Nhiều người bảo làng này mà không có Mười dở thì chán chết, toàn người nghiêm túc quá hóa buồn. Nhưng người ta cũng bực ghê lắm vì bao năm cố gắng thi đua xây dựng làng văn hóa mà chưa năm nào được. Cũng chỉ tại ả Mười sống buông thả quá, ai lại cứ hai năm một lần vác cái bụng chửa vượt mặt diễu khắp làng. Ả có chồng mà chửa thì đâu ra chuyện, đằng này ả đã không chồng mà đẻ xong cũng chẳng thấy con đâu. Người ta cười chê đủ kiểu còn ả thì hềnh hệch bảo “tại em tốt số”. Thử hỏi có cái làng văn hóa nào lại có người như thế hay không? Ả chẳng bận tâm, mở cái quán ở đầu làng mùa nào thứ ấy.
Dịp gần Tết thấy ả bán lá dong xanh, vừa bán vừa ca: “Thân em như củ ấu gai/ Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen/ Ai ơi nếm thử mà xem/ Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi”.
- Bán lá dong thì được bao tiền hỡi cô Mười? Em ngọt em bùi thì cho tôi nếm thử.
Mười nguýt dài, đong đưa đôi mắt gián nhấm thẽ thọt:
- Đồ quỷ sứ. Cứ đùa người ta…
Dân làng bảo nhau kể cũng lạ, xấu như ả mà cũng có người thuê đẻ. Đàn ông can đảm đâu phải ít, tính sơ sơ ả cũng đã mang thai sáu lần cả thảy. Đàn bà làng này ban đầu cũng bán tín bán nghi, nhiều khi thấy Mười dở vác bụng bầu đi qua mà giật mình thon thót. Biết đâu cái bụng chửa kia lại là kết quả của chồng mình. Đàn ông ở làng chả biết có oan thật hay không nhưng ông nào cũng giãy nãy “ghen với ai không ghen lại đi ghen với ả Mười dở là sao?”.
Vậy thì những đứa con trong bụng ả là tác phẩm của ai? Dĩ nhiên là chẳng có câu trả lời, người ta tưởng ả đẻ thuê nhưng thực ra đâu phải vậy. Ả không nhớ hết khuôn mặt những gã đàn ông như lũ chuột đêm tìm đến.
Họ đến và đi đều muốn xóa sạch dấu vết đến mức nhiều khi ả chỉ nhận ra họ qua mùi mồ hôi trên cơ thể. Đôi khi họ để lại món quà cho ả là cái bụng bầu rồi biệt tích. Ả không trách ai cũng chẳng trách mình, đời cho sao thì nhận vậy.
Lạ lắm, ả đẻ toàn con trai, đã thế đứa nào cũng khôi ngô tuấn tú, không vương vãi một nét nào của ả trong những thiên thần ấy. Đàn bà trong làng chậc lưỡi bảo “cũng may mà ả không đẻ con gái. Chứ nếu con gái chắc là sẽ giống ả. Mà một khi đã giống ả rồi thì coi như nhàu nhĩ một đời”. Nhưng ả có bao giờ rầu rĩ đâu. Ngay cả lúc trao con mình dứt ruột đẻ ra cho người ta ả còn cười hềnh hệch. Cười như thể đứa trẻ ấy không phải là máu mủ ruột già.
Ả cầm xấp tiền bán con đếm đi đếm lại rồi giắt vội cạp quần. Tàn nhẫn cỡ như ả thật hiếm có trên đời. Ai đó thở dài bảo “ôi dào, hơi đâu mà trách ả Mười dở. Nếu biết buồn đau thì chẳng phải ả đã giống chúng ta sao”.
Làng này ngoài những kẻ làm quan oai vệ thì còn lại là dân tinh quái. Bên ngoài hể hả thế thôi chứ toan tính nặng đầu. Cuộc họp lần nào cũng ầm ĩ, trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Cứ động đến quyền lợi là chẳng ai chịu nhường ai, còn sờ đến trách nhiệm thì giãy nãy như đỉa phải vôi. Các vị đứng đầu thì mắc bệnh thành tích nặng lắm. Ai lại chỉ vì phấn đấu thôn văn hóa mà đẩy mấy hộ nhà cửa xiêu vẹo, con cái nheo nhóc ra khỏi danh sách hộ nghèo. Dân thì chả thèm cái danh hiệu “văn hóa” suông. Nhà giàu cũng muốn chui vào hộ nghèo chỉ để có thẻ bảo hiểm y tế, nay ốm mai đau đỡ khối tiền. Hoặc kiếm cái giấy chứng nhận hộ nghèo cho mấy đứa nhỏ đi học được giảm học phí, được ưu tiên sống trong ký túc xá. Nhất là cái khoản vay vốn cứ gọi là nhặng xị. Ai cũng muốn vay lãi suất thấp mà số người được vay lại hạn chế nên tranh giành ầm ĩ.
Ả Mười chả mấy khi đi họp. Có đi ả cũng hềnh hệch cười, ai nói gì cũng gật. Thiên hạ lắc đầu bảo “xem ra cứ dùng vốn tự có như ả Mười lại đỡ phải lằng nhằng”. Mà phấn đấu làm quái gì, như ả Mười cả đời đâu cần thôn văn hóa.
Người ta không tin Mười sống được nhờ cái sạp hàng nho nhỏ ấy. Khi thì Mười bán thịt lợn, lúc bán quần áo hàng thùng, thỉnh thoảng lại có xe ô-tô chở hoa quả ghé đến đổ đống. Lãi lờ chẳng là bao cũng bởi Mười xuề xòa quá, người ta nói ngọt mấy câu thì trả giá nào ả cũng vui vẻ gật đầu. Trên sạp hàng nhiều khi thấy bày mấy thứ trông lạc lõng. Một nải chuối, vài quả hồng xiêm, chục trứng vịt hoặc dăm ba bó miến. Chẳng phải hàng hóa mua về bán lại kiếm lãi đâu, chẳng qua là đồ của mấy gã đàn ông để lại làm quà. Ả không thích ăn thì mang bán, bày ơ hờ thế thôi mà khối kẻ đi qua phải cúi đầu đạp xe vội vã.
Có bà vợ một hôm ghé mua thịt, giật mình thấy chục trứng gà Mười bày bán được đánh dấu bằng bút đỏ nhìn quen quá. Chiều đó về sờ ổ gà đang ấp thì không còn thấy trứng đâu. Cũng có bà vợ kêu sao dạo này nhà nấu ít cơm mà gạo thì nhanh hết. Đàn ông ngồi xỉa răng xem quảng cáo, mặt tỉnh bơ không có biểu hiện gì. Rồi bên nhà nào đó có đứa trẻ ôm nải chuối chạy về. Chuối ở đâu ra vậy bay ơi? Thì cô Mười cho chứ đâu. Đàn ông nóng mặt quát om xòm “nhà thiếu gì chuối mà phải đi xin”. Trẻ con tỉnh bơ bảo “con xin về cho bố đấy chứ. Tại dạo này bố bảo thích ăn chuối chín đấy thôi”.
*
Dân làng đang cày bừa phơi ải đất chuẩn bị cho vụ lạc mới thì thấy loa thông báo họp phụ huynh toàn trường cấp II. Không có gì quan trọng ngoài việc đóng tiền ủng hộ trường xây tường rào và thư viện. Ngoài ra còn nghe nói sẽ có một thầy giáo mới về làng. Cái tin ấy thông báo chưa được một tuần thì một chiều Mười đang bán hàng bỗng thấy một chàng thanh niên trẻ chở đồ đạc cồng kềnh rẽ vào làng.
Đến trước quán anh chàng hỏi nhỏ: “Chị gì ơi, chỉ em đường rẽ vào trường cấp II của xã”. Mười đứng ngẩn mất vài giây, mấy người đứng mua hàng bật cười. Hóa ra Mười dở cũng biết ham trai đẹp. Mười muốn cãi “đâu có, tại ánh mắt cậu ấy ấm áp quá”, nhưng thôi. Họ chẳng tin Mười đâu, họ sẽ cười cợt và đàm tiếu. Mười đứng nhìn theo bóng cậu thanh niên trẻ đang trôi đi trên con đường nhỏ, ả bỗng nhoẻn cười.
Thầy giáo trẻ về làng hẳn nhiên là sự kiện vui. Thầy bảnh trai, biết cách cư xử lại có học thức nên chưa gì đã vào tầm ngắm của mấy nhà có con gái lớn. Tiệc đón thầy kéo dài cả tuần trời. Nhà nào cũng mời thầy về dùng bữa vừa để gửi gắm đứa nhỏ lại vừa giới thiệu cho đứa lớn. Ấy vậy mà xem ra thầy chẳng chú ý đến cô nào, dù làng này đâu thiếu gì gái đẹp. Ngoài giờ lên lớp, soạn giáo án thì thầy hay ngồi ở quán ả Mười. Ban đầu thì chỉ là xuống mua ít thịt, mớ rau về nấu cơm canh. Sau vài lần chuyện trò đâm ra bén duyên, thầy giáo thấy cả cái làng này có mỗi Mười là tính tình hay nhất. Người đâu lúc nào cũng thấy cười, chuyện gì cũng biết mà như không biết.
Mồng một ngó dân tứ xứ đến viếng chùa, Mười nói bâng quơ: “Chùa nhà nhưng ấm hương khách lạ”. Thấy người ta làm giỗ linh đình, Mười cười hềnh hệch bảo: “Giỗ người chết cốt cỗ người sống”. Thiên hạ thì kháo nhau: “Không lẽ thầy lại mê cô Mười. Gu thẩm mỹ của thầy hình như có vấn đề”. Ngay cả Mười có lúc cũng tự hỏi “hay là thầy giáo thích mình?”. Nghĩ rồi tự rùng mình, ai mà yêu cho nổi ả.
Thầy giáo phá lên cười. Yêu chứ sao không yêu. Mười là đáng để yêu nhất cái xứ này. Thầy nói vậy thôi chứ thầy có người để nhớ nhung rồi. Thầy thương Mười như đứa em trai thương chị. Mà chị của thầy thì đã đi lạc trong tháng năm thơ bé. Nhiều hôm ngó Mười cười hềnh hệch thầy xót lòng nghĩ không biết chị của mình giờ khôn dại ra sao. Thầy không dám giống người ta, sợ nếu cười chê Mười thì biết đâu ở xó đời nào đó thiên hạ cũng làm thế với máu mủ của mình. Thầy nghĩ che chở Mười được phần nào cũng chính là vỗ về đời mình phần ấy. Đôi khi thầy ước được như Mười, thà cứ dở người cười hềnh hệch còn hơn nuốt tất cả vào lòng âm ỉ thương đau.
Hôm ngồi nép bên đường nhìn xe tang đi qua, nghe dòng người khóc thương tuyệt vọng thầy đã nghĩ tiễn đưa nhau là ân huệ cuối cùng của đời người. Vậy tại sao phải chờ đến lúc không cầm được tay nhau, không nói được với nhau mới biết tử tế với nhau. Mười không nghĩ gì. Đám ma nào Mười cũng đến không kể thân sơ, đến mà không khóc chỉ để cười. Mười được quyền cười như thế bởi khi sống Mười đã tử tế với cuộc đời bằng cái dở hơi hềnh hệch của mình.
Mười bán lá dong xanh mướt, xanh như lòng Mười vậy. Ai mua Mười cũng biếu thêm chục lá làm quà. Thầy hỏi, “vì sao đẻ nhiều?”. “Lỡ thì đẻ thôi, bỏ đi phải tội”. “Đẻ rồi mang cho người ta thì không thấy tội sao?”. “Ờ, ai nuôi bọn trẻ chắc cũng tốt hơn tôi. Một bà mẹ dở hơi như Mười này liệu có nuôi chúng tử tế được không?”. “Mười không biết sao, trong lòng những đứa con thì trái tim người mẹ luôn ấm áp nhất”. “Vậy sao? Vậy mà tôi không biết! Người ta gọi tôi mà Mười dở thật chẳng sai”. Mười lại cười hềnh hệch. Thầy bảo thôi đừng cười nữa, cười mà buồn vậy thì thà đừng có cười, Mười làm tôi nhớ chị tôi.
Vậy tụi mình ngồi đây ngó thiên hạ chơi thôi. Ngó người ta đi mua áo `mới cho con. Người ta giục chồng đi cắt tóc. Người ta lo thu dọn cửa nhà. Người ta lo vun vén và yêu thương. Còn tụi mình cứ ngồi đây thong thả mà cười…
Truyện ngắn Vũ Thị Huyền Trang
Theo: PGVN
Dịp gần Tết thấy ả bán lá dong xanh, vừa bán vừa ca: “Thân em như củ ấu gai/ Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen/ Ai ơi nếm thử mà xem/ Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi”.
- Bán lá dong thì được bao tiền hỡi cô Mười? Em ngọt em bùi thì cho tôi nếm thử.
Mười nguýt dài, đong đưa đôi mắt gián nhấm thẽ thọt:
- Đồ quỷ sứ. Cứ đùa người ta…
Dân làng bảo nhau kể cũng lạ, xấu như ả mà cũng có người thuê đẻ. Đàn ông can đảm đâu phải ít, tính sơ sơ ả cũng đã mang thai sáu lần cả thảy. Đàn bà làng này ban đầu cũng bán tín bán nghi, nhiều khi thấy Mười dở vác bụng bầu đi qua mà giật mình thon thót. Biết đâu cái bụng chửa kia lại là kết quả của chồng mình. Đàn ông ở làng chả biết có oan thật hay không nhưng ông nào cũng giãy nãy “ghen với ai không ghen lại đi ghen với ả Mười dở là sao?”.
Vậy thì những đứa con trong bụng ả là tác phẩm của ai? Dĩ nhiên là chẳng có câu trả lời, người ta tưởng ả đẻ thuê nhưng thực ra đâu phải vậy. Ả không nhớ hết khuôn mặt những gã đàn ông như lũ chuột đêm tìm đến.
Họ đến và đi đều muốn xóa sạch dấu vết đến mức nhiều khi ả chỉ nhận ra họ qua mùi mồ hôi trên cơ thể. Đôi khi họ để lại món quà cho ả là cái bụng bầu rồi biệt tích. Ả không trách ai cũng chẳng trách mình, đời cho sao thì nhận vậy.
Lạ lắm, ả đẻ toàn con trai, đã thế đứa nào cũng khôi ngô tuấn tú, không vương vãi một nét nào của ả trong những thiên thần ấy. Đàn bà trong làng chậc lưỡi bảo “cũng may mà ả không đẻ con gái. Chứ nếu con gái chắc là sẽ giống ả. Mà một khi đã giống ả rồi thì coi như nhàu nhĩ một đời”. Nhưng ả có bao giờ rầu rĩ đâu. Ngay cả lúc trao con mình dứt ruột đẻ ra cho người ta ả còn cười hềnh hệch. Cười như thể đứa trẻ ấy không phải là máu mủ ruột già.
Ả cầm xấp tiền bán con đếm đi đếm lại rồi giắt vội cạp quần. Tàn nhẫn cỡ như ả thật hiếm có trên đời. Ai đó thở dài bảo “ôi dào, hơi đâu mà trách ả Mười dở. Nếu biết buồn đau thì chẳng phải ả đã giống chúng ta sao”.
Làng này ngoài những kẻ làm quan oai vệ thì còn lại là dân tinh quái. Bên ngoài hể hả thế thôi chứ toan tính nặng đầu. Cuộc họp lần nào cũng ầm ĩ, trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Cứ động đến quyền lợi là chẳng ai chịu nhường ai, còn sờ đến trách nhiệm thì giãy nãy như đỉa phải vôi. Các vị đứng đầu thì mắc bệnh thành tích nặng lắm. Ai lại chỉ vì phấn đấu thôn văn hóa mà đẩy mấy hộ nhà cửa xiêu vẹo, con cái nheo nhóc ra khỏi danh sách hộ nghèo. Dân thì chả thèm cái danh hiệu “văn hóa” suông. Nhà giàu cũng muốn chui vào hộ nghèo chỉ để có thẻ bảo hiểm y tế, nay ốm mai đau đỡ khối tiền. Hoặc kiếm cái giấy chứng nhận hộ nghèo cho mấy đứa nhỏ đi học được giảm học phí, được ưu tiên sống trong ký túc xá. Nhất là cái khoản vay vốn cứ gọi là nhặng xị. Ai cũng muốn vay lãi suất thấp mà số người được vay lại hạn chế nên tranh giành ầm ĩ.
Ả Mười chả mấy khi đi họp. Có đi ả cũng hềnh hệch cười, ai nói gì cũng gật. Thiên hạ lắc đầu bảo “xem ra cứ dùng vốn tự có như ả Mười lại đỡ phải lằng nhằng”. Mà phấn đấu làm quái gì, như ả Mười cả đời đâu cần thôn văn hóa.
Người ta không tin Mười sống được nhờ cái sạp hàng nho nhỏ ấy. Khi thì Mười bán thịt lợn, lúc bán quần áo hàng thùng, thỉnh thoảng lại có xe ô-tô chở hoa quả ghé đến đổ đống. Lãi lờ chẳng là bao cũng bởi Mười xuề xòa quá, người ta nói ngọt mấy câu thì trả giá nào ả cũng vui vẻ gật đầu. Trên sạp hàng nhiều khi thấy bày mấy thứ trông lạc lõng. Một nải chuối, vài quả hồng xiêm, chục trứng vịt hoặc dăm ba bó miến. Chẳng phải hàng hóa mua về bán lại kiếm lãi đâu, chẳng qua là đồ của mấy gã đàn ông để lại làm quà. Ả không thích ăn thì mang bán, bày ơ hờ thế thôi mà khối kẻ đi qua phải cúi đầu đạp xe vội vã.
Có bà vợ một hôm ghé mua thịt, giật mình thấy chục trứng gà Mười bày bán được đánh dấu bằng bút đỏ nhìn quen quá. Chiều đó về sờ ổ gà đang ấp thì không còn thấy trứng đâu. Cũng có bà vợ kêu sao dạo này nhà nấu ít cơm mà gạo thì nhanh hết. Đàn ông ngồi xỉa răng xem quảng cáo, mặt tỉnh bơ không có biểu hiện gì. Rồi bên nhà nào đó có đứa trẻ ôm nải chuối chạy về. Chuối ở đâu ra vậy bay ơi? Thì cô Mười cho chứ đâu. Đàn ông nóng mặt quát om xòm “nhà thiếu gì chuối mà phải đi xin”. Trẻ con tỉnh bơ bảo “con xin về cho bố đấy chứ. Tại dạo này bố bảo thích ăn chuối chín đấy thôi”.
*
Dân làng đang cày bừa phơi ải đất chuẩn bị cho vụ lạc mới thì thấy loa thông báo họp phụ huynh toàn trường cấp II. Không có gì quan trọng ngoài việc đóng tiền ủng hộ trường xây tường rào và thư viện. Ngoài ra còn nghe nói sẽ có một thầy giáo mới về làng. Cái tin ấy thông báo chưa được một tuần thì một chiều Mười đang bán hàng bỗng thấy một chàng thanh niên trẻ chở đồ đạc cồng kềnh rẽ vào làng.
Đến trước quán anh chàng hỏi nhỏ: “Chị gì ơi, chỉ em đường rẽ vào trường cấp II của xã”. Mười đứng ngẩn mất vài giây, mấy người đứng mua hàng bật cười. Hóa ra Mười dở cũng biết ham trai đẹp. Mười muốn cãi “đâu có, tại ánh mắt cậu ấy ấm áp quá”, nhưng thôi. Họ chẳng tin Mười đâu, họ sẽ cười cợt và đàm tiếu. Mười đứng nhìn theo bóng cậu thanh niên trẻ đang trôi đi trên con đường nhỏ, ả bỗng nhoẻn cười.
Thầy giáo trẻ về làng hẳn nhiên là sự kiện vui. Thầy bảnh trai, biết cách cư xử lại có học thức nên chưa gì đã vào tầm ngắm của mấy nhà có con gái lớn. Tiệc đón thầy kéo dài cả tuần trời. Nhà nào cũng mời thầy về dùng bữa vừa để gửi gắm đứa nhỏ lại vừa giới thiệu cho đứa lớn. Ấy vậy mà xem ra thầy chẳng chú ý đến cô nào, dù làng này đâu thiếu gì gái đẹp. Ngoài giờ lên lớp, soạn giáo án thì thầy hay ngồi ở quán ả Mười. Ban đầu thì chỉ là xuống mua ít thịt, mớ rau về nấu cơm canh. Sau vài lần chuyện trò đâm ra bén duyên, thầy giáo thấy cả cái làng này có mỗi Mười là tính tình hay nhất. Người đâu lúc nào cũng thấy cười, chuyện gì cũng biết mà như không biết.
Mồng một ngó dân tứ xứ đến viếng chùa, Mười nói bâng quơ: “Chùa nhà nhưng ấm hương khách lạ”. Thấy người ta làm giỗ linh đình, Mười cười hềnh hệch bảo: “Giỗ người chết cốt cỗ người sống”. Thiên hạ thì kháo nhau: “Không lẽ thầy lại mê cô Mười. Gu thẩm mỹ của thầy hình như có vấn đề”. Ngay cả Mười có lúc cũng tự hỏi “hay là thầy giáo thích mình?”. Nghĩ rồi tự rùng mình, ai mà yêu cho nổi ả.
Thầy giáo phá lên cười. Yêu chứ sao không yêu. Mười là đáng để yêu nhất cái xứ này. Thầy nói vậy thôi chứ thầy có người để nhớ nhung rồi. Thầy thương Mười như đứa em trai thương chị. Mà chị của thầy thì đã đi lạc trong tháng năm thơ bé. Nhiều hôm ngó Mười cười hềnh hệch thầy xót lòng nghĩ không biết chị của mình giờ khôn dại ra sao. Thầy không dám giống người ta, sợ nếu cười chê Mười thì biết đâu ở xó đời nào đó thiên hạ cũng làm thế với máu mủ của mình. Thầy nghĩ che chở Mười được phần nào cũng chính là vỗ về đời mình phần ấy. Đôi khi thầy ước được như Mười, thà cứ dở người cười hềnh hệch còn hơn nuốt tất cả vào lòng âm ỉ thương đau.
Hôm ngồi nép bên đường nhìn xe tang đi qua, nghe dòng người khóc thương tuyệt vọng thầy đã nghĩ tiễn đưa nhau là ân huệ cuối cùng của đời người. Vậy tại sao phải chờ đến lúc không cầm được tay nhau, không nói được với nhau mới biết tử tế với nhau. Mười không nghĩ gì. Đám ma nào Mười cũng đến không kể thân sơ, đến mà không khóc chỉ để cười. Mười được quyền cười như thế bởi khi sống Mười đã tử tế với cuộc đời bằng cái dở hơi hềnh hệch của mình.
Mười bán lá dong xanh mướt, xanh như lòng Mười vậy. Ai mua Mười cũng biếu thêm chục lá làm quà. Thầy hỏi, “vì sao đẻ nhiều?”. “Lỡ thì đẻ thôi, bỏ đi phải tội”. “Đẻ rồi mang cho người ta thì không thấy tội sao?”. “Ờ, ai nuôi bọn trẻ chắc cũng tốt hơn tôi. Một bà mẹ dở hơi như Mười này liệu có nuôi chúng tử tế được không?”. “Mười không biết sao, trong lòng những đứa con thì trái tim người mẹ luôn ấm áp nhất”. “Vậy sao? Vậy mà tôi không biết! Người ta gọi tôi mà Mười dở thật chẳng sai”. Mười lại cười hềnh hệch. Thầy bảo thôi đừng cười nữa, cười mà buồn vậy thì thà đừng có cười, Mười làm tôi nhớ chị tôi.
Vậy tụi mình ngồi đây ngó thiên hạ chơi thôi. Ngó người ta đi mua áo `mới cho con. Người ta giục chồng đi cắt tóc. Người ta lo thu dọn cửa nhà. Người ta lo vun vén và yêu thương. Còn tụi mình cứ ngồi đây thong thả mà cười…
Truyện ngắn Vũ Thị Huyền Trang
Theo: PGVN