Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Thay vì phản ứng với những thách thức trong cuộc sống từ thế khó chịu và tự vệ, lòng từ bi sẽ giúp cuộc sống của bạn trở nên nhẹ nhàng và hài hòa hơn. Bạn sẽ nhận ra rằng mọi khoảnh khắc đều trao cho chúng ta cơ hội để trở nên nhẹ nhàng hơn là cay nghiệt, sâu sắc hơn là thiếu nhạy cảm.

Hãy nghĩ tới lần cuối cùng bạn bắt gặp ai đó đang đau khổ. Bạn đã phản ứng thế nào? Liệu đó có phải là biểu hiện của lòng từ bi hay chỉ là sự thương hại? Lòng từ bi khác biệt rất lớn với lòng thương hại. Lòng thương hại tạo ra khoảng cách. Nó đặt một người ở vị trí cao hơn và xa cách rất nhiều so với những người khác. Lòng từ bi nhận ra sự bình đẳng giữa tất cả mọi người, mọi loài vật trên trái đất. Lòng từ bi tạo kết nối còn lòng thương hại tạo ra sự chia tách. Dưới đây là 10 cách bạn có thể tự mình thực hành lòng từ bi hàng ngày:

1. Dạy

Bạn có nhiều tài năng, kỹ năng đặc biệt và có thể tiếp cận với nhiều nguồn lực. Bạn có thể chia sẻ tài năng/ nguồn lực này với ai hôm nay? Bạn có thể tìm đâu ra người sẽ có lợi từ những gì bạn trao? Lòng từ bi không phải là tích cóp mà là trao đi một cách hào phóng.

2. Học

Có những tài năng/kỹ năng không tự nhiên tới với bạn, nhưng lại dễ dàng với người khác. Hãy nhờ họ hướng dẫn và hỗ trợ. Mọi người cảm thấy mình có quyền lực khi chúng ta coi trọng khả năng của họ thể hiện qua việc nhờ họ giúp đỡ.

3. Trao những lời khen chân thành

Những lời khen khiên cưỡng và những nụ cười giả tạo không dễ ngụy trang, vì vậy bạn đừng nên cố thử. Thay vào đó, hãy tìm cơ hội để thành thật tán thưởng tài năng của ai đó. Lòng từ bi không cần khoa trương mà hãy để nó lan tỏa tới những người khác.

4. Ham hiểu biết

Tạo ra cơ hội để khai thác một cách khách quan những việc và những người mà bạn đang phán xét. Hãy đọc một cuốn tiểu thuyết của một nhà văn tới từ một nền văn hóa mà bạn đánh giá thấp. Bắt đầu một cuộc trò chuyện với một đồng nghiệp có truyền thống tôn giáo/đức tin khác bạn. Cho phép bản thân thừa nhận những giá trị chung thay vì cứ dựa mãi vào những định kiến cũ.

5. Đặt mình vào vị trí của người khác

Sống trong trải nghiệm của người khác là một trong những cách hay nhất để hình thành lòng từ bi. Đề nghị làm giúp phần việc của một đồng nghiệp bị ốm hay đang nghỉ phép. Đi bộ hoặc bắt xe buýt đi làm thay vì tự lái xe. Thay đổi thói quen hằng ngày là một cách hay để biến đổi quan điểm của chúng ta và nhìn nhận những người khác từ một điểm thuận lợi mới.

6. Hãy là một nhân chứng thầm lặng

Ngắm nhìn một cặp vợ chồng tay trong tay dắt theo đứa con. Để một chú cún liếm tay bạn. Hãy nhắm mắt lại và cảm nhận làn gió, những hạt mưa hay những bông tuyết rơi trên khuôn mặt bạn. Lặng lẽ quan sát nhiều cách biểu hiện tình yêu xung quanh bạn. Lòng từ bi và tình yêu là một.

7. Tạo ra sự tĩnh lặng

Thiền định sẽ làm tắt đi những tiếng nói nhỏ trong đầu (đây thường là những lời đánh giá về bản thân chúng ta và những người khác) vốn làm chúng ta mất đi khả năng gắn kết 100% với thực tại. Sự hiện diện thực sự cho phép chúng ta thấy những thứ ẩn sau vẻ bề ngoài và nhận ra những điều cốt lõi mà chúng ta chia sẻ với những người khác. Khi bạn nhận ra tính liên kết lẫn nhau của mọi sự việc thì lòng từ bi sẽ đến một cách tự nhiên.

8. Hướng vào nội tâm

Mặc dù việc mở rộng lòng từ bi tới những người khác nên được làm hằng ngày, nhưng thể hiện điều tương tự với bản thân chúng ta cũng rất quan trọng. Bạn có đang nuối tiếc quá khứ? Bạn đã từng cực kỳ xấu hổ vì đã nói hoặc làm điều gì đó? Hãy hỏi bản thân mình: “Mình sẽ là ai nếu không có sự nuối tiếc/ xấu hổ này”? Mỗi ngày bạn hãy thực hành việc tha thứ cho bản thân, tạo ra sự chấp nhận êm đềm với tất cả mọi việc.

9. Tìm kiếm những người đang cần giúp đỡ

Một trong những cách nhanh nhất để tạo ra lòng từ bi là tìm cơ hội để tương tác với những người đang cần giúp đỡ: dành thời gian thăm các bệnh nhân trong bệnh viện, góp sức với đội nấu và phát bữa ăn từ thiện. Lòng từ bi đối xử với những nỗi đau bằng sự dịu dàng, cho đi thời gian và công sức một cách hào phóng.

10. Tạm dừng lại

Khi bạn phải viết một email khó khăn, làm khó một đồng nghiệp hoặc phàn nàn với người quản lý nhà hàng về sự phục vụ kém, hãy dừng lại và cân nhắc địa vị của người khác. Liệu có phải họ đang có một ngày thực sự khó khăn? Liệu bạn có thế nói ra nỗi bận tâm của bạn một cách nhẹ nhàng thay vì hung hăng? Hãy dừng lại để tìm ra câu trả lời đầy lòng từ bi. Hãy nuôi dưỡng lòng từ bi của bạn và mọi việc bạn làm sẽ tạo ra một cuộc sống nhẹ nhàng và hài hòa. (Dịch từ Goodlifezen)