Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Có những sự việc mà hai mươi năm trước tôi hoàn toàn không phát hiện ra mình đã có lỗi lầm gì. Hai mươi năm sau, càng suy nghĩ tôi lại càng hổ thẹn, càng sám hối. Một hôm cha tôi rất cực nhọc vì phải khám bệnh nhiều bệnh nhân , bỗng nhiên ông rất bực bội nói với chúng tôi: “Tại sao ngày nào cũng không có ai nói với tôi một câu vui vẻ?”

 Bấy giờ tôi tưởng rằng trong lòng cha tôi không vui nên có phần nóng giận, do đó, tôi chỉ biết im lặng không dám nói gì. Cha tôi thấy chúng tôi không phản ứng gì nên ông tự lắng dịu lại. Sau này chính tôi làm bác sĩ mới hiểu được cái mùi vị của sự việc ngày đêm cứ phải nghe người ta kêu oán khổ. Quả thực, có thể nói trên đời không có ai vui vẻ khỏe mạnh lại đi tới bác sĩ để nói với ông một lời hoan hỉ. Cha tôi đã trãi qua mấy mươi năm tâm khổ để nói ra tiếng lòng mình, nhưng khi tôi hiểu được ông thì đã quá muộn. Hồi tôi còn học tiểu học, nghe thầy giảng nhị thập tứ hiếu, có ông Lão Lai tuy đã già rồi mà mỗi ngày vẫn làm trò cười cho cha mẹ vui. Tuy tôi đã nghe được câu chuyện đời xưa và ý nghĩa ấy, tôi vẫn không chịu thực hành. Hèn chi cha tôi bảo tôi là chẳng ra gì! Tự tôi, tôi không quan sát, không hiểu được sự sinh hoạt hàng ngày của cha tôi, cũng không tự mình chủ động phát tâm khiến cho ông vui vẻ. Đó là sự bất hiếu tầng thứ nhất của tôi. Khi cha tôi đã nói ra tiếng lòng của ông , tôi nghe xong chỉ nghĩ là ông đang nóng giận chứ chưa từng cố ý để tìm hiểu sự buồn khổ khiến ông kích động, cũng chưa từng biểu lộ những gì để an ủi ông. Đây là sự bất hiếu tầng thứ hai, càng nghiêm trọng hơn. Sau đó rất lâu rồi cũng chưa từng phát hiện mình có sai quấy gì không hay biết rằng cần phải sám hối cãi lỗi. Thật là quá ngu si! Nên biết rằng người ta khi lòng không vui thì không chịu phát tâm làm cho người khác vui, đó là không từ bi. Trong lúc người khác đang đau khổ không biết làm sao để giúp đỡ họ, thậm chí một câu nói thông cảm cũng không biết nói, đó là không trí tuệ. Học Phật mà không có từ bi lại không có trí tuệ! Quả thực là không biết học cái gì, một chút công năng cũng chẳng có! Phật là đấng vạn đức, vạn năng; tôi học mà vô năng, vô đức, thậm chí một câu nói thân thiết thích đáng để cúng dường cha tôi mà mà cũng không nói được thì tôi quả là một đứa chẳng ra gì trong đạo hiếu. Trước kia tôi nghĩ rằng đối với người nhà, người quen có lẽ không cần phải nói lời thân thiết quan hoài, vui vẻ khen ngợi, kì thực đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Giới Bồ Tát có qui định rằng: mỗi ngày ít nhất cũng nên dùng một lời kệ để tán thán công đức Tam Bảo; nếu có hôm nào không tán thán tức là phạm giới. Đây không phải là Tam Bảo rất muốn được khen thưởng mà chính là chúng ta học tập đạo Bồ Tát thì phải luôn đề tỉnh, luôn luyện tập để khéo làm cho thân khẩu ý của chúng ta ứng hợp với Phật tính. Đi giúp đỡ chúng sinh tu công đức thì đương nhiên phải luyện tập ngôn ngữ mà làm công đức, nếu không thì té ra miệng của chúng ta chỉ biết có ăn cơm và nói những lời vô bổ sao? Có người đang cần lời an ủi, chúng ta lại nói tôi không biết, tôi không có “công năng ấy” sao? Thực ra không biết thì phải luyện tập cho biết chứ! Nếu không thì cũng như câu nói của cha tôi: “Ngay cả một chút công năng bố thí hoan hỉ mà con cũng không có thì làm sao mà tu hành đạo Bồ Tát được?”. Sự bất hiếu trong quá khứ đã không có cách gì bù đắp được, chỉ có cách là hiện tại mong sám hối cải tiến thật lòng mà thực hành.

Trích Liên Hoa Hóa Sanh
Pháp sư Đạo Chứng
Dịch Giả: Trần Tuấn Mẫn