01
Tôi từng đọc được một câu chuyện như thế này. Ở vùng đất nọ, có một cây táo to, một cậu bé rất thích chơi với cây táo mỗi ngày. Cậu leo lên ngọn cây hái táo ăn, ngủ trưa dưới bóng mát của cây táo. Cậu yêu cây táo và cây táo cũng rất yêu cậu.
Thời gian trôi qua, cậu bé bây giờ đã lớn và không còn chơi với cây táo mỗi ngày nữa.
Một ngày nọ, cậu bé trở lại chỗ cây táo với vẻ mặt buồn rầu. Cây táo reo to: “Hãy đến chơi với ta.”
Cậu đáp:
– Cháu không còn là trẻ con nữa. Cháu chẳng thích chơi quanh gốc cây nữa đâu. Cháu chỉ thích đồ chơi thôi, và cháu đang cần tiền để mua chúng.
– Ta rất tiếc là không còn tiền, nhưng cậu có thể hái tất cả trái táo của ta mà đem đi bán, rồi cậu sẽ có tiền.
Cậu bé rất mừng. Cậu hái tất cả trái trên cây và vui vẻ bỏ đi. Cây táo lại buồn bã vì cậu bé chẳng quay lại nữa.
Một hôm cậu bé – giờ đã là một chàng trai, trở lại và cây táo vui lắm: “Hãy đến với ta.”
– Cháu không còn có thời gian để chơi. Cháu còn phải làm việc nuôi sống gia đình. Gia đình cháu đang cần một mái nhà để trú ngụ. Bác có giúp gì được cháu không?
– Ta xin lỗi, ta không có nhà, nhưng cậu có thể chặt cành của ta để dựng nhà.
Và chàng trai đã chặt hết cành của cây táo. Cây táo mừng lắm, nhưng cậu bé vẫn chẳng quay lại. Cây táo lại cảm thấy cô đơn và buồn bã.
Một ngày hè nóng nực, chàng trai – bây giờ là người có tuổi – quay lại, và cây táo vô cùng sung sướng: “Hãy đến với ta.”
– Cháu đang buồn vì cảm thấy mình già rồi. Cháu muốn đi chèo thuyền thư giãn một mình. Bác có thể cho cháu một con thuyền không?
– Hãy dùng thân cây của ta để đóng thuyền. Rồi cậu chèo ra xa thật xa, và sẽ thấy thanh thản.
Chàng chặt thân cây táo làm thuyền. Và cậu chèo thuyền đi.
Nhiều năm sau, chàng trai quay lại.
– Xin lỗi, con trai ta. Nhưng ta chẳng còn gì cho cậu nữa. Không còn trái táo.
– Cháu có còn răng đâu nữa mà ăn!
– Ta cũng chẳng còn cành cho cậu leo trèo.
– Cháu đã quá già rồi.
– Ta thật sự chẳng giúp gì cho cậu được nữa. Cái duy nhất còn lại là bộ rễ đang chết dần mòn của ta – Cây táo nói trong nước mắt.
– Cháu chẳng cần gì nhiều, chỉ cần một chỗ ngồi nghỉ. Cháu đã quá mệt mỏi theo năm tháng trôi qua.
– Ôi, thế thì gốc cây già cỗi này là một nơi rất tốt cho cậu ngồi dựa vào và nghỉ ngơi. Hãy đến với ta.
Chàng trai ngồi xuống, và cây táo mừng rơi nước mắt.
Đọc xong câu chuyện, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng cậu bé thật bạc bẽo với cây táo. Cây táo đã cho cậu tất cả nhưng cậu lại luôn bỏ đi, chẳng đoái hoài gì đến cây khi đã đạt được mục đích. Chúng ta cũng không hiểu tại sao cây táo lại hy sinh nhiều như thế cho cậu bé.
Ấy vậy đó lại là câu chuyện của tất cả chúng ta. Cây táo và cậu bé kia chính là hình ảnh ẩn dụ cho cha mẹ và con cái.
Khi chúng ta còn là những đứa trẻ, ta thích chơi với cha mẹ. Khi lớn lên chúng ta bỏ họ mà đi, và chỉ quay trở về khi ta cần họ giúp đỡ. Song đến cuối cùng, khi chúng ta mệt mỏi, chúng ta thất vọng hay chán nản, chúng ta đều chỉ có một nơi để quay về, chỉ có cha mẹ để dựa vào.
02
Một người bạn của tôi, Vy du học khi chỉ mới 17 tuổi. Vốn là cô gái tự tin, hoạt bát nên dường như ai cũng cảm thấy cô ấy sẽ mau chóng thích nghi với môi trường mới, sẽ sống tốt thôi.
Tôi cũng nghĩ như vậy. Nhìn những bức hình cô đăng trên mạng, nhiều người chắc chắn sẽ ghen tỵ với cô: xinh đẹp, giỏi giang, lại có cơ hội được học tập ở nước ngoài. Cho tới một ngày, tôi chợt thấy cô nhắn tin cho tôi hỏi có thể lắng nghe cô ấy một chút không. Ở chỗ Vy đang là buổi tối, gần 11 giờ đêm. Cô kể rằng thực sự cô cảm thấy rất cô đơn, mọi thứ đều xa lạ. Dù cô có cố gắng cỡ nào cảm giác một mình sống xa gia đình cả nửa vòng Trái đất, ba mẹ gọi điện chỉ dám nói là ổn vì sợ ba mẹ lo lắng. Cô nhớ nhà, ba mẹ, nhớ những món ăn Việt, nhớ những người bạn cũ,…
Vy kể cho tôi rằng những ngày đầu khi thức dậy ở một đất nước khác, cô cảm thấy sợ hãi và hoang mang. Đôi khi cô tự hỏi liệu quyết định du học của mình là đúng hay sai. Cô bảo rằng hóa ra đi xa cả nửa vòng Trái đất chỉ để nhận ra ở nhà vẫn là nơi thích nhất. Khi đó mới biết cha mẹ thực ra luôn muốn tốt cho mình. Ở một mình ốm tự lo, mệt cũng phải tự chăm sóc bản thân. Đôi khi thèm nghe tiếng mẹ kêu ca vì bừa bộn, nhớ tiếng ba mắng vì biếng ăn.
Anh họ tôi lên thành phố học đại học rồi ở lại lập nghiệp. Chàng trai hơn 20 tuổi lần đầu đi xa nhà đến một thành phố lớn ấy cảm thấy vô cùng hứng khởi. “Cuối cùng mình cũng được tự do rồi”, anh thầm nghĩ. Anh cố gắng học tốt, có được công việc tốt ở thành phố lớn. Anh dự định sẽ ổn định sự nghiệp, lập gia đình và sống luôn ở đây, không quay trở về quê nhà nữa.
Có lẽ nhiều người cũng như anh, không khỏi choáng ngợp trước vẻ sôi động của thị thành, nhanh chóng bị cuốn vào nhịp sống hối hả, gấp gáp.
Nhưng rồi một lần anh bị ốm nhưng vẫn phải đến công ty làm việc. Sếp khiển trách vì công việc không hoàn thành đúng như ý còn đồng nghiệp ai cũng bận việc của mình, không ai có thời gian lo lắng cho anh được. Chiều muộn, trở về căn phòng nhỏ cô quạnh, ăn vội suất cơm mua ở ngoài. Bỗng mẹ anh gọi điện tới hỏi thăm. Khi đó anh òa khóc như một đứa trẻ, không sao ngừng được.
Dưới ánh đèn ở thành phố hoa lệ, mỗi người ôm ấp giấc mơ của riêng mình, mỗi người đều có lý do để nỗ lực. Mệt mỏi, chán nản, thất vọng hay tủi nhục đến mấy, chúng ta cũng đều phải giấu kín trong lòng. Bởi ra ngoài xã hội, ta không thể biết được ai sẽ là người an ủi, giúp đỡ chữa lành vết thương cho ta hay sẽ là người xát muối vào vết thương ấy. Duy chỉ trước mặt cha mẹ, chúng ta dù lớn đến mấy vẫn được sống hồn nhiên như đứa trẻ vô lo vô nghĩ.
Những lúc cảm thấy mất niềm tin vào thế giới này, nhận ra sự thực dụng của bạn bè, lòng đố kỵ của đồng nghiệp, những lúc chán ghét mọi thứ kể cả bản thân mình, bạn hãy về nhà. Nếu ở xa không về được, hãy gọi điện cho cha mẹ.
Dù hôm đó bạn có bị bạn bè bắt nạt, bị đồng nghiệp chơi xấu, bị sếp cằn nhằn, bị cả thế giới này quay lưng thì ba mẹ vẫn yêu thương bạn như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Nhà là nơi bão đứng ngoài cửa, có ba có mẹ chờ, có ba mẹ sẵn lòng bao dung và yêu thương.
Lúc còn nhỏ chỉ mong lớn thật nhanh để đi thật xa, gặp gỡ thật nhiều người. Sau này khi trưởng thành rồi, tôi mới nhận ra rằng nhà là vẫn là nơi êm ấm, cha mẹ vẫn là người đối tốt với mình nhất.
Thảo Trần
Theo Trí Thức Trẻ