- Dạ mời bác ăn bánh bao chay...
Ông bảo vệ chợ nghiêm mặt bắt bẻ:
- Nhìn là biết bánh bao chay rồi, chẳng lẽ Sư cô bán bánh bao mặn sao?
Sư cô Nhỏ đỏ mặt bối rối.
Mấy bà bán hàng gần đó nhao nhao trách ông bảo vệ đã không mua giùm thì thôi, lại còn trêu chọc Sư cô Nhỏ làm chi. Ông bảo vệ vẫn không thôi, tỉnh bơ tiếp tục:
- Nhìn cái bánh tròn đầy u lên một cục như vậy ai chẳng biết là bánh bao, cho nên chỉ cần nói “mời bác ăn bánh”, bỏ bớt chữ bao luôn.
Lần này thì ông bảo vệ bị hớ nặng, chơi chữ thì mấy bà bán hàng miệng mồm mấy cũng đành chịu thua ông bảo vệ vốn là giáo viên tiểu học về hưu, nhưng đụng tới hình dáng bánh trái thì làm sao qua mặt dân chợ là đàn bà được chứ. Phe đàn bà lập tức phản công ngay:
- Bánh cam cũng tròn quay và u một cục nghen ông.
- Bánh cống.
- Bánh ít trần.
- Bánh trôi nước.
- Bánh bông lan.
Đang giơ hai tay che đầu tỏ ý mình bị đánh hội đồng, ông bảo vệ rộng miệng cười chớp lấy cơ hội:
- Bông lan mà u một cục thì tui chưa thấy bao giờ, ai có cho tui một nhánh ngắm nghía thử.
Cả chợ í ó. Chơi chữ kiểu này là ăn gian. Họ nhao nhao đòi phạt ông phải mua hai cái bánh bao mới được. Ông bảo vệ thò tay vô túi móc tiền mua luôn năm cái và rút điện thoại ra nói oang oang “Trưa nay nhà mình khỏi nấu cơm nghen em”. Ai nấy cười vui vẻ. Rồi thì ai cũng thò tay tới mâm bánh bao, người ít nhất cũng lấy hai cái.
Người ta thắc mắc sao cái giỏ nhìn to đùng mà số bánh bao bày ra không tương xứng, mới biết Sư cô Nhỏ lót rất nhiều lớp giấy báo và vải vụn như người ta độn giỏ đựng ấm trà để giữ cho bánh bao được nóng lâu.
Hỏi ra mới biết thêm điều nữa là Sư cô Nhỏ ở xa lắm, mỗi sáng phải đạp xe gần hai chục cây số mới ra tới chợ. Làm ngay một phép tính cộng đơn giản là ra mỗi ngày Sư cô Nhỏ phải đạp xe bốn chục cây số đi về, ờ, sáng sớm thì còn mát mẻ, buổi trưa nắng chang chang, và ngày mưa nữa.
- Sao Sư cô không bán ở chợ gần gần cho đỡ cực? - Một người ái ngại hỏi.
Sư cô Nhỏ bối rối, rồi nhỏ nhẹ:
- Dạ, chắc là trò có duyên với cô bác ở chợ này.
Câu nói khiến dân chợ nao nao trong lòng, rồi thở dài “Đường tu hành cũng lướng vướng duyên nợ như đường đời chớ có phải”.
*
Dân chợ nhiệt tình ủng hộ Sư cô Nhỏ nhưng thật lòng là ăn hoài một món bánh bao cũng ngán cho nên họ yêu cầu Sư cô Nhỏ đổi món.
Hôm sau, Sư cô Nhỏ bán bánh mì. Sinh chuyện.
Bánh bao thì chỉ có một mình Sư cô Nhỏ bán, còn bánh mì thì đã có tới ba xe bánh mì ở cổng trước cổng sau và góc chợ. Chuyện áo cơm...
Sư cô Nhỏ trở thành đối thủ của cả ba. Thì thà thì thào là bánh mì chay lạ miệng cũng ngon nhưng mà không được nóng giòn, chan sẵn nước lèo lại còn ủ kín nữa thì không bị mềm nhũn mới là lạ. Khách ủng hộ bánh mì chay cũng nói với Sư cô Nhỏ là bánh mì bị nhũn thì ăn không ngon.
*
Mấy ngày trôi qua rồi cả tháng trôi qua, không thấy Sư cô Nhỏ tới chợ, người ta hỏi nhau rồi dò đoán lung tung.
Người thì nói có lẽ vì mùa mưa tới, chợ xa chùa quá cho nên bất tiện.
Người thì nói chắc là tại tụi mình chê bánh mì mềm khiến Sư cô Nhỏ mắc cỡ. Ừ, đúng rồi.
- Sư cô Nhỏ đang nghĩ như vầy nè - Ông bảo vệ lý lẽ - Khách mua vì ủng hộ là chính mà phụ lòng khách thì mặt mũi nào. Vậy đó.
- Tội lỗi tội lỗi quá chừng - Bà Hồng tạp hóa đập mạnh hai tay vô hai bên đầu mình - Ngày nào cũng gặp nhau giữa chợ cho nên mình quen thói chợ búa. Mua bánh của Sư cô Nhỏ thì đâu phải vì chuyện ăn uống mà lần hồi sao mình lại đòi đổi món, rồi chê bánh mì mềm, bây giờ thì còn cho là mình ủng hộ rồi bị phụ lòng... Trời ơi...
Ai nấy sực như tỉnh ra. Đúng là tội lỗi quá. Phải sám hối. Nhưng mà sám hối cái miệng suông đâu có được. Ai biết Sư cô Nhỏ ở chùa nào không? Không chính xác, chỉ nhớ là có lần Sư cô Nhỏ nói chùa xa chợ hai chục cây số. Chắc là chùa của Sư cô Nhỏ nghèo lắm cho nên trụ trì mới để đệ tử nhỏ bé phải bươn chải giữa chợ đời. Ờ, muốn sáu giờ sáng tới chợ thì phải bắt đầu đạp xe lúc năm giờ và phải dậy sớm từ trước đó nữa để làm hàng... Trời, con cháu mình trạc tuổi đó vẫn còn nhõng nha nhõng nhẽo.
Nói năng một hồi lan man dài qua chuyện khác, ờ, kể ra cũng đáng ghen tỵ, đạo chẳng khác chi đời là mấy, có ai thấy chú tiểu hay quý thầy vất vả bán bánh bán nấm bán nhang không?
Ông bảo vệ phản ứng tức thì:
- Mấy bà bán hàng ở chợ ai cũng nhìn thấy còn khi tui đi làm rẫy thì chỉ có giun dế biết mà thôi.
- Ờ há!
*
Rằm, dân chợ thường rủ nhau mua gạo và dầu đi cúng thập tự. Dân chợ có sẵn một danh sách các chùa nghèo vùng ven, đợt này cúng mười chùa hướng Đông thì đợt sau cúng mười chùa hướng Nam... Chọn cách đi như vậy thì vừa tiết kiệm chi phí xăng xe vừa thuận tiện thời gian.
Nhưng lần này thì dân chợ chấp nhận tốn tiền xăng quyết tìm cho ra Sư cô Nhỏ. Ông bảo vệ nhận nhiệm vụ thiết kế một cung đường hình tròn bán kính hai chục cây số lấy chợ làm tâm điểm. Gọi điện thoại hỏi han kỹ càng thì đếm được có mười một ngôi chùa nằm trên vòng tròn này. Vậy, gạo và dầu mua về đã phân thành mười phần để cúng thập tự, không sao, hùn tiền thêm để mua thêm một phần nữa. Ờ, biết đâu... ờ... ông trời khiến thêm phần phát sinh này để mình gặp được ngôi chùa của Sư cô Nhỏ. A ha... được vậy thì vui biết mấy. Nhớ câu nói của Sư cô Nhỏ “Dạ, chắc là trò có duyên với cô bác ở chợ này”.
Đang bàn tán râm ran hy vọng bỗng điện thoại của bà Hồng tạp hóa nổi tiếng đanh đá reo vang, là cô con gái bận đi công tác bất ngờ nên nhờ bà bốn giờ chiều nay đón cháu ở nhà trẻ giùm.
Thọc mạnh cái điện thoại vô túi, bà Hồng nhăn nhó:
- Số tui xui rồi, bốn giờ chiều phải về đón cháu nội.
Ông bảo vệ làu bàu:
- Mấy bà lâu lâu đi cúng chùa một lần mà cứ ôm đồm chuyện gia đình theo là sao? Thử thong dong một lần đi.
Điện thoại của bà My tạp phẩm cũng đổ chuông, là ông chồng cáu kỉnh gọi hỏi đôi tất để đâu tìm hoài không thấy mà đã sát giờ đi họp rồi, bà My nổi tức trút qua ông bảo vệ:
- Đàn bà mà được thong dong, nói nghe biết ngay... đúng là đồ đàn ông!
Cả xe cười rân.
Ông bảo vệ nhún vai ra vẻ thân phận mình là gươm lạc giữa rừng hoa cho nên đành chịu thua cái miệng ghen tỵ vô lý của mấy bà.
*
Trên đường đi tới ngôi chùa thứ mười một, chiếc xe hàng nhẹ hẫng vì chỉ còn một phần quà cuối cùng, tâm trạng mọi người thì nhiều nỗi hơn. Đi qua từng ngôi chùa mà không thấy Sư cô Nhỏ, ai cũng hy vọng là nơi sắp tới sẽ gặp. Mới biết là sự vắng mặt của Sư cô Nhỏ để lại nhiều áy náy trong lòng.
Xe ngừng lại trước ngôi chùa nhỏ có bụi tre um tùm ngay cổng, bà My tặc lưỡi:
- Mình mà ở gần đây thì phụ một tay với quý Sư cô làm măng chua bán cho thiên hạ nấu canh chua ăn mê luôn.
- Sợ bà quá - Ông bảo vệ chắp tay vái dài - Tới chùa không nhìn thấy Phật mà lại thấy mấy mụt măng nằm dưới mặt đất.
Mọi người cười khúc khích đợi bà My độp lại một câu đích đáng nhưng không, bà My đang nhìn theo dáng áo nâu nhỏ nhắn thập thò sau cánh cửa nhìn ra.
Tất cả đồng loạt nhìn theo và bước nhanh lên thềm. Áo nâu rụt rè bước ra khỏi cánh cửa, hai tay khoanh lại lễ phép:
- Chào các bác các dì, thầy con hôm nay không có ở nhà.
Không phải Sư cô Nhỏ.
*
Khi đã thôi nghĩ tới và không chờ gặp nữa thì Sư cô Nhỏ hiện ra ngay trước đầu xe tải, ông tài xế bóp còi tin tin tin inh ỏi khiến mọi người đang ngủ gật gà đều giật mình nhìn ra. Ô, Sư cô Nhỏ gầy gò kinh khủng.
Nhìn tình hình là hiểu liền, ông bảo vệ vội nhảy xuống khỏi xe trước tiên để giúp Sư cô Nhỏ dắt cái xe đạp và mấy trái bí đao ra khỏi cái vũng nằm giữa đường. Là bánh xe bị lủng đột ngột mà giỏ xe thì đựng mấy trái bí đao lắc lư khiến tay lái loạng choạng đâm sầm xuống vũng.
Mọi người nhìn quanh, chỉ là căn nhà nhỏ giữa vườn rau và một bệnh nhân, mùi thuốc Nam nồng nồng.
- Dạ, ba má trò mất sớm, chị nuôi trò từ nhỏ. Dạ... trò đang học tu ở chùa trên thành phố... Chị Hai phát bịnh, sư phụ cho trò về nhà chăm sóc tới khi nào chị khỏe thì trò về chùa lại.
Nhìn bệnh nhân nằm thiêm thiếp với khuôn mặt vàng vọt và hơi thở đứt quãng, bụng căng phồng, ai cũng ái ngại, một gánh quá nặng với tuổi mười sáu.
- Vậy mà tưởng Sư cô giận dân chợ nói năng lung tung - Bà Hồng nói.
- Dạ sao lại giận? - Đôi mắt Sư cô Nhỏ mở to - Trò đi bán hàng may mắn được cô bác ở chợ thương nhiều mà.
- Vậy sao Sư cô không tới chợ nữa?
- Dạ vì chị dạo này mệt nhiều - Sư cô Nhỏ thấp giọng như sợ người bệnh nghe thấy - Trò không đi đâu lâu được cho nên ở nhà trồng rau - Sư cô Nhỏ nhoẻn cười - Dạ có luống rau dền cũng lớn lớn rồi, để trò cắt rau mấy dì đem về luộc ăn cho vui.
Trong khi Sư cô Nhỏ đi ra vườn thì mọi người tụm đầu lại hội ý rất nhanh hay nói đúng hơn là không cần hội ý, tiền quỹ của chợ dành cho việc cúng chùa và làm từ thiện hiện đang còn bao nhiêu thì nhét hết dưới gối của người bệnh, đưa tận tay sợ Sư cô Nhỏ ngại ngùng. Không phải ai hoàn cảnh ngặt nghèo cũng dễ dàng đưa tay nhận quà đâu, nhớ cái giỏ to đùng vì muốn giữ nóng mấy cái bánh bao là biết tính người.
*
Thêm một rằm nữa tới, dân chợ lại sửa soạn đi cúng thập tự. Lần này dĩ nhiên đi về hướng có ngôi nhà của chị em Sư cô Nhỏ.
Ngoài mười phần như thường lệ còn chuẩn bị thêm một phần đặc biệt cho Sư cô Nhỏ là một phong bì khá dày dặn, vậy, người có tính chi li nhất nghe kể về hoàn cảnh Sư cô Nhỏ cũng động lòng.
Mọi người vui vui nói với nhau, lần này tới ngôi chùa thứ muời một thì chắc chắn gặp Sư cô Nhỏ rồi. Nói xong vội che miệng lại, tội lỗi tội lỗi... sao dám so sánh căn nhà nhỏ giữa vườn rau với một ngôi chùa.*
Buổi sáng trước rằm một ngày thì Sư cô Nhỏ xuất hiện ở chợ, yên sau xe đạp chất đầy rau. Ai cũng nhanh nhảu thò tay vô túi sẵn sàng trả tiền rau một cách hào phóng.
Sư cô Nhỏ bẽn lẽn giấu tay ra sau lưng:
- Dạ... chị Hai đã mãn kiếp rồi. Dạ... vườn còn mấy luống rau... để biếu mấy dì thôi... Dạ hôm nay trò xin chào mấy dì, ngày mai trò về chùa. Dạ... trò cảm ơn mấy dì nhiều lắm.
Bà Hồng nổi tiếng đanh đá là người ứa nước mắt đầu tiên, rồi tới bà My... Ai cũng sụt sịt.
Truyện ngắn Nguyên Hương