Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Công ty tuyên bố phá sản. Từ những khoản tiền mặt đến những tài khoản ngân hàng, từ những giá trị lớn của bất động sản đến những cái vặt vãnh như chậu trầu bà treo trong văn phòng đều bị thanh lý. Trở thành kẻ ăn mày bất đắc dĩ, ông trốn tránh người quen, muối mặt tha phương cầu thực. Có những lần quẩn trí ông không còn muốn sống nữa. Bế tắc cùng cực, ông tìm đến người có trí, kể lại câu chuyện đời mình và khẩn khoản cầu cứu.

Người có trí lắng nghe, trầm ngâm một hồi lâu, nói lời chia sẻ cảm thông; cuối cùng kết luận rằng dù rất muốn nhưng không giúp được gì cả. Gương mặt vốn đã tiều tụy, thiểu não của ông giờ đây thẩn thờ, trắng bệch ra. Hy vọng cuối cùng đã vỡ tan bèo bọt. Ông lẩm bẩm tự hỏi vô hồn: “Đường cùng rồi sao ? Đường cùng rồi sao ?”

Người có trí bỗng lên tiếng: “Tuy bản thân không làm được gì cho ông nhưng tôi muốn giới thiệu một người khác có khả năng cứu giúp”. Bán tín bán nghi, ông thầm nghĩ: “Người này là ai mà có năng lực thần kỳ vậy”. Người có trí dẫn ông tới một tấm gương rồi nói: “Đây là người mà tôi muốn giới thiệu. Ngoài người này ra không ai cứu được ông đâu. Trước hết ông phải quen biết, hiểu rõ và trao đổi kỹ với người này trước khi có hành động cùng quẩn. Khi chưa hiểu biết sâu sắc cặn kẽ người này thì ông chỉ là một phế nhân vô dụng mà thôi.”

Người ăn mày tiến tới đứng trước tấm gương, nhìn chăm chăm cái dáng dấp lụ khụ trước tuổi trong đó. Ông lấy tay sờ vào khuôn mặt chảy dài buồn nản, râu tóc rũ rượi nhếch nhác, đôi mắt không thần sắc. Như nhận ra một điều gì, bất chợt ông thẳng người lên, hít thở thật mạnh.

Hôm sau ông trở lại với sắc diện và phong thái khác hẳn. Đi đứng nhanh nhẹn, cử chỉ dứt khoát, đôi mắt đầy thần khí, ông nói: “Cuối cùng nhờ Ngài mà tôi đã biết điều cần phải thực hiện. Tôi vừa tìm được việc làm với đầy đủ tự tin. Sau cơn mưa, trời lại sáng.”

Bài học đạo lý:

Câu chuyện trên được phóng tác từ bài “Khán nhất khán kính tử trung đích nhân” trong tác phẩmĐơn Giản Đạo Lý do Bành Vĩ Hâm biên soạn. Cuối câu chuyện tác giả chỉ nêu lên đạo lý đơn giản là: Chỉ có bản thân mới có thể cứu vớt được bản thân mà thôi (Chỉ hữu tự kỷ tài năng chửng cứu tự kỷ).

Thông thường người ta cứ nghĩ mất tài sản là mất tất cả. Cần xác tín rằng tài sản tuy quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất, dẫu sao thì cũng là “vật ngoài thân.” Có những cái quan trọng hơn ở trong thân như kiến thức, tài năng, nhân cách và hy vọng. Mới bị vấp ngã, người ta thường có suy nghĩ tiêu cực vì còn dựa trên nền của cái quá khứ mà suy tư, xúc cảm, bị cái “hào quang” của quá khứ che mờ. Chỉ cần chấp nhận thực trạng “đang là” với những cái đang có thì cánh cửa cơ hội sẽ mở ra. Kiến thức, kinh nghiệm, tay nghề, sức khỏe, một chút máu đam mê và một đốm lửa hy vọng là tài sản quan trọng nhất, vốn liếng căn bản nhất.

Mặt khác, nguyên lý tự cứu hay tự lực mà tác giả câu chuyện nêu lên là một khái quát khá rộng, làm mờ nhạt sắc thái riêng của câu chuyện. Ở đây chúng ta thử nghĩ một bài học mang dấu ấn của câu chuyện trên. Nói cách khác, qua việc soi gương, người có trí đã dạy cho ông ăn mày làm gì? Hay, ẩn dụ soi gương có thể được diễn dịch thành ngôn ngữ bình dân như thế nào? Người viết đề nghị đáp án: Làm mới lại nhận thức về bản thân, lắng nghe lời hướng dẫn từ con người thật của mình. Con người thật ở đây có thể được hiểu qua ngôn ngữ thi ca của Vũ Hoàng Chương trong bài thơ “Trẩy hội”:

Trẩy hội đâu đâu cũng trở về,

Đông, Đoài, Nam, Bắc, một phương quê.

Tạo duyên thay nghiệp dây oan gỡ,

Hiểu sắc là không bến giác kề.

Suối biếc đưa lời kinh vọng khắp,

Bụi hồng theo ngọn gió tung hê.

Bỗng dưng nhìn thấy con người thật

Của chính mình xưa trót lạc đề.

Con người thật không phải là con người nhỏ bé, hay cái tôi đáng ghét mà là con người mở rộng, cộng thông với vạn sự vạn vật, sơn hà đại địa. Con người thật nằm sâu trong mỗi con người, thân thiết với mỗi một cá nhân cụ thể nhưng vẫn cộng thông với những nguyên lý siêu việt. Con người thật luôn luôn giàu có, an vui và tĩnh lặng. Trở về với con người thật, chắc chắn người ta sẽ thoát khỏi thân phận ăn mày, thân phận của kẻ cùng tử mà Kinh Pháp Hoa đã miêu tả một cách sinh động và đầy ấn tượng.