Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Phung phí tài lộc thì sẽ nghèo túng, phung phí tình cảm sẽ chẳng còn ai ở bên, phung phí sức khỏe sẽ ốm đau bệnh tật. Những điều ta gặp trên đời đều là phúc phận của chúng ta. Mọi thứ sẽ chỉ ở lại với những ai biết trân trọng.

Người đời thường nói: Có phúc thì phải biết tiếc phúc.

Mọi thứ trong thiên hạ đều vậy, dù là một hạt cơm hay một ly nước,¸tất cả đều là phúc khí của chúng ta, không bao giờ được tùy tiện mà lãng phí.

Rất nhiều người coi việc để người khác mời mình ăn uống là bình thường, không có gì đáng quý trọng cả. Nhưng trên thực tế, chính ta đang lãng phí phúc phận của mình.

Khi được người khác mời cơm, thứ ta đang ăn là phúc của chính mình.

Chúng ta thường muốn được người khác đãi ăn đãi uống, nghĩ rằng như vậy là thu lợi cho bản thân. 

Cách làm trên tuy không tốn tiền nhưng lại khiến ta tiêu mất phúc phận. Số đồ ăn, thức uống mà ta sử dụng trong đời đều đã được định sẵn, dù người khác cho hay là ta tự kiếm lấy đều không nằm ngoài số này. Chính vì vậy chúng ta phải biết trân trọng những gì nhận được.

Nếu không biết tu dưỡng để tạo thêm phúc, không sớm thì muộn, ta sẽ dùng hết số phúc phận này.

Ngày xưa, có một anh học trò tên là Trương Sinh lên kinh dự thi, với hy vọng sẽ công thành danh toại.

Trên đường, Trương Sinh có ghé qua một khách điếm nghỉ ngơi. Tại đây, anh gặp được một người kỳ lạ, dù còn trẻ tuổi nhưng đã đọc đủ loại thi thư, càng kỳ lạ hơn nữa là người này có thể dự báo được tương lai. Hai người trò chuyện với nhau rất vui vẻ.

Trương Sinh thuở nhỏ bần hàn, nghĩ rằng mình kết giao với người này thì sẽ có cơ hội thăng quan phát tài trong tương lai. Nghĩ vậy, anh không tiếc tiền, chiêu đãi nhiệt tình người bạn mới kia. Chẳng bao lâu thì hầu bao của Trương Sinh cạn kiệt.

Người trẻ tuổi kia bắt đầu chuyển sang mời Trương Sinh ăn cơm. Ngày nào cũng như vậy khiến Trương Sinh nổi lòng tham, cứ ở lì tại đó để được bao ăn mỗi ngày. 

Bỗng một hôm, người trẻ tuổi kia biến mất, Trương Sinh đành phải dọn đồ ra đi. Tuy nhiên, khi mở tủ, anh thấy toàn bộ hành trang của mình đã biến mất. Chỉ còn mẩu giấy ghi: "Ta là Hồ tiên, ăn gì đều do ngươi cả, ta lấy đồ của ngươi đổi ra bạc để lo ăn uống cho ngươi. Có duyên sẽ gặp lại".

Được người khác bỏ tiền ra chiêu đãi, đó chính là phúc phận của chúng ta. Tuy nhiên, nếu không biết trân trọng phúc báo của mình thì chẳng bao lâu sẽ cạn phúc. Như vậy thì khác nào chỉ có tiêu mà không có thu?

Phúc khí cần được trân trọng, càng trân quý càng nhiều phúc.

Người xưa thường nói: "Tiếc phúc thì nhận phúc, không tiếc phúc thì nhận họa". Cuộc sống dù có sung túc tới đâu, chúng ta cũng không thể vì vậy mà phung phí tiêu xài. Quan niệm này, ngay cả Nho giáo, Phật giáo hay Đạo giáo, cũng đều đã từng nhắc tới. Mỗi cọng cỏ, ngọn cây đều là sinh linh, đều có phúc khí của riêng mình.

Thời Minh có viên tể tướng tên là Nghiêm Tung. Hai cha con hắn đều làm quan trong triều, kết bè kết cánh, hãm hại người tốt, làm triều chính rối ren.

Nghiêm Tung ỷ mình quyền cao chức trọng nên sinh hoạt xa xỉ, tiêu pha vô độ. Trong nhà hắn môn khách phải đến cả nghìn người. Gia nhân trong nhà cả ngày chỉ lo làm tiệc đãi khách. Đồ ăn, thức uống thừa đổ ra ngoài nhiều như núi như sông.

Gần nhà Nghiêm Tung có một ngôi miếu nhỏ, là nơi ở của một vị hòa thượng và một chú tiểu. Ngày ngày, hai người đều tới nhà hắn xin thức ăn thừa rồi đem bán lại. Sau này, nhà họ Nghiêm thất thế, bị tịch thu hết mọi gia sản. Nghiêm Tung may mắn được vị hòa thượng và chú tiểu kia cưu mang. 

Nghiêm Tung thắc mắc rằng hồi xưa ta đâu có cung tiến gì cho miếu, sao nay lại có hậu tình như vậy. Vị hòa thượng liền bảo, đây đều là cơm thừa canh cặn của ông, chỉ là của lại về với chủ cũ. Nghiêm Tung nghe xong bất giác rơi lệ.

Lúc có phúc mà không biết giữ gìn, không sớm thì muộn phúc sẽ hết. Phung phí tài lộc thì sẽ nghèo túng, phung phí tình cảm sẽ chẳng còn ai ở bên, phung phí sức khỏe sẽ ốm đau bệnh tật.

Những điều ta gặp trên đời đều là phúc phận của chúng ta. Mọi thứ sẽ chỉ ở lại với những ai biết trân trọng.

Từ cổ chí kim, rất nhiều nhà tu hành đã lấy việc trân trọng phúc báo làm cơ sở cho việc tu hành.

Hoằng Nhất đại sư cho rằng¸khi phúc phận đã đến tay, ta phải trân trọng nó, nhất định không thể để lãng phí. Quần áo, thức ăn, nhà cửa và phương tiện đi lại của đại sư đều vô cùng đơn giản. Khi thấy có điều lãng phí, ông không ngần ngại chỉ trích. Nhờ sống theo phương châm này, Hoằng Nhất đại sư đã thọ hơn trăm tuổi.

Mọi thứ ta làm đều liên quan đến phúc phận, thứ sau này ta để lại cho con cháu không gì ngoài phúc. Tạo phúc không bằng giữ phúc.

Lúc giàu có hãy nghĩ đến khi nghèo hèn, tuyệt đối không thể lãng phí. Dù nhiền phúc thế nào, hoang phí cũng sẽ hết. Tích phúc không dễ dàng, phúc có thể ra đi chỉ trong nháy mắt.

Hi vọng mọi người có thể trân trọng những điều dù là nhỏ bé nhất xung quanh mình, có vậy thì hạnh phúc mới có thể mãi trường tồn.

(Theo Aboluowang)

Linh Hân - Doanh Nghiệp và tiếp thị