Một ngày kia, tổ kén trên cành cây hé mở một chút. Một người ngồi gần đó quan sát: đã hàng mấy tiếng đồng hồ chú bướm cứ cố gắng chui ra khỏi cái lỗ nhỏ xíu ở đầu kén. Rồi bỗng chú bướm bất động, dường như nó đã kiệt sức và không thể chui ra thêm một đoạn nào nữa. Thế là người đàn ông quyết định giúp đỡ chú bướm. Ông ta lấy kéo và tỉa cái miệng kén cho rộng thêm ra. Chú bướm liền chui ra một cách dễ dàng. Nhưng nó chỉ là một thân nhộng trần trụi với đôi cánh nhăn nhúm và khô héo như chiếc lá cháy sém dưới sức nóng của ánh sáng mặt trời. Người đàn ông tiếp tục quan sát chú bướm vì ông ta nghĩ rằng thế nào đôi cánh đó cũng mọc lớn lên để kịp nâng thân bướm khi nó rời khỏi kén. Thế nhưng cả hai điều đó đều không xảy ra. Chú bướm dùng thời gian ngắn ngủi còn lại của đời mình trường quanh với một thân nhộng trần trụi và đôi cánh khô nhăn nhúm. Nó chẳng bao giờ có thể bay được.
Điều người đàn ông tốt bụng kia không biết đến là miệng kén chỉ mở rất hẹp và con nhộng kia cần phải nỗ lực hết sức mình, đến mức kiệt sức để có thể chui ra. Và cách thiên nhiên tạo ra loài bướm là chính khi con nhộng dùng hết sức để chui ra khỏi miệng kén như vậy, cơ thể nó sẽ tiết ra một loại dịch nhờn và bươm vào đôi cánh của nó để đôi cánh sẽ lớn dần lên và chú bướm có thể tung bay vào bầu trời xanh bao la ngay khi nó rời hẳn cái kén.