Có 1 câu chuyện về 3 nhà sư như sau.
Ngày trước, ở Trung Quốc có 3 nhà sư được biết đến với tên gọi là 3 nhà sư hay cười, vì ngoài việc cười ra, họ chưa bao giờ nói gì với ai cả. Khi đến mỗi 1 ngôi làng, họ sẽ đứng ở giữa chợ và bắt đầu cười.
Họ cười sảng khoái, cười bằng tất cả những niềm vui tự nhiên và thuần khiết, khiến mọi người cũng tò mò, kéo đến xem, và giống như 1 căn bệnh truyền nhiễm, sau đó cả đám đông ai cũng cười nghiêng ngả. Dường như mọi muộn phiền, mâu thuẫn, đố kỵ, hiểu lầm đều biến mất sau những nụ cười ấy.
Không cần phải giảng giải bằng những ngôn từ phức tạp và khó hiểu, 3 nhà sư đem đến cho mọi người 1 thông điệp giá trị về ý nghĩa của tiếng cười trong cuộc sống. Chẳng cần tiền bạc, con người vẫn có thể mang đến cho nhau niềm vui và hạnh phúc 1 cách chân thực nhất.
Rồi năm tháng qua đi, 3 nhà sư cũng già đi. Trong lúc nghỉ lại ở 1 ngôi làng, 1 trong số họ đã viên tịch. Cả làng rất tò mò, bây giờ chắc họ sẽ không còn cười được nữa đâu nhỉ. Họ cùng nhau tìm đến chia buồn với 2 nhà sư, và cũng để xem họ sẽ ứng xử như thế nào.
Thế nhưng tới nơi, họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy 2 nhà sư đang dứng cạnh thi thể đồng môn của mình, vẫn ôm bụng cười và yêu cầu lời giải thích.
Lần đầu tiên, 2 nhà sư đã lên tiếng: "Chúng tôi cười vì anh ấy đã thắng. Khi anh ấy còn sống, chúng tôi đã cược với nhau rằng, trong 3 chúng tôi, ai chết trước thì sẽ thắng, và anh ấy đã thắng. Chúng tôi cười trước thất bại của mình và trước chiến thắng của anh ấy. Trong ngần ấy năm, chúng tôi đã cùng nhau cười và tận hưởng từng khoảnh khắc bên nhau. Vì thế, vào giây phút anh ấy ra đi, không có gì tốt hơn là việc tiễn biệt anh ấy bằng tiếng cười."
Thế nhưng, cả làng vẫn thấy buồn. Khi họ đem thi thể của nhà sư tới giàn hỏa thiêu, họ thấy rằng không chỉ có 2 nhà sư là người thích đùa, mà người thứ 3 cũng vậy. Trước khi chết, nhà sư đã yêu cầu 2 người bạn không được thay quần áo cho mình. Vì tôn trọng di nguyện của người đã mất, họ đã làm đúng như vậy. Song khi đem thi thể đi thiêu, họ mới vỡ lẽ ra lý do đằng sau.
Hóa ra, nhà sư đã tự cho pháo hoa vào bên trong người. Khi gặp lửa, pháo hoa bắt lửa, tạo ra những quầng sáng rực rỡ tuyệt đẹp, giống như lời chào cuối cùng của nhà sư với những người ở lại. Chứng kiến cảnh này, tất cả dân làng đã cùng nhau ôm bụng cười. Kể cả khi chết rồi, nhà sư vẫn khiến mọi người không quên đi cách mỉm cười trước những biến cố của cuộc sống.
Ngoài ra, khi bạn trưởng thành sẽ là lúc bạn hiểu được rằng, không phải lúc nào khóc cũng là cách bạn bày tỏ sự tiếc thương với 1 người.
Nếu muốn cười cợt ai đó, thì người đó nên là chính mình
Thiền sư Osho từng nói rằng, vì chỉ có con người là động vật duy nhất biết cười, nên nụ cười chính là giới hạn cao nhất của ý thức, giới hạn cao nhất của sự tiến hóa. Ba nhà sư trong câu chuyện nói trên đã lĩnh hội được điều này, và họ được gọi là Phật cười.
Thế nhưng, cũng có 1 kiểu cười khác, 1 kiểu cười mà bạn không nên có, đó là CƯỜI CỢT người khác, cười với ngụ ý chế giễu. Kiểu cười này chỉ nên thực hiện trong 1 trường hợp duy nhất: Đó là cười chính mình.
Những ai biết tự cười vào nhược điểm của chính mình, cũng tức là đã lĩnh hội được 1 điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống: Khi họ dám hạ cái tôi của mình xuống, nhìn thẳng vào những khuyết điểm của mình, bạn có thể đàng hoàng sửa sai, và chẳng ai có thể cười cợt được bạn cả.
Những bậc học giả vĩ đại nhất trên thế giới thường là những người khiêm tốn, và chẳng ngại tự giễu bản thân mình.
Có người nói, cái tôi của bản thân mà quá rộng lớn, thì giống như bầu trời, dù là kẻ mù cầm cung tên bắn thì cũng trúng. Nhưng nếu như, cái tôi của bạn bé như hồng tâm của bia đỡ, thì rất khó bắn trúng, và nếu như cái tôi của bạn là số 0 thì chẳng ai có thể bắn trúng được cả, cũng có nghĩa là chẳng ai có thể làm bạn tổn thương hay khiến bạn tức giận.
Sưu Tầm