Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Gặp khó khăn thì than trời, gặp thất bại thì đổ lỗi cho người khác, đó không phải là cách hành xử của bậc quân tử.

1. Người có thực tài là người khiêm tốn

Mạnh Tử  nói: "Kỳ vi nhân dã tiểu hữu tài, vị văn quân tử chi đại đạo dã, tắc túc dĩ sát kì khu nhi dĩ hĩ."

Nghĩa là: "Làm người chỉ biết khôn vặt, không thiểu được đạo lý lớn của bậc quân tử, dễ dẫn đến họa sát thân".

Cổ nhân có câu "đại trí giả ngu", càng là người tài trí thì càng nên tỏ ra khiêm tốn. Ngược lại, những kẻ chỉ có chút tài mọn, hay giở thói khôn vặt nhưng luôn tỏ vẻ tài giỏi để bản thân có được sự chú ý.

Những người này nếu được giao nhiệm vụ quan trọng thì không đủ khả năng đảm nhiệm, chỉ biết khua chiêng gõ trống tạo thanh danh, kỳ thực rất dễ làm hỏng việc lớn, bị người đời căm ghét, từ đó tự mang tới cái họa cho bản thân mình.

2. Nhớ kỹ những điều "không được làm"

Mạnh Tử nói: "Nhân hữu bất vi, nhi hậu khả dĩ hữu vi." Nghĩa là: "Người ta phải biết có những điều không được làm, rồi sau mới biết có những điều được làm."

Tựu chung lại, nguyên tắc của thành công là nắm rõ và tránh xa những điều gì không được làm, không thể làm và không nên làm.

Những điều không được làm là việc xấu, việc gây hại cho bản thân và người khác. Điều đầu tiền trước khi bắt tay vào một công việc nào chính là hiểu được hậu quả của những điều xấu, sau đó học cách tránh xa điều đó.

Cần khắc cốt ghi tâm rằng, có những việc tưởng chừng vô hại nhất thời, nhưng lại tiềm tàng cái hại to lớn cho mai sau.

Ngược lại, những điều được làm là việc tốt, có ích cho mình, cho người. đối với việc có lợi, ta cần cân nhắc xem điều nào nên làm trước, điều nào nên làm sau, chớ vì lòng tham với cái lợi trước mắt mà đánh mất lợi ích lâu dài, bền vững.

3. Làm việc lớn phải biết chọn thời thế

Mạnh Tử nói: "Khả dĩ sĩ tắc sĩ, khả dĩ chỉ tắc chỉ, khả dĩ cửu tắc cửu, khả dĩ tốc tắc tốc."

Nghĩa là: "Nên làm quan thì hãy làm quan, nên từ chức thì hãy từ chức, nên tiếp tục làm việc thì hãy tiếp tục làm việc, nên rời đi thì hãy rời đi."

Là bậc thánh nhân coi trọng chữ "Thời", Mạnh Tử cho rằng:

"Ai không đáng là vua thì không phụng sự, ai không đáng là dân thì không sai khiến.

Thời bình thì ra làm quan, thời loạn thì ở ẩn, đó là Bá Di. Phụng sự kẻ không đáng làm vua, sai kiến kẻ không đáng là dân; thời bình cũng ra làm quan, thời loạn cũng ra làm quan, đó là Y Doãn.

Lúc có thể làm quan thì làm quan, có thể dừng việc quan thì dừng, lúc có thể làm quan lâu thì lâu, lúc có thể làm quan mau thì mau, đó là Khổng Tử".

Nhận định về những bậc thánh nhân ấy, Mạnh Tử cũng ca ngợi: "Khổng Tử có đức tùy thời của bậc thánh nhân."

Trong thời hiện đại, cách nói của Mạnh Tử chính là biểu hiện của sự linh hoạt, nhạy bén, biết người biết ta, biết thời thế.

4. Cung kính đúng người, tiết kiệm đúng cách

Mạnh Tử nói: "Cung giả bất vũ nhân; kiệm giả bất đoạt nhân."

Nghĩa là: "Người cung kính không khinh bỉ người; người tiết kiệm không chiếm lấy của người."

Không ít người vẫn thường cho rằng, cung kính là thái độ tự hạ mình để tôn kính bậc trên; tiết kiệm là sự căn cơ, thận trọng trong việc chi tiêu, không hoang phí tiền bạc.

Ở đây, Mạnh Tử đã mở rộng ý nghĩa cho hai đức tình này. Theo ông, cung kính là không khinh bỉ người khác, tôn trọng người khác mà không phân biệt thứ bậc trên dưới. Còn tiết kiệm không đơn thuần là ki cóp, mà là không chiếm lấy những của cải không thuộc về mình.

Bởi vậy, sự cung kính, cần kiệm không phải là dáng điệu bên ngoài với những lời lẽ quan cách hay sự tích cóp cá nhân, mà chính là thái độ chân thành, tôn trọng người khác về cả con người lẫn tài sản của họ.

5. Tự trách mình trước khi trách người

Mạnh Tử nói: "Hành hữu bất đắc giả, giai phản cầu chư kỷ. Kỳ nhân chính nhi thiên hạ quy chi."

Nghĩa là: "Hành động mà chẳng đạt, đều phải quay lại tìm nguyên nhân ở mình."

Gặp khó khăn thì than trời, gặp thất bại thì đổ lỗi cho người khác, đó không phải là cách hành xử của bậc quân tử.

Mỗi khi làm bất cứ việc gì mà không thu được thành quả như ý, trước nhất ta nên nhìn vào chính bản thân mình để tìm ra nguyên nhân, đi từ nguyên nhân chủ quan tới suy ra nguyên nhân khách quan.

Tự nhìn thẳng vào lỗi lầm của mình trước khi trách cứ người khác, sau đó phân tích để tìm ra nguyên nhân, không ngừng nỗ lực sửa sai, thay đổi, đó mới là cách để đứng lên sau thất bại và vươn tới thành công.

6. Luôn giữ lẽ "toàn vẹn trước sau"

Mạnh Tử nói: "Vu bất khả dĩ nhi dĩ giả, vô sở bất dĩ; vu sở hậu giả bạc, vô sở bất bạc dã. Kì tiến nhuệ giả, kì thoái tốc."

Nghĩa là: "Một người dừng lại ở lúc không nên dừng, vứt bỏ toàn bộ cố gắng của bản thân, người như thế thì việc gì cũng có thể từ bỏ được; không coi trọng người nên coi trọng mà đối xử lạnh nhạt coi thường, người như vậy thì đối với người nào, việc gì cũng đều có thể coi thường lạnh nhạt. Người như vậy, lúc khởi đầu hăng hái tiến về phía trước bao nhiêu thì lúc gặp khó khăn cũng sẽ lui về phía sau nhanh bấy nhiêu."

Các bậc thánh nhân như Khổng Tử hay Mạnh Tử đều coi trọng việc toàn vẹn trước sau. Bởi vậy, Mạnh Tử khuyên chúng ta không nên coi nhẹ bất cứ việc gì. Nếu một lần bỏ dở việc giữa chừng, e rằng từ đó về sau khó có động lực để hoàn thành việc gì khác.

Toàn vẹn sau trước không chỉ là phương châm làm việc mà còn là châm ngôn trong cách đối nhân xử thế của Mạnh Tử. Khi đối xử với người khác, bạn chớ nên coi nhẹ bất cứ ai. Dùng thiện tâm đối đãi với mọi người trong mọi hoàn cảnh sẽ thu về cho bạn nhiều điều quý giá.

7. Hãy giữ cho mình cái tâm trẻ thơ

Mạnh Tử nói: "Đại nhân giả, bất thất kỳ xích chi tâm giả dã." Nghĩa là: "Bậc đại nhân là người không đánh mất cái tâm trẻ thơ của mình".

Theo "Tứ thư bình giải", "tâm trẻ thơ" trong quan niệm của Mạnh Tử chính là "thiên mệnh" trong sách Trung dung, là "minh đức" trong sách Đại học. Đó là "tính bản thiên" được Trời phú bẩm cho con người khi mới thành thai.

Phàm là con người cũng có được "thực thể" này. Người quân tử, bậc đại nhân ngay cả khi đã về già vẫn giữ lại cho mình cái tâm trẻ thơ ấy. Họa chăng chỉ có kẻ tiểu nhân thì đánh mất bởi những toan tính nhỏ mọn về danh lợi, dục vọng.

8. Chuyện khó nhất trên đời chính là tu khẩu nghiệp

Mạnh Tử nói: "Ngôn nhân chi bất thiện, đương như hậu hoạn hà?"

Nghĩa là: "Nói về những điều không tốt của người, sẽ nhận lấy tai vạ về sau biết dường nào?"

Mạnh Tử cho rằng, khi "bóc mẽ" những điểm xấu của người khác dù vô tình hay cố ý, ta sẽ trở thành đối thủ, thậm chí bị coi như kẻ thù "không đội trời chung" của người đó. Bởi vậy, họ tất nhiên sẽ tìm cách trả đũa, hãm hãi ta.

Sống ở đời, khó tu nhất chính là "khẩu nghiệp". Để tránh gặp phải mối họa từ miệng mà ra, ta buộc phải chú ý lời ăn tiếng nói của mình. Không dùng lời nói để tổn thương người khác sẽ giúp ta thêm bạn, bớt thù.

9. Đừng đánh giá người khác dựa trên sự thành - bại

Mạnh Tử nói: "Hữu bất ngu chi dự; hữu cầu toàn chi hủy." Nghĩa là: "Có người chẳng biết lo liệu mà được khen; có người tìm sự hoàn toàn mà bị chế nhạo."

"Tứ thư bình giải" cho rằng, có không ít yếu tố làm nên thành công, cũng có vô số nguyên nhân dẫn đến thất bại mà con người dù không ngoan đến đâu cũng không thể phân tích thấu đáo được. Vì vậy, chúng ta không nên lấy sự thành bại để đánh giá một người mà chỉ nên luận cái tài cái thiện của người ấy mà thôi.

10. Thuận lợi cũng là một loại thử thách

Mạnh Tử nói: "Phụ chi dĩ hàn ngụy chi gia, như kì tự thị khảm nhiên, tắc qua nhân viễn hĩ."

Nghĩa là: "Đem tài sản của hai nhà Hàn Ngụy cho một người, người ấy lại vẫn khiêm tốn, không tự mãn thì phẩm chất của anh ta vượt xa những người bình thường."

Chúng ta đều biết rõ khó khăn chính là thách thức, nhưng ít ai nhìn ra rằng sự thuận lợi cũng là một loại thử thách.

Điều đó cũng tương tự như việc càng đạt được những thành tích cao, thì bản thân lại càng khó bước tiếp để vượt qua cái bóng thành công của chính mình. Nếu dừng chân trước thành công quá sớm, e rằng cả đời cũng không thể chạm tới thành tựu.