Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Trong hai ngày qua, khắp Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương vàng ruộm màu huỳnh y. Hàng ngàn đệ tử, tín đồ, chúng sinh ở khắp mọi nơi đã tập trung về đây để thắp nén hương tiễn biệt vị Sư bà kính mến.

"Người tôi tôn quý nhất đã ra đi rồi!”

Trưa 23/9 (tức 25 tháng Tám năm Kỷ Hợi), Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (đường Lê Quang Định, Q.Gò Vấp) lặng đi trong nỗi đau buồn, thương tiếc. Ni trưởng Thích nữ Ngoạt Liên, trụ trì tịnh xá, vừa trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 96. Bà đã trọn vẹn một đời hiến thân cho Phật pháp và dân tộc.

Ni truong Thich nu Ngoat Lien tru tri Tinh xa Ngoc Phuong:  Ve coi Phat...
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  •  
  •  
  •  
  •  
Ni trưởng Thích nữ Ngoạt Liên

Tin buồn loan nhanh, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, rất nhiều tăng ni, phật tử khắp các quận, huyện trong thành phố và nhiều nơi đã tìm về. Suốt đêm, Tịnh xá Ngọc Phương thức trắng. Mọi người cùng nhau khiêng ghế, kê bàn, quét dọn, bày biện… Ở một góc thư phòng, Ni sư Tín Liên, học trò thân tín của ni trưởng nén nỗi đau ngồi viết điếu văn.

Đến rạng sáng 24/9, chư ni, phật tử kéo về càng đông. Nhiều vị cao tuổi đã ngồi xe suốt đêm vượt chặng đường dài về tiễn biệt Sư bà (cách gọi trìu mến của nhiều ni sư, phật tử với Ni trưởng Ngoạt Liên). Đến 10g ngày 24/9, bà Võ Thị Dung - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM - cũng có mặt để sắp xếp việc tang lễ vị Ni trưởng có nhiều công lao với đất nước và dân tộc.

Nơi hậu liêu tịnh xá, bà Nguyễn Thị Phương, 76 tuổi, thất thần, nước mắt lăn dài. Bà nói: “Người tôi tôn quý và mang ơn nhất đã ra đi rồi!”. Bà Phương kể, vào những năm 1980, đất nước còn nhiều khó khăn, bà làm nghề khuân vác thuê ở chợ Gò Vấp. Biết Tịnh xá Ngọc Phương có cơm chay từ thiện vào ngày rằm, mồng Một, những người lao động nghèo như bà đã tìm đến. “Đó thật sự là những bát cơm vàng, cơm ngọc. Tôi vẫn còn nhớ hoài bát bún riêu nóng hổi được Ni trưởng tự tay múc cho khi thấy tôi đói run, lóng ngóng… chờ ăn cơm chùa” - bà Phương hồi tưởng.

Cũng như biết bao chư ni, phật tử, sau những buổi “cơm chùa”, bà Phương ngày càng gắn bó với tịnh xá, đóng góp công sức rồi trở thành một tín đồ, tham gia những hoạt động xã hội từ thiện do Sư bà tổ chức ở những vùng sâu vùng xa. Và trên những hành trình đó, Sư bà đã truyền dạy cho các phật tử của mình về tình yêu thương con người. “Ít khi nào Sư bà nói với chúng tôi là “Phật dạy rằng”, mà Người luôn chỉ cho chúng tôi thấy những người dân nghèo kia đã sống và dạy mình bài học làm người ra sao, phải yêu thương, san sẻ cho nhau thế nào. Phật pháp như đã ngấm vào cuộc đời Sư bà nên mỗi lời khuyên của Sư bà đều giản dị, dễ nhớ” - bà Phương nói.

Chuyện kể của bà Phương chỉ là một lát cắt thật mỏng trong 69 năm hành đạo, cứu đời của Ni trưởng Ngoạt Liên. 

Cả đời gieo hạt từ tâm

Ni trưởng Thích nữ Ngoạt Liên tên thật là Phan Thị Út, sinh năm 1924, là con thứ chín trong một gia đình nông dân tín tâm với Phật ở H.Thốt Nốt, tỉnh Hậu Giang. Sau khi học xong tiểu học trường làng, bà nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ. Trong một duyên lành, bà được gặp gỡ và nghe cố Ni trưởng Đệ nhất Huỳnh Liên thuyết pháp, bà quyết chí xuất gia bắt đầu sự nghiệp tu học và dấn thân cho Phật pháp tại Tịnh xá Ngọc Long (TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang). Năm 1950, bà cắt đứt mọi trần duyên để khoác lên mình chiếc huỳnh y khi vừa tròn 27 tuổi với pháp danh Ngoạt Liên.

Sau nhiều năm tu học, hành đạo, trải qua nhiều thử thách, năm 1969, Ni trưởng Ngoạt Liên về TP.HCM trụ trì Tịnh xá Ngọc Phương. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Ngoạt Liên đã không ngại gian lao, nguy hiểm. Bà tham gia các phong trào Mặt trận Nhân dân tranh thủ hòa bình, Hội Mẹ sinh viên, Mặt trận Nhân dân cứu đói,  phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris và nhiều đoàn thể khác đấu tranh ở đô thị, vừa tham gia đấu tranh vừa điều hành Phật sự. 

Ni truong Thich nu Ngoat Lien tru tri Tinh xa Ngoc Phuong:  Ve coi Phat...
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cùng đoàn đại biểu TP.HCM đã đến viếng Ni trưởng Thích nữ Ngoạt Liên.

Trong những năm tháng ấy, đôi chân bà đã không ngừng nghỉ. Năm 1970, bà xuống Cần Thơ vận động chị em thành lập phong trào Phụ nữ đòi quyền sống do nữ luật sư Ngô Bá Thành và Ni trưởng Huỳnh Liên lãnh đạo. Phong trào lớn mạnh, lan ra các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và thu hút được nhiều trí thức tham gia. 

Năm 1973, cao trào đấu tranh cho hòa bình sôi sục khắp nơi, bà lại nhiều lần chở gạo, đường, muối, thuốc, vải lên tịnh xá Phi Nôm - Đà Lạt để tiếp tế bộ đội… 

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cố Ni trưởng Huỳnh Liên, bà đã tham gia nhiều cuộc biểu tình đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, đối mặt với dùi cui, ma trắc, lựu đạn cay và có lần bị chính quyền Sài Gòn bắt giam. 

Lúc sinh thời, khi nhắc chuyện này, bà tâm sự: “Lúc đó, tôi không nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến các anh em tù nhân chính trị và sinh viên, học sinh. Họ vì ai mà phải vào tù ra khám, bị đánh đập tra tấn dã man, bỏ thây nơi côn đảo, núi rừng. Trước khi tham gia đấu tranh tôi đã nghĩ: dẫu có bị bắt vào tù, bị đánh chết là cũng được chia sớt phần nào nỗi khổ đau với các anh em, cũng hãnh diện được góp một hạt cát nhỏ vào sa mạc”.

Sau ngày đất nước thống nhất, Tịnh xá Ngọc Phương là Tổ đình Trung tâm của Ni giới hệ phái Khất sĩ đặt dưới sự chỉ dạy của cố Ni trưởng đệ nhất. Nhưng những tháng năm sau giải phóng, đất nước đối diện với nhiều khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền, Ni trưởng Thích nữ Ngoạt Liên đã dẫn dắt các đệ tử đi đào kinh, đắp đê ở Lê Minh Xuân, Gò Vấp, trồng lúa ở Đồng Tháp Mười... Trong những chuyến đi, bà chia sẻ với các đệ tử cùng tín đồ những bài học về “tốt đời, đẹp đạo”.

Xong việc ở các công trình, bà quay về thành phố và bắt tay vào tổ chức rất nhiều hoạt động từ thiện xã hội, đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, cứu trợ thiên tai bão lụt, thăm viếng người tàn tật, trại dưỡng lão, trẻ mồ côi. Những bữa cơm chay từ thiện đầu tiên ở thành phố cũng do bà thực hiện đầu tiên trong giai đoạn này. Theo thời gian, những nghĩa cử đẹp đẽ ấy đã lan tỏa khắp nơi, mang niềm vui đến cho biết bao mảnh đời khốn khó.

66 năm qua, hình ảnh vị ni sư hiền hòa, ôm bình khất thực hóa duyên, thọ thực dưới gốc cây, giảng đạo ngoài trời, hoặc đến thăm những người già, em nhỏ không thể nào phai nhạt trong tâm tưởng hàng ngàn phật tử. Nhắc lại câu chuyện ấy, các vị ni sư vẫn bồi hồi: “Ni trưởng đi đến đâu cũng được đông đảo mọi người kính mến, tập trung nghe thuyết pháp”. Ni sư Tín Liên, một đệ tử của bà, đã mượn hai câu thơ để nói lên hình ảnh ấy:

“Gót vàng thoăn thoắt du phương
Tâm kinh nở giữa tình thương vạn loài”. 

ÔNG NGUYỄN THIỆN NHÂN - UV BỘ CHÍNH TRỊ, BÍ THƯ THÀNH UỶ TP.HCM - VIẾNG NI TRƯỞNG THÍCH NỮ NGOẠT LIÊN 

Ngày 24/9, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cùng đoàn đại biểu TP.HCM đã đến viếng Ni trưởng Thích nữ Ngoạt Liên. Trong sổ tang, ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự thương tiếc chia buồn cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo TP.HCM, ni giới hệ phái khất sĩ và tăng, ni, đồng bào phật tử và môn đồ pháp quyến. Ông viết: “Lãnh đạo thành phố trân trọng ghi nhận công lao đóng góp to lớn của cố Ni trưởng Ngoạt Liên trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, thành phố”. 

NI TRƯỞNG NGOẠT LIÊN - MỘT BẬC CHÂN TU VẪN CÒN MÃI

* Bà Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM: Ni trưởng Ngoạt Liên là bậc chân tu, giàu lòng yêu nước, yêu thương con người, đặc biệt là những người khốn khó; quan tâm sự phát triển của nữ giới, sự tiến bộ, bình đẳng của phụ nữ. Ni trưởng là một tấm gương sáng sống tốt đời đẹp đạo, là tấm gương tiêu biểu góp phần vun đắp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ni trưởng mất đi là sự mất mát lớn của Giáo hội và TP.HCM. Dù đã ra đi, nhưng hình ảnh của Ni trưởng - một bậc chân tu - vẫn còn mãi. 

* Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM: Trong suốt cuộc đời đạo hạnh, Ni trưởng Ngoạt Liên đã được Đảng, Nhà nước và Giáo hội Phật giáo ghi nhận công lao đóng góp, được trao tặng nhiều huân chương và phần thưởng cao quý. Ni trưởng viên tịch là một tổn thất lớn với Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

* Linh mục Nguyễn Đình Thục - Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo TP.HCM: Hôm nay tôi đến đây và được biết Ni trưởng đã có nhiều đóng góp cho đạo, cho đời và đến tuổi 96 vẫn còn sáng suốt. Tôi rất xúc động trước tấm lòng của nhiều tăng ni, phật tử hướng đến Ni trưởng. Phải có rất nhiều công đức, Ni trưởng Ngoạt Liên mới có thể được mọi người tín vọng, yêu kính như vậy. 

* Ni sư Tuấn Liên, trị sự Tịnh xá Ngọc Phương: Ni trưởng là một tấm gương đạo hạnh ưu tú, nhiệt tình với con đường đã chọn, những việc gian khổ đều làm, những nơi gian khó đều đến. Tôi không bao giờ quên tấm lòng, tình yêu thương, sự kiên cường của Ni trưởng.

* Ni sư Thích nữ Đạt Liên, tỉnh Đồng Nai: Ni trưởng rất thương yêu, lo lắng cho chúng ni, nhắc nhở các chư ni trẻ cố gắng tu, học. Thương tiếc bậc thầy, tôi nguyện phải cố gắng hành đạo, phục vụ cho đời nhiều hơn nữa. 

* Linh mục Nguyễn Đình Thục - Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo TP.HCM: Hôm nay tôi đến đây và được biết Ni trưởng đã có nhiều đóng góp cho đạo, cho đời và đến tuổi 96 vẫn còn sáng suốt. Tôi rất xúc động trước tấm lòng của nhiều tăng ni, phật tử hướng đến Ni trưởng. Phải có rất nhiều công đức, Ni trưởng Ngoạt Liên mới có thể được mọi người tín vọng, yêu kính như vậy. 

Theo Phunuonline.com.vn