Chủ đề
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !
Tĩnh tâm là một loại tâm thái tốt, khiến một người được lợi ích vô cùng. Khi đứng trước một sự tình, một người có thể tĩnh hạ tâm xuống thì không chỉ có cái nhìn sáng suốt, sâu rộng mà còn giúp sản sinh ra trí tuệ, đồng thời dung nạp được tri thức mới, trí tuệ mới.

- Có một câu chuyện kể rằng, trước đây có một vị đại sư có trí tuệ rất thâm sâu, danh tiếng của ông được mọi người xa gần biết đến. Vị đại sư này thường hay đi giảng đạo cho dân chúng và đạo mà ông giảng cũng rất sâu sắc.

Một lần, một thôn làng mời ông đến giảng đạo cho dân chúng nghe và vị đại sư đã nhận lời. Khi vị đại sư đi đến thôn làng thì đã có mấy trăm người đến sớm ngồi chờ ông ở đó. Sau khi trải qua nghi thức tiếp đón long trọng, vị đại sư bước lên bục bắt đầu bài giảng. Mọi người ở dưới khán đài chăm chú lắng nghe.

Bỗng nhiên vị đại sư hỏi: “Các vị, tôi thật vinh hạnh khi có mặt ở đây để được học tập cùng quý vị. Nhưng tôi muốn hỏi các vị một câu, có ai biết hôm nay tôi muốn giảng về chủ đề gì không?”

Rất nhiều người ở dưới khán đài dường như đã nghe trước được điều gì đó nên đều đồng thanh đáp: “Biết! Chúng tôi biết!”

Vị đại sư nghe xong, chợt dừng lại, nhìn mọi người rồi nở nụ cười nói: “Ồ! Nếu các vị đã đều biết cả rồi thì tôi sẽ không cần giảng nữa, đúng không nào?” Nói xong, vị đại sư bước xuống khán đài, chào mọi người và ra về.

Mọi người trong thôn làng rất thất vọng. Cuối cùng, họ quyết định mời vị đại sư đến giảng đạo một lần nữa. Lần này vị đại sư cũng nhận lời. Hôm sau, sau khi gặp gỡ mọi người, vị đại sư lại bước lên khán đài và hỏi câu hỏi giống như ngày hôm trước: “Hôm nay tôi muốn giảng chủ đề gì, các vị biết không?”

Lần này mọi người trong thôn ai nấy đều chuẩn bị tốt tinh thần, rút kinh nghiệm của ngày hôm trước, liền đáp: “Không biết! Chúng tôi đều không biết!”

Vị đại sư dừng lại, trên mặt nở một nụ cười, đáp rằng: “Các vị thân mến! Nếu chuyện gì các vị cũng không biết, thì tôi cũng không thể giảng được!” Không đợi mọi người có phản ứng gì, vị đại sư lại nhanh chóng rời đi. Mọi người đều ngây người không hiểu nguyên do, bởi vì họ đều cho rằng câu trả lời “không biết” chính là đáp án mà vị đại sư muốn nghe.

Mặc dù đã trải qua hai lần, nhưng người dân trong thôn làng vẫn không buông bỏ niềm mong ước muốn được nghe vị đại sư giảng đạo. Họ tin rằng cách xử sự của vị đại sư chắc hẳn là có nguyên do sâu xa. Nhiều người băn khoăn rằng: “Nếu đáp án ‘biết’ và ‘không biết’ đều làm đại sư không vừa lòng, vậy thì rốt cuộc đáp án là gì. Chúng ta phải làm sao mới lĩnh hội được trí tuệ của vị đại sư?”

Thế là, mọi người trong thôn làng lại thảo luận cùng nhau và quyết định một lần nữa đến mời vị đại sư tới giảng đạo. Đến ngày hẹn, mọi người trong thôn ai nấy đều vui mừng phấn khởi, nhưng cũng vô cùng hồi hộp. Lần này, vị đại sư lại hỏi đúng câu hỏi của hai lần trước. Mọi người không một chút do dự, một nửa số người đáp: “Biết!”, số người còn lại đáp: “Không biết!”

Sau đó mọi người chờ phản ứng của vị đại sư, không ngờ vị đại sư nói: “Ồ! Vậy thì những người biết rồi hãy nói cho những người không biết đi!” Nói xong, vị đại sư lại lặng lẽ rời đi.

Lần thứ tư vị đại sư lại được người dân mời đến, lần này sau khi ông hỏi câu hỏi của ba lần trước, toàn bộ mọi người có mặt ai nấy đều im lặng, không ai nói một lời nào. Không khí dưới khán đài tĩnh lặng đến mức ngay cả một vật nhỏ rơi xuống đất cũng có thể nghe được.

 

 

Trong không gian tĩnh lặng ấy, vị đại sư nói: “Chỉ có ở trong yên tĩnh, chúng ta mới có thể nghe thấy được thanh âm của trí tuệ tâm linh.”

Vị đại sư giảng tiếp đạo lý:

Lần đầu tiên, khi tôi hỏi, các vị đáp rằng đã biết. Đây là thể hiện sự kiêu ngạo của tự ngã. Khi trong đầu một người tràn ngập tư tưởng kiêu ngạo thì chuyện gì cũng không thể tiếp thu được. Nó giống như một cốc nước sắp tràn vậy, cho dù là một giọt nước nhỏ cũng không thể rót thêm vào được.

Lần thứ hai, khi tôi hỏi, các vị đáp rằng “không biết”. Đây là một đáp án thể hiện tính tiêu cực và tự ti. Khi trong đầu một người khép kín, tràn ngập sự tự ti, tiêu cực thì cũng không thể tiếp thu được trí tuệ. Nó giống như chiếc chén úp vậy, sao có thể đựng được nước đây?

Lần thứ ba, khi tôi hỏi, một nửa các vị đáp rằng biết, một nửa lại nói không biết. Đây là phản ánh ra sự hoài nghi, không ổn định trong suy nghĩ. Một người mà đầu não không ổn định lại được, tràn ngập nghi ngờ thì không thể tiếp thu được những tri thức chính xác. Nó giống như chiếc chén đựng nước nhiễm bẩn vậy. Nước đã bị nhiễm bẩn, lại rót thêm nước sạch vào thì nước sạch ấy cũng sẽ bị nhiễm bẩn như vậy.

Các vị, chỉ khi chúng ta có thể tĩnh hạ tâm xuống, giữ cho đầu óc thanh tỉnh, yên tĩnh, không suy nghĩ miên man, chúng ta mới có thể nghe thấy được những thanh âm ở sâu thẳm trong tâm linh mình, đồng thời tiếp thu được những trí tuệ mới.

Sự trầm tĩnh trong tâm giống như khoảng không trong chiếc chén, có thể dung nạp được những nguồn tri thức một cách sáng suốt nhất và thâm sâu nhất.

An Hòa- Tri thuc tre