Có nhiều người, một mặt thì phàn nàn về sự nghèo khó, mặt khác lại cảm thấy thoải mái với hiện tại và tự an ủi mình rằng: Khi còn trẻ, nghèo cũng chẳng sao.
Nếu chúng ta cứ luôn dùng đủ loại lý do để bao biện cho sự lười biếng của mình, vậy đến 30 tuổi, nhất định sẽ bị cuộc sống cho một cái tát thật vang vào mặt.
1. Thực tế chưa bao giờ yên bình như suy nghĩ.
Một người phụ nữ đến quán cháo ăn sáng, nhưng chỉ vì tìm mãi vẫn không thấy thịt trong cháo nên đã cãi nhau với chủ quán.
Ông chủ giải thích rằng thịt được xay nhuyễn, hòa tan vào cháo. Người phụ nữ vẫn không tin, càng cãi càng kích động, cuối cùng bật khóc.
Người xung quanh thấy vậy liền an ủi: "Chỉ vì bát cháo cãi nhau thế không đáng đâu."
Người phụ nữ vừa khóc vừa nói: "Tôi không khóc vì bát cháo. Tôi khóc vì tại sao 30 tuổi rồi còn phải gây gổ với người khác vì chuyện nhỏ nhặt này. Đây không phải cuộc sống tôi mong muốn!"
Có ai khi còn trẻ biết được sau này sẽ phải sống mất thể diện thế này đâu. Thực tế chưa bao giờ dịu dàng với bất cứ ai. Nếu năm 20 tuổi bạn không chăm chỉ, vậy 30 tuổi bạn nhất định sẽ phải trả giá.
Nghèo không phải cái tội, nhưng nghèo nhất định phải chịu nhiều thiệt thòi.
2.Nỗ lực kiếm tiền là để có nhiều lựa chọn hơn.
Nhiều bạn trẻ, thậm chí là con nít bây giờ, đều hay dùng hai từ "Trầm cảm" treo cửa miệng. Nhưng họ lại không biết, người thực sự mắc căn bệnh này, người ta giấu còn không kịp, chứ không phải dùng nó để làm lý do biện hộ cho hội chứng "bệnh nhàn hạ" của mình.
Thời còn học đại học, tôi từng đi dạy gia sư, học trò tôi mỗi khi lười học đều nói với ba mẹ, con muốn trầm cảm rồi, thế là hôm sau ba mẹ bọn trẻ liền cho nghỉ học đi chơi. Lý do đó bọn trẻ dùng cả trăm lần đều hữu hiệu như ngày đầu.
Còn trẻ, là còn khó khăn, còn rắc rối phát sinh: Nào là đồng nghiệp xấu, tiền nhà tới nhanh, làm nhiều lương ít...
Mà có nhiều người nói rằng, 90% những rắc rối này, đều có thể giải quyết được bằng tiền. Thế nên theo đuổi việc kiếm tiền chẳng có gì là thô tục hay xấu hổ.
Tiền giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian, có nhiều lựa chọn hơn trong cuộc sống hơn. Có tiền, bạn có thể đăng kí khóa học nghệ thuật mà bạn thầm thích từ nhỏ, bạn có thể đưa cha mẹ đi du lịch, bạn có thể đi từ thiện mà không cần lo lắng về việc thiếu thốn kinh tế...
3. Hãy coi kiếm tiền là một kĩ năng cần học.
Trước đó, một người bạn đã phàn nàn với tôi rằng anh ấy vừa xin nghỉ việc. Tôi hỏi anh ấy tại sao thì anh ấy nói là do vô tình nhìn thấy phiếu lương của đồng nghiệp.
Rõ ràng anh ấy có kinh nghiệm làm việc lâu năm hơn đồng nghiệp, nhưng mức lương hai người lại ngang nhau.
Robert Kiyosaki đã viết trong "Cha giàu, cha nghèo" rằng: "Lý do chính khiến người ta đấu tranh kiếm tiền nhưng khó giàu có là vì dù học ở trường nhiều năm, vẫn tiếp thu rất ít kiến thức về tiền bạc."
Hãy sớm học cách kiếm tiền, tiếp thu nhiều kiến thức kinh tế học, hiểu rõ bản thân và lập kế hoạch thật tốt để biến ưu điểm của bản thân thành lợi thế mở đường.
Nếu không sau tuổi trung niên, bạn chỉ có thể làm những việc mình không thích, cố gắng kiếm những đồng tiền khổ cực và sống những ngày chán nản, vô vị.
Có mấy điều nhất định sẽ hữu ích với bạn:
Thứ nhất: Học cách tiết kiệm tiền. Theo thu nhập hằng tháng, bạn hãy chia ra một khoản theo tỷ lệ thích hợp để gửi ngân hàng hoặc bỏ ống.
Thứ hai: Phát triển thói quen ghi lại chi tiêu. Phân tích báo cáo chi tiêu hằng tháng sẽ giúp bạn loại bỏ những lần chi tiêu không hợp lý.
Thứ ba: Lập kế hoạch cho sự nghiệp một cách cẩn thận nếu hiện tại bạn chỉ dựa vào một khoản lương cố định. Muốn được như vậy, cải thiện bản thân là việc nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Thứ tư: Cố gắng làm đa dạng nguồn thu nhập. Dựa theo thói quen, sở thích, sở trường để làm thêm nghề tay trái.
Thứ năm: Học cách đầu tư và quản lý tiền bạc. Khi có một số tiền tiết kiệm nhất định, hãy bắt đầu dùng tiền kiếm tiền. Lúc mới bắt đầu có thể thực hiện chiến lược an toàn, sau đó hãy cố gắng phát huy rộng hơn, nhưng nhớ đừng đầu tư mù quáng.
Còn trẻ, còn có quyền than nghèo, thoải mái nói với người khác mình nghèo. Nhưng khi bạn đến tuổi trung niên, nó chỉ làm bạn làm giảm giá trị bản thân, hạ thấp ý chí chiến đấu...
Hãy luôn dũng cảm tiến về phía trước, theo đuổi ước mơ và kiếm thật nhiều tiền để có thể sống theo lý tưởng của mình.
Theo Empathy - Doanh nghiệp và tiếp thị