Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Nhân sinh vô thường, chẳng ai có thể lựa chọn điều gì có thể xảy ra. Nhưng chúng ta có thể lựa chọn cách mình phản ứng với nó.

Cởi trói: Câu chuyện từ lời dạy của Đức Phật

Một lần khi Đức Phật đến dạy các đệ tử của mình, Ngài cầm trên tay một chiếc khăn lụa tuyệt đẹp. Hàng ngàn đệ tử đang chờ đợi và khi họ nhìn thấy Ngài đi về phía mình, họ rất ngạc nhiên khi thấy Đức Phật mang theo chiếc khăn đó.

Khi Đức Phật đứng lên và hỏi "Các con thấy gì?" và họ trả lời đó là một chiếc khăn tay bằng lụa tuyệt đẹp. Sau đó, Đức Phật bắt đầu lần lượt thắt nút trên chiếc khăn tay, cho đến khi Ngài thắt được 5 nút thắt. Sau đó Ngài hỏi liệu đó có phải là cùng một chiếc khăn tay hay không. Các môn đệ trả lời rằng đó là cùng một chiếc khăn tay, nhưng khác là bây giờ nó được thắt nút.

Đức Phật ôn tồn giảng giải: "Đây chính là bài học của các con ngày hôm nay. Tất cả chúng ta đều là Phật nhưng có người không thể nhận ra giá trị của tấm vải mịn như lụa bởi vì họ đang ở trong những nút thắt".

Sau đó, Ngài tiếp tục kéo chiếc khăn tay từ hai phía và hỏi liệu các nút thắt có thể mở theo cách này không. Đám đệ tử đồng thanh nói rằng cách này chỉ khiến các nút thắt sẽ thắt lại và khó mở hơn.

Sau đó, Đức Phật hỏi: "Tại sao nhiều người cố gắng mở nút thắt bằng cách kéo căng nó? Mặc dù ý định khi làm như vậy là tốt, nhưng mục đích không thể hoàn thành. Họ đang cố gắng nhưng chỉ là công cốc, thậm chí còn chuốc lấy thêm nhiều rắc rối. Làm như vậy chẳng khác nào khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn".

Ngài tiếp tục hướng đến các đệ tử và hỏi: "Nếu ta muốn mở những nút thắt này, thì cần phải làm gì?".

Một nhà sư trả lời rằng ông sẽ đến gần, quan sát và cố gắng tìm hiểu các nút thắt được hình thành như thế nào. Nếu thấy được vấn đề được hình thành như thế nào, chúng ta sẽ có thể gỡ được nó.

Cuối cùng, Đức Phật gật đầu và kết thúc bài giảng, không quên nói rằng đây là tất cả những gì Ngài muốn dạy cho họ. Yêu cầu duy nhất cho các đệ tử sau buổi hôm nay là suy nghĩ về những nút thắt trong cuộc đời của chính họ.

Hãy "quan sát" thay vì cố gắng lao đầu vào "sửa chữa"

Tất cả chúng ta đều có những nút thắt, những khó khăn riêng của bản thân. Hẳn nhiều người đã cố gắng giải quyết chúng theo cách tương tự trong nhiều năm. Nó trở thành một phần của thói quen và trở thành một hành động lặp đi lặp lại khi có những vấn đề cần giải quyết.

Tuy nhiên, thay vì tìm ra giải pháp, chúng ta lại tìm cách giải quyết bề nổi của vấn đề. Vì không biết thực chất nguyên nhân nằm ở đâu, nhiều người bị "mất phương hướng" và chẳng thể làm gì khác ngoài mệt mỏi và tức giận. Điều đó chẳng khác gì việc thắt chặt thêm các nút thắt.

Mặt khác, nếu dừng lại và quan sát, chúng ta có cái nhìn sáng suốt hơn, im lặng, để tiếng ồn trong tâm lắng xuống để suy ngẫm. Hãy nhẹ nhàng và kiên nhẫn với chính mình!

Ví dụ, nếu bạn gặp khó khăn trong công việc vì có một người sếp thường xuyên đưa ra những yêu cầu vô lý, thì phản xạ của nhiều người sẽ là thái độ bất mãn, tức giận và căng thẳng thường trực. Chính những cảm xúc này là "bàn tay" vô hình thắt chặt những nút thắt bên trong. Phản ứng như vậy chỉ đem lại một tình huống vốn đã khó khăn lại trở nên khó chịu hơn.

Nếu chúng ta có thể lùi lại một bước, tạm dừng và thực sự xem tâm trí của chúng ta đang nói gì về tình huống đó, chúng ta có thể bớt căng thẳng hơn, ít tức giận hơn, thậm chí có thể tìm thấy can đảm để đối đầu hoặc buông bỏ và có cách tiếp cận hiệu quả hơn. Chí ít bạn sẽ không tự thắt chặt thêm các khúc mắc của chính mình.

"Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình". Người duy nhất có thể khiến bạn mệt mỏi, khiến bạn kiệt sức, khiến bạn mất niềm tin không ai khác chính là bản thân bạn. Cuộc đời muôn hình vạn trạng, ở đâu chẳng có khó khăn, mấy nơi thực sự "trải hoa hồng"? Đường đời chẳng ai suôn sẻ cứ thế mà đi. Vốn dĩ có người thành công là bởi họ biết cách giải quyết vấn đề theo cách khôn ngoan nhất. Cũng giống như chiếc khăn kia, nếu là bạn, bạn sẽ dùng sức mà kéo hay dừng lại quan sát và tĩnh tâm?

Nguồn: Mindful Spring - Thùy Anh -Nhịp sống kinh tế