Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Có một người đến nhà người quen chơi, nhìn thấy ống khói trên bếp nhà chủ nhà có dáng thẳng đứng, bên cạnh lại để rất nhiều gỗ củi, liền bảo chủ nhà ống khói này nên uốn cong lại, gỗ củi phải chuyển đi nơi khác, nếu không sẽ rất dễ gây hỏa hoạn. Chủ nhà nghe xong thờ ơ, không có một chút phản ứng gì.

Không lâu sau, trong nhà quả nhiên bị cháy, hàng xóm xung quanh vội vàng đến dập lửa giúp. Thật may là cuối cùng lửa cũng được dập trước khi gây hậu quả nghiêm trọng.

Chủ nhà đã đãi tiệc làm cơm mời hàng xóm đến để cảm tạ công dập lửa nhưng không hề mời người khách mà trước đó đã đưa ra lời khuyên về việc thay đổi ống khói, chuyển củi đi nơi khác cho mình.

Có người nói với chủ nhà: "Nếu như lúc đầu nghe lời người kia thì hôm nay đã không cần phải chuẩn bị tiệc  và cũng không có tổn thất nào cả.

Bây giờ luận công lao, đáng lẽ ra phải cảm ơn người kia mới đúng, người ngồi ở bàn tiệc này đáng lẽ ra phải là người kia chứ không phải là những người dập lửa. Tôi cảm thấy thật là kỳ lạ."

Chủ nhà nghe xong bỗng giật mình, vội vàng đi mời người lúc đầu đưa ra ý kiến đến tham dự tiệc rượu cùng.

Lời bình

Người bình thường cho rằng, người có thể xử lý hoặc giải quyết các vấn đề nan giải trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp chính là người quản lý ưu tú, nhưng thực ra vẫn cần phải xem xét thêm.

Tục ngữ có câu: "Phòng bệnh hơn chữa bệnh"-Ngăn chặn rắc rối trước khi nó xảy ra tốt hơn là đi giải quyết rắc rối khi nó đã xảy ra rồi. Từ góc độ đó ta nhận thấy người có thể dự đoán trước được các vấn đề của doanh nghiệp tốt hơn là người chỉ biết giải quyết vấn đề.

Người giỏi nhất

Ngụy Văn Vương hỏi danh y Biển Thước: "Ba anh em nhà ông đều tinh thông y thuật, vậy xin hỏi vị nào là giỏi nhất?"

Biển Thước đáp: "Huynh trưởng là giỏi nhất, sau đó đến huynh thứ, người kém nhất là tôi."

Văn Vương lại hỏi: "Thế tại sao ông lại là người nổi danh nhất?"

Biển Thước trả lời: "Huynh trưởng của tôi chuyên chữa bệnh trước khi mà bệnh tình phát tác. Do đó mà mọi người thường không nhận ra là huynh ấy đang diệt trừ nguyên nhân gây bệnh trước. Thế nên mà danh tiếng của huynh ấy không được truyền ra ngoài, chỉ có trong gia đình chúng tôi mới biết.

Huynh thứ của tôi chuyên chữa những bệnh khi vẫn còn ở trong giai đoạn đầu. Người bình thường cho rằng huynh ấy chỉ có thể chữa được những bệnh vặt, bệnh nhẹ. Vì vậy mà danh tiếng của anh ấy chỉ lưu truyền ở trong làng xã.

Còn tôi, tôi chuyên chữa những bệnh khi mà nó đã ở giai đoạn nghiêm trọng. Mọi người thấy tôi châm cứu qua kinh mạch để cầm máu, bó thuốc hay làm các đại phẫu thuật mà cho rằng y thuật của tôi xuất sắc nên danh tiếng mới vang khắp cả nước.

Văn Vương gật gù nói: "Ông nói thật có lý."

Lời bình

Việc đã xảy ra rồi mới đi giải quyết không bằng giải quyết trong lúc việc đó đang diễn ra, giải quyết việc trong lúc đang diễn ra không bằng giải quyết trước khi sự việc xảy ra.

Nhưng đáng tiếc là nhiều người chưa nhận ra điều này, đợi đến khi quyết định sai lầm của bản thân đã gây ra tổn thất to lớn mới đi tìm cách giải quyết, tìm cách bù đắp, thậm chí đến lúc mất bò mới lo làm chuồng thì đã quá muộn.

Giải quyết vấn đề từ khi mới manh nha sẽ đơn giản và hiệu quả hơn là để nó trở nên phức tạp rồi mới hành động. 

Mua củi

Có một tú tài đi mua củi, anh ta dùng lối nói văn vẻ nói với người bán củi rằng:" Hà tân giả qua đây!" Người bán củi nghe không hiểu 3 từ " hà tân giả" (người gánh củi), nhưng nghe hiểu 2 từ "qua đây", liền gánh củi đến trước mặt tú tài.

Tú tài liền hỏi:"Kỳ giá như hà?" Người bán củi nghe không hiểu câu này, nhưng nghe hiểu từ "giá", liền nói giá tiền cho tú tài.

Tú tài tiếp tục nói:" Ngoại thực nhi nội hư, yên đa nhi diễm thiểu, thỉnh tổn chi (Nghĩa là Củi của anh bên ngoài là khô, nhưng bên trong lại ẩm, khi đốt cháy khói thì nhiều mà lửa thì ít, xin hãy giảm giá.)"

Người bán củi vì không nghe hiểu lời của tú tài, liền gánh củi bỏ đi.

Lời bình

Trong cách giao tiếp hàng ngày, người quản lý nên dùng những lời nói đơn giản, dễ hiểu để truyền tải thông tin, hơn nữa nên nắm rõ về đối tượng và thời điểm khi nói, có lúc văn vẻ quá đà lại không đạt được mục tiêu mong muốn.

Hãy nghe hết câu

Người dẫn chương trình nổi tiếng của Mỹ - Linklater một ngày nọ có phỏng vấn một bạn nhỏ: "Sau khi em lớn lên, em muốn làm gì?".

Cậu bạn nhỏ rất hồn nhiên đáp: "Em... Em muốn trở thành một phi hành gia!" Linklater tiếp tục hỏi: "Nếu như có một ngày, máy bay của em bay qua vùng trời Thái Bình Dương bỗng nhiên động cơ ngừng hoạt động, vậy thì em sẽ làm như thế nào?

Cậu bạn nhỏ nghĩ một lúc: "Em sẽ bảo các hành khách ngồi trên máy bay thắt chặt dây an toàn, sau đó em sẽ treo dù và nhảy ra ngoài."

Lúc đó, khán giả ngồi trong  sân khấu cười nghiêng cười ngả. Người dẫn chương trình tiếp tục quan sát cậu bé, xem xem cậu có phải là một cậu bé thông minh hay không?

Bỗng nhiên, hai dòng lệ dưng dưng lăn trào trên má cậu bé. Trong khoảnh khắc đó, Linklater đã nhận ra tình cảm thương xót, lòng trắc ẩn sâu sắc trong cậu bé mà không bút mực nào có thể diễn tả được.

Thấy vậy, Linklater đã đặc biệt hỏi cậu bé: "Vì điều gì mà em lại làm như vậy?".

Câu trả lời của cậu bé đã dần dần hé lộ được suy nghĩ chân thành trong cậu: "Em phải đi lấy nhiên liệu, em nhất định sẽ quay trở về!"

Lời bình

Lúc nghe người khác nói chuyện, liệu bạn có nghe hiểu hết ý của người đó hay không? Bạn thật sự hiểu không? Nếu chưa hiểu, xin hãy lắng nghe người đó nói hết câu chuyện. Đó chính là "Nghệ thuật lắng nghe":

1. Đừng bao giờ nghe nửa vời.

2. Đừng bao giờ đem cách nghĩ của mình để áp đặt lên suy nghĩ của người khác.
 

Sưu Tầm