Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Mỗi người trong chúng ta từ phàm phu cho đến thánh nhân đều có những ước nguyện cho chính mình, nhưng nếu ước nguyện với tâm thanh tịnh, với khẩu thanh tinh, với thân thanh tịnh, thì mọi ước nguyện đều trở thành thánh thiện. Ngược lại nếu lời nguyện cầu mà trong đó có mang theo tỳ vết của phiền não, của ác pháp thì đều không có lời nguyện thánh thiện
Người Việt Nam thường có quan niệm “đầu xuôi đuôi lọt”. Bởi vậy, ngày xuân được xem là bắt đầu cho ngày mới, và mùa xuân cũng là mùa đi đầu trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Chính vì thế, vào những ngày đầu xuân, ngoài việc tổ chức đoàn tụ gia đình, lễ bái tổ tiên, thăm hỏi chúc tụng, trao cho nhau những lời hay ý đẹp v.v…, mọi người còn đến chùa, nhà thờ hay đình miếu để cầu nguyện. Bởi mọi người ý thức rằng, lời cầu nguyện, ước nguyện vào ngày đầu xuân, sẽ giúp cho họ có được sự bình an may mắn trãi dài trong suốt một năm. Cũng nói về  lời ước nguyện ấy, cách đây hơn 2600 năm về trước, Thế Tôn - bậc thầy giác ngộ đã huấn thị cho các học trò của mình những lời ước nguyện thật dễ thương, thật đầy ý nghĩa sống. Bài viết này, tác giả xin trích dẫn lời dạy ấy, để chúng ta cùng nhau học hỏi, và trao cho nhau những ước nguyện ngày đầu xuân.

Xuất phát từ mạch nguồn thánh điển thiêng liêng nguyên thủy, trong “Trung bộ, kinh ước nguyện”[i] Đức Thế Tôn đã giảng dạy cho các học trò của mình thực hành pháp bằng những lời ước nguyện như sau:

Lời ước nguyện thứ nhất

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng ta được các đồng phạm hạnh thương mến, yêu quý, cung kính và tôn trọng!"

Lời ước nguyện thứ hai

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng ta được các vật dụng như y phục, các món ăn khất thực, sàng tọa và các dược phẩm trị bệnh!"

Lời ước nguyện thứ ba

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng ta nay hưởng thọ các vật dụng như y phục, các món ăn khất thực, sàng tọa và các dược phẩm trị bệnh! Mong rằng hành động của những vị tạo ra các vật dụng ấy được quả báo lớn, được lợi ích lớn!"

Lời ước nguyện thứ tư

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng những bà con huyết thống với ta, khi họ chết và mệnh chung, nghĩ (đến ta) với tâm hoan hỷ (và nhờ vậy) được quả báo lớn, lợi ích lớn!"

Lời ước nguyện thứ năm

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng ta nhiếp phục lạc và bất lạc, chớ không phải bất lạc nhiếp phục ta. Mong rằng ta sống luôn luôn nhiếp phục bất lạc được khởi lên!"

Lời ước nguyện thứ sáu

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng ta nhiếp phục khiếp đảm và sợ hãi, chớ không phải khiếp đảm và sợ hãi nhiếp phục ta! Mong rằng ta sống luôn luôn nhiếp phục khiếp đảm và sợ hãi được khởi lên!"

Lời ước nguyện thứ bảy

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng, tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, ta chứng được bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú!"

Lời ước nguyện thứ tám

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Có những giải thoát tịch tĩnh, siêu thoát Sắc giới, thuộc Vô sắc giới. Mong rằng ta có thể cảm xúc với thân và sống an trú trong cảnh giới ấy!"

Lời ước nguyện thứ chín

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng ta trừ diệt ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, không còn bị đọa lạc, chắc chắn hướng đến Chánh giác!"

Lời ước nguyện thứ mười

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng trừ diệt ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si, ta chứng được Nhứt Lai, chỉ phải trở lại đời một lần nữa để đoạn tận khổ đau!"

Lời ước nguyện thứ mười một

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng, trừ diệt năm hạ phần kiết sử, ta được hóa sanh, chứng được Niết-bàn ngay tại cảnh giới ấy, không còn trở lui thế giới này nữa!"

Lời ước nguyện thứ mười hai

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng ta chứng được các loại thần thông! Một thân ta hiện ra nhiều thân, nhiều thân ta hiện ra một thân; ta hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua thành, qua núi như đi ngang hư không, ta độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; ta đi trên nước không chìm như trên đất liền; ta ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, ta chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; ta có thể, thân ta có thần thông bay cho đến Phạm Thiên!"

Lời ước nguyện thứ mười ba

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng, với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, ta có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và loài Người, ở xa hay ở gần!"

Lời ước nguyện thứ mười bốn

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng với tâm của ta, ta biết được tâm của các chúng sanh và loài Người. Tâm có tham, ta biết tâm có tham. Tâm không tham, ta biết tâm không tham. Tâm có sân, ta biết tâm có sân. Tâm không sân, ta biết tâm không sân. Tâm có si, ta biết tâm có si. Tâm không si, ta biết tâm không si. Tâm chuyên chú, ta biết tâm chuyên chú. Tâm tán loạn, ta biết tâm tán loạn. Tâm đại hành, ta biết tâm đại hành. Tâm không đại hành, ta biết tâm không đại hành. Tâm chưa vô thượng, ta biết tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng, ta biết tâm vô thượng. Tâm Thiền định, ta biết tâm Thiền định. Tâm không Thiền định, ta biết tâm không Thiền định. Tâm giải thoát, ta biết tâm giải thoát. Tâm không giải thoát, ta biết tâm không giải thoát!"

Lời ước nguyện thứ mười lăm

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp, ta nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, thọ mạng đến mức như thế này, Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, thọ mạng đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây!"

Lời ước nguyện thứ mười sáu

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Mong rằng với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, ta thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của chúng. Các Tôn giả, chúng sanh nào làm những ác hạnh về thân, về lời và về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn các Tôn giả, chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, về lời và về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, ta với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh, ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ!"

Lời ước nguyện thứ mười bảy

Nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: "Với sự diệt trừ các lậu hoặc, sau khi tự tri tự chứng, ta chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát không có lậu hoặc!"

Qua bài kinh này, chúng ta có thể thấy được những lời ước nguyện mà Bậc Đạo Sư đã gợi ý cho chúng đệ tử, thật rất đổi dễ thương, rất đổi tình người, rất đổi triết lý sống, và hơn nữa là sự chứa đựng lòng từ vô hạn của Bậc Thầy đối với chúng đệ tử. Những lời nguyện ước được đi từ thấp đến cao, bắt đầu từ những lời nguyện mong sao cuộc sống được đầy đủ những phẩm vật cơ bản như cơm áo, thuốc thang và các vật dụng hằng ngày, mong sao trong mối tương quan giao tiếp ở ngoài xã hội được trở nên tốt đẹp, mong sao mối quan hệ tương liên với người thân được cùng nhau chia sẻ phước đức, ước nguyện được chứng đắc các thánh quả, ước nguyện chứng đắc các cảnh giới của thiền định… cho đến ước nguyện thành tựu con đường an lạc hạnh phúc. Tất cả những lời nguyện ấy đã hàm chứa nội dung của tự lợi và lợi tha, ấy chính là hoàn thành nhân cách sống của mình, bằng cách tự thân nổ lực tu tập, nhận chân được đâu là thiện pháp đâu là bất thiện pháp; nhận chân được sự sinh khởi của phiền não, đứng trên đỉnh đầu của phiền não, và chuyển hóa phiền não ấy theo con đường hướng thiện, tức là chuyển hóa phiền não thành bồ đề. Đây chính là ý nghĩa nội hàm của tự lợi. Còn lợi tha, đem những hạt giống của thiện pháp, những hoa trái của an lạc, để gởi tặng cho người thân và mọi người xung quanh, cùng hướng về bến giác vô biên. Nhưng vấn đề ở đây chúng ta cần đặt ra rằng, làm thế nào để thành tựa những lời ước nguyện trên? Điều này được Thế tôn trả lời trong kinh văn rằng: “Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịnh.” Như vậy, chúng ta có thể tự nhận biết, nếu muốn thành tựa những lời ước nguyện chân chánh, mỗi người phải tự thân an trú trong giới, an trụ trong định và an trú trong tuệ. Và chúng ta cần ý thức rằng, nếu trong ta có sự an lạc của thân và tâm được dẫn dắt bởi thiện nghiệp thì mọi ước nguyện đều thánh thiện, còn nếu trong ta mang theo bao nỗi buồn phiền, đầy ấp những phiền não khổ đau thì mọi ước nguyện chưa hẳn đã là thánh thiện.

            Mỗi người trong chúng ta từ phàm phu cho đến thánh nhân đều có những ước nguyện cho chính mình, nhưng nếu ước nguyện với tâm thanh tịnh, với khẩu thanh tinh, với thân thanh tịnh, thì mọi ước nguyện đều trở thành thánh thiện. Ngược lại nếu lời nguyện cầu mà trong đó có mang theo tỳ vết của phiền não, của ác pháp thì đều không có lời nguyện thánh thiện.

            Lời ước nguyện cũng chính là động lực để thúc đẩy chúng ta trên bước đường học đạo, hành đạo và chứng đạo. Nếu động lực chân chánh thì sẽ dẫn đến con đường an lạc, hạnh phúc. Nếu động lực không chân chánh sẽ dẫn lối đi về con đường bất an và khổ đau.

            Lời ước nguyện trong sáng, dễ thương và thánh thiện, là lời ước nguyện được xây dựng trên nền tảng của giới thể trang nghiêm, của thiền định vững chải, và tuệ giác kiên cố. Chính vì thế, chúng ta phải biết dùng chất liệu tam vô lậu học để cho chính mình cũng như dâng tặng cho người thân của mình lời ước nguyện đầu xuân. Với lời ước nguyện như vậy, mới đích thực là ước nguyện của hạnh phúc, của an lạc. Và với lời ước nguyện ấy, ta sẽ có được mùa xuân miên viễn giải thoát.

 

                                                                                                                        Virginia Beach 23.01.2013

                                                                                                                          Thích Chúc Đại

 


[i] Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch: Kinh Trung bộ tập I, kinh ước nguyện, p.79-86. NXBTG 2003.

  Có thể đối chiếu nguyên bản hán tạng: 《中阿含經》,〈因品〉, (105經-願經) 卷26 (大正1, 595c11596b8).

  Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ: Kinh trung a hàm, Phẩm thứ 9 Nhân phẩm, 105 Kinh nguyện.

  Sau khi đối chiếu các bản kinh trên, tác giả thấy có những điểm sai khác, nhưng trong phạm vi bài viết này không đề cập đến.

  Nếu quý vị nào muốn tìm hiểu thêm có thể khảo sát.

 
Nguồn: Đạo Phật Ngày Nay