « nhà tu học giáo lý giải thoát ». Mổi việc mình làm trong đời sống thường ngày phải ở trong chánh niệm tỉnh giác. Phần khác, ai nói xấu mình hay gây gổ với mình, mình phải từ bi nhẫn nhục. Hai hạnh đó tưởng dể mà khó làm, phải nhiều năm rèn luyện mới thành đạt. Muốn đạt được hai đức tính nói trên, người đệ tử xuất gia hay người phật tử tại gia, lúc đầu rất cần sự chỉ dẫn, dìu dắt, dạy bảo của một bậc chân tu đức độ.